Vương Mãnh
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
- Đây là bài viết về Tể tướng Trung Hoa cũ. Để biết về một họa sĩ cùng tên, xem Vương Mãnh (nghệ sĩ) và một nhà trượt băng nghệ thuật, xem Vương Mãnh (vận động viên).
Vương Mãnh (chữ Hán: 王猛; tự là Cảnh Lược 景略; bính âm Wáng Měng; 325–375) là người dân tộc Hán, Tể tướng của nhà Tiền Tần, thời Thập lục quốc. Tước hiệu chính thức của ông là Thanh Hà Vũ Hầu ((清河武侯).
[sửa] Tiểu sử
Vương Mãnh sinh ra tại quận Bắc Hải, nay là Duy Phường, thuộc tỉnh Sơn Đông, vào thời loạn lạc và xuất thân trong một gia đình nghèo khó. Đây là khoảng thời gian dài sau khi Tây Tấn bị diệt vong, cả một vùng lớn Trung Hoa bị đau thương tang tóc, hai vùng Nam Bắc Trường Giang trở thành chiến trường của các dân tộc thiểu số. Thời trẻ, có lúc ông đã từng đi buôn bán để sinh nhai. Về sau, ông bỏ nghề bán hàng và chuyển sang đọc sách.
[sửa] Binh nghiệp
Sau thế kỷ 4, trong hơn 130 năm thì có hơn 20 chính quyền thay nhau thống trị. Phù Kiên (苻堅), vua thứ ba nhà Tiền Tần, là vị vua mà Vương Mãnh phò tá. Ngày trước, Phù Kiên nghe nói Vương Mãnh có tài, sai người thân cận là Lã Bà Lâu đi mời ông về, sử viết "giống như Lưu Bị gặp Gia Cát Lượng". Đến lúc này, Vương Mãnh như đã tìm được minh chủ mà mình kỳ vọng. Năm 357, Phù Kiên giết anh họ là Phù Sinh rồi lên ngôi Hoàng đế (Chiêu Đế), đóng đô ở Trường An. Phù Kiên phong cho Vương Mãnh làm Trung Thư thị lang, sau này còn tiến thăng cho ông chức Thượng Thư, rồi Trung Thư lệnh kiêm Lãnh Binh Y Doãn. Ông luôn khuyên vua sử dụng phép nước nghiêm minh, thực hiện nghiêm túc pháp luật của triều đình. Phù Kiên trọng dụng ông không chỉ do ông có tài năng cai trị đất nước có lợi cho vua, mà còn vì Vương Mãnh là người dân tộc Hán.
Năm 359, Vương Mãnh lại được thăng chức Thượng Thư Lệnh, là một chức vị Tể tướng. Vương Mãnh và em trai vua là Phù Kiên thường được bàn bạc với vua về những việc quan trọng trong triều đình. Trên thực tế, mọi quyền hành là do Vương Mãnh nắm hết. Năm 376, nhà vua nghe theo lời Vương Mãnh đã cho bắt hơn ba vạn đầy tớ, chân tay, người nhà vương công quý tộc phải đi lao động công ích như dân thường.
Vương Mãnh là người hiểu được tác dụng sâu sắc của Nho giáo với sự thống trị phong kiến nên ông đã dựa vào đường lối đào tạo con người của trường Nho giáo. Ông đã cho xây dựng nhiều trường học, ra lệnh cho con cháu các quan trong triều phải đến các trường nhà nước học tập.
Các việc nhà vua giao ông đều hoàn thành xuất sắc. Ông được nhà vua ban cho rất nhiều chức tước như : Tể tướng, Trung Thư Giám, Thượng Thư Lệnh, Thái thú, Thái Phó, Tư Lệ, Hiệu úy, Tư đồ... Phù Kiên đã nói với ông "Ta được nhà ngươi như Chu Văn Vương gặp Khương Thái công".
Vương Mãnh là người Hán, tuy làm quan cho triều Tiền Tần, là ngoại tộc (tộc Đê) xâm lược Trung Hoa, nhưng ông đã biết thúc đẩy việc các dân tộc thiểu số tiếp thu văn hóa Hán, hòa hợp với các dân tộc khác, nhất là dân tộc Hán ở Trung Nguyên.
Năm 375, Vương Mãnh qua đời. Trước lúc lâm chung, ông đã nói với nhà vua: "...Triều Đông Tấn tuy dời về Ngô Việt, nhưng là triều đại chính thống của Trung Hoa. Sau khi thần chết, không nên tấn công Đông Tấn". Ông nghĩ rằng Đông Tấn kế thừa vương triều Hán tộc, vẫn được nhân dân Trung Hoa tín nhiệm, không thể tiêu diệt được. Tuy nhiên, Phù Kiên đã nôn nóng mà không nghe theo lời ông. Năm 383, nhà vua thân chinh dẫn hơn 80 vạn quân xuống phía Nam chinh phạt và bị bại trận, cuối cùng sự nghiệp đã bị đổ vỡ.