Truyện kể Genji
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Truyện kể Genji (Kanji: 源氏物語 Genji monogatari; Hán Việt: Nguyên Thị vật ngữ) là một trường thiên tiểu thuyết của nữ sĩ cung đình Nhật Bản có biệt danh là Murasaki Shikibu (紫式部 978?-1016?), không rõ tên thật của nàng là gì. Truyện được sáng tác vào khoảng những năm 1010 thời đại Heian bằng chữ viết kana, theo thể loại monogatari (truyện) cổ điển đã có lịch sử phát triển từ 200 năm trước đó của Nhật Bản. Tác phẩm gồm 54 chương, thuộc một trong những truyện dài nhất, phức tạp nhất về nội dung và quyến rũ nhất về mặt hình thức trong lịch sử văn học thế giới. Trở thành một hiện tượng có một không hai đối với văn học nhân loại thời trung thế kỷ tiền Phục hưng: về mặt lịch sử truyện được đánh giá là tiểu thuyết theo nghĩa hiện đại đầu tiên của nhân loại, sớm hơn rất nhiều so với sự ra đời của tiểu thuyết ở châu Âu với tác phẩm Don Quixote de la Mancha của Miguel de Cervantes vào thế kỷ 16.
[sửa] Nội dung
Tác phẩm gồm hai phần: phần chính gồm khoảng 44 tập đầu tiên đề cập đến nghề nghiệp và những cuộc phiêu lưu tình ái trong cung đình của hoàng tử Genji tại kinh đô. 10 tập tiếp theo được gọi là 10 tập Uji, viết về con trai của Genji tên là Kaoru.
Truyện bắt đầu từ sự sủng ái của hoàng đế với một cung phi, nàng Kiritsubo, một phụ nữ không xuất thân từ tầng lớp thượng lưu. Kết quả của tình yêu gữa nàng với hoàng đế là đứa con trai được đặt tên Genji.
Cậu bé Genji được tất cả mọi người yêu thương, kể cả những người trước kia ghen ghét mẹ cậu, bởi cậu rất xinh đẹp, thông minh, tài ba và có sức quyến rũ lạ thường. Vì quá yêu con trai, không muốn con sa vào vòng thăng trầm của vận mệnh, vua cha đã không nhường ngôi cho chàng mà để chàng sống một cuộc sống tự do như những người bình thường.
Khi Genji 12 tuổi, chàng làm lễ trưởng thành và lấy vợ - cô gái Aoi con tể tướng. Nhưng cũng từ đây cuộc đời của chàng là hành trình không mệt mỏi trong nhu cầu “hầu hạ” những người đàn bà mang lại cho chàng khoái cảm và bỏ rơi vợ. Xúc cảm tình yêu đầu tiên của chàng lại với chính người mẹ kế Fujitsubo, người thiếp của vua cha. Nàng rất trẻ và xinh đẹp nhưng với Genji đó là một người không thể với tới. Sau đó chàng tình cờ làm quen nàng Utsusemi, vợ của một viên quan cấp tỉnh. Nhưng mọi nỗ lực của Genji đều bị tan vỡ trước sự cứng rắn và khéo léo của Utsusemi. Genji đã từng lẻn đến giường Utsusemi nhưng nàng chạy thoát và để con gái mình là Nokia-no-ogi thay thế.
Trong năm này Genji cũng đã trải qua cú sốc đầu tiên trong đời do chuyện tình ái. Chàng yêu Yugao, người yêu của bạn Genji tên là Chujo, và tận hưởng mối tình tại một căn nhà nhỏ nghèo nàn bên rìa thành phố. Tại đây, Rokujo, một cung phi chàng đã bỏ rơi, thể hiện lòng ghen tuông dữ dội khiến Yugao bị chết. Genji cũng suy sụp tinh thần nặng nề. Trong cố gắng thoát khỏi bùa mê của Rokujo, chàng gặp một pháp sư nổi tiếng trên đất Trung Quốc và tại đây chàng tìm thấy một người sau này đã trở thành tình yêu lâu bền và sâu sắc nhất cuộc đời chàng: cô bé Murasaki, tuy mới 10 tuổi, nhưng có một nhan sắc tuyệt mĩ và giống Fujitsubo như đúc, làm sống dậy trong lòng chàng mối tình vụng trộm đầu tiên với Fujitsubo. Khi trở về thủ đô cùng Murasaki, chàng đã quay lại với Fujitsubo khi biết nàng không còn ở bên quốc vương cha đẻ của chàng nữa. Mối tình vụng trộm để lại hậu quả: Fujitsubo sinh một đứa con giống hệt Genji. Sau này đứa con trai đó lên ngôi với cái tên Reisen.
Suốt những năm sau, Genji tiếp tục quan hệ với nhiều phụ nữ khác nhau và họ đều được hưởng thiện cảm lớn lao và ít nhiều bền lâu của chàng. Đó là Sue-tsumu-hona, cô gái hay ngượng ngùng và khiêm nhường, có chút yếu điểm về ngoại hình; Genji-no-naishi, người đàn bà quý phái đã cao tuổi có cặp lông mày trắng thôi miên người khác phái; Hanna-chiru-haso, một phụ nữ trầm tính, thiếu say đắm nhưng lại dễ chịu như một người bạn gái v.v.
Khi Genji ngoài 20 tuổi, vua cha thoái vị nhường ngôi cho người con cả và Genji trở thành thái tử. Tại buổi lễ tấn phong công chúa San-no-miya làm tư tế một ngôi đền Thần đạo, tác giả mô tả cho chúng ta thấy sự xung đột giữa hai địch thủ: người vợ được luật pháp thừa nhận của Genji là nàng Aoi tuyệt sắc với người tình cũ Rokujo. Kết quả của cuộc đánh ghen ấy là sự đày đọa của dòng họ khiến Aoi bị chết, để lại đứa con trai của nàng với Genji tên là Yugiki. Genji cuối cùng đã đoán ra rằng Rokujo là nguyên nhân cái chết bi thảm của cả Yugao và Aoi nên ra mặt lạnh nhạt. Rokujo cũng đoạn tuyệt với Genji để trở về tỉnh Ise, đồng thời gửi gắm con gái Akiyoshi cho Genji chăm sóc. Akiyoshi sau này đã trở thành nữ hoàng đệ nhị. Một thời gian ngắn sau khi Aoi chết, Genji đã chia xẻ tình cảm với Murasaki, vào lúc chàng 22 tuổi và Murasaki mới 15 tuổi.
Vua cha từ trần, Genji lâm vào hoàn cảnh khó khăn do triều đình rơi vào tay dòng họ thù địch của mẹ vị hoàng đế mới. Trong những năm tháng ấy Genji bất ngờ làm quen với nàng Oborotsuki của dòng họ này, nhưng do những người thân của nàng luôn muốn nàng được nhà vua kế nhiệm sủng ái nên đã đày Genji ra Tsuma. Genji bị lưu đày ở đây từ năm 26 đến năm 27 tuổi và cũng trong thời gian này, Akashi, con gái một vị tu sĩ, trở thành người tình của chàng.
Trong thời gian lưu đày, tại hoàng cung nhiều biến cố nghiêm trọng xảy ra dẫn tới cái chết của người đứng đầu dòng họ thù địch và mọi người giải thích do bắt Genji đi đày nên các thần linh trừng phạt. Genji lại được hồi cung trong trang trọng và danh dự. Hoàng đế Tsuraku thoái vị nhường ngôi cho Reisen, con trai Genji. Từ đây Genji bắt đầu có vị trí và quyền lực quan trọng trong giới quý tộc. Cũng trong những năm này, Akashi sinh con gái và đặt tên là Akashi-hina, sau đó nàng trao con cho Genji nuôi dưỡng và bỏ vào núi.
Genji xây cho mình một cung điện mới tráng lệ ở kinh đô, đặt tên là Rokujo-in và đưa tất cả những người phụ nữ thân thiết của chàng đến vui vầy. Trong những năm này có lúc chàng còn gặp lại tình yêu thời trẻ, nàng Utsusemi, trong một chuyến du ngoạn và họ trao cho nhau những bài thơ tashi. Nàng Utsusemi sau đó cắt tóc đi tu và rời khỏi thế giới trần tục.
Tại cung điện Rokujo-in ngày nối ngày luân phiên như những ngày hội huy hoàng và vinh quang của Genji đã đạt tột đỉnh. Nhưng số phận bắt đầu rình rập chàng, những năm tháng cuối đời của chàng trôi qua trong sầu muộn, hạnh phúc lung lay, những tai họa ập đến nối tiếp nhau với ba biến cố chính: Sự kiện thứ nhất là các câu chuyện xúc động quanh cô gái Tamakatsura, đó là đứa con của người tình Yugao (đã chết trong vòng tay Genji vì sự ghen tuông của Rokujo) với bạn Genji là chàng Chujo. Tamakatsura là một cô gái cực kỳ sâu sắc và quyến rũ khiến Genji rất có cảm tình, và Genji đã vô cùng sầu não khi quanh Tamakatsura luôn rập rình những chàng trai kiệt xuất. Sự kiện thứ hai gây chấn động mạnh đến Genji đó là việc khám phá bí mật: vị hoàng đế Reisen chính là con trai ruột của chàng. Reisen sau khi biết chuyện đã phong cho Genji chức vụ cao nhất của quốc gia và lệnh cho tất cả phải tỏ lòng tôn kính với Genji như phụ thân của hoàng đế. Điều này khiến mặc cảm phản bội vua cha hồi trẻ khi ngoại tình với người thiếp Fujitsubo của cha trở thành nỗi ám ảnh Genji khi về già. Sự kiện thứ ba hoàn toàn giết chết Genji. Nàng San-no-miya, con gái yêu của vị hoàng đế trước đó gửi gắm Genji nuôi nấng và bảo vệ, đã khiến Genji nảy nở mối tình sâu nặng cuối cùng lúc tuổi đã xế chiều. Tình yêu được thử thách từ lâu với nàng Murasaki bị nghiêng ngả và Murasaki đã chết trong tuyệt vọng vì bị bội bạc. Nhưng San-no-miya tuy bề ngoài vẫn ngoan ngoãn với Genji chồng nàng, thì trái tim của nàng lại thuộc về một người trai trẻ quý tộc Kashiwaki con Chujo, bạn thân và cũng là tình địch trong tình yêu của Genji. San-no-miya và Kashiwaki thực sự đã hưởng hạnh phúc tròn vẹn ngay chính trong ngôi nhà của Genji. Kết quả nàng San-no-miya sinh một đứa con giống hệt Kashiwaki và đặt tên là Kaoru. Nhân vật Kaoru cuối cùng bổ sung cho cuốn tiểu thuyết đã đẩy số phận Genji đến sự định đoạt: gieo gió ắt gặp bão, nghiệp chướng đã nói lời của mình. Phần hai của tác phẩm bám theo số phận các nhân vật sống sót sau cái chết đột ngột của Genji, tập trung vào quan hệ tay ba giữa Kaoru, hoàng tử Niou cháu trai Genji, và cô gái xinh đẹp Ukifune.
Việc tóm tắt tác phẩm như trên là rất sơ sài, do nội dung truyện hết sức phức tạp với khoảng 300 nhân vật, trong đó tập hợp nhiều bối cảnh khác nhau và có tới 30 nhân vật chính.
[sửa] Giá trị tác phẩm
Ý nghĩa của Truyện kể Genji vẫn còn làm các học giả tranh cãi, người thì cho rằng tác phẩm có thể được hiểu như một sự truyền bá ngấm ngầm đạo Phật qua tư tưởng về nghiệp quả (karma); số khác lại thừa nhận Genji là một tác phẩm viết với mục đích giáo huấn; một số đánh giá truyện không hơn gì ý nghĩa là tiểu thuyết vô luân thậm chí là văn học khiêu dâm; bên cạnh đó, nhiều người bám vào chủ đề chính của tác phẩm là quan hệ của những người đàn ông và những người đàn bà; nhưng cũng có ý kiến cho rằng có thể coi tác phẩm là một biên niên sử trá hình; và cuối cùng, một số nhà nghiên cứu xoay quanh nhận định rằng tác phẩm chuyên làm sáng tỏ nguyên tắc mono no aware (bi cảm) của mỹ học truyền thống Nhật Bản.
Nhưng nếu tính đa nghĩa làm say lòng hàng triệu độc giả trên xứ sở Phù Tang, thì cốt truyện lại khiến tác phẩm có thể được đọc như một tiểu sử nhân vật: Genji sinh ra, lớn lên, những mối tình, cuộc lưu đày, sự hiển đạt, tuổi già và cái chết. Sự nối liền thân phận của Genji và con trai Kaoru cũng phản ánh được nhận thức về tính hiện thực của dòng chảy thời gian, thể hiện được lòng trung thành của tác giả với những nguyên tắc của lịch sử. Nhân vật chết nhưng cuộc sống không ngừng lại và Murasaki vẫn tiếp tục ghi lại sự tiếp diễn của nó. Bằng tác phẩm mang hơi thở trữ tình ngọt ngào nữ tính của thời đại, lần đầu tiên trong lịch sử văn học Nhật Bản, Murasaki đã khẳng định kiểu mẫu sáng chói và thuần túy nhất của nghệ thuật tiểu thuyết đích thực, hơn nữa, tác giả đã đặt tiểu thuyết tự sự ngang hàng và thậm chí cao hơn sử học: tiểu thuyết kể về tất cả, đụng chạm tới từng chi tiết, chuyển tải cái đã qua với toàn bộ sự trọn vẹn của nó. Nó không đơn thuần tuân thủ những nguyên tắc và nhiệm vụ của sử học, điều mà trước thời của Murasaki, được viết bởi các nhà biên sử qua Kojiki (Cổ sự ký, 712) hay Nihongi (Nhật Bản kỷ, 720), nó còn sinh động hơn sử ký rất nhiều trong việc tái họa quá khứ cũng như những hư cấu lịch sử bởi khả năng vô hạn khắc họa tính cách và hành động của nhân vật, nói khác đi là một lịch sử đã được tái tạo nghệ thuật. Chính nguyên tắc dung hợp giữa tự sự và trữ tình, thực sự là một đột phá so với thời đại, tạo cho tác phẩm một chiều sâu cảm hứng đối với các văn sĩ hậu Murasaki, đem đến nhiều nhận thức khác nhau về ý nghĩa tác phẩm trong giới nghiên cứu văn học sử hiện đại.
[sửa] Tham khảo
- Truyện kể Genji của Khương Việt Hà trên 101 vẻ đẹp văn chương Việt Nam và thế giới, NXB Văn hóa Thông tin, H. 2006.
- Nhật Chiêu, Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, phần 2, chương 4: Genji monogatari, thế giới của niềm bi cảm, NXB Giáo dục, H. 2003.
- N.I.Konrat, Văn học Nhật Bản từ cổ đến cận đại, chương 5: Genji-monogatari, Trịnh Bá Đĩnh dịch, NXB Đà Nẵng, ĐN.1999.
- Shuichi Kato, History of Japanese Literature, Vol. 1., Kodansha International, Tokyo, 1979.