Quán tính
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Quán tính, trong vật lý học, là tính chất bảo toàn trạng thái chuyển động của một vật. Tính chất này hiểu nôm na là "tính ì" của vật.
[sửa] Khối lượng quán tính
Mức độ "ì" của vật gắn liền với khối lượng của vật chất. Vật có khối lượng lớn có sức ì lớn hơn và cần có lực lớn hơn để làm thay đổi chuyển động của nó. Mối liên hệ giữa quán tính với khối lượng được Newton phát biểu trong định luật 2 Newton.
Khối lượng hiểu theo nghĩa độ lớn của quán tính, khối lượng quán tính, không nhất thiết trùng với khối lượng hiểu theo nghĩa mức độ hấp dẫn vật thể khác, khối lượng hấp dẫn. Tuy nhiên các thí nghiệm chính xác hiện nay cho thấy hai khối lượng này rất gần nhau và nguyên lý tương đương dùng để xây dựng nên thuyết tương đối rộng của Albert Einstein phát biểu rằng hai khối lượng lượng này là một.
Khối lượng quán tính trong chuyển động thẳng đều còn được mở rộng thành khái niệm mô men quán tính trong chuyển động quay.
[sửa] Chuyển động quán tính
Xu hướng giữ nguyên trạng thái chuyển động của vật chất được phát biểu lần đầu bởi Galileo Galilei và được Isaac Newton tổng kết lại trong định luật 1 Newton (còn được gọi là định luật quán tính). Mọi vật đều có:
- xu hướng giữ nguyên trạng thái đứng yên
- xu hướng giữ nguyên trạng thái chuyển động thẳng đều
khi không có ngoại lực tác động vào chúng. Đây chính là chuyển động theo quán tính.
Trong lý thuyết tương đối rộng, chuyển động theo quán tính là chuyển động theo đường trắc địa trong không thời gian.
[sửa] Xem thêm
- Hệ quy chiếu quán tính
- Khối lượng quán tính
- Năng lượng
- Thuyết tương đối rộng
- Các định luật Newton
- Mô men quán tính