Bình Nguyên Lộc
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
[sửa] Tiểu Sử
Bình Nguyên Lộc (1914-1987) là một nhà văn lớn Nam bộ, tên thật là Tô Văn Tuấn, sinh ngày 17 tháng 3 năm 1914 tại làng Tân Uyên, tổng Chánh Mĩ Trung, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) con trai ông Tô Phương Sâm ( 1878- 1970) và bà Dương Thị Mão (1879-1971). Ngoài bút hiệu trên, ông còn kí các bút danh: Phong Ngạn, Hồ Văn Huấn.
Bình Nguyên Lộc xuất thân trong một gia đình nông lâm nghiệp, thưở nhỏ học chữ Hán với một thầy ở làng, tiểu học Pháp Việt ở quê. Năm 1928 xuống Sài Gòn học trung học tại trường Pétrus Ký, đậu tú tài phần thứ nhứt niên khóa 1933-1934 nhằm lúc kinh tế khủng hoảng nên không tiếp tục học được nữa.
Năm 1934 về quê lập gia đình với cô Dương Thị Thiệt (1916-1988) rồi làm công chức kho bạc tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương), năm 1936 đổi về Sài Gòn làm nhân viên kế toán ở Tổng Nha Ngân Khố Sài Gòn. Vào thời gian này ông bắt đầu viết. Truyện ngắn đầu tay có tên là Phù sa đăng trên tạp chí Thanh Niên của KTS Huỳnh Tấn Phát, quen thân với các vị trong báo Thanh Niên: Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Hoàng Tư, Lâm Thao Huỳnh Văn Phương, Dương Tử Giang, Nguyễn Tấn Sĩ... ở Sài Gòn từ năm 1943. Truyện ngắn trên viết về công cuộc Nam tiến của tiền nhân ta trên đường mở sinh lộ vào miền đất mới- Nam Kì. Vào thời điểm này ông hoàn tất tác phẩm hương gió Đồng Nai (khởi thảo từ năm 1935) là tác phẩm đầu tay của ông. Đây là một tập truyện ngắn và tùy bút bát ngát hương đồng cỏ nội đất Đồng Nai; tác phẩm này được Xuân Diệu, Huy Cận và vài nhà văn khác tán thưởng, nhưng sau đó đã bị thất lạc trong chiến tranh.
Năm 1944 bị bệnh thần kinh gần một năm, đến năm 1945 bỏ đời sống công chức. Cùng năm ông tản cư về quê ở Tân Uyên, tham gia chống Pháp.Sau đó ông hồi cư về Lái Thiêu. Năm 1949 xuống Sài Gòn sống với nghề viết văn làm báo đến cuối đời.
Năm 1950, ông viết cuốn Nhốt gió và xuất bản cùng năm, từ năm 1952 đến năm 1956 làm thơ kí tòa soạn cho vài tờ báo xuất bản tại Sài Gòn. Vào những năm 1944-1947 bệnh cũ tái phát gây khủng hoảng tinh thần nên không có tác phẩm nào ra đời.
Năm 1958, ông chủ trương tuần báo Vui sống. Đây là một tuần báo văn nghệ có khuynh hướng y tâm bệnh nhằm áp dụng kiến thức y học phổ thông vào đời sống hiện hữu, báo quy tụ nhiều cây bút sáng giá như: Đông Hồ Lâm Tấn Phác, Thanh Nghị Hoàng Trọng Quị, Lê Trương Ngô Đình Hộ, Thiếu Sơn Lê Sĩ Quí,...
Từ khi hồi cư về Sài Gòn, ông chính thức sống bằng ngòi bút, được nhiều chủ báo mời làm chủ bút các nhật báo tại đây. Khi làm chủ bút, ông đã có nhiều sáng kiến trong việc trông nom bài vở cho một nhật báo thông tin thì "báo đó phải là một tờ báo thông tin chuyên nghiệp".
Năm 1960, ông cùng các văn thi hữu thành lập nhà xuất bản Bến Nghé xuất bản các tác phẩm văn chương mang hương sắc Đồng Nai, Bến Nghé. Hầu hết các tác phẩm của nhà xuất bản này đều nhằm làm sống dậy cái sinh khí của miền đất mới, trong đó có Gia Định xưa và Biên Hòa (quê ông).
Những năm 60-70, ông vẫn làm báo (chủ bút nhiều nhật báo tại Sài Gòn) và sáng tác đều tay, hằng năm có đôi ba tác phẩm ra mắt công chúng độc giả.
Độc giả của Bình Nguyên Lộc hầu hết là người dân từng sống ở nông thôn vì chiến tranh mới lưu tán về các đô thị. Thế cho nên bối cảnh, nhân vật, tâm tư, tình cảm của các nhân vật trong các tác phẩm của ông đều liên hệ với vận nước lúc đó.
Sau 1975, ông ngưng cầm bút vì bệnh nặng. Tháng 10 năm 1985, ông được gia đình bảo lãnh sang Hoa Kì chữa bệnh. Đến ngày 7 tháng 3 năm 1987, ông từ trần tại Rancho Cordova, Sacramento, California, Hoa Kì, thọ 74 tuổi. Vợ ông( bà Dương Thị Thiệt) cũng qua đời vào ngày 9 tháng 10 năm 1988 cùng nơi với ông. Ông có nhiều người con, trong đó có trưởng nam là bác sĩ chuyên khoa tâm thần Tô Dương Hiệp, có lúc bác sĩ Hiệp làm phó giám đốc bệnh viện tâm thần Nguyễn Văn Hoài Biên Hòa và mất trước năm 1975.
[sửa] Tác Phẩm
[sửa] Nghiên cứu
•Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (1971), NXB Bách Bộc.
•Lột trần Viêt Ngữ (1972), NXB Nguồn Xưa.
•Từ vựng đối chiếu 10 ngàn từ (1971).
•Từ vựng danh từ Mã Lai mà Trung Hoa vay mượn (1972).