Nguyễn Thị Bình
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nguyễn Thị Bình (26 tháng 5, 1927-), là một nữ chính trị gia nổi tiếng của Việt Nam. Bà nổi tiếng trên thế giới khi giữ cương vị Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968-1973. Bà là 1 trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973. Bà cũng từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước Việt Nam từ 1992 đến 2002.
Mục lục |
[sửa] Thân thế và bước đầu sự nghiệp chính trị
Bà tên thật là Nguyễn Châu Sa hay Nguyễn Thị Châu Sa[1], sinh ngày 26 tháng 5 năm 1927 tại Châu Đốc, Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Tuy nhiên, nguyên quán của thân phụ bà là ông Nguyễn Ðồng Hợi, lại ở Điện Bàn, Quảng Nam. Thân mẫu bà là bà Phan Thị Châu Lan (tục gọi là cô Mè, 1904-1944), là người con gái thứ hai của nhà chí sĩ Phan Chu Trinh[cần chú thích].
Xuất thân trong gia đình gia giáo, thân phụ của bà là từng làm tham tá công chánh (Agent technique) thời Pháp thuộc, từ nhỏ bà được cho ăn học ở một trường nổi tiếng ở Đông Dương thời bấy giờ là trường Lycée Sisowath (Phnom Penh, Campuchia). Bà được học tiếng Pháp từ nhỏ đến hết tú tài I, và học rất khá.
Thân mẫu mất sớm lúc bà mới 17 tuổi, thân phụ làm công tác họa đồ công chánh (ông còn được gọi là Họa đồ Hợi) nên thường xuyên ít cư trú cố định, học hết tú tài I, bà trở về nước và bắt đầu tham gia các hoạt động yêu nước trong phong trào sinh viên học sinh như cứu tế và cướp chính quyền tại Sài Gòn.
Sau khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, thân phụ bà ra chiến khu theo lời kêu gọi của Ủy ban hành chánh kháng chiến Nam Bộ. Riêng bà ở lại để chăm sóc các em, vừa hoạt động bí mật cho phong trào Việt Minh khối sinh viên học sinh và phụ nữ. Lúc này, bà lấy bí danh là Yến Sa [2]. Năm 1948, bà được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương [3]. Năm 1951, bà bị thực dân Pháp bắt giam và bị tra khảo tại bót Catinat, sau đó bị giam ở Khám Lớn rồi nhà lao Chí Hòa (1951-1953).
Năm 1954, bà ra tù và tham gia luôn vào phong trào hoà bình đòi thi hành Hiệp định Genève. Năm 1955, bà được điều ra Bắc tập kết và được đào tạo thêm theo chương trình bồi dưỡng cán bộ đặc biệt.
[sửa] Trở thành nhà ngoại giao
Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Năm 1962, bà được điều trở lại miền Nam với cái tên mới là Nguyễn Thị Bình, giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Mặt trận Giải phóng, hoạt động ở mảng đối ngoại, kiêm Phó tổng thư ký Hội Phụ nữ Giải phóng. Cuối năm 1968, bà được cử làm Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Giải phóng sang Paris dự Hội nghị Paris về Việt Nam, đến đầu tháng 1 năm 1969, ông Trần Bửu Kiếm giữ chức vụ trưởng đoàn, còn bàn được rút về nước để chuẩn bị cho việc thành lập Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngày 6 tháng 6 năm 1969, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, bà được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Sau đó bà lại trở sang Paris đảm nhận lại chức vụ Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ lâm thời. Trong suốt thời gian 1968-1972, bà nổi tiếng trong các cuộc họp báo tại hội nghị 4 bên tại Paris, với phong cách ngoại giao lịch lãm và duyên dáng, và được giới truyền thông đặt cho biệt hiệu "Madame Bình". Khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, bà là người thay mặt một trong bốn bên ký vào bản Hiệp định.
[sửa] Các chức vụ thời bình
Sau khi đất nước thống nhất, bà làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1976-1987), rồi Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng (1987-1992). Bà còn là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá V (03/1991), Đại biểu Quốc hội từ khoá VI đến khoá X (1976-2002).
Năm 1992, tại kỳ họp Quốc hội khóa IX, bà được bầu làm Phó chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và giữ chức vụ này liên tục trong 10 năm (1992-2002). Bà là người phụ nữ Việt Nam thứ hai giữ chức vụ phó nguyên thủ [4]và là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ Phó chủ tịch nước.
Bà nghỉ hưu từ năm 2002, tuy nhiên bà lại được bầu vào chức vụ Chủ tịch danh dự của Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Hội nạn nhân chất độc màu da cam.
[sửa] Gia đình
Bà lập gia đình với ông Đinh Khang [5] năm 1955. Hai người có với nhau 2 người con: một trai một gái. Ông Đinh Khang qua đời năm 1989.
[sửa] Chú thích
- ▲ Có tài liệu ghi tên bà được đặt ghép từ 2 địa danh nơi bà sinh ra là Châu Đốc và Sa Đéc, đồng thời cũng lấy từ chữ Châu từ chữ lót của ông ngoại và thân mẫu bà
- ▲ Có tài liệu ghi là Kim Sa
- ▲ lúc đó đã rút vào bí mật, hoạt động dưới tên gọi Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương
- ▲ Người phụ nữ đầu tiên là bà Nguyễn Thị Định, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước 1987-1992
- ▲ sau là Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam