Buôn Ma Thuột
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Buôn Ma Thuột là thành phố trực thuộc tỉnh Đắk Lắk ở vùng Tây Nguyên Việt Nam và là tỉnh lỵ tỉnh này. Thị xã Buôn Ma Thuột chuyển thành thành phố theo Nghị định 8-CP của Chính phủ ngày 21 tháng 1 năm 1995.
Mục lục |
[sửa] Diện tích, dân số
Diện tích của thành phố khoảng 370,99 km², dân số 314.000 người (2006). Thành phố này có 43.469 đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống tại 33 buôn, trong đó có 7 buôn nội thị, đông nhất là người Êđê.
[sửa] Vị trí
Thành phố Buôn Ma Thuột ở giữa vùng đông dân nhất Tây Nguyên, độ cao 536 m (1,608 ft). Buôn Ma Thuột cách Hà Nội 1.410 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km.
[sửa] Hành chính
Buôn Ma Thuột có 13 phường, 8 xã. Đặc biệt có 7 buôn (làng) nội thị với gần chục nghìn người Êđê, họ vẫn giữ kiến trúc nhà ở và lối sản xuất riêng ngay trong lòng thành phố.
[sửa] Tên gọi
Buôn Ma Thuột gốc tiếng Êđê nghĩa là "bản hoặc làng của Ama Thuột" (tên một tù trưởng với nghĩa là bố ông Thuột). Buôn Ma Thuột còn có các âm khác là Buôn Mê Thuột, Ban Mê Thuột, có khi được gọi tắt là Ban Mê.
[sửa] Giao thông
Đường quốc lộ 14 nối về phía phía bắc đi Pleiku (195 km), đi Kon Tum (244 km), nối với Đà Nẵng, về phía nam đi ĐăkNông, Bình Phước, Bình Dương, Tp Hồ Chí Minh (350 km). Đường 26 đi Ninh Hòa, Nha Trang (198 km) Đường quốc lộ 27 đi Đà Lạt (193 km).
[sửa] Lịch sử
Thuở xưa, đây là vùng đất của người Êđê Kpă với khoảng 50 nhà dài nằm dọc theo suối E Tam do tù trưởng Ama Thuột cai quản.
Năm 1904, khi tỉnh Đắk Lắk được thành lập, Buôn Ma Thuột trở thành tỉnh lỵ tỉnh này.
Ngày 5 tháng 6 năm 1930, Khâm sứ Trung Kỳ ra nghị định thành lập thị xã Ban Mê Thuột.
Ngày 10 tháng 3 năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam bất ngờ đánh Buôn Ma Thuột, mở đầu cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mở ra một cục diện mới tiến tới đánh bại quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Năm 1995, Buôn Ma Thuột trở thành thành phố, được công nhận là đô thị loại 3, và đến năm 2005 là đô thị loại 2.