Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là một viện nghiên cứu, cơ quan trực thuộc Chính phủ Việt Nam và do Chính phủ này thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tự nhiên và phát triển các công nghệ theo định hướng của Chính phủ.
Trụ sở chính của viện đặt tại số 18, đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam.
Mục lục |
[sửa] Tổ chức
Đứng đầu tổ chức của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là ban lãnh đạo viện làm việc trực tiếp với các hội đồng khoa học chuyên ngành và liên ngành, cũng như với 3 nhóm thành viên.
Nhóm thứ nhất là các viện con, do Chính phủ Việt Nam thành lập bao gồm: viện Toán học, viện Công nghệ thông tin, viện Vật lý và Điện tử, viện Vật lý địa cầu, viện Hóa học, viện Công nghệ hóa học, viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, viện Hải dương học, viện Sinh học nhiệt đới, viện Công nghệ sinh học, viện Cơ học, viện Cơ học ứng dụng, viện Khoa học vật liệu, viện Địa chất, viện Địa lý, viện Kỹ thuật nhiệt đới, viện Công nghệ môi trường, viện Công nghệ vũ trụ, trung tâm Thông tin - Tư liệu, viện bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ.
Nhóm thứ hai là các phân viện do lãnh đạo viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam ký quyết định thành lập, bao gồm: phân viện Công nghệ thông tin tại Thành phố Hồ Chí Minh, phân viện Vật lý và Điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh, phân viện Hóa học và các hợp chất thiên nhiên tại Thành phố Hồ Chí Minh, phân viện Hải dương học tại Hà Nội, phân viện Hải dương học tại Hải Phòng, phân viện Hải dương học tại Đà Lạt, phân viện Khoa học Vật liệu tại Nha Trang, phân viện Khoa học Vật liệu tại Thành phố Hồ Chí Minh, phân viện Địa lý tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhóm cuối cùng là các ban quản lý (như ban tổ chức cán bộ, ban kế hoạch tài chính, ban ứng dụng và triển khai công nghệ, ban hợp tác quốc tế, ban kiểm tra và các văn phòng thường trực tại các tỉnh thành) và các đơn vị hoạt động hạch toán độc lập (như viện Vật lý Ứng dụng và Thiết bị Khoa học, trung tâm đào tạo, tư vấn và chuyển giao công nghệ, trung tâm Nghiên cứu Năng lượng, và các doanh nghiệp và các đơn vị triển khai khoa học công nghệ khác).
[sửa] Hoạt động
Theo nghị định của Chính phủ Việt Nam số 27/2004/NĐ-CP, ban hành ngày 16 tháng 1 năm 2004, viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam có các nhiệm vụ và quyền hạn chính như:
- Cố vấn cho chính phủ các kế hoạch, quy hoạch, chính sách và chiến lược trong phát triển khoa học tự nhiên, công nghệ, giáo dục - đào tạo, bảo vệ tài nguyên môi trường và thực hiện chúng sau khi đã được chính phủ phê duyệt.
- Nghiên cứu các nguồn tài nguyên và điều kiện tự nhiên để cung cấp cơ sở khoa học cho các chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
- Triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống theo các trọng điểm; phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ.
- Thẩm định công nghệ, xét duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật của các công trình trọng điểm của chính phủ.
- Đào tạo nhân lực cho khoa học tự nhiên và công nghệ.
- Hợp tác quốc tế về khoa học tự nhiên và công nghệ.
- Quyết định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền.
- Sản xuất kinh doanh, tư vấn và dịch vụ trong các lĩnh vực chuyên môn.
- Đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp có vốn nhà nước.
- Quản lý cán bộ thuộc thẩm quyền.
- Quản lý tài chính và tài sản Nhà nước giao.
- Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam những thay đổi trong tổ chức và hoạt động của viện.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam giao.
[sửa] Lịch sử
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam được thành lập ngày 20 tháng 5 năm 1975 theo Nghị định 118/CP của Hội đồng Chính phủ Việt Nam (nay là Chính phủ Việt Nam) với tên gọi ban đầu là viện Khoa học Việt Nam.
Ngày 22 tháng 5 năm 1993, theo nghị định 24/CP của Chính phủ Việt Nam, Viện Khoa học Việt Nam được đổi tên thành Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia.
Đến ngày 16 tháng 1 năm 2004, viện lại đổi tên thành tên gọi hiện nay, theo nghị định 27/2004/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam.