Nhật ký trong tù
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nhật ký trong tù, nguyên văn chữ Hán: 獄中日記 - Ngục trung nhật ký, là một tập thơ của Hồ Chí Minh, viết từ ngày 29 tháng 8 năm 1942 đến ngày 10 tháng 9 năm 1943[1], trong thời gian ông bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và giải đi khắp các nhà giam ở Quảng Tây, Trung Quốc.
Nguyên gốc tập thơ chỉ là một quyển sổ tay nhỏ, bìa xanh đã bạc màu, có ghi bốn chữ "Ngục trung nhật ký" (tức Nhật ký trong tù) kèm theo bốn câu thơ và một hình vẽ hai nắm tay bị xích; bên trong gồm hơn 100 bài thơ chữ Hán và một số ghi chép. Tập thơ được nhiều người đánh giá là một thể hiện khác của con người Hồ Chí Minh qua cách nhìn là một nhà thơ.
Tác phẩm Nhật ký trong tù đã được xuất bản nhiều lần, được dịch và giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới, nhiều lần được thể hiện bằng thư pháp tiếng Việt, Hán, Hàn, Nhật...[2]
Mục lục |
[sửa] Giá trị
Tập thơ "Nhật ký trong tù" đã được một số nhà phê bình đánh giá. Theo BBC, không chỉ các tác giả Việt Nam và phương Tây mà ngay chính các nhân vật của Trung Quốc - quê hương của thơ chữ Hán - như Quách Mạt Nhược, Viên Ưng, Hoàng Tranh đều ca ngợi tập thơ này. Cũng theo BBC, nhà phê bình Đặng Tiến lại nói tác phẩm này không có giá trị cao về nghệ thuật và tư tưởng[3].
Xuân Diệu có viết: "Thơ Nhật ký trong tù theo ý tôi, rất dễ và rất khó. Dễ là dễ hiểu, giản dị, gần gũi với mọi người, các bài có cơ sở đầu tiên ở thực tế dễ thông cảm. Nhưng nếu chưa nâng tâm trí mình lên đúng mức thì chưa thấy hết các tinh tuý ở bên trong thơ, cho nên nói là rất khó...Người xưa nói:" Ðối diện đàm tâm" nghĩa là mặt nhìn mặt miệng không nói mà hai tâm hồn trò chuyện, như vậy là tinh vi lắm, là cái thứ im lặng rất cao đàm tâm được với nhau...Cái hay vô song của tập thơ là chất người cộng sản Hồ Chí Minh, được đào tạo trong lò hun đúc của Lê nin mà vẫn mang cái tinh anh của Nguyễn Trãi, Văn Thiên Tường..."[4]
[sửa] Giá trị nội dung
Miêu tả hiện thực nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Theo các bài thơ trong tập thơ này thì đó là hiện thực tồi tệ của một chế độ tồi tệ, nơi số phận những người tù, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, thật là cay đắng và đau khổ, đầy rẫy những điều oan ức và bất bình.
Cơm tù
- Không rau, không muối, canh không có
- Mỗi bữa lưng cơm đỏ gọi là
- Có kẻ đem cơm còn chắc dạ
- Không người lo bữa đói kêu cha.
Tiền vào nhà giam
- Mới đến nhà giam phải nộp tiền
- Lệ thường ít nhất năm mươi nguyên
- Nếu anh không có tiền đem nộp
- Mỗi bước anh đi mỗi bước phiền.
Đánh bạc
- Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội
- Trong tù đánh bạc được công khai
- Bị tù, con bạc ăn năn mãi
- Sao trước không vô quách chốn này?
Nhà thơ cho rằng mình chỉ bị tù về thể xác nhưng vẫn là "khách tiên", vẫn tự do. Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong bài đề từ của tập thơ:
- Thân thể ở trong lao
- Tinh thần ở ngoài lao
- Muốn nên sự nghiệp lớn
- Tinh thần càng phải cao.
Trong hoàn cảnh nghiệt ngã đến cùng cực, vẫn có các bài thơ lạc quan yêu đời, khao khát tự do, thể hiện khí phách của một nhà cách mạng, thể hiện tấm lòng đối với quê hương và những lo nghĩ đối với sự nghiệp cách mạng, thể hiện nỗi oan ức vì bị tình nghi là gián điệp, diễn tả tình yêu thiên nhiên và tấm lòng nhân đạo.
Tự khuyên mình
- Ví không có cảnh đông tàn
- Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
- Nghĩ mình trong bước gian truân
- Tai ương rèn luyện, tinh thần thêm hăng.
Không ngủ được
- Một canh...hai canh...lại ba canh...
- Trằn trọc, băn khoăn, giấc chẳng thành
- Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
- Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.
Chiết tự
- Người thoát khỏi tù ra dựng nước
- Qua cơn hoan nạn, rõ lòng ngay
- Người biết lo âu, ưu điểm lớn
- Nhà lao mở cửa, ắt rồng bay.
[sửa] Giá trị nghệ thuật
[sửa] Giọng điệu thơ
Trong tập "Nhật ký trong tù", giọng điệu thơ rất đa dạng từ châm biếm, triết lý, trữ tình, hài hước, tả thực...
Ngắm trăng
- Trong tù không rượu cũng không hoa
- Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
- Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
- Trang nhòm khe cửa, ngắm nhà thơ.
Nửa đêm
- Ngủ thì ai cũng như lương thiện
- Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền
- Hiền dữ phải đâu là tính sẵn
- Phần nhiều do giáo dục mà nên.
[sửa] Biện pháp tu từ
Nhà thơ sử dụng đa dạng các biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, đối, điệp ngữ...
Nghe gà gáy
- Ngươi tuy chỉ một chú gà thường
- Báo sáng ngày ngày tiếng gáy vang
- Một tiếng toàn dân bừng tỉnh mộng
- Công ngươi đâu có phải là xoàng.
[sửa] Giá trị tư tưởng
Tập thơ "Nhật ký trong tù" nói lên một số tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc.
Tư tưởng về giải phóng dân tộc, giá trị của tự do, lòng yêu nước.
- Trên đời ngàn vạn điều cay đắng
- Cay đắng chi bằng mất tự do ? (Cảnh binh khiêng lợn cùng đi)
Thà chết chẳng cam nô lệ mãi ("Việt Nam có báo động", nguồn tin xách đạo trên báo Ung Ninh)
Tư tưởng về văn học nghệ thuật được diễn tả trong bài thơ "Cảm tưởng đọc Thiên Gia Thi".
Cảm tưởng đọc Thiên Gia Thi
- Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp
- Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi sông
- Nay ở trong thơ nên có thép
- Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
[sửa] Giá trị về Đường thi
Tập thơ có nhiều bài được viết theo lối chơi chữ, chiết tự chữ Hán (trong đó có một số chữ khó), nên các bản dịch tiếng Việt đôi khi không nói hết ý của bài.
Ví dụ: câu thơ "Ly khai trúc sản xuất chân long" (Mở cửa nhà lao ắt rồng bay). Trong tiếng Hán, nếu phát âm, cả hai chữ Rồng và Lồng cùng được phát âm là Lung. Khi viết, nếu bỏ bộ Trúc ở trên đi, thì chữ Lồng trở thành chữ Rồng.
Tập thơ đã sử dụng một cách sáng tạo các quy luật của thơ Đường, các tục ngữ, điển cố Trung Hoa. Ông Quách Mạt Nhược khi đọc tập thơ nhận xét rằng "Nhiều bài trong tập thơ sánh ngang Đường thi".
Ví dụ: tức cảnh sinh tình, lấy cảnh làm nền cho con người:
Tức cảnh
- Cánh lá khéo in hình Dục Đức
- Vầng hồng sáng mãi dạ Quan Công
- Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng
- Tin tức bên nhà bữa bữa trông.
[sửa] Một số bài thơ trích từ "Nhật ký trong tù"
[sửa] Giải đi sớm
一次雞啼夜未闌 群星擁月上秋山 征人已在征途上 迎面秋風陣陣寒
東方白色已成紅 幽暗殘餘早一空 暖氣包羅全宇宙 行人詩興忽加濃 |
Nhất thứ kê đề dạ vị lan Quần tinh ủng nguyệt thượng thu san Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng Nghênh diện thu phong trận trận hàn. Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng U ám tàn dư tảo nhất không Noãn khí bao la toàn vũ trụ Hành nhân thi hứng hốt gia nồng |
Gà gáy một lần đêm chửa tan, Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn; Người đi cất bước trên đường thẳm, Rát mặt, đêm thu, trận gió hàn. Phương đông màu trắng chuyển sang hồng, Bóng tối đến tàn, quét sạch không; Hơi ấm bao la trùm vũ trụ, Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng. |
[sửa] Nghe tiếng giã gạo
既舂之後白如綿 人生在世也這樣 困難是你玉成天 |
Mễ bị thung thì, hẩn thống khổ, Ký thung chi hậu, bạch như miên; Nhân sinh tại thế dã giá dạng, Khốn nạn thị nhĩ ngọc thành thiên. |
Gạo đem vào giã bao đau đớn, Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông; Sống ở trên đời người cũng vậy, Gian nan rèn luyện mới thành công. |
[sửa] Chú thích
- ▲ Thông tin về thời gian này được ghi ở bài thơ kết thúc của tập thơ. Tuy nhiên, ở trang đầu lại có ghi một thời điểm sai khác (29 tháng 8 năm 1932 và ngày 10 tháng 9 năm 1933. Điều này đã làm nảy sinh những nghi vấn về tác giả và thời điểm sáng tác của tập thơ "Nhật ký trong tù".
- ▲ Các bản dịch sang tiếng nước ngoài:
- Tiếng Pháp - Người tình nguyện vào ngục Bastille dịch “Nhật ký trong tù” - Luật sư Phan Nhuận, Việt kiều tại Pháp
- Tiếng Séc - Gặp người Séc dịch “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ - trong này có cả bình luận đánh giá của ông GS người Séc.
- Tiếng Hàn - “Prison Diary” published in Korean .
- Tiếng Anh - Steve Bradbury Tinfish Press (January 20, 2004) (5 sao tại Amazon)
- Bản dịch cổ hơn - Aileen Palmer dịch
- Tiếng Tây Ban Nha - do Felix Pita Rodriguez dịch - Nhà xuất bản LOM
- Tiếng Rumani - do Constantin Lupeanu dịch
- ▲ BBC Tìm hiểu cuốn Ngục Trung Nhật Ký
- ▲ Văn học hiện thực phê phán
[sửa] Liên kết ngoài
- Các bài thơ trong tập Nhật ký trong tù
- Nhật ký trong tù
- Nhật ký trong tù- bức chân dung của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng-báo Quân đội nhân dân
- Nghiên cứu của PGS Hoàng Tranh (Trung Quốc) về quá trình viết NKTT, phỏng vấn các nhân chứng sống, bình luận đánh giá thơ...
- BBC Tìm hiểu cuốn Ngục Trung Nhật Ký
- Phỏng Vấn GS. Lê Hữu Mục về HUYỄN THOẠI Hồ Chí Minh
- Cuốn Nhật ký trong tù độc đáo nhất Việt Nam
- Nhật ký trong tù trên gỗ.
- Triển lãm thư pháp Hàn Quốc 'Nhật ký trong tù'
- Songs from a Prison Diary (Poems by Ho Chi Minh) - Phil Minton & Veryan Weston , 1993, Audio CD phát hành năm 2000.
- Rings of Jade (2005), ngâm thơ cùng dàn nhạc giao hưởng, Sally Burgess and the York Symphony Orchestra
- Veryan Weston
- Nhạt ký trong tù trong Văn học lớp 12.