Đức tin Cao Đài
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nói đến tôn giáo bao giờ cũng phải nói đến đức tin. Với đức tin, người tín đồ chấp nhận mọi gian khổ để lập đạo, truyền đạo, dám hy sinh mọi lạc thú thế gian để mưu cầu giải thoát tâm linh. Đối với đạo Cao Đài, đức tin không đơn thuần suy tôn một thần quyền hay vị giáo chủ. Giáo lý Cao Đài muốn khai phóng đức tin con người vào qui luật tiến hóa của vũ trụ và khả năng tự lực tiến hóa của chính mình.
Trước hết, Cao Đài xác minh sự hiện hữu của vũ trụ tâm linh. Nói đúng hơn, xác minh vũ trụ là một Càn Khôn thống nhất, một tổng thể của sự sống hữu hình lẫn vô hình. Cứu cánh tiến hóa phải đạt đến tâm linh viên mãn. Và trong vũ trụ chỉ có một tâm linh viên mãn tuyệt đối là Thượng Đế, Đấng Tối cao duy nhất, mà nhiều tôn giáo đã xưng tụng Ngài với nhiều danh hiệu khác nhau. Thượng Đế đã đem đến đức tin đó để con người tự tin khả năng tiến hóa đến tột bậc vì đang mang Bản thể của Ngài. Nhưng con người phải tin rằng, con đường tiến hóa chỉ có thể là con đường đạo đức. Không theo con đường đạo đức sẽ thoái hóa.
Thật ra đức tin trên đã được các bậc giáo chủ, thánh nhân rao giảng từ nghìn xưa. Nhưng lần này, chính đấng Thượng Đế trực tiếp khải ngộ con người và đem cả vũ trụ tâm linh tác động vào tâm thức nhân sinh như một đặc ân cuối cùng để tận độ.
"Thượng Đế không kêu gọi con người phụng sự cho Thượng Đế, mà con người hãy cải tạo để xây dựng Thiên Đàng cho con người và thế giới ở trên đời." (Chư Tiền Khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 14-02 Giáp Dần) (07-03-1974)
Mục lục |
[sửa] Đức tin hướng về Thượng Đế
"Có Thượng Đế hay không có Thuợng Đế" là một vấn nạn mà những câu trả lời đã làm phát sinh biết bao tư tưởng, triết thuyết và ngay cả giáo thuyết khác nhau, mâu thuẫn nhau. Từ đó trở nên một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chia rẻ triền miên giữa nhân loại.
Khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là đánh lên tiếng đại hồng chung dứt khoát tư tưởng rằng sự hiện hữu của Ngài là đương nhiên và được khẳng định bằng:
- Sự thân hành giáng thế, dạy dỗ nhân sanh: Trong những kỳ cứu độ trước, những sứ giả của Thượng Đế (đức Chúa Trời) là Thánh Moise, Chúa Ki-Tô, Thánh Mahomet đã đem Đạo truyền khắp phương Tây và Trung Đông; và các giáo chủ như Lão Tử, Thích Ca, Khổng Tử lập đạo ở Á Đông. Đến thời kỳ nầy, Thượng Đế đích thân làm giáo chủ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để nêu cao tôn chỉ "Vạn giáo nhất lý"
-
- "Chính mình Thầy đến chốn Nam Bang,
- Mượn đất đem gieo mối Đạo vàng.
- Tưới nước vun phân Nho Thích Lão,
- Nâng cành sửa lá Pháp hòa Tăng." (Đức Chí Tôn, Thiên Lý Đàn, 14.01. B. Ngũ, 1966
- Dĩ nhiên, Ngài đến bằng thiên điển vô vi, vì nếu Ngài hiện thân hữu hình thì không phải là Thượng Đế nữa.
-
- "Thầy sắp cuộc dinh hoàn tái tạo,
- Dụng huyền linh Đại Đạo vận hành,
- Quyền Thầy hiệp cả vạn linh,
- Đông Tây kim cổ lập thành tương lai." (Đức Chí Tôn, Cơ Quan PTGL,Rằm.02.Q.Hợi, 1983)
- Quyền năng cao cả ấy là quyền của đấng Chí Linh, nhưng sẽ hiệp với Vạn linh mới thành cơ tận độ. Và sự khẳng định gần gũi nhất về Thượng Đế đối với người tín đồ Cao Đài là Ngài đã nhận làm một vị Thầy trực tiếp cho nhân loại- bất cứ ai có đức tin nơi Ngài.
- Thế nên, muốn cứu rỗi cả nhân loại thì chỉ với tác năng của Đại Đạo (theo nghĩa phổ quát nhất) mới làm nổi chứ không thể dùng sự vận động riêng của một tôn giáo nào (kể cả tôn giáo Cao Đài). Nên đích thân Ngài làm Giáo chủ của Đại Đạo:
- "Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con." (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q.1, 24-04-1926)
- Những yếu tố khẳng định trên đây dầu sao cũng chỉ là chứng lý, chỉ có thực chứng bằng tâm mới khẳng định quyết nhiên.
- Nên lần này Ngài không muốn nhân sanh chỉ xác tín Thượng Đế là Chúa tể Càn khôn mà phải xác tín Thượng Đế tại Tâm:
-
- "Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi,
- Chẳng cần hạ giới dựng cao ngôi.
- Sang hèn trối kệ tâm là quí,
- Tâm ấy tòa sen để Lão ngồi!"
- Và:
- "Tâm con là chỗ chí linh,
- Là nơi hiệp nhứt nhân sinh cùng Thầy." (Đức Chí Tôn, CQPTGL, 15.10.G.Dần, 1974)
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tin rằng Đức Thượng Đế là Đấng Tối cao, mà qua lịch sử các tôn giáo, Ngài đã được xưng tụng là Jehovah, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Allah,. . . là Tâm Linh Tuyệt Đối của vũ trụ, là Cha chung của vạn loại. Và nay Ngài chính là Đức Cao Đài.
[sửa] Đức tin hướng về Càn Khôn vũ trụ và Đại Đạo
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tin rằng Càn Khôn vũ trụ bao hàm sự hiện hữu của cả vũ trụ tâm linh lẫn vũ trụ hữu hình. Đồng hiện hữu và có tương quan với vũ trụ hữu hình đang tiến hóa, vũ trụ tâm linh mở ra lý tưởng tiến hóa cho chúng sanh.
- Vũ trụ được bao hàm trong Bản thể: Đây là nguyên lý tuyệt đối, tối thượng của vũ trụ. Không xác tín Bản thể, không thể giải đáp mọi căn đề của vũ trụ vạn vật.
- Bản thể này đạo Lão gọi là Đạo, là Tiên Thiên, là Hư Vô, Vô Vi; đạo Phật gọi là Chơn Như; đạo Nho gọi là Thiên; kinh Dịch gọi là Vô Cực.
- Cao Đài gọi bản thể đó là Hư Vô Chi Khí. Kinh Đại Thừa Chơn Giáo viết:
- "Đạo là gì? Đạo là Hư Vô Chi Khí, Đạo rất mầu nhiệm sâu kín cao siêu. Trước khi có Trời Đất đã có Đạo. Vậy Đạo đã tạo nên Càn Khôn Võ Trụ, hóa sanh vạn vật muôn loài. Muôn loài vạn vật phải thọ bẩm Khí Hư Vô mà sanh hóa mãi mãi." (ĐTCG, 1950,tr.66)
- Vậy, vũ trụ không phải là không gian trống rỗng mà tràn ngập một siêu thể vô hình tự hữu, hằng hữu có trước Trời Đất nên gọi là Khí Hư Vô Tiên Thiên. Tuy không hình (Vô) mà lại có (Khí). Nhưng nếu Khí ấy chỉ như nước biển cả để cho muôn loài thủy vật bơi lội sinh sống trong đó thì chưa đủ gọi là Bản thể.
- Bản thể vừa là nguồn gốc của thể chất, vừa là siêu năng lượng, vừa là cơ nguyên hóa sanh, vừa là động năng tiến hóa. Vì vậy, Bản thể còn được gọi là Đạo.
- Vũ trụ vận động biến dịch không ngừng để sinh hóa và tiến hóa. Đức Khổng Tử đứng bên giòng sông từng thốt lên: "Chảy trôi như thế suốt đêm ngày!". Cũng với dòng sông, triết gia Hy Lạp Héraclite(?) lại nói: "Không ai vào được cùng một dòng sông hai lần...mọi sự phân tán rồi lại hội hiệp." Đó là hiện tượng thiên nhiên biến đổi không ngừng mà kiếp sống và cuộc đời của con người cũng không lúc nào cố định.
- Thực chất của vận động biến dịch không ngừng trong vũ trụ tuy có sinh có diệt, có ẩn có hiện, nhưng đó là cái động của Đạo để tạo hóa vạn hữu và thúc đẩy vạn hữu tiến hóa.
-
- "Lý vô thể, Đạo lại vô hình
- Hình thể là do Đạo phát sinh;
- Nắm mối tương quan tìm Đạo lý,
- Mới hay có nẻo đến hư linh" (Đức Trần Hưng Đạo,MLTH,02.02 Giáp dần - 1974)
- Sự vận động sinh hóa trong vũ trụ tuy quan trọng, nhưng công năng vận hành tiến hóa của Bản thể vũ trụ mới là cứu cánh. Nếu trong vũ trụ chỉ có sanh hóa mà không có tiến hóa thì sự hiện hữu của vũ trụ vạn vật không có ý nghĩa, và tiến hóa không ngừng vì vũ trụ vận hành theo quy luật tuần hoàn, chu nhi phục thỉ.
- Thế nên đạo học đã lý giải rằng vũ trụ vạn vật nhất thể, sinh hóa từ nhứt nguyên, tiến hóa đến quy nguyên; tóm tắt trong câu "Nhứt bổn tán vạn thù, vạn thù quy nhứt bổn".
- Quy nguyên là đỉnh cao tuyệt đối của con đường tiến hóa vì Nguyên đó là Bản thể vĩnh cửu toàn thiện, toàn tri, toàn năng, biến hóa vô cùng, vi diệu khôn lường.
- Đức tin nơi Đại Đạo
-
- "Đại Đạo vốn con đường thông suốt,
- Đại Đạo là ngọn đuốc Thiêng Liêng,
- Sáng soi khắp cả các miền,
- Thượng, trung, hạ giới, lý huyền ẩn vi."
(Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Chí Thiện Đàn (Minh Đức Nho Giáo), Tuất thời, 26-08 Nhâm Tý (03-10-1972))
- Đại Đạo là Thiên lý vận hành bất tức cuộc sinh hóa-tiến hóa của vũ trụ vạn vật. Cao Đài tin rằng tất cả các chánh giáo được sáng lập từ Nhứt kỳ đến Tam kỳ phổ độ đều có nguồn gốc Đại Đạo. Vì các hàng Giáo tổ của các tôn giáo đều là sứ giả của Thượng Đế Chí Tôn đến thế gian lập giáo tùy theo phong hóa của các dân tộc nhưng tựu trung cùng hướng về một cứu cánh duy nhất là trở về với Đạo, với Thượng Đế.
Các triết gia Tây phương từng xếp thời kỳ lịch sử nhân loại từ thế kỷ thứ 6 trước CN đến Chúa Ki-Tô là Thời trục. Thời trục là cái trục của những tư tưởng sáng chói nhất của nhân loại do các bậc Giáo tổ lập nên, từ Đức Thích Ca đến Đức Lão Tử, Khổng Tử và Đức Ki-Tô. Cái trục tư tưởng vĩ đại đó là nguồn gốc của nhiều nền triết thuyết đạo đức Đông Tây.
Ngày nay, khai minh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, không có các Giáo tổ lập nên một thời trục khác mà chính Thiên thượng và Thiên hạ sẽ hợp nhứt thành một bầu Càn Khôn của Đại Đạo mới đủ sức cứu độ toàn nhân loại.
Những gì có giá trị phổ quát, trường cửu, đại đồng và tiến hóa mới có chỗ đứng trong Càn Khôn Đại Đạo.
Thế nên, đừng ai lầm tưởng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một tôn giáo, cũng không phải là một tôn giáo lớn; Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một Đại Cuộc Thiên Cơ, trong đó mọi tôn giáo sẽ hoàn toàn từ bỏ chấp trước hình thức, giáo điều để khai phóng tâm linh con người về với Chân lý duy nhứt là Thượng Đế.
- "Người vẫn tưởng Cao Đài - tôn giáo,
- Nào hay đâu Đại Đạo hoằng dương;" (Trúc Lâm Thánh Đức Thiền Điện, Tuất thời, 07-03 Giáp Dần (30-03-1974)
Tam kỳ phổ độ đã khẳng định ý nghĩa tích cực của Đạo. Đạo là cuộc dịch biến tuần hoàn, là con đường tiến hóa, là chu trình quy nguyên, là tiến trình hiệp nhứt giữa cá thể với toàn thể, giữa con người với vũ trụ.
Khai minh Đại Đạo, Đức Giáo chủ Cao Đài muốn nhân sanh hiểu Đạo và hành Đạo theo ý nghĩa ấy.
[sửa] Đức tin hướng về con người
Ý thức hệ Cao Đài đặt một đức tin mạnh mẽ hướng về con người, về nhân loại, vì:
- "Tấm lòng của nhân loại mới chính là nơi chân lý cứu rỗi phát sinh tạo thế an bình cho nhơn loại." (Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 15-01 Giáp Dần (06-02-1974).
Câu "Tam tài đồng đẳng" đã có từ ngàn xưa, nhưng trên thực tế của nhân loại hiện nay, mấy ai đã tự minh chứng được cương vị ngang bằng trời đất của mình. Phương chi do vô minh và tham dục, con người đã rơi vào hai tệ trạng:
- Một là tự cho kiếp người là cùng khổ, đời người không có ý nghĩa.
- Hai là cho rằng cuộc sống là một cuộc hưởng thụ.
Cả hai thái độ đều vô tình hay cố ý đánh mất giá trị "vi nhân". Thế nên, để đạt được mục đích của Đại Đạo trong thời hạ nguơn điêu tàn này, Tam Kỳ Phổ Độ có sứ mạng khẳng định lại con nguời chính danh, con người đúng nghĩa, con người cho thiệt con người.
Sự khẳng định đó được thực hiện trên các phương diện:
- Tầm kích vũ trụ của con người
-
- "Trời bao quát, xanh xanh lồng lộng,
- Đất dầy bền, sâu rộng mênh mông.
- Ta cùng Trời Đất cộng thông,
- Trong ngoài một mối, sắc không chung nguồn." (Đạo Học Chỉ Nam)
- Sứ mạng vi nhân của con người, đặc biệt là sứ mạng Tam kỳ phổ độ. Đức Chí Tôn đã xác định:
- "Hỡi các con, Đại Đạo là bến khởi nguyên của các con, cũng như Xuân là đức Nguyên của vạn vật. (...) Từ bến khởi nguyên, con ra đi, vương một sứ mạng hai đoạn đường: một, đem Đại Đạo lập đời; hai, trở về với Đại Đạo." (Thánh giáo Đức Chí Tôn)