Galileo Galilei
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Galileo Galilei (15 tháng 2, 1564 – 8 tháng 1, 1642) là một nhà vật lí, nhà toán học và nhà thiên văn học người Ý.
[sửa] Cuộc đời
Galileo Galilei sinh ra ở Pisa, Ý trong một gia đình quý tộc. Trong thời gian học tập tại Đại học Pisa (1581-1585), Galileo đã tiến hành nhiều thí nghiệm với con lắc và khám phá ra rằng chúng gần như trở về đúng độ cao được thả ra; chúng có những chu kì khác nhau không phụ thuộc vào khối lượng của con lắc và biên độ, và bình phương của chu kì tỉ lệ thuận với chiều dài dây. Sau này ông sử dụng con lắc để chế tạo đồng hồ vào năm 1641. Galileo cũng tìm ra rằng tốc độ rơi không phụ thuộc vào trọng lượng. Ông ghi những phát hiện của mình trong quyển sách có tên De Motu (Về chuyển động).
Galileo được cử làm giáo sư toán trường Đại học Padua (1592-1610). Năm 1593, Galileo sáng chế ra nhiệt kế. Những phát minh khác của ông có bơm nước và cân thủy tĩnh.
Năm 1609, Galileo là người đầu tiên sử dụng kính thiên văn để quan sát bầu trời sau khi nghe nói về chiếc kính thiên văn mới chế tạo của Hans Lippershey. Năm 1610, Galileo khám phá ra vành đai sao Thổ và cùng năm này trở thành người đầu tiên quan sát thấy 4 mặt trăng lớn của sao Mộc. Ông cũng quan sát các pha của sao Kim, nghiên cứu về vết đen trên Mặt Trời và khám phá ra nhiều hiện tượng quan trọng khác.
Năm 1610, Galileo chuyển đến Firenze, Ý, nơi ông đã theo đuổi nghiên cứu của mình tại Đại học Firenze và cung điện của gia đình Medici, sau được cai quản bởi Cosimo II, Bá tước của vùng Toscana.
Sau khi thảo luận và xuất bản nhiều khám phá thu được nhờ kính thiên văn, bao gồm bằng chứng về việc Trái Đất quay quanh Mặt Trời (gọi là thuyết Nhật tâm), Galileo bị kết tội dị giáo bởi Giáo hội La Mã vì Giáo hội ủng hộ thuyết Địa tâm. Sau khi bị cấm thảo luận và in sách về lí thuyết "dị giáo", Galileo đã phản kháng và xuất bản cuốn sách "Đối thoại giữa hai hệ thống thế giới". Ông bị kết án về tội dị giáo vào năm 1633 và bị quản thúc tại nhà cho đến cuối đời. Ông mất vào năm 1642 tại nhà riêng gần Firenze.
Galileo nổi tiếng nhất với câu nói Eppur si muove! ("Dù gì thì Trái Đất vẫn quay") sau khi đã bị Giáo hội buộc phải thề không thảo luận về thuyết Địa tâm nữa. Ông cũng có một thí nghiệm nổi tiếng chứng minh tốc độ rơi của một vật không phụ thuộc trọng lượng của nó trên tháp nghiêng Pisa.
[sửa] Liên kết ngoài