Cần Đước
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Huyện Cần Đước nằm ở phía nam tỉnh Long An. Cần Đước có diện tích tự nhiên là: 205,503 km2. Dân số trong huyện là 160.000 người, mật độ bình quân 775 người/km2.
Huyện gồm 16 xã: Long Hựu Đông, Long Hựu Tây, Phước Đông, Tân Chánh, Tân Ân, Tân Lân,Mỹ Lệ, Phước Tuy, Long Trạch, Long Hoà,Tân trạch, Long Sơn, Phước Vân , Long dịnh, Long Cang, Long Khê và thị trấn Cần Đước.
[sửa] Lịch sử
Cần Đước vốn là tên gọi một làng nhỏ nằm ở mũi đất giao nhau giữa rạch Mương ông Quỳnh và rạch bến Bà. Phần đất huyện Cần Đước thuộc dinh Phiên Trấn (1698), rồi trấn Phiên An (1808), năm Minh Mạng thứ 13 (1832), Cần Đước thuộc huyện Phước Lộc, phủ Tân An, tỉnh Gia Định.
Đến năm 1867 Cần Đước mới là một huyện của phủ Phước Lộc, Năm 1871, phủ Phước Lộc sáp nhập vào tỉnh Chợ Lớn.
Nằm giữa Gò Công, Cần Giuộc, Sài Gòn lại là vùng giàu có về lúa gạo, Cần Đước được xem là một trong những địa bàn chủ yếu của nghĩa quân Trương Định. Trong hàng ngũ nghĩa quân đã xuất hiện những lãnh tụ người Cần Đước, như Thống binh Bùi Quang Diệu (quản Là), người chỉ huy đánh trận Cần Giuộc nổi tiếng, hay tổng lãnh binh Nguyễn Văn Tiến, một lãnh tụ nghĩa binh khác hoạt động tại Cần Đước, về sau bị Pháp bắt xử chém. Cần Đước cũng là nơi bổ sung lực lượng cho cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực
Đầu thế kỷ 20, phong trào yêu nước của nhân dân Cần Đước lại phát triển sôi nổi. Hoạt động của tổ chức Thiên Địa Hội, hội kín Nguyễn An Ninh lan ra đều khắp các xã.
Từ đó đến năm 1954, Cần Đước thuộc tỉnh Chợ Lớn. Năm 1956, Tân An và một phần Chợ Lớn hợp thành tỉnh Long An, và Cần Đước thuộc tỉnh này. Chính quyền Sài Gòn chia Cần Đước làm hai quận (có thêm một số xã của Cần Giuộc) thành quận Cần Đước và quận Rạch Kiến.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Cần Đước lấy lại ranh giới cũ.
[sửa] Địa lý
Con sông Vàm Cỏ Đông làm ranh giới với huyện Tân Trụ, và một đoạn Vàm Cỏ làm ranh giới với huyện Châu Thành, phía đông giáp sông Soài Rạp, phía đông bắc giáp huyện Cần Giuộc, phía bắc giáp huyện Bến Lức.
Địa hình khá bằng phẳng hơi nghiêng về phía biển Đông chia ra làm hai vùng thượng - hạ ranh giới là nơi kinh Xóm Bồ nối với Rạch Đào. Hai vùng này không mang đặc điểm sinh thái rõ rệt như huyện Cần Giuộc. Tuy nhiên, ở vùng hạ một số khu vực dọc theo sông Vàm Cỏ khá thấp, đặc biệt là hai xã Long Hựu Đông, Long Hựu Tây được bao bọc bởi sông lớn nên đất nhiễm mặn. Long Hựu Đông xã cuối cùng của tỉnh Long An, nằm đối mặt với Biển Đông có đồn Rạch Cát, một pháo đài phòng thủ ven biển kiên cố, kiến trúc độc đáo, được Pháp xây dựng hồi năm 1910, nay được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia đáng được chú ý.
Cần Đước có hệ thống giao thông bộ khá tốt. Đường QL 50 nối liền Chợ Lớn đến thị xã Gò Công, đường tỉnh 826 nối Bình Chánh qua Rạch Kiến về Tân Lân gặp QL 50, các huyện lộ 16, 17, 18, 19, 21, 22, 23, 24 sỏi đỏ khang trang, các bến phà Kinh Nước Mặn, Bà Nhờ, Xã Bảy, Long Sơn được nâng cấp, cầu qua sông đa số bằng BTCT xe cộ đi lại hai mùa mưa nắng đều thuận tiện.
[sửa] Văn hóa
Cần Đước là huyện trọng điểm lúa gạo, giống lúa Nàng Thơm được nhiều nơi trong cả nước trồng. Nhưng thơm ngon nhất là Nàng Thơm Chợ Đào (xã Mỹ Lệ). Cơm gạo Nàng thơm ăn với cá bống kèo kho tộ là đặc sản địa phương.
Cần Đước cũng được xem là một trong nhừng cái nôi của đờn ca tài tử, hiện ở đình Vạn Phước có thờ linh vị của ông Nguyễn Quang Đại một nhạc quan triều đình nhà Nguyễn, trên đường xuôi Nam đã dừng chân tại Cần Đước chỉnh lý, sáng tác các bài bản tổ của nhạc lễ, nhạc tài tử và truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò lưu truyền các đời sau như nhạc Giai, nhạc Láo nổi tiếng...thành ngữ phổ biến ở lục tỉnh nam kỳ "Đờn nhứt xứ, võ vô địch" là để xưng tụng người Cần Đước xưa hào hoa và nghĩa hiệp.
Ngoài ra, Cần Đước còn có các nghề thủ công như dệt chiếu ở Long Cang Long Định, chạm bạc ở Phước Vân, chạm gỗ ở Tân Lân, đóng ghe ở Long hựu, Tân Chánh. Cho đến ngày nay những nghề thủ công trên vẫn được bảo tồn còn có bước sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm thủ công xuất khẩu,mới đây, một nhóm thợ đóng ghe Cần Đước được mời sang Hàn Quốc làm chuyên gia đóng tàu gỗ nhỏ.
Trong thời kỳ xây dựng và phát triển Cần Đước đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang công nghiệp. Hiện nay nhiều khu công nghiệp mới được các doanh nghiệp trong ngoài nước đầu tư, cơ cấu vật nuôi cây trồng cũng được chuyễn dịch thành công bước đầu, thu nhập người dân dần được nâng cao.
Có "Vành đai đánh Mỹ Rạch kiến" được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.