Chiến dịch Xuân Lộc (tạm)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trận Xuân Lộc
Quân Nam Việt Nam đổ quân ứng cứu Xuân Lộc 4.1975 (Nguồn: Việt Nam 30 năm chiến tranh giải phóng- NXB Thông tin) Mọi cố gắng cuối cùng của quân đội Nam Việt Nam trông vào tuyến phòng thủ Xuân Lộc của Sư đoàn 18 Nam Việt Nam đang chống lại đối phương là Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long - bao gồm các đơn vị từ mặt trận Đông Nam Bộ của quân Cộng sản gồm 3 sư đoàn 6, 7, 341 và các lữ đoàn, trung đoàn độc lập). Ngày 9 tháng 4, Quân đoàn 4 Cộng sản định đánh chiếm thị xã Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh trên hành tiến, nhưng Sư đoàn 18 đã kháng cự dũng cảm, ác liệt, có tổ chức và đã giữ vững được thị xã. Đây là trận đánh dài ngày có tổ chức cuối cùng của quân đội Việt Nam Cộng hoà. Quân Nam Việt Nam tiếp viện cho Xuân Lộc bằng Lữ đoàn 1 dù và Lữ đoàn 3 thiết giáp - những lực lượng dự bị cuối cùng - với hy vọng bằng tấm gương Xuân Lộc sẽ cổ vũ toàn thể lực lượng còn lại vững tin chống lại quân địch đang xốc tới và gây tiếng vang để Hoa Kỳ tin tưởng tiếp tục viện trợ. Quân đoàn 4 của Bắc Việt không lấy được thị xã trong hành tiến buộc phải dừng lại xây dựng trận địa tiến công, họ không đánh trực diện vào quân phòng thủ mà triệt ứng cứu từ phía Biên Hoà. Đồng thời họ không mất thì giờ với Xuân Lộc mà đi vòng để tiến đến Biên Hoà. Biên Hoà bị uy hiếp, phòng tuyến Xuân Lộc không còn ý nghĩa phòng thủ nữa. Ngày 21 tháng 4, quân phòng thủ Nam Việt Nam bỏ Xuân Lộc rút lui có trật tự sang bên kia sông Đồng Nai cố thủ. Tại mặt trận Xuân Lộc, quân đội Nam Việt Nam đã dùng không quân ném hai quả bom CBU-55 "địa chấn" tại vị trí ngã ba Dầu Giây gây thương vong rất lớn cho phía Cộng sản. Theo nguồn tin của phía Nam Việt nam hai quả bom này đã tiêu diệt gần 1 vạn quân Cộng sản, có lẽ số liệu này đã được phóng đại. Với việc bỏ Xuân Lộc, Sài Gòn không còn được phòng thủ từ xa nữa, quân Giải phóng Miền Nam đang áp sát thành phố ở các tuyến ngoại vi. Ngày Xuân Lộc thất thủ, không còn gì để cứu vãn nữa, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức để người khác đàm phán với Cộng sản. Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay nhưng phía Cộng sản không chấp nhận nói chuyện với ông ta. Các lực lượng chính trị thứ ba đã dàn xếp để đưa Đại tướng Dương Văn Minh lên làm tổng thống ngày 28 tháng 4 năm 1975.