Trần Nguyên Hãn
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trần Nguyên Hãn (1390-1429) là một danh tướng của Lê Lợi, công thần khai quốc nhà Hậu Lê, người có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh (1418- 1428).
Trần Nguyên Hãn người đất Sơn Đông , Lập Thạch, Vĩnh Phúc là cháu nội của Trần Nguyên Đán và là cháu 7 đời của thái sư, hoàng tử Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải nhà Trần. Trần Nguyên Hãn là người có học vấn và giỏi dụng binh.
Năm 1418, khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn chống quân Minh, ông cùng Nguyễn Trãi (cháu ngoại Trần Nguyên Đán) sớm tìm đến, nhanh chóng lập nhiều chiến công với các trận đánh nổi tiếng: Tân Bình, Thuận Hoá, Xương Giang, Đông Quan và trở thành một ái tướng của Lê Lợi.
Năm 1427, ông được phong chức Tả Tướng Quốc (công tử Tư Tề con trưởng Lê Lợi giữ chức hữu tướng quốc).
Năm 1428, khi quân Minh rút về nước, Lê Thái Tổ định công ban thưởng cho các bậc khai quốc công thần, ông được phong chức Hữu tướng quốc, được ban quốc tính (được mang họ Lê). Tuy nhiên ông cho rằng: "Nhà vua có tướng mạo giống Việt Vương Câu Tiễn , có thể chia xẻ lúc họan nạn chứ không thể chung vui khi phú quý", nên xin về hưu.
Khi về tới quê nhà, ông cho xây dưng phủ đệ to lớn, đóng nhiều thuyền bè nên bị bọn nịnh thần đố kỵ gièm pha với Lê Thái Tổ rằng ông có mưu toan phản nghịch.
Năm 1429, Lê Lợi sai quân đi bắt ông về kinh xử tội. Để giữ khí tiết Trần Nguyên Hãn đã trầm mình trên dòng sông Lô trên đường bị áp giải.
Năm 1455, ông mới phục hồi danh dự và được truy phong: “Tả Tướng quân trung liệt Đại Vương”.
Hiện nay tại Sơn Đông có đền thờ ông, gọi là Đền tả tướng, đây là một công trình kiến trúc đẹp và đã được Bộ Văn hoá xếp hạng là di tích lịch sử. Tại đây còn có một hòn đá mài gươm tương truyền là đã được ông mài gươm trong 11 năm , trước khi khởi nghĩa.