Hồng ngọc
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
- Xin xem các mục từ khác có tên tương tự ở Hồng ngọc (định hướng).
Hồng ngọc, hay ngọc đỏ, là một loại đá quý thuộc về loại khoáng chất corundum. Chỉ có những Corundum màu đỏ mới được gọi là hồng ngọc, các loại corundum khác được gọi là xa-phia (tiếng Anh: sapphire). Màu đỏ của hồng ngọc là do thành phần nhỏ của nguyên tố crôm trong ngọc tạo nên. Tên loại đá này (tiếng Anh ruby) xuất phát từ ruber trong tiếng La tinh có nghĩa là "màu đỏ". Hồng ngọc trong tự nhiên rất hiếm, các loại hồng ngọc được sản xuất nhân tạo tương đối rẻ hơn.
Ngoại trừ châu Nam Cực ra các châu khác đều có mỏ hồng ngọc. Thường chỉ có hồng ngọc từ châu Á mới được ưa chuộng. Myanma, Thái Lan và Sri Lanka, nơi các mỏ bắt đầu hiếm đi, là các nước xuất khẩu quan trọng nhất. Hồng ngọc cũng được tìm thấy ở Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Afghanistan và Việt Nam. Hồng ngọc từ châu Phi (Kenya, Tanzania...) cũng có giá trị cao. Bắc Mỹ (North Carolina), Nam Mỹ (Columbia) và ở Úc chỉ có ít quặng mỏ hồng ngọc. Ở châu Âu người ta cũng đã phát hiện loại đá quý này ở Phần Lan, Na Uy và Macedonia. Hồng ngọc từ mỗi nước có những khác nhau nhỏ.
Hồng ngọc có độ cứng 9 trên thang độ cứng Mohs của độ cứng khoáng sản. Trong các loại đá quý chỉ có kim cương là cứng hơn. Bắt đầu từ thế kỷ thứ 19 người ta biết được quan hệ họ hàng giữa hồng ngọc và xa-phia. Hồng ngọc có màu đẹp và tinh khiết rất hiếm có trong tự nhiên. Chính crôm, nguyên tố tạo màu cho hồng ngọc, lại là nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Mặc dù tạo cho hồng ngọc một màu rất đẹp khi loại đá quý này hình thành hằng triệu năm trước đây, crôm cũng đồng thời tạo nên các vết nứt gãy bên trong các tinh thể. Chỉ có rất ít tinh thể hồng ngọc là có thể kết tinh dưới các điều kiện tối ưu để trở thành một hòn đá quý hoàn mỹ. Vì thế những viên hồng ngọc đẹp lớn hơn 3 cara là rất hiếm.
[sửa] Xem thêm
[sửa] Liên kết ngoài
- Trả màu thật cho đá quý bằng công nghệ xử lý nhiệt
- Mốt xài đá Ruby của dân chơi chứng khoán
- Hồng ngọc làm chậm tốc độ ánh sáng