Nhà Hán
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Lịch sử Trung Quốc | ||||||
Tam Hoàng Ngũ Đế | ||||||
Nhà Hạ | ||||||
Nhà Thương | ||||||
Nhà Chu | ||||||
Xuân Thu | Nhà Đông Chu | |||||
Chiến Quốc | ||||||
Nhà Tần | ||||||
Nhà Tây Hán | Nhà Hán | |||||
Nhà Tân | ||||||
THDQ (Đài Loan) |
Nhà Hán (Hoa phồn thể: 漢朝, Hoa giản thể: 汉朝; Hán Việt: Hán triều; Pinyin: Hàn cháo; Wade-Giles: Han Ch'au; 206 TCN–220) nối tiếp sau nhà Tần và trước thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Triều đại này được gia tộc họ Lưu thành lập và cai trị.
Mục lục |
[sửa] Tầm quan trọng
Người Trung Quốc coi thời gian trị vì của nhà Hán, kéo dài 400 năm, là một trong những giai đoạn vĩ đại nhất trong toàn bộ lịch sử Trung Quốc. Vì thế, đa phần người Trung Quốc ngày nay vẫn tự cho mình là "người Hán", để vinh danh dòng họ Lưu và triều đại mà họ đã sáng lập ra.
Ở thời Hán, Trung Quốc chính thức trở thành một đất nước theo Khổng giáo và phát triển thịnh vượng: nông nghiệp, thủ công và thương mại tiến bộ và dân chúng đạt tới con số 50 triệu người. Trong lúc ấy, đế chế mở rộng ảnh hưởng văn hoá và chính trị của nó ra toàn bộ Việt Nam, Trung Á, Mông Cổ và Triều Tiên trước khi nó sụp đổ vì cả sức ép bên trong và bên ngoài.
Giai đoạn đầu tiên trong hai giai đoạn của nhà Hán, được gọi là Tiền Hán (前漢) hay triều Tây Hán (西漢) 206 TrCN–9 CN, đóng đô ở Trường An. Hậu Hán (後漢) hay triều Đông Hán (東漢) 25–220, đóng đô ở Lạc Dương. Việc quy ước thành Tây Hán và Đông Hán được sử dụng hiện nay để tránh nhầm lẫn với triều Hậu Hán của giai đoạn Ngũ Đại Thập Quốc mặc dù cách gọi tiền và hậu đã từng được sử dụng trong các văn bản lịch sử gồm cả cuốn Tư Trì Thông Giám của Tư Mã Quang.
Trí thức, văn chương và nghệ thuật hồi sinh và phát triển ở thời nhà Hán. Giai đoạn Hán là thời của nhà sử học nổi tiếng nhất Trung Quốc, Tư Mã Thiên (145–87 TrCN?), cuốn Sử ký Tư Mã Thiên của ông ghi chép biên niên sử chi tiết từ thời kỳ còn huyền thoại là nhà Hạ đến thời Vũ đế nhà Hán (141–87 TrCN). Các tiến bộ kỹ thuật cũng ghi dấu ở thời kỳ này. Một trong những phát minh vĩ đại của Trung Quốc: giấy, đã ra đời từ thời Hán.
Cũng khá chính xác khi tuyên bố rằng hai đế chế cùng thời với nhau là nhà Hán và Đế quốc Roma là hai siêu cường của thế giới. Nhiều phái bộ ngoại giao Roma đến Trung Quốc và được ghi chép lại trong lịch sử, đầu tiên ở trong cuốn Hậu Hán Thư có ghi chép một phái đoàn Roma do vua Antoninus Pius phái đi tới thủ đô Trung Quốc lúc đó là Lạc Dương năm 166 và được Hoàn đế tiếp đón.
Nhà Hán nổi tiếng vì khả năng quân sự. Đế chế này mở rộng về phía tây tới tận mép lưu vực Tarim (Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương ngày nay), có thể đã kiểm soát được con đường vận chuyển ngang Trung Á. Những con đường này thường được gọi là "Con đường tơ lụa" vì nó được dùng để xuất khẩu tơ lụa của Trung Quốc. Các đội quân Trung Quốc cũng đã tấn công và sáp nhập nhiều vùng ở miền bắc Việt Nam và miền bắc Triều Tiên (Vệ Mãn Triều Tiên) ở khoảng gần cuối thế kỷ thứ 2 TrCN. Tuy nhiên, các vùng kiểm soát ngoại vi của nhà Hán nói chung là không chắc chắn. Để đảm bảo hoà bình với các lực lượng phi Hán ở các địa phương, triều đình Hán phát triển một "hệ thống chư hầu" lợi ích song phương. Các nước chư hầu phi Hán được phép giữ quyền tự trị với sự chấp nhận quyền lực tượng trưng của nhà Hán. Các mối quan hệ cống nạp được xác định và được tăng cường bằng những cuộc hôn nhân lẫn nhau ở tầng lớp cai trị và những trao đổi quà tặng và hàng hoá thường xuyên.
[sửa] Sự trỗi dậy
Xem bài chính: Hán Sở tranh hùng
Ba tháng đầu tiên sau cái chết của Tần Thuỷ Hoàng đế nhà Tần tại Sa Khâu, các cuộc nổi dậy của nông dân, tù nhân, binh sỹ và hậu duệ của tầng lớp quý tộc cũ tại các nước Chiến Quốc nổi lên khắp nơi. Trần Thắng và Ngô Quảng là hai người nằm trong nhóm 900 binh sỹ bị điều đi đánh Hung Nô đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đầu tiên. Các cuộc nổi dậy liên tục cuối cùng đã lật đổ nhà Tần vào năm 206 TrCN. Lãnh đạo các cuộc nổi dậy là Hạng Vũ, một chỉ huy quân sự xuất chúng nhưng lại không có tài về chính trị, ông đã chia nước thành 19 nước phong kiến theo ý thích của riêng mình.
Cuộc chiến tiếp theo diễn ra giữa các nước đó trong 5 năm (206-202 TCN), gọi là thời Sở Hán tương tranh. Lưu Bang là người giành thắng lợi cuối cùng, trở thành vị vua đầu tiên của nhà Hán. Ban đầu, "Hán" (là địa giới do Hạng Vũ phân chia) chỉ gồm vùng Tứ Xuyên, Trùng Khánh và phía nam Thiểm Tây và chỉ là một công quốc nhỏ, nhưng dần lớn mạnh thành một đế chế; nhà Hán được gọi theo công quốc này, tên của nó lại được đặt từ chữ Hán Trung (漢中) — phía nam Thiểm Tây hiện nay, vùng bao quanh thành phố Hán Trung. Sự khởi đầu của triều Hán có thể tính từ năm 206 TCN khi nhà Tần sụp đổ và công quốc Hán được thành lập hay từ năm 202 TCN khi vua nước Sở là Hạng Võ tự sát.
Sự ra đời nhà Hán được lịch sử ghi nhận là có sự góp công rất lớn của 3 người dưới trướng Lưu Bang là: Mưu sĩ Trương Lương, Đại tướng quân Hàn Tín và Thừa tướng Tiêu Hà.
[sửa] Đạo giáo và hệ thống phong kiến
Đế quốc mới vẫn giữ lại nhiều phần của cơ cấu hành chính cũ thời Tần nhưng giảm sự cai trị tập trung đi một chút bằng cách lập ra các công quốc chư hầu ở một số vùng để có được thuận lợi về chính trị. Sau khi lập lên triều Hán, Hán Cao Tổ (Lưu Bang) chia nước thành nhiều "tiểu quốc phong kiến" để thoả mãn một số đồng minh của ông, mặc dù ông đã sắp đặt kế hoạch để trừ khử họ một khi ông đã củng cố xong quyền lực.
Sau khi ông chết, những người kế nghiệp ông từ Huệ đế đến Cảnh đế đều tìm cách cai trị Trung Quốc bằng cách tổng hợp các biện pháp của Pháp gia và những tư tưởng triết học Đạo giáo. Trong "thời Đạo giáo giả hiệu" này, một chính quyền tập trung ổn định cai trị toàn bộ Trung Quốc đã được thành lập thông qua sự hồi sinh của các lĩnh vực nông nghiệp và sự tan rã của "các tiểu quốc phong kiến" sau khi đàn áp cuộc nổi loạn của bảy nước (Thất quốc chi loạn) năm 154 TCN.
[sửa] Vũ Đế và Khổng giáo
Ở "thời Đạo giáo", Trung Quốc có khả năng giữ được hoà bình với Hung Nô bằng cách nộp cống và gả các công chúa cho họ. Tại thời này, mục tiêu của chính quyền là giảm sự hà khắc của hình luật, chiến tranh và các điều kiện sống cho người dân so với thời Tần, hạn chế các đe doạ từ dân du mục bên ngoài và những xung đột sớm bên trong triều đình. Chính phủ giảm bớt thuế và đảm bảo tình trạng cống nộp cho các bộ lạc du mục. Chính sách này giảm can thiệp vào đời sống dân cư (與民休息) bắt đầu một giai đoạn ổn định, được gọi là Văn Cảnh chi trị (文景之治), được gọi theo tên hai vị hoàng đế của thời kỳ này. Tuy nhiên, dưới thời cai trị của Vũ Đế, giai đoạn thịnh vượng nhất của Hán triều (140–87 TrCN) đế chế đã có khả năng tự bảo vệ. Thời đỉnh cao, Trung Quốc gồm cả vùng Thanh Hải, Cam Túc và bắc Việt Nam trong lãnh thổ của nó.
Vũ Đế quyết định rằng Đạo giáo không còn thích hợp cho Trung Quốc nữa, và chính thức tuyên bố Trung Quốc là một quốc gia Khổng giáo; tuy nhiên, giống như các vị vua trước đó, ông tổng hợp các biện pháp của Pháp gia với ý tưởng Khổng giáo. Sự công nhận chính thức đối với Khổng giáo này dẫn tới một hệ thống bổ nhiệm quan chức dân sự duy nhất, nhưng các ứng cử viên cũng bắt buộc phải thông hiểu các tác phẩm kinh điển của Khổng giáo (Tứ thư, Ngũ kinh) đối với hệ thống quan lại của đế quốc, yêu cầu này kéo dài tới tận khi nước Cộng hoà Trung Hoa được thành lập năm 1911. Các trí thức Khổng giáo có được ưu thế nổi bật khi họ là hạt nhân của hệ thống bổ nhiệm quan chức dân sự.
[sửa] Sự khởi đầu con đường tơ lụa
Từ năm 138 TrCN, Vũ đế cũng cử Trương Khiên hai lần dẫn đoàn sứ bộ đi về các vùng phía tây, và quá trình khai phá con đường hiện được gọi là Con đường tơ lụa từ Trường An (Tây An, tỉnh Thiểm Tây hiện nay), xuyên qua Tân Cương và Trung Á tới bờ phía đông Địa Trung Hải.
Tiếp theo các đoàn sứ bộ của Trương Khiên, các quan hệ giữa Trung Quốc và Trung cũng như Tây Á phát triển, khi ngày càng có nhiều đoàn sứ thần Trung Quốc được cử đi trong cả thế kỷ thứ 1 TrCN, khởi đầu sự phát triển của Con đường tơ lụa:
- "Phái đoàn sứ bộ lớn nhất đi ra ngoại quốc gồm vài trăm người, trong khi đoàn ít nhất cũng hơn 100 người... Trong một năm có từ năm, sáu đến hơn mười đoàn được phái đi." (Sử ký, phiên dịch ra tiếng Anh Burton Watson).
Trung Quốc cũng cử các phái đoàn tới Parthia, và tiếp sau là nhiều phái đoàn đi lại giữa hai nước khoảng năm 100 TrCN.
- "Khi đoàn sứ bộ Hán lần đầu tiên tới vương quốc Anxi (Parthia), nhà vua Anxi đã gửi một đoàn 20,000 kỵ binh tới gặp họ ở biên giới phía đông vương quốc... Khi các đoàn sứ bộ Hán trở về nước, vua Anxi cũng gửi các đoàn sứ của mình đi theo cùng với họ... Hoàng đế rất hài lòng về điều này." (Sử lý, 123, phiên dịch ra tiếng Anh Burton Watson Burton Watson).
Nhà sử học La Mã Florus miêu tả sự viếng thăm của nhiều đoàn sứ bộ, trong đó có Seres (người Trung Quốc), tới vị hoàng đế đầu tiên của La Mã là Augustus, người cai trị từ năm 27 TCN đến năm 14:
- "Thậm chí các nước còn lại của thế giới, vốn không phải là mục tiêu của sự thống trị của nó cũng nhận thức được sự vĩ đại của nó, và nó được chiêm ngưỡng với lòng kính trọng dành cho người dân La Mã, nhà chinh phục vĩ đại của các quốc gia. Vì thế thậm chí người Scythia và Sarmatia cũng gửi các đoàn sứ giả tới để tìm kiếm tình hữu nghị với La Mã. Không những thế, người Sere cũng tới và người Ấn Độ cư trú ở bên dưới đỉnh mặt trời cũng mang tới những quà tặng gồm đá quý và ngọc trai và voi, nhưng hãy bớt nghĩ về thời điểm đó mà hãy nghĩ nhiều hơn về sự to lớn của con đường họ đã đi qua, và họ đã nói rằng phải mất bốn năm. Trên thực tế phải nhìn vào nước da của họ để thấy rằng họ là giống người ở tại một vùng khác trên trái đất so với chúng ta." ("Cathey and the way thither", Henry Yule).
Năm 97 một vị tướng Trung Quốc là Ban Siêu đã đi về phía tây tới tận biển Caspi với 70.000 quân và thiết lập các liên hệ quân sự trực tiếp với đế chế Parthia, và cũng sai Cam Anh đi sứ tới La Mã.
Nhiều đoàn sứ bộ La Mã đến Trung Quốc kể từ năm 166, và được ghi chép chính thức trong biên niên sử Trung Quốc. Những sự trao đổi hàng hoá như tơ lụa Trung Quốc, ngà voi châu Phi và hương trầm La Mã làm tăng cường tiếp xúc giữa Đông và Tây.
Các tiếp xúc với đế chế Quý Sương dẫn tới việc đưa Phật giáo từ Ấn Độ vào Trung Quốc ở thế kỷ 1.
[sửa] Sự trỗi dậy của tầng lớp chủ đất
Để có được nhiều tiền cung cấp cho các chiến dịch quân sự thắng lợi chống Hung Nô, Vũ Đế bỏ ngỏ việc kiểm soát đất đai cho các nhà buôn và những người giàu có, và vì thế đã hợp pháp hoá quá trình tư hữu hoá đất đai. Thuế đất đai dựa trên diện tích của mảnh đất chứ không phải trên thu nhập có được từ nó. Thu hoạch từ mùa màng không phải luôn luôn đủ để nộp thuế vì việc bán sản phẩm bị thị trường chi phối nên không thể đảm bảo luôn có được một số thu cố định, đặc biệt sau khi bị thiên tai làm thiệt hại mùa màng. Các lái buôn và các gia đình thế lực dụ dỗ nông dân bán đất của mình, bởi vì sự tích luỹ đất đai giúp đảm bảo cuộc sống sung túc và quyền lực của họ và cả con cháu họ trong xã hội nông nghiệp Trung Quốc. Vì thế có sự tích tụ đất đai vào giai cấp mới, bao gồm các gia đình chủ đất. Triều đình nhà Hán tới lượt họ lại áp thêm thuế đối với những người đầy tớ vẫn còn độc lập để bù vào số thuế thiếu hụt, vì thế lại càng thúc đẩy nhiều nông dân chui vào tay tầng lớp chủ đất hay chúa đất.
Về mặt lý thuyết, nông dân trả cho chúa đất một lượng thu nhập theo chu kỳ (thường là hàng năm), để được bảo vệ khỏi nạn cướp bóc và các mối nguy hiểm khác. Trên thực tế, số lượng nông dân đông đảo ngày càng tăng dưới thời thịnh vượng của nhà Hán và số lượng đất đai hạn chế đã làm cho tầng lớp trên nâng cao đòi hỏi của họ đối với bất kỳ một nông dân phụ thuộc nào. Việc học hành không đầy đủ và thường là hoàn toàn mù chữ của người nông dân buộc họ phải làm việc chân tay để sống, và thường là làm ruộng trong một xã hội nông nghiệp. Các nông dân vì không có nghề nào khác tốt hơn để kiếm sống buộc phải hạ tiêu chuẩn và hạ giá bán sản phẩm nông nghiệp để trả tiền cho các chúa đất. Trên thực tế, họ thường phải trì hoãn việc thanh toán hoặc vay mượn tiền từ các chủ đất của họ sau khi thiên tai làm mất mùa. Để làm tình trạng của họ tồi tệ hơn, một số nhà cai trị thời Hán còn tăng thuế lên gấp đôi. Cuối cùng đời sống của tá điền ngày càng kém sút vì họ bị phụ thuộc vào mùa màng của mảnh đất đã từng thuộc sở hữu của họ.
Về phần mình, tầng lớp chủ đất và lãnh chúa còn đưa ra các thông tin không đúng về các tá điền và ruộng đất của họ để trốn thuế; tình trạng tham nhũng và sự bất lực của tầng lớp trí thức Khổng giáo trong lĩnh vực kinh tế đóng một vai trò rất nguy hiểm trong việc này. Những quan lại nhà Hán nào cố gắng tước đoạt đất đai ra khỏi tay các lãnh chúa đều gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ và chính sách của họ không thể thực thi nổi. Trên thực tế chỉ một thành viên trong các gia đình chủ đất, ví dụ như Vương Mãng là có thể đưa các ý tưởng cải cách này thành hiện thực dù nó đã thất bại khi ông tìm cách thực hiện các chính sách "quay lại thời trước".
[sửa] Sự đứt quãng trong giai đoạn cai trị của nhà Hán
Sau 200 năm, sự cai trị của nhà Hán bị ngắt quãng một thời gian ngắn từ năm 9 đến 24 bởi Vương Mãng, một nhà cải cách và là một thành viên trong các gia đình chúa đất. Tình hình kinh tế lâm vào nguy ngập ở cuối thời Tây Hán. Vương Mãng, vốn tin rằng họ Lưu đã mất Thiên Mệnh, chiếm lấy quyền lực và muốn quay trở lại thời trước với các cải cách tiền tệ và ruộng đất mạnh mẽ, nhưng những cải cách này còn mang tới kết quả tệ hại hơn.
[sửa] Sự trỗi dậy và sụp đổ của nhà Đông Hán
Một người họ hàng xa của hoàng tộc nhà Hán là Lưu Tú dẫn đầu một cuộc nổi dậy chống Vương Mãng với sự ủng hộ của các gia đình chủ đất và những nhà buôn. Ông "tái lập" triều Hán ở Lạc Dương và tiếp tục cai trị trong 200 năm sau và trở thành vua Hán Quang Vũ Đế.
Năm 105, dưới thời Đông Hán, một vị quan và là nhà phát minh tên là Thái Luân đã phát minh ra kỹ thuật làm giấy. Phát minh ra giấy được coi là một cuộc cách mạng trong trao đổi thông tin và học tập, giảm chi phí giáo dục đi rất nhiều.
Tuy nhiên cũng như triều đình trước, các hoàng đế nhà Đông Hán không thành công trong việc cải cách phân chia lại ruộng đất. Tình trạng tham nhũng, quan liêu lan tràn và sự hối lộ góp phần vào việc làm chậm trễ những hiệu quả của việc tư nhân hoá đất đai trên toàn đất nước. Uy tín của một triều đại mới tái thành lập dưới thời cai trị của ba hoàng đế (Quang Vũ Đế-Minh Đế-Chương Đế) đã có khả năng che lấp tình trạng tham nhũng; tuy nhiên tầng lớp học giả Khổng giáo lại quay sang chống lại hoạn quan vì họ đã lấn sang chính quyền, trong khi các gia đình ngoại thích và các hoạn quan đánh lẫn nhau để giành quyền lực. Không bên nào trong ba bên đó có thể cải thiện đời sống của những người nông dân đang phụ thuộc vào các gia đình chủ đất. Sự tư nhân hoá đất đai và sự tích lũy đất đai vào trong tay tầng lớp trên đã ảnh hưởng tới các xã hội thời Tam Quốc và Nam Bắc Triều tới mức tầng lớp chủ đất chiếm được quyền điều khiển và cai trị quốc gia. Các thực thể chiếm được quyền cai trị hợp tác với các gia đình đó, và hậu quả là các chính sách của họ chỉ dành ưu tiên cho tầng lớp chúa đất. Những ảnh hưởng bất lợi của hệ thống kiểm soát chín cấp hay hệ thống chín bậc (chế định cửu phẩm) là những ví dụ cụ thể.
Tư tưởng thái bình của Đạo giáo về bình đẳng quyền lợi và bình đẳng trong phân phối đất đai lan tràn trong giới nông dân. Kết quả là nông dân tham gia cuộc Khởi nghĩa khăn vàng (khởi nghĩa hoàng cân) đã tập hợp lại ở Đồng bằng Hoa Bắc, khu vực nông nghiệp chính của đất nước. Quyền lực của hoàng tộc họ Lưu rơi vào tay các sứ quân địa phương, dù có sự đàn áp cuộc khởi nghĩa Trương Giác và các anh em của ông. Ba vị lãnh chúa cuối cùng đã kiểm soát được toàn bộ Trung Quốc, mở ra thời đại Tam Quốc. Vị vua bù nhìn Hiến Đế cai trị tới năm 220 khi Tào Phi buộc ông thoái vị.
Năm 311, khoảng 100 năm sau sự sụp đổ nhà Đông Hán, thủ đô Lạc Dương của nó bị người Hung Nô cướp phá.
[sửa] Các đời vua thời Hán
Tiêu bản:Các Hoàng đế nhà Hán
[sửa] Xem thêm
- Lưu Bang
- Hán Sở tranh hùng
- Con đường tơ lụa
- Sử ký
- Hung Nô
- Tam Quốc
- Trận Jushi