Chu Mạnh Trinh
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chu Mạnh Trinh (1862 - 1905) tên tự là Cán Thần, hiệu Trúc Vân, người làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang. Cha ông là Chu Duy Tĩnh làm quan đến chức Ngự sử. Chu Mạnh Trinh nổi tiếng thông minh. Khi 19 tuổi đỗ tú tài. Đến 25 tuổi đậu giải nguyên.
Năm 1892, sau khi thi đỗ tam giáp tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (đời Thành Thái thứ tư) Chu Mạnh Trinh được bổ làm tri phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông rất công minh chính trực. Có lần ông đã phạt đánh roi một tu sĩ người Pháp có hành động cậy thế lộng hành.
Làm tri phủ ít lâu thì thân phụ ông mất, Chu Mạnh Trinh xin cáo quan về cư tang.
Sau đó, ông được giao chức án sát tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên.
Ông là người có tài văn phú.
Bài Hàm Tử quan hoài cổ ca ngợi chiến công của Thượng tướng Trần Quang Khải, đời nhà Trần:
Bãi dài, sông bỗng cắt ngang
Cửa quan Hàm Tử luênh loang bóng chiều
Khói mờ, cây rậm, bờ xiêu
Lầu hoang, thu lạnh, mây theo gió về…
Khoá then, nhờ đất hiểm kia
Non sông muôn thuở khôn nhoà chiến công.
Ngang ngọn giáo, khúc ca hùng
Hiên ngang nhớ thuở vẫy vùng tướng xưa…
Bài Đề thơ trên vách miếu Mỵ Châu (Quá Cổ Loa yết Mỵ Châu miếu đề bích), ông viết:
Tình chồng vốn nặng, nghĩa cha sâu
Oan tỏ cùng ai, hận mãi đau
Móng chẳng còn thiêng, rùa đã tếch,
Ngọc lưu vết lệ, bạng chìm sâu.
Bia tàn cổ thụ, này sông núi,
Bể biếc trời xanh, nọ mối sầu…
Ngoài điện An Dương, ngôi miếu lạnh
Trăng mờ, tiếng cuốc não canh thâu.
Chu Mạnh Trinh là một người đa tài. Ngoài tài thơ, ông còn là một nhà kiến trúc.
Ngôi đền Đa Hoà, quê ông, chính do ông thiết kế, và đứng ra vận động xây dựng. Chu Mạnh Trinh cũng là người thiết kế chùa Thiên Trù (chùa Trò) ở khu danh thắng Hương Tích.