Mỹ thuật công nghiệp
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Mỹ thuật công nghiệp là một ngành thiết kế tạo mẫu, tạo dáng cho các sản phẩm công nghiệp như bao bì, trang trí nội thất, thời trang...
Mục lục |
[sửa] Định nghĩa
Theo cuốn Lịch sử design của họa sĩ Lê Huy Văn và Trần Văn Bình, "mỹ thuật công nghiệp", còn được gọi là design (phát âm như "đi-zai"), là ngành thiết kế tạo mẫu, tạo dáng cho sản phẩm công nghiệp, tạo mỹ thuật sản phẩm, thiết kế môi trường sống hay thế giới đồ vật.
Danh từ design có xuất xứ từ chữ disegno của tiếng Latinh, có từ thời Phục hưng, có nghĩa là phác thảo, thuật vẽ, thiết kế, bản vẽ và là cơ sở của mọi nghệ thuật thị giác, công việc của sự sáng tạo. Thời đó thuật ngữ này thường ám chỉ công việc sáng tạo của các họa sĩ vẽ tranh, tạc tượng v.v. và hơn nữa đó vẫn chưa phải là một nghề chuyên nghiệp hoàn toàn (full-time professional) mà gắn kết như một thuộc tính của họa sĩ, nhà điêu khắc hay các nghệ nhân.
[sửa] Lịch sử
Tại Anh, vào thế kỉ 16, khái niệm này đã mở rộng hơn như là "lập trình một cái gì đó để thực hiện", "thực hiện phác thảo một bản vẽ đầu tiên cho một tác phẩm nghệ thuật" hoặc "phác thảo của một sản phẩm mỹ nghệ". Design là phác thảo, thiết kế, chế mẫu và lập kế hoạch cho sản phẩm công nghiệp. Với quá trình công nghiệp hóa cũng là quá trình hình thành lịch sử design và bắt đầu vào khoảng giữa thế kỉ 19.
Cụm từ design ở Việt Nam có nghĩa là "mỹ thuật công nghiệp", "thiết kế tạo dáng công nghiệp" hay "mỹ thuật ứng dụng". Thuật ngữ này mới nhập vào Việt Nam trong thập niên 1960, bắt nguồn từ Industrielle Formgestaltung trong tiếng Đức khi các giáo sư trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Halle (Die Hochschule für Industrielle Formgestaltung – Halle) sang trường Trung cấp Mỹ nghệ Hà Nội trao đổi học thuật và đã được dịch thành "Mỹ thuật công nghiệp" (MTCN). Từ đó MTCN trở thành thuật ngữ của ngành và trở nên thông dụng, quen thuộc.
[sửa] Các lĩnh vực thiết kế chính
- Thiết kế đồ họa (Graphics design)
- Thiết kế thời trang (Fashion design)
- Tạo dáng công nghiệp (Industrial design)
- Trang trí nội thất (Interrior design)
[sửa] Các trường đào tạo mỹ thuật công nghiệp ở Việt Nam
- Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội
- Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh
- Đại học Dân lập Văn Lang
- Đại học Dân lập Hồng Bàng
- Đại học Mở Hà Nội
- Đại học Nghệ thuật Huế
- Đại học Bán công Tôn Đức Thắng
- Đại học Kiến trúc Hà Nội
- Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai