Tình ca 1954-1975
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tân nhạc Việt Nam
|
Tình ca 1954-1975 hay tình khúc 1954-1975 là một dòng nhạc thuộc tân nhạc Việt Nam. Đây là khái niệm không thật chính xác để chỉ một số các ca khúc được sáng tác tại miền Nam Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1975. Những nhạc sĩ tiêu biểu cho dòng nhạc này có thể kể đến Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương, Vũ Thành An, Từ Công Phụng... với các ca khúc Áo lụa Hà Đông, Niệm khúc cuối, các bài Không tên, Bây giờ tháng mấy...
Mục lục |
[sửa] Bối cảnh ra đời
Sau trận Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Pháp, tạm thời chia đôi Việt Nam tại vĩ tuyến 17. Ở miền Bắc, các nhạc sĩ không còn sáng tác tình ca và những ca khúc tiền chiến viết trước đó không được lưu hành.
Một số nhạc sĩ từ miền Bắc di cư vào miền Nam. Họ cùng với các nhạc sĩ của miền Nam hoặc từ miền Bắc vào trước đó đã viết các ca khúc thuộc nhiều thể loại, khác biệt với dòng nhạc đỏ ở miền Bắc.
- Những nhạc sĩ Cung Tiến, Phạm Đình Chương... với các ca khúc trữ tình lãng mạn như Hương xưa, Hoài cảm, Mộng dưới hoa... thường được xếp vào dòng nhạc tiền chiến
- Những nhạc sĩ như Trần Thiện Thanh, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Trúc Phương... với những ca khúc với giai điệu nhẹ nhàng, đơn giản thường được gọi là nhạc vàng.
- Một thế hệ nhạc sĩ mới Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương, Vũ Thành An, Từ Công Phụng... viết những ca khúc khác với nhạc tiền chiến và cũng không giống nhạc vàng. Khi nói đến những ca khúc này, không có một thuật ngữ thật sự chính xác và phổ biến. Để phân biệt với các dòng nhạc khác, chúng được gọi là tình khúc 1954-1975.
[sửa] Tình ca 1954-1975 và nhạc vàng
Các ca khúc thuộc tình ca 1954-1975 và nhạc vàng đều được viết chủ yếu tại miền Nam trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1975, vì vậy hai khái niệm này không rạch ròi và nhiều khi bị dùng lẫn lộn.
Các ca khúc nhạc vàng thường được viết với giai điệu đơn giản và lời ca bình dân. Còn các ca khúc tình ca 1954-1975 với lời ca mang tính văn học và gần với nhạc tiền chiến hơn. Nhiều bài hát của Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Phạm Đình Chương được phổ từ các bài thơ nổi tiếng của Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê... Nhạc vàng với những chủ đề tình yêu, lính, quê hương thường được coi là dành cho tầng lớp bình dân, còn tình ca 1954-1975 là dòng nhạc được giới thanh niên, sinh viên yêu thích.
[sửa] Các nhạc sĩ tiêu biểu
[sửa] Sau 1975
[sửa] Ở hải ngoại
Sau sự sụp đổ của chính quyền miền Nam năm 1975, cũng như dòng nhạc vàng, tình khúc 1954-1975 đều bị cấm lưu hành tại Việt Nam. Nhưng những ca khúc này cũng với nhạc tiền chiến và nhạc vàng trở thành dòng nhạc chủ đạo của người Việt tại hải ngoại. Một số các nhạc sĩ sang định cư ở nước ngoài vẫn tiếp tục sáng tác và có những ca khúc thành công như Riêng một góc trởi của Ngô Thụy Miên...
Ngoài những ca sĩ thành danh ở Sài Gòn trước 1975 như Khánh Ly, Lệ Thu, Tuấn Ngọc... tình khúc 1954-1975 tiếp tục được các ca sĩ trẻ của hải ngoại như Trần Thái Hòa, Nguyên Khang, Thanh Hà... trình bày.
[sửa] Ở Việt Nam
Tình khúc 1954-1975 và nhạc vàng không được lưu hành tại Việt Nam, cho tới khoảng đầu thập niên 2000, chúng mới dần dần được phép hát trở lại. Gần đây nhiều ca sĩ trẻ như Quang Dũng, Hồ Ngọc Hà, Đức Tuấn... đã ghi âm nhiều ca khúc thuộc dòng nhạc này và cùng với sự trở về của các ca sĩ hải ngoải Tuấn Ngọc, Elvis Phương, tình khúc 1954-1975 đã được giới trẻ hiện nay yêu thích. Nhiều đêm nhạc Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Lê Trọng Nguyễn.. được các phòng trà tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.