Trịnh Doanh
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
|}}
Trịnh Doanh | |
---|---|
Tên húy | Trịnh Doanh |
Sinh | 1720 |
Mất | 1767 |
Cầm quyền | 1740 - 1767 |
Thời vua | Lê Ý Tông Lê Hiển Tông |
Miếu hiệu | Nghị Tổ |
Thụy hiệu | Ân Vương |
Ghi chú | {{{ghi chú}}} |
Minh Đô vương Trịnh Doanh (1720–1767) là chúa Trịnh thứ tám thời Lê trung hưng, ở ngôi từ năm 1740 đến 1767, đồng thời là một nhà thơ Việt Nam. Ông người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá, Việt Nam. Trịnh Doanh là người có công đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài, ổn định lại chính trị ở Bắc Hà vốn suy yếu trầm trọng thời Trịnh Giang.
Mục lục |
[sửa] Tiểu sử
Trịnh Doanh là con thứ 3 của An Đô vương Trịnh Cương, em của Uy Nam vương Trịnh Giang. Từ khi còn trẻ ông đã sớm bộc lộ là người có vǎn tài võ lược, được Trịnh Giang rất tin tưởng, phong làm Khâm sai tiết chế các xứ thủy bộ chủ quân, thái úy An Quốc công, cho mở phủ đệ riêng để phòng có người nối ngôi.
[sửa] Lên ngôi
Trịnh Giang bỏ bê chính sự, không đoái hoài tới công việc, từ nǎm 1736 đã trao quyền nhiếp chính cho Trịnh Doanh, lúc đó ông mới 17 tuổi. Mỗi tháng ba lần, Doanh thay Giang triều kiến trǎm quan ở Trạch Các để nghe tâu trình công việc. Giang bị bệnh, tin dùng hoạn quan nịnh thần Hoàng Công Phụ, làm nhà dưới đất ở không ra ngoài; lại tăng thuế và lao dịch khiến dân chúng bất bình nổi dậy khởi nghĩa, triều đình bất lực, không trị nổi.
Khi mới lên nắm quyền nhiếp chính, Trịnh Doanh phải đối phó với sự ganh ghét của Hoàng Công Phụ. Phụ hạ lệnh cho các quan khi muốn tâu việc gì với Doanh không được dùng chữ “bẩm” mà phải dùng chữ “thân” (trình). Hơn nữa Phụ chỉ để cho ông một căn nhà nhỏ phía nam phủ chúa gọi là “để”.
Biết Phụ muốn hại mình, Trịnh Doanh kín đáo nín nhịn. Năm 1740, Trịnh thái phi họ Vũ triệu các đại thần Nguyễn Quý Cảnh, Nguyễn Công Thái, Trịnh Đạc, Vũ Tất Thận, Nguyễn Đình Hoàn họp trừ khử Phụ để đưa Doanh lên ngôi. Nhân lúc Phu mang quân bản bộ đi dẹp quân khởi nghĩa Nguyễn Tuyển, Nguyễn Quý Cảnh mang hương binh vào bảo vệ phủ chúa rồi chầu vua Lê, xin chỉ lập Trịnh Doanh, sau đó điều quân giết hết bè cánh của Công Phụ. Trịnh Doanh thay quyền ngôi chúa, lấy hiệu là Minh Đô vương, tôn Trịnh Giang làm Thái thượng vương.
[sửa] Ra tay đánh dẹp khởi nghĩa nông dân
[sửa] Làm tướng ra trận
Ngay khi lên ngôi, Trịnh Doanh lập tức chấn chỉnh bộ máy cai trị, bãi bỏ việc xây dựng chùa chiền, đường sá của Trịnh Giang, trả lại ruộng đất cho dân cày cấy và dùng nhiều biện pháp khác để nới sức dân. Nhiều sắc chỉ quy định dưới thời Trịnh Cương bị Trịnh Giang bãi bỏ nay được dùng lại.
Để dẹp loạn, Trịnh Doanh đã trọng dụng, cất nhắc các nhân tài như Hoàng Ngũ Phúc, Phạm Đình Trọng, Hoàng Nghĩa Bá...
Năm 1740, ngay sau khi lên ngôi, Trịnh Doanh tự cầm quân đi dẹp quân khởi nghĩa của Vũ Đình Dung ở Ngân Già (Sơn Nam), bắt được Dung đem chém, đổi tên đất ấy là Lai Cách.
Sau khi Nguyễn Cừ và Nguyễn Tuyển bị Hoàng Nghĩa Bá và Phạm Đình Trọng dẹp được, thủ hạ là Hoàng Công Chất và Nguyễn Hữu Cầu lại nổi dậy, thanh thế rất lớn. Cùng lúc tại Tam Đảo, Nguyễn Danh Phương cũng khởi nghĩa. Trước tình thế phải đối phó với nhiều cánh quân mạnh, Trịnh Doanh cho Danh Phương đầu hàng dù ông biết Phương chỉ muốn tạm hàng để củng cố thực lực. Tạm yên mặt bắc, ông dồn sức đánh Hữu Cầu và Công Chất ở phía đông nam.
Có người gièm pha Phạm Đình Trọng khi Trọng đang cầm quân đánh dẹp. Trịnh Doanh vẫn tin tưởng Trọng, còn gửi một bài thơ trấn an động viên.
Nhờ sức hai tướng giỏi là Đình Trọng và Ngũ Phúc, Trịnh Doanh đánh bại cả hai cánh quân khiến Cầu phải bỏ chạy vào Nghệ An, Chất chạy vào Thanh Hoá. Từ đó hai cánh quân này bị tách rời nhau không hợp sức tác chiến được nữa. Công Chất chạy lên phía tây bắc chiếm cứ Mường Thanh xa xôi hẻo lánh, Hữu Cầu cô thế nhiều lần bị đánh bại.
Trong khi Trịnh Doanh dồn sức đánh Cầu và Chất thì Danh Phương xưng hiệu, đặt cung điện, thanh thế lớn mạnh. Trịnh Doanh để Đình Trọng đánh Cầu, còn mình mang quân sang dẹp Phương. Năm 1751, ông thúc đại quân đánh Phương ở đồn Ức Kỳ và Hương Canh. Do sự nghiêm khắc với tướng sĩ của Trịnh Doanh, quân Trịnh liều mình lăn xả vào trận đánh địch, phá được Danh Phương. Khi Trịnh Doanh bắt được Phương mang về kinh thì Đình Trọng cũng bắt được Hữu Cầu giải đến. Thế là hai cánh quân khởi nghĩa lớn bị dẹp cùng lúc. Các cánh quân của thủ lĩnh Thành, thủ lĩnh Tương cũng bị trấn áp.
Tới năm 1751, chỉ còn hai cánh quân của Hoàng Công Chất và Lê Duy Mật chiếm cứ những nơi xa và hiểm trở, những vùng đông dân cư đều yên ổn trở lại. Cánh quân Công Chất ở quá xa, còn cánh Duy Mật vốn xuất thân là hoàng tộc nhà Lê nên Trịnh Doanh cũng không muốn dồn bức quá gắt gao.
[sửa] Mặt trái của việc đánh dẹp
Để có lực lượng đối phó với các cuộc khởi nghĩa, Trịnh Doanh ưu đãi tướng sĩ để khuyến khích sự hăng hái của họ. Binh lính nòng cốt là lính Thanh - Nghệ, vì cậy có công nên trở thành kiêu binh. Mặt khác, vì muốn dẹp loạn bằng mọi giá, ông đã hạ lệnh đốt hết sổ sách thư từ, thu nhặt hết chuông khánh trong các chùa để đúc binh khí.
[sửa] Cai trị Đàng Ngoài
Ngoài những biện pháp tức thời áp dụng ngay sau khi lên ngôi để sửa sang lại những gì Trịnh Giang đã làm sai, trong thời gian ở ngôi Trịnh Doanh đã có nhiều đóng góp khác cho nền chính trị Đàng Ngoài.
Trịnh Doanh là người chǎm chỉ lo việc chính sự. Ông cho đặt ống đồng ở cửa phủ để nhận thư từ dân chúng tố cáo việc làm sai trái của quan lại, định lệ các quan từ tam phẩm đến nhất phẩm, mỗi ngày lần lượt thứ tự hai người vào phủ chúa để hỏi về chính sự và mưu sách việc quân việc nước.
Nǎm 1755, vua Lê gia phong cho Trịnh Doanh là Thượng sư Thượng phụ anh đoán vǎn trị võ công Minh vương. Tháng 12 năm đó, Trịnh Doanh muốn thiên đô sang Gia Lâm, bèn hạ lệnh sửa sang xây dựng cung miếu ở Cổ Bi. Tuy vậy vẫn chưa dọn sang vì ông vốn say mê với chính sự.
Một điều đáng chú ý là mỗi khi tuyển chọn và cất nhắc quan lại, Trịnh Doanh rất coi trọng thực tài. Ông là người đầu tiên quy định: bất cứ ai, trước khi bộ Lại bổ dụng cất nhắc, phải dẫn vào phủ đường yết kiến để chúa trực tiếp hỏi về việc làm, ai có khả nǎng mới trao cho chức quyền. Ông thưởng phạt rất công minh. Nhiều danh sĩ xuất thân khoa bảng được trọng dụng, tiêu biểu là Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ...
Lịch sử ghi nhận những nǎm Trịnh Doanh cầm quyền ở Bắc Hà là những nǎm đất nước ổn định và thịnh đạt.
Tháng giêng năm 1767, Trịnh Doanh qua đời, thọ 48 tuổi, ở ngôi chúa được 28 năm (1740-1767), được tôn là Nghị tổ Ân vương. Trịnh Sâm lên nối ngôi, tức là Tĩnh Đô vương.
[sửa] Nhà thơ
Giống như Định Nam vương Trịnh Căn trước đây, Trịnh Doanh không chỉ là nhà chính trị, nhà quân sự, mà còn là một nhà thơ. Thơ của Trịnh Doanh thiên về thơ nôm. Tập thơ nôm mà ông để lại có tên “Càn nguyên ngự chế thi tập” hiện nay vẫn còn lưu bản chép tay, do con trai là Trịnh Sâm đặt tên và quan Thị thư Viện hàn lâm kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám là Phan Lê Phiên biên soạn, viết tựa.
Cả tập thơ này chia làm 4 quyển, tổng số 263 bài, trong đó có 241 bài thơ nôm và 22 bài thơ chữ Hán. Nội dung chính của tập thơ xoay quanh 3 nội dung chính:
- Quan niệm về tu thân, tề gia, trị nước
- Chỉ bảo, khuyến khích bề tôi làm tròn nhiệm vụ
- Đề, vịnh cảnh vật, cảm hứng.
Những nội dung trên phàn lớn do yêu cầu chính trị, quân sự và hoàn cảnh cụ hể quy định. Trịnh Doanh tỏ ra là người coi trọng sử dụng chữ nôm. Thể thơ chủ yếu mà ông áp dụng là thơ Đường luật, đôi lúc xen với câu 6 chữ, một số ít làmtheo thể thơ lục bát hoặc thơ song thất lục bát. Các nhà nghiên cứu văn học đánh giá Trịnh Doanh xứng đáng được xếp vào hàng ngũ các tác gia có tên tuổi của Việt Nam.
[sửa] Nhận định
Trong các chúa Trịnh, Trịnh Doanh có cuộc đời và sự nghiệp khá giống với ông tổ 5 đời là Định Nam vương Trịnh Căn. Trẻ tuổi đã ra mặt trận, tiếp quản khi chiến sự gay go, chuyển thế nguy thành an cho nước nhà, trọng dụng nhân tài chỉnh đốn chính sự, say mê công việc và một cuộc đời không thiếu thi ca, đặc biệt là những bài thơ bằng chữ nôm.
Nói theo thuyết di truyền thì Trịnh Doanh được thừa hưởng dòng máu vừa hùng lược vừa lãng mạn, có pha lẫn sự nghiêm nghị, cứng rắn của tổ tiên. Có khác chăng là Trịnh Doanh không sống thọ được như Trịnh Căn. Có ý kiến cho rằng nếu ông sống thêm được khoảng 30 năm nữa như Định Nam vương, có thể nhiều biến cố lịch sử của nước Đại Việt đã khác đi.
Tuy vậy, các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài dù bị dẹp yên nhưng vẫn để lại hậu quả khá nặng nề. Nhân tài vật lực Bắc Hà bị suy sút nghiêm trọng, vì vậy, nhìn nhận một cách khách quan thì thời Trịnh Doanh khôi phục lại cũng không thể phồn thịnh được như thời Trịnh Căn và Trịnh Cương.
[sửa] Tham khảo
- Việt Nam sử lược
- Khâm định Việt sử Thông giám cương mục
- Các triều đại Việt Nam - Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh niên, 2001
- Từ điển văn học Việt Nam - Nhiều tác giả, NXB Khoa học xã hội Hà Nội, 1984
[sửa] Xem thêm
Tiền nhiệm: Trịnh Giang |
Chúa Trịnh 1740–1767 |
Kế nhiệm: Trịnh Sâm |
Dữ liệu nhân vật | |
---|---|
Tên | Trịnh Doanh |
Tên khác | Minh Đô vương; Nghị Tổ (miếu hiệu); Ân Vương (thụy hiệu) |
Tóm tắt | nhà thơ Việt Nam và chúa Trịnh thứ tám thời Lê trung hưng (1740–1767) |
Lúc sinh | 1720 |
Nơi sinh | Thanh Hóa, Việt Nam |
Lúc mất | Tháng 1, 1767 |
Nơi mất |