Ngô Thừa Ân
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Ngô Thừa Ân (tiếng Trung phồn thể: 吳承恩; giản thể: 吴承恩; bính âm: Wú Chéng'ēn) (1500? hoặc 1506?-1582), tự Nhữ Trung (汝忠), hiệu Xạ Dương sơn nhân (射阳山人), là một nhà văn, nhà thơ Trung Quốc, sống trong thời nhà Minh. Ông sinh tại Hoài An, tỉnh Giang Tô. Ông học tại Nam Kinh Thái học (Đại học Nam Kinh cổ) trong hơn 10 năm.
Ngô Thừa Ân nổi tiếng văn hay chữ tốt, nhưng thi cử lại lận đận. Ngô Thừa Ân thi nhiều lần, nhưng không đỗ. Mãi tới năm khoảng 40 tuổi, ông mới đỗ cống sinh. Sau đó đến Bắc Kinh để được tuyển dụng làm quan, ông nhận một chức quan nhỏ (huyện thừa) tại huyện Trường Hưng (长兴). Một thời gian sau, bị người vu cáo, chẳng bao lâu sau ông từ chức. Sau đó, ông đến Hàng Châu, sống bằng nghề viết văn. Sáng tác của ông khá phong phú, nhưng đã bị mất mát gần hết, do chỉ có một con gái và gia cảnh bần hàn, chẳng hạn như các tập tiểu thuyết Vũ Đỉnh ký, nên hiện chỉ còn lại một số thơ văn được tập hợp lại thành bộ Xạ Dương tiên sinh tồn cảo gồm 4 quyển.
Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông là Tây Du Ký viết lúc đã ngoài 70 tuổi. Cuốn tiểu thuyết này được nhiều thế hệ người Trung Quốc yêu thích và là một trong những cuốn tiểu thuyết cổ điển phổ biến nhất ở Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Nó cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, như bản dịch tiếng Anh của Arthur Waley với tiêu đề Monkey (con khỉ). Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số ý kiến cho rằng ông không phải là tác giả của cuốn tiểu thuyết này.