Thành cổ Châu Sa
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thành cổ Châu Sa là thành lũy được người Chăm Pa xây dựng bằng đất vào thế kỷ thứ 9 tại xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam. Đây là loại thành Chăm bằng đất duy nhất ngày nay vẫn còn dấu tích.
[sửa] Vị trí
Thành nằm trên tuyến quốc lộ 24B đi cảng Sa Kỳ - Dung Quất, cách thành phố Quảng Ngãi 7km về phía đông bắc, phía nam giáp sông Trà Khúc, bắc giáp sông Hàm Giang về cảng biển Sa Kỳ. Thành có 2 gọng thành, nối thành nội với sông Trà Khúc.
[sửa] Lịch sử
Năm 1924, kiến trúc sư người Pháp Henry Parmentier đã tìm thấy ở đây các di chỉ văn hóa và đưa về trưng bày tại Bảo tàng Điêu Khắc Chăm Pa ở Đà Nẵng. Các dấu vết cho thấy thành cổ Châu Sa đã từng là trung tâm kinh tế của châu Amaravati thuộc Vương quốc Chăm Pa trước kia.
Năm 1994, tức sau 70 năm được phát hiện, thành mới được công nhận là di tích cấp quốc gia của Việt Nam. Việc chậm công nhận di tích cấp quốc gia có thể đã ảnh hưởng đến việc bảo vệ thành cổ; do trước khi được quan tâm, bờ thành đã bị người dân địa phương làm đường. Hiện nay, đây là nơi thu hút sự chú ý của các nhà khảo cổ.