Đạo Cao Đài
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đạo Cao Đài, tên gọi đầy đủ là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, là một trong những tôn giáo phát triển ở miền Nam Việt Nam, được hình thành vào thập niên 1920, khi phong trào chống Pháp bị đàn áp. Đạo Cao Đài là dung hợp một số tôn giáo đã có để lập ra một tôn giáo mới.
Đạo Cao Đài có tính "tổng hợp" và "linh hoạt". Giáo lý Cao Đài cho rằng từ khi có loài người, Thượng Đế đã hai lần cứu rỗi (phổ độ) chúng sinh. Lúc đầu loài người sống riêng rẽ, lẻ loi nên lập các tôn giáo khác nhau để phù hợp với từng vùng. Tất cả các tôn giáo này đều có cùng một gốc là Thượng Đế, và có cùng một mục đích là cứu rỗi chúng sinh nhưng vì tồn tại riêng rẽ nên dẫn đến xung đột. Ngày nay, điều kiện giao lưu dễ dàng, "năm châu chung chợ, bốn phương chung nhà", Ngọc Hoàng quyết định lập ra tôn giáo mới và tự làm giáo chủ để phổ độ chúng sinh lần thứ ba. Đạo Cao Đài không chỉ dung hợp "tam giáo" mà còn hết thảy "vạn giáo", dung hợp tâm linh con người với tâm linh vũ trụ. Tôn chỉ của Đạo Cao Đài là "Thiên nhân hợp nhất" và "Vạn giáo nhất lý".
Cao Đài bao gồm hai pháp môn là "vô vi" và "phổ độ". Phổ độ mang tính phổ thông, dễ theo, cho tất cả mọi người; vô vi cao siêu, dành cho một số ít người. Phổ độ chủ trì phần xác còn vô vi chủ trì phần hồn. Khi thờ cúng cần phải có ba thứ là hoa (tượng trưng cho "tinh"), rượu (tượng trưng cho "khí") và trà (tượng trưng cho "thần"). Tinh-Khí-Thần hợp thành tam bảo của đạo Cao Đài.
|
Đạo Cao Đài xem mình là một tôn giáo "chính thức" và "chính danh". Chính thức vì các vị tông đồ đầu tiên đã lập tờ Khai Tịch Đạo gởi đến chính quyền Việt Nam ngày 29 tháng 9 năm 1926 (tức ngày 23 tháng 8 năm Bính Dần); và tổ chức đại lễ Khai Minh Đại Đạo trước chính quyền và công chúng ngày 19 tháng 11 năm 1926 (tức ngày 15 tháng 10 năm Bính Dần). Trong lễ này hàng Giáo phẩm được tấn phong và thọ lãnh Pháp Chánh Truyền của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Chính danh vì đạo Cao Đài có đức tin nơi Đức Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng; có Giáo Hội hoàn chỉnh tại Tòa thánh để điều khiển toàn đạo; có Giáo luật và kinh sách truyền bá tôn chỉ, mục đích, giáo lý Đạo; có Giáo pháp công truyền lẫn tâm truyền; có đông đảo tín đồ và nhiều Thánh thất ở trong nước và nước ngoài.
[sửa] Diễn tiến ba kỳ phổ độ
Kỳ I | Phục Hy | Thần Nông | Nhiên Đăng Cổ Phật | Moise Abraham | |
Kỳ II | Khổng Tử | Lão Tử | Thích Ca | Jesus | Mohamet |
Kỳ III | Cao Đài |
Tại kỳ thứ ba, đích thân Thượng Đế làm giáo chủ với danh hiệu "Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma-ha-tát", gọi tắt là Cao Đài. Chính danh hiệu này là sự tổng hợp của ba tôn giáo cơ bản ở Việt Nam là Nho giáo (Cao Đài) - Đạo giáo (Tiên Ông) - Phật giáo (Đại Bồ Tát Ma-ha-tát). Phương tiện liên lạc giữa Thượng Đế và các tiên, thánh giúp cho người là "cơ bút". Kinh sách chủ yếu là Thánh ngôn hiệp tuyển. Đệ tử đầu tiên mà đức Cao Đài chọn để lập đạo là ông Ngô Minh Chiêu (tên thật: Ngô Văn Chiêu) (1878-1932).
[sửa] Thiên Nhãn: thánh tượng Cao Đài
[sửa] Lịch sử
Thánh tượng Thiên Nhãn của đạo Cao Đài hiện ra lần đầu cho người đệ tử đầu tiên thấy được là Ngô Minh Chiêu tại Dương Đông, Phú Quốc vào năm 1921. Ngô Minh Chiêu trực nhận đây là mặc khải của Đức Thượng Đế để chọn tượng thờ cho Đạo và đã họa lại Thiên Nhãn là hình con mắt trái rất uy nghiêm để tôn thờ và ít lâu sau truyền lại cho đồng đạo.
Ngày nay thánh tượng Thiên Nhãn là tượng thờ tối cao trong toàn đạo Cao Đài, tại các thánh thất cũng như tại tư gia tín hữu.
[sửa] Ý nghĩa
Đức Cao Đài dạy rằng Thiên Nhãn là "lý mầu nhiệm" của Đạo, buổi ban sơ môn đệ của Ngài khó hiểu hết ý nghĩa. Tuy nhiên, dần dần theo sự xiển dương sâu rộng của nền giáo lý công truyền và tâm truyền, người tín hữu Cao Đài có thể suy nghiệm các nghĩa lý căn bản, phổ quát của Thiên Nhãn như sau:
- Nghĩa tôn giáo: Thánh Tượng Thiên Nhãn là tượng thờ tối cao của Đạo Cao Đài. Thiên Nhãn tượng trưng cho Chơn Thần của Thượng Đế. Ngài nói: "Thần cư tại nhãn". Mà Thần của người lại do Trời phú bẩm. Vậy thờ Thiên Nhãn là thờ Thượng Đế Chí Tôn của vũ trụ mà cũng chính là thờ Thượng Đế nội tại trong mỗi con người nữa.
Mỗi giờ cúng kính, người tín hữu Cao Đài gom Thần nhìn ngay Thiên Nhãn để tạo điều kiện Thiên Nhân hiệp nhứt. Con người là linh quang từ Trời ra đi, nay hướng về Thiên Nhãn để tìm đường trở lại cùng Trời.
- Nghĩa giáo lý công truyền: Thiên Nhãn là biểu tượng của "Tâm", vì "Nhãn thị chủ tâm"2. Mà hướng nội, hướng tâm hay qui tâm, theo giáo lý Tam giáo là đường lối tu tiến của con người vì "Tâm" là gốc, là chủ tể3, nguyên nhân của tất cả các nguyên nhân; "Tâm" là Đạo, là Chơn ngã; giáo lý Phật giáo có câu: "Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức".
Kinh Đại Thừa Chơn Giáo4 có viết: "Trong trời đất có cái lý nhứt định thanh quang là Thái Cực, làm 'trung tâm điểm' cho vũ trụ càn khôn muôn loài vạn vật. Cái 'lý độc nhứt' ấy toàn tri toàn năng biến hóa vô cùng vô tận, dưỡng dục cả sanh linh, bảo tồn cả vạn loại... Còn với nhân loại, cái 'tấm lòng' lại là trung tâm của con người ... Cái trung tâm đạo ấy rất mầu nhiệm thông linh làm cho con người được an vui trên con đường tiến hóa. Vậy người phải lấy cái tâm làm chủ tể."
Theo đạo học, Thiên Nhãn chính là Thái Cực vậy.
- Nghĩa giáo lý tâm truyền: Thiên Nhãn là biểu tượng của "thần", vì "Thần cư tại Nhãn"5. Thần là sức mạnh siêu nhiên của chủ thể.
Đối với Thượng Đế, Thần hay "Chơn thần" là quyền năng tối thượng của Ngài tác động lên toàn thể vũ trụ vạn vật. Trong kinh Đại Thừa Chơn Giáo Ngài dạy: "Tại sao Thiên Nhãn là Thầy? ... Nhãn là cửa trái tim của con người. Trái tim ấy là Tạo hóa, tức là Thần, mà Thần là cái Lý Hư vô. Lý Hư vô ấy là Trời vậy."6
Đối với con người, Thần thể hiện sức mạnh tinh thần khi con người đạt đến khả năng tập trung cao nhất của Tâm.
Về Đạo pháp, Thần là một trong ba món báu (Tam bửu) của Tiểu thiên địa nhân thân: Tinh-Khí-Thần. Sự tu luyện theo Tiên đạo là hàm dưỡng đầy đủ và hiệp nhứt được Tam bửu mới đắc đạo. Từ khi mới khai Đạo, Đức Cao Đài Giáo Chủ đã phán rằng "Lập Tam kỳ phổ độ nầy, duy Thầy cho "Thần" hiệp "Tinh–Khí" đặng hiệp đủ Tam bửu là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập thánh."7
Vậy Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thờ Thiên Nhãn là thờ Thượng Đề hữu ngã và là thờ Chơn Thần của vũ trụ tức Thượng Đế vô ngã, là Bản nguyên của vũ trụ vạn vật, mà cũng là cứu cánh của chúng sanh.
[sửa] Các thánh
Trong Tòa thánh Tây Ninh hiện nay thờ 3 vị mà đạo Cao Đài chính thức nhận là Thánh của đạo mình, đó là Tôn Trung Sơn, Victor Hugo và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong ảnh ở liên kết kề bên, 3 vị đó đứng kế nhau từ trái qua phải [1]
[sửa] Chú thích
- Dictionaire des Religions, E. Royton Pike, Presses Universitaires De France, 1954, p.218
- Thánh ngôn hiệp tuyển, TT. Tây ninh, 1973, Q.1, tr.12
- Tuân tử (310 TCN-230 TCN) cho rằng tâm là chủ tể của vạn sự vạn vật "Tâm giả hình chi quân giã, nhi thần minh chi chủ giã, xuất lệnh nhi vô sở thụ lệnh..." Giải tế, XXI (Tâm là vua cái hình thể, là chủ cái thần minh, ra lệnh mà không chịu lệnh ở đâu cả) [xem Nho giáo, Trần Trọng Kim, q.Th. tr.240]
- ĐTCG, Chiếu Minh, Chữ Tâm
- TNHT, Tây ninh, sđd, tr.12
- ĐTCG, Chiếu Minh, Mục Thiên Nhãn,
- TNHT, Tây Ninh, sđd, tr12
[sửa] Lịch sử
[sửa] Người sáng lập
Đạo Cao Đài do Đức Cao Đài Thượng Đế, tức Ngọc Hoàng Thượng Đế mà Thiên Chúa giáo gọi là Đức Chúa Trời, sáng lập tại Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 qua các sự kiện chính yếu sau đây:
- Vào đầu năm 1921, qua phương tiện thông linh bằng cơ bút (giáng cơ), Đức Thượng Đế lần đầu tiên xưng danh là "Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma-Ha-Tát" và chánh thức thâu nhận Ngô Minh Chiêu làm đệ tử đầu tiên.
- Sau khi các vị Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang vâng lịnh làm lễ vọng thiên cầu đạo vào ngày 16 tháng 12 năm 1925 (tức ngày 1 tháng 11 năm Ất Sửu); ngày 19 tháng 12 Đức Thượng Đế giáng cơ mừng cho các ông: "Mừng nay gặp gỡ Đạo Cao Đài".
- Đêm Giáng Sinh 24 tháng 12 năm 1925, Ngài giáng cơ dạy như sau:
- Ngọc Hoàng Thượng Đế Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát Giáo Đạo Nam Phương,
- Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
- Vui lòng tu niệm hưởng ân thiên;
- Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
- Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.
(TNHT, QI, 1973, tr.5)
Vậy Đạo Cao Đài do Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế tức Đức Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát sáng lập.
[sửa] Đệ tử đầu tiên
Người đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài là Ngô Minh Chiêu (thế danh là Ngô Văn Chiêu) vì:
- Vào đầu năm 1920, trong một buổi cầu tiên tại nhà ở Tân An (tỉnh Long An ngày nay), có một vị tiên giáng cơ xưng là "Cao Đài Tiên Ông" mà trước đó chưa hề có ai được biết danh hiệu gồm bốn chữ này.
- Vào Trung Thu năm Canh Thân (ngày 26 tháng 9 năm 1920), tại Hà Tiên, Ngô Minh Chiêu được biết danh hiệu "Cao Đài" lần nữa qua các câu thánh thi:
- Cao Đài minh nguyệt Ngô Văn Chiêu,
- Linh lung vạn hộc thể quang Diêu.
- Và vào đầu năm 1921, Đức Cao Đài chính thức thâu nhận Ngô Văn Chiêu làm đệ tử đầu tiên tại Phú Quốc.
[sửa] Ý nghĩa của hai chữ Cao Đài
- Cao Đài nghĩa đen là cái đài, cái tháp cao, ám chỉ đỉnh cao nhứt của vũ trụ, là đích tiến hóa sau cùng của chúng sanh.
- Cao Đài là tá danh của Đức Thượng Đế khi mở Đạo kỳ thứ ba này, nhằm nêu lên thiên ý là Đấng Tối Cao đang đến dìu dắt nhân loại quay trở về nguồn cội cao nhứt của mình chính là Thượng Đế.
- Cao Đài cũng chính là chỗ cao nhứt trong tâm linh con người, đạo pháp gọi là Nê huờn cung trong não bộ. Đạt đến nơi đó con người có thể thông công, hiệp nhứt được với Thượng Đế là Cao Đài của vũ trụ.
Mở đầu Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển sách sưu tập những bài thánh ngôn trong thời kỳ sơ khai của đạo Cao Đài, sẽ thấy ngay hồng danh này: "NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ viết CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT Giáo Đạo Nam Phương" (Giáng sinh 25-12-1925).
Cũng trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (Q. I, TT. Tây Ninh, 1973, tr.23), vào ngày 26.4 Bính Dần (8.6.1926) có bài Thánh ngôn bằng Pháp văn xưng danh như sau:
Cao Đài, Le Très Haut (Cao Đài, Đấng Tối Cao)
Ngày 28 tháng 10 năm 1926 cũng viết: Dieu Tout Puissant qui vient sous le nom de Cao Đài (Thượng Đế toàn năng đến dưới danh hiệu Cao Đài) (Sđd, tr.55)
Qua cách xưng danh như trên, Đức "Cao Đài" xác nhận chính Ngài là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế trên Thiên Đình.
Giáo lý Cao Đài còn giải thích danh hiệu "Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát" là tiêu biểu cho tôn chỉ "Tam giáo qui nguyên" của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ như đã nêu trên.