Thất nghiệp
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thất nghiệp là từ Hán-Việt (thất: mất mát, nghiệp: việc làm) chỉ tình trạng không có việc làm mang lại thu nhập. Người cần việc mà không có việc sẽ gặp những khó khăn hoặc không thể chi trả các nghĩa vụ tài chính như nuôi dưỡng bản thân và gia đình, trang trải các khoản đóng góp, thuế, nợ nần, v.v.. Đây đồng thời là nguyên nhân của nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, nghiện hút, mại dâm, trộm cướp...
Trong kinh tế học, thất nghiệp là tình trạng người lao động muốn có việc làm mà không tìm được việc làm; tỷ lệ thất nghiệp là phần trăm số người lao động không có việc làm trên tổng số lực lượng lao động xã hội.
Lịch sử của tình trạng thất nghiệp chính là lịch sử của công cuộc công nghiệp hóa. Ở nông thôn, mặc dù có tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp một phần, làm việc ít thời gian ở nông thôn, nhưng thất nghiệp không bị coi là vấn đề nghiêm trọng.
Mục lục |
[sửa] Ảnh hưởng của thất nghiệp tới xã hội và nền kinh tế
[sửa] Thiệt thòi cá nhân
Không có việc làm đồng nghĩa với hạn chế giao tiếp với những người lao động khác, tiêu tốn thời gian vô nghĩa, áp lực tâm lý và tất nhiên là không có khả năng chi trả, mua sắm vật dụng thiết yếu cũng như các hàng hóa tiêu dùng. Yếu tố sau là vô cùng trầm trọng cho người gánh vác nghĩa vụ gia đình, nợ nần, chi trả chữa bệnh. Những nghiên cứu cụ thể [1]chỉ ra rằng, gia tăng thất nghiệp đi liền với gia tăng tỷ lệ tội phạm, tỷ lệ tự tử, và suy giảm chất lượng sức khỏe.
Theo một số quan điểm, rằng người lao động nhiều khi phải chọn công việc thu nhập thấp (trong khi tìm công việc phù hợp) bởi các lợi ích của bảo hiểm xã hội chỉ cung cấp cho những ai có quá trình làm việc trước đó. Về phía người sử dụng lao động thì sử dụng tình trạng thất nghiệp để gây sức ép với những người làm công cho mình (như không cải thiện môi trường làm việc, áp đặt năng suất cao, trả lương thấp, hạn chế cơ hội thăng tiến, v.v..).
Cái giá khác của thất nghiệp còn là, khi thiếu các nguồn tài chính và phúc lợi xã hội, cá nhân buộc phải làm những công việc không phù hợp với trình độ, năng lực. Như vậy thất nghiệp gây ra tình trạng làm việc dưới khả năng. Với ý nghĩa này, thì trợ cấp thất nghiệp là cần thiết.
Những thiệt thòi khi mất việc dẫn đến trầm uất, suy yếu ảnh hưởng của công đoàn, công nhân lao động vất vả hơn, chấp nhận thù lao ít ỏi hơn và sau cùng là chủ nghĩa bảo hộ việc làm. Chủ nghĩa này đặt ra những rào cản với người muốn gia nhập công việc, hạn chế di dân, và hạn chế cạnh tranh quốc tế. Cuối cùng, tình trạng thất nghiệp sẽ khiến cán cân đàm phán điều kiện lao động nghiêng về giới chủ, tăng chi phí khi rời công việc và giảm các lợi ích của việc tìm cơ hội thu nhập khác.
[sửa] Chi phí cho doanh nghiệp và giảm tăng trưởng kinh tế
Tỷ lệ thất nghiệp cao đồng nghĩa với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thấp – các nguồn lực con người không được sử dụng, bỏ phí cơ hội sản xuất thêm sản phẩm và dịch vụ.
Thất nghiệp còn có nghĩa là sản xuất ít hơn. Giảm tính hiệu quả của sản xuất theo quy mô.
Thất nghiệp dẫn đến nhu cầu xã hội giảm. Hàng hóa và dịch vụ không có người tiêu dùng, cơ hội kinh doanh ít ỏi, chất lượng sản phẩm và giá cả tụt giảm. Hơn nữa, tình trạng thất nghiệp cao đưa đến nhu cầu tiêu dùng ít đi so với khi nhiều việc làm, do đó mà cơ hội đầu tư cũng ít hơn.
[sửa] Lợi ích của thất nghiệp
Tình trạng thất nghiệp gia tăng tương quan với áp lực giảm lạm phát. Điều này được minh họa bằng đường cong Phillips trong kinh tế học.
Một tỷ lệ thất nghiệp vừa phải sẽ giúp cả người lao động và chủ sử dụng lao động. Người lao động có thể tìm những cơ hội việc khác phù hợp với khả năng, mong muốn và điều kiện cư trú. Về phía giới chủ, tình trạng thất nghiệp giúp họ tìm được người lao động phù hợp, tăng sự trung thành của người lao động. Do đó, ở một chừng mực nào đó, thất nghiệp đưa đến tăng năng suất lao động và tăng lợi nhuận.
[sửa] Nguyên nhân của thất nghiệp
Trong lịch sử loài người, thất nghiệp chỉ xuất hiện trong xã hội tư bản. Ở xã hội cộng đồng nguyên thủy, việc phải duy trì trật tự trong bầy đàn buộc mọi thành viên phải đóng góp lao động và được làm việc. Trong xã hội phong kiến châu Âu, truyền đời đất đai đảm bảo rằng con người luôn có việc làm. Ngay cả trong xã hội nô lệ, chủ nô cũng không bao giờ để tài sản của họ (nô lệ) rỗi rãi trong thời gian dài. Các nền kinh tế theo học thuyết Mác-Lênin cố gắng tạo việc làm cho mọi các nhân, thậm chí là phình to bộ máy nếu cần thiết (thực tế này có thể gọi là thất nghiệp một phần hay thất nghiệp ẩn nhưng đảm bảo cá nhân vẫn có thu nhập từ lao động).
Trong xã hội tư bản, giới chủ chạy theo mục đích tối thượng là lợi nhuận, mặt khác họ không phải chịu trách nhiệm cho việc sa thải người lao động, do đó họ vui lòng chấp nhận tình trạng thất nghiệp, thậm chí kiếm lợi từ tình trạng thất nghiệp. Người lao động không có các nguồn lực sản xuất trong tay để tự lao động phải chấp nhận đi làm thuê hoặc thất nghiệp.
Các học thuyết kinh tế học giải thích thất nghiệp theo các cách khác nhau. Kinh tế học Keynes nhấn mạnh rằng nhu cầu yếu sẽ dẫn đến cắt giảm sản xuất và sa thải công nhân (thất nghiệp chu kỳ). Một số khác chỉ rằng các vấn đề về cơ cấu ảnh hưởng thị trường lao động (thất nghiệp cơ cấu). Kinh tế học cổ điển và tân cổ điển có xu hướng lý giải áp lực thị trường đến từ bên ngoài, như mức lương tối thiểu, thuế, các quy định hạn chế thuê mướn người lao động (thất nghiệp thông thường). Có ý kiến lại cho rằng thất nghiệp chủ yếu là sự lựa chọn tự nguyện. Chủ nghĩa Mác giải thích theo hướng thất nghiệp là thực tế giúp duy trì lợi nhuận doanh nghiệp và chủ nghĩa tư bản. Các quan điểm khác nhau có thể đúng theo những cách khác nhau, góp phần đưa ra cái nhìn toàn diện về tình trạng thất nghiệp.
Việc áp dụng thuyết cung cầu vào thị trường lao động giúp lý giải tỷ lệ thất nghiệp cũng như giá cả của lao động.
Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới ở Châu Phi, Trung Đông và Châu Mỹ Latinh chỉ ra, ở các nước phát triển, tình trạng thất nghiệp cao trong phụ nữ và thanh niên còn là hậu quả của những quy định về trách nhiệm chủ lao động.
[sửa] Các loại thất nghiệp
- Thất nghiệp tự nhiên: tỷ lệ thất nghiệp đương nhiên bởi luôn có một số người trong giai đoạn chuyển từ chỗ làm này sang chỗ khác.
- Thất nghiệp cơ cấu: do sự không tương thích của phân bố lao động và phân bố chỗ làm việc (khác biệt địa lý hoặc khác biệt kỹ năng). Người thất nghiệp không muốn hoặc không thể thay đổi nơi ở hoặc chuyển đổi kỹ năng.
- Thất nghiệp chu kỳ: khi tổng cầu lao động thấp hơn tổng cung lao động ở giai đoạn suy thoái của chu kỳ kinh tế.
- Thất nghiệp kỹ thuật: do việc thay thế công nhân bằng máy móc hoặc công nghệ tiên tiến hơn.
- Thất nghiệp thông thường: khi thu nhập thực tế xuống dưới mức chấp nhận được.
- Thất nghiệp theo học thuyết Mark: là mức cần thiết để thúc đẩy công nhân làm việc và giữ mức lương thấp
- Thất nghiệp theo mùa: khi công việc phụ thuộc vào nhu cầu theo thời tiết. Ví dụ: công nhân xây dựng trong mùa mưa, giáo viên dạy trượt tuyết trong mùa hè.
[sửa] Công thức tính tỷ lệ thất nghiệp
-
-
-
Tỷ lệ thất nghiệp = 100% x Số người không có việc làm Tổng số lao động xã hội
-
-