Pleiku
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Pleiku (cũng còn viết Plei Cu, Plây Cu), là thành phố, tỉnh lỵ của tỉnh Gia Lai ở vùng Tây Nguyên, Việt Nam.
Mục lục |
[sửa] Vị trí địa lý
Thành phố Pleiku là đô thị phía Bắc Tây Nguyên, nằm trên trục giao thông giữa quốc lộ 14, quốc lộ 19 nối thông suốt cả nước, gần ngã ba Đông Dương, nằm trên cung đường Hồ Chí Minh, và trong vùng tam giác tăng trưởng các tỉnh lân cận, tiếp giáp Campuchia, Lào. Tổng diện tích tự nhiên là 26.060,6 ha, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh Gia Lai..
[sửa] Dân số, dân tộc
Dân số 188.223 người, bao gồm 28 dân tộc đang sinh sống; người Kinh chiếm đa số (87,5%), còn lại là các dân tộc khác, chủ yếu là các dân tộc Gia Rai và Ba Na (12,5%). Số người trong độ tuổi lao động khoảng 76.262 người chiếm 38% dân số.
Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm nhanh, đến năm 2004 đạt 1,14%. Kết quả trên đã góp phần tích cực cho công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
[sửa] Phân chia hành chính
Thành phố có 11 phường (trong đó có Phường Thắng Lợi là phường mới được thành lập vào cuối năm 2006 - nó được tách ra từ 1 phần địa giới hành chính của xã Chư Á), 9 xã, trong đó : đất nội thành là 5.368,61 ha với dân số khoảng 134 ngàn người (10 phường). Hệ thống giao thông, lưới điện quốc gia, thông tin liên lạc đã thông suốt từ thành phố đến 19 xã, phường.
Các phường bao gồm Diên Hồng, Ia Kring, Hội Thương, Hoa Lư, Tây Sơn, Thống Nhất, Hội Phú, Yên Đỗ, Yên Thế, Trà Bá, Thắng Lợi và các xã bao gồm Biển Hồ, Chư H'Drông, An Phú, Trà Đa, Gào, Diên Phú, Tây Sơn, Ia Kênh, Chư Á.
[sửa] Kinh tế
Thành phố có ưu thế về thổ nhưỡng, thời tiết thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp : Cao su, cà phê, hồ tiêu, cây lâm sản đa dạng.
Các tiềm năng về du lịch từ các công trình thủy điện, thủy lợi, cảnh quan thiên nhiên do đặc thù địa hình Tây Nguyên mang lại như : du lịch sinh thái, cảnh quan, lịch sử.v.v.
Ưu thế về đất đai rộng, chưa được khai thác nhiều, có khả năng thu hút đầu tư nhanh khi có chính sách phù hợp.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 14,65% (giai đoạn 1999 - 2004), cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng ngày càng tăng trong cơ cấu chung của GDP. Thu nhập bình quân đầu người đạt 662 USD/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 550 hộ chiếm 1,45% (cuối năm 2003 là : 1,78%), theo qui định của Bộ lao động thương binh và xã hội với tiêu chí đạt được như trên thì địa bàn thành phố cơ bản thoát nghèo.
Khu công nghiệp Trà Đa đang tiếp tục thu hút đầu tư của các doanh nghiệp (trên 30 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, đến nay đã có 13 doanh nghiệp đi vào hoạt động, 5 doanh nghiệp đang xây dựng cơ bản), khu Công nghiệp Nam Hàm Rồng, khu công nghiệp Bắc Biển Hồ điện đã có nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời Tỉnh đang quy hoạch phát triển cụm du lịch tham quan các cảnh quan đẹp của núi rừng Tây Nguyên : thác Phú Cường, thác Ba, thác Bầu Cạn, thủy điện Yaly, nhà lao Pleiku, Biển Hồ nước, công viên Đồng xanh, Diên Hồng, công viên văn hóa các dân tộc thiểu số…
Thành phố Pleiku đã được Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020. Đang tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư thi công các khu quy hoạch đã được phê duyệt : Khu dân cư Lê Thánh Tôn, Nguyễn Chí Thanh, Diên Phú, IaSoi; cụm CN-TTCN, khu đô thị mới Hoa Lư - Phù Đổng (Công ty FBS đang đầu tư xây dựng), suối Hội Phú (Tổng Công ty than đang đầu tư), và các khu dân cư mới theo quy hoạch, các khách sạn cao tầng.v.v.
[sửa] Cơ sở hạ tầng
Cấp nước sinh hoạt : tỷ lệ dân số được dùng nước sạch là 86%, cấp 128 lít nước/người/ngày.
Điện chiếu sáng : mạng lưới điện quốc gia đã kéo đến 19/19 xã, phường, thôn, làng. Hơn 99,21% số hộ dân được sử dụng lưới điện quốc gia.
Vệ sinh môi trường : được chú trọng đầu tư đồng bộ với sự phát triển hạ tầng đô thị, đến cuối năm 2004 thành phố sẽ quản lý, chăm sóc trên 6.000 cây xanh đường phố.
Hệ thống thông tin liên lạc: được mở rộng đầu tư nâng cấp, đến nay đã phủ sóng thông tin toàn bộ 19/19 xã, phường, thôn, làng, bản. Tính đến cuối năm 2003 số máy điện thoại lắp đặt bình quân đạt 16 máy/100 dân (dự kiến cuối năm 2004 đạt 19 máy/100 . Sân bay Cù Hanh đang được đầu tư nâng cấp để tiếp đón máy bay hạng nặng (A320).
Công sở, nhà dân đã được đầu tư nâng cấp khang trang, hiện đại, đến nay có hơn 80% nhà kiên cố và bán kiên cố. Khu vực nội thành phần lớn là nhà kiên cố, cao tầng; Trung tâm thương mại đã được đầu tư làm mới và hệ thống các chợ khu vực đi vào hoạt động ổn định.
Qua 5 năm xây dựng và phát triển đô thị, tổng mức đầu tư toàn xã hội trong 5 năm (1999 - 2004) trên địa bàn thành phố đạt hơn 1.245 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Thành phố đầu tư hơn 110 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, kết quả đạt khả quan như : đầu tư trên 64 tỷ đồng xây dựng mới, cải tạo nâng cấp 65 trường học (350 phòng học); đầu tư trên 24 tỷ đồng xây dựng 225 đường hẻm với tổng chiều dài 112 km đường giao thông nông thôn (đường láng nhựa và bê tông xi măng); cải tạo nâng cấp và xây dựng mới 72 phòng họp tổ dân phố thôn, làng…
[sửa] Giao thông
Hiện có 734,257 km đường bộ, bao gồm : 19,25 km đường bê tông ximăng; 85 km đường bê tông nhựa; 216,1 km đường láng nhựa; 32 km đường cấp phối và 381,9 km đường đất.
Sân bay Cù Hanh đang được đầu tư nâng cấp để tiếp nhận các máy bay lớn (A320)