Phật Mẫu Man Nương
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Truyền thuyết kể rằng Phật Mẫu Man Nương là người con gái rất sùng đạo, không lấy chồng mà đi tu ở chùa Linh Quang, Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tại chùa có ông Khâu Đà La là một vị cao tăng đầu tiên sang Việt Nam truyền đạo tại đây.
Một hôm bà Man Nương ngồi tựa cửa đợi ông đi hành hương về, vì trời tối ông vô tình bước qua người bà, sau đó bà thụ thai. Ông cho rằng đó là điềm báo đứa trẻ sinh ra sau này sẽ trở thành Phật.
Sau đó, bà Man Nương sinh hạ một người con gái vào ngày 8 tháng 4, ngày này về sau được lấy là ngày hội chùa Dâu. Trước khi trở về Ấn Độ, ông Khâu Đà La đã niệm chú cho cây "dương thụ" (cây dâu) ở chùa Linh Quang nứt ra và gửi con gái của bà Man Nương vào đó. Ông còn trao cho bà một cây gậy thần và dặn khi nào hạn hán thì đem gậy cắm xuống đất để cứu nhân dân. Khi nước ta bị hạn hán ba năm liền, nhớ đến lời dặn của ông, bà đã đem cây gậy thần cắm xuống đất. Ngay lập tức nước phun lên, cây cối, ruộng đồng lại tươi tốt và chúng sinh thoát nạn hạn hán. Tiếp đó có trận mưa to, cây dương thụ bị gió bão quật đổ xuống sông Thiên Đức - sông Dâu. Khi đó, Thái thú Sĩ Nhiếp cho quân lính vớt lên đã để nhầm ở đền Kính Thiên, có vị thần về báo mộng phải làm Tứ pháp để thờ. Sĩ Nhiếp liền tuyển mười người họ Đào tạc tượng Tứ pháp là Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp Lôi - Pháp Điện, hay còn gọi là Bà Dâu - Bà Đậu - Bà Dàn - Bà Tướng. Bốn bà tượng trưng cho Mây, Mưa, Sấm, Chớp, đại diện cho các hiện tượng tự nhiên có vai trò quan trọng trong xã hội nông nghiệp.