Hàn Tín
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hàn Tín (韓信) (?-196 TCN), còn gọi là Hoài Âm hầu (淮陰候), là một danh tướng của Hán Cao Tổ Lưu Bang thời Tần mạt Hán hưng, có công rất lớn giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ lập nên nhà Hán kéo dài 400 năm.
Mục lục |
[sửa] Thuở hàn vi
Hàn Tín người nước Sở, nhà nghèo. Khi mẹ mất, vì muốn xây cất cho mẹ ngôi mộ ở nơi đẹp đẽ trên núi cao mà bán cả nhà cửa, xách kiếm đi lang thang ngoài chợ. Thấy Hàn Tín gầy gò yếu đuối, có gã bán thịt làm nhục bắt Tín luồn qua háng (trôn) y. Mọi người thấy Tín bị nhục đều chê cười. Tín không có gì ăn, thường đi xin ăn của bà giặt lụa và hứa hẹn sau này làm nên sự nghiệp sẽ trả ơn ngàn vàng, cũng bị bà ta mắng cho.
[sửa] Sự nghiệp
Khi Trần Thắng khởi nghĩa chống nhà Tần, Hàn Tín tìm đến chỗ Hạng Lương là thế tộc nước Sở cùng khởi nghĩa hưởng ứng Trần Thắng để đầu quân. Hạng Lương và cháu là Hạng Vũ xem thường Hàn Tín, chỉ cho làm quần cầm kích đứng hầu. Khi Hạng Vũ và Lưu Bang tiêu diệt nhà Tần, Hàn Tín bất mãn vì vẫn không được trọng dụng, bỏ theo Lưu Bang là lực lượng kình địch với Hạng Vũ. Tuy nhiên Lưu Bang cũng không trọng dụng ông. Mãi sau nhờ các cận thần của Lưu Bang là Hạ Hầu Anh và Tiêu Hà tiến cử, Lưu Bang mới phong Hàn Tín làm đại tướng, giao cho toàn bộ quân đội lo việc đánh dẹp.
Qua hơn 4 năm chinh chiến, Hàn Tín lập những chiến công vang dội, lần lượt đánh chiếm Tam Tần, đánh bại Ngụy vương Báo thu phục nước Nguỵ, giết tướng quốc Hạ Duyệt nước Đại, bắt sống Triệu vương Yết, thu hàng Yên vương Tang Đồ, giết Tề vương Điền Quảng, giết đại tướng nước Sở là Long Thư đến cứu viện cho Tề.
Tên tuổi của ông gắn liền với những trận đánh nổi tiếng, được hậu thế nhắc đến như những điển hình về nghệ thuật quân sự.
Sau cùng, Hàn Tín cùng các tướng lĩnh khác của Lưu Bang họp binh đánh bại quân chủ lực nước Sở của Hạng Vũ ở Cai Hạ, diệt nốt nước Sở. Như vậy chỉ trừ nước Hàn đã thần phục Hán từ trước, tất cả 6 nước chư hầu trên bản đồ Trung Hoa thời đó đều do công lao Hàn Tín đánh dẹp mang về cho nhà Hán. Khi đã thành danh, ông giữ đúng lời hứa, tạ ơn bà giặt lụa ngàn vàng. Sau đó lại gọi anh hàng thịt lên, không những không trả thù mà còn phong chức cho. Có thể nói không ngoa rằng về mặt quân sự trong tranh chấp giữa Hán và Sở, gần như một mình Hàn Tín quyết định cán cân nghiêng về phía nào.
[sửa] "Thịt thỏ hết chó săn bị mổ"
Khi đánh xong Tề, Hàn Tín được Lưu Bang phong làm Tề vương. Khi diệt được Hạng Vũ rồi, ông bị đổi phong làm Sở vương, với lý do vì ông là người nước Sở. Sau đó Lưu Bang lại lừa bắt ông đem về kinh, giáng phong làm Hoài Âm hầu. Ông bị vua bắt về kinh rồi thả ra vì không kết được tội gì cả. Cuối cùng, ông bị triều đình khép vào tội làm phản và bị tru di tam tộc. Trong việc lợi dụng tài năng của ông và trừ khử ông, các mưu sĩ Trương Lương và Trần Bình của Lưu Bang đóng vai trò tích cực nhất.
Hàn Tín là một danh tướng bách chiến bách thắng - sánh ngang với Hạng Vũ. Ông rất giỏi về quân sự nhưng về chính trị, ông không phải là đối thủ của Lưu Bang. Nhà Hán kết tội ông đồng mưu với phản thần Trần Hy làm nội gián, nhưng thực ra đây chỉ là sự vu cáo.
[sửa] Bị cướp tướng ấn
Lưu Bang sai Hàn Tín đi đánh Ngụy và Triệu. Khi Tín đánh được Ngụy và Triệu thì là lúc Bang bị Hạng Vũ đánh thua tơi tả ở Huỳnh Dương và Thành Cao, nửa đêm hớt hải bỏ trốn về Triệu, không dám xưng là Hán vương, chỉ dám xưng là sứ giả của Hán vương, lẻn vào phòng ngủ của Hàn Tín, lấy trộm ấn tướng quân của Tín khi Tín đang ngủ. Sáng hôm sau, Tín tỉnh dậy mới biết Hán vương đã đến và tự tay cầm quân, thay đổi hết nhân sự của Tín. Đồng thời, Lưu Bang còn đoạt luôn quân của Tín, sai Tín đi mộ binh lính mới để đánh Tề.
[sửa] Không nghe Khoái Triệt
Hàn Tín đánh chiếm được nước Tề. Khi Lưu Bang triệu quân của Hàn Tín từ nước Tề về để giải vây. Lúc đó có quân sư Khoái Triệt khuyên can nên chia ba thiên hạ. Hàn Tín không nghe, đem quân giúp Lưu Bang nên Lưu Bang thống nhất được thiên hạ. Sau này Khoái Triệt phải tự phóng khí và giả điên, tránh sự truy nã gắt gao của lính triều đình (của Hán Cao Tổ Lưu Bang). (Cũng vì vậy mà quân sư Gia Cát Lượng của Lưu Bị về sau không được liệt vào 10 nhà mưu sĩ của Trung Quốc, mà chỉ được liệt vào 10 Đại Thừa tướng của Trung Quốc, chia ba thiên hạ là ý của Khoái Triệt chứ không phải của Khổng Minh Gia Cát Lượng).
[sửa] Bị cải phong lần thứ hai
Lúc thành công trong việc thống nhất thiên hạ, Lưu Bang một lần nữa bất ngờ đoạt quân của Tề vương Hàn Tín ngay sau chiến thắng Cai Hạ, đưa Hàn Tin về nước Sở phong vương - nơi mà Hàn Tín bị làm nhục thời niên thiếu.
Chung Ly Muội, tướng cũ của Hạng Vũ, là bạn của Tín khi Tín còn làm quan cho Hạng Vũ, bị nhà Hán truy nã nên đến trốn ở nhà Tín. Lưu Bang vẫn chưa yên tâm về Hàn Tín, lại nghe theo kế của Trần Bình, giả cách ra chơi chỗ gần trị sở của Hàn Tín. Tín nghe nói sợ hãi giết Chung Ly Muội mang đầu dâng Lưu Bang lúc ra mắt. Lưu Bang bắt luôn Hàn Tín mang về kinh đô giam lỏng, giáng làm chức Hoài Âm hầu và lấy nước Sở phong cho con em mình.
Có lần rỗi rãi nói chuyện, Lưu Bang hỏi ông: "Tướng quân bảo như ta cầm được bao nhiêu quân?" Tín thật thà đáp: "Như bệ hạ cùng lắm cầm được 10 vạn quân". Bang lại hỏi: "Như tướng quân cầm được bao nhiêu quân?" - "Thần thì càng nhiều càng tốt" - "Tại sao tướng quân lại bị ta bắt?" - "Vì tôi chỉ có tài cầm quân, còn bệ hạ có tài cầm tướng nên tôi bị bệ hạ bắt". Sau lần đó, Lưu Bang càng sợ tài của Tín và quyết trừ khử cho được
[sửa] Bị lừa lần cuối
Sử ký Tư Mã Thiên ghi: Khi Lưu Bang thân chinh đi xa đánh Trần Hy, Hàn Tín mưu tập hợp người nhà làm phản ở kinh đô để làm nội ứng cho Trần Hy. Lã Hậu sai thừa tướng Tiêu Hà là người quen của Tín từ thời hàn vi đến dụ Tín vào cung để bắt chém. Khi Lưu Bang dẹp Trần Hy trở về, nghe tin Hàn Tín chết thì "vừa mừng lại vừa thương". Mừng vì loại bỏ được một mối lo, thương vì Tín không có tội.
[sửa] Nghi án lịch sử
Qua sử sách chép thế đủ biết Hàn Tín không có tội mà đây là do Lưu Bang, Lã Hậu bày đặt vu hãm Hàn Tín do tài năng, công lao của ông quá lớn. Hàn Tín là người thực sự trung thành, đến mức ngu trung, với Lưu Bang, bởi Lưu Bang đã trọng dụng ông khi ông còn hàn vi, thất thế bên chính quyền Hạng Vũ. Cho nên, lúc Tín diệt Tề, thiên hạ 7 nước thì 6 đã theo Hán, nước Sở thế cô, Hạng Vũ sai thuyết khách đến dụ ông phản Hán nhưng ông không nghe. Mưu sĩ của ông là Khoái Triệt nhân đó cũng khuyên ông phản Hán để chia ba thiên hạ, nhưng Hàn Tín không nỡ.
Khi nắm hàng chục vạn binh hùng tướng mạnh trong tay như thế, Tín đã không hề có ý làm phản. Kể cả khi làm Sở vương, ông cũng giết bạn cũ Chung Ly Muội để chứng tỏ lòng trung thành, chứng tỏ ông không hề có ý phản Lưu Bang. Thế mà sau này, người ta đặt điều bảo ông định tập hợp vài trăm nô tỳ mà làm phản thì quả là sự vu cáo vụng về, vì ông là nhà cầm quân lão luyện, sao lại ngu muội làm một việc ngớ ngẩn để rước cái chết vào mình như thế? Mà khi ông đã có ý làm phản thì làm sao còn dám theo Tiêu Hà vào cung để cho Lã hậu bắt chém ông?
Các sử gia đều nói Hàn Tín bị oan. Cái chết của ông cũng như cái chết của nhiều công thần khai quốc nhà Hán khác như Bành Việt, Anh Bố vv... đều có sự khuất tất, do những mưu đồ vu cáo, hãm hại của chính vợ chồng Lưu Bang và các cận thần của ông ta. Công lao, tài năng của Hàn Tín quá lớn khiến cho Lưu Bang không bao giờ yên tâm và phải tìm cách trừ khử.
Khi dùng Hàn Tín trong việc đánh Hạng Vũ xong, Lưu Bang bằng mọi cách giết ông. Dù trước ông đã có trường hợp đại phu Văn Chủng nước Việt bị vua Câu Tiễn đối xử tương tự, nhưng khi nhắc đến câu "Thịt thỏ hết chó săn bị mổ", người ta vẫn thường nhắc đến chuyện của ông.
Dù sao đi nữa, hậu thế vẫn luôn nhìn nhận ông là một trong các đại tướng cầm quân xuất sắc nhất. Đền ơn bà giặt lụa, lại không báo oán anh hàng thịt chứng tỏ ông là người trung hậu, đạo đức, nhân từ và bị Lưu Bang, người bị các sử gia Trung Quốc gọi là "hoàng đế vô lại", lợi dụng. Khi bị xử chém ông mới hối hận vì mình bị đối xử quá bạc bẽo nên thốt ra rằng: "Ta tiếc không nghe lời Khoái Triệt nên mới ra nông nỗi này"
[sửa] Có hai Hàn Tín sống cùng thời
Cùng thời với Hàn Tín, còn một nhân vật khác cũng có tên Hàn Tín[1]. Ông là con cháu nước Hàn thời Chiến Quốc. Khi các nước ở Sơn Đông nổi dậy chống Tần, để có danh nghĩa tập hợp lực lượng, người ta tìm lại con cháu của chư hầu cũ đưa lên ngôi. Đại thần nước Sở là Hạng Lương đã sai Trương Lương tìm Hàn Thành làm Hàn vương. Hàn Tín là người cùng họ nên cũng được làm tướng. Sau khi Hàn Thành bị Hạng Vũ giết, Hàn Tín được Lưu Bang lập làm Hàn vương để có vây cánh chống Hạng Vũ.
Năm 204 TCN, Hạng Vũ vây ngặt Huỳnh Dương. Lưu Bang nhờ Kỷ Tín đóng giả ra hàng để chạy thoát về Thành Cao, cử Hàn vương Tín cùng Tung Công, Ngụy Báo và Chu Hà ở lại giữ thành. Hạng Vũ biết bị Kỷ Tín lừa, giết Tín rồi đánh thành mạnh hơn. Chu Hà, Tung Công giết Ngụy Báo vì sợ Báo lại phản Hán lần nữa. Cuối cùng Hạng Vũ vẫn hạ được thành, Tung Công và Chu Hà không hàng nên bị giết, Hàn Tín bị cầm tù. Lúc này Đại tướng quân Hàn Tín kia đang bình định nước Triệu.
Khi diệt xong Hạng Vũ, Lưu Bang cải phong Hàn Tín lên Thái Nguyên là vùng xa xôi, giáp địa giới Hung Nô (hệt như cách làm với Sở vương Hàn Tín), do đó dẫn đến việc Tín làm phản, dẫn Hung Nô vào đánh Hán. Sau này Tín chạy sang nương nhờ bên Hung Nô.
Rất ngẫu nhiên là cả hai Hàn Tín đều nổi danh trong thời Tần mạt Hán hưng, đều theo thờ Lưu Bang và cả hai đều bị vua phụ. Đây có lẽ là sự trùng hợp ngẫu nhiên có một không hai trong lịch sử.
[sửa] Tham khảo
Sử ký Tư Mã Thiên - Cao Tổ bản kỷ, Hoài Âm hầu liệt truyện
[sửa] Chú thích
- ▲ Theo Sử ký Tư Mã Thiên, thiên Hạng Vũ bản kỷ và Cao Tổ bản kỷ, các bản dịch của Phan Ngọc, Nguyễn Hiến Lê và Giản Chi. Danh sách các thiên của sử ký có 1 thiên về Hàn Tín này, ngoài thiên Hoài Âm Hầu liệt truyện