Hà Nội
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Địa lý | |
Vùng: | đồng bằng Bắc Bộ |
Diện tích: | 920,97 km² |
Các quận/thị xã/huyện: | 9 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành |
Dân số | |
Số dân: | 3.145.300 (2005)[1] |
- Nông thôn | 34,7% |
- Thành thị | 65,3% |
Mật độ: | 3347 người/km² |
Dân tộc: | Chủ yếu là Kinh, ngoài ra còn nhiều dân tộc như Hoa, Mường |
Chính trị và Hành chính | |
Kiểu hành chính: | Thành phố trực thuộc trung ương |
Bí thư Thành ủy: | Phạm Quang Nghị |
Chủ tịch HĐND: | Ngô Thị Doãn Thanh |
Chủ tịch UBND: | Nguyễn Quốc Triệu |
Thông tin khác | |
Mã điện thoại: | 4 |
Mã bưu chính: | 10 |
Địa chỉ web: | http://www.hanoi.gov.vn/ |
Mã ISO 3166-2: | VN-64 |
Bảng số xe: | 29 - 32 |
- Xin xem các mục từ khác có tên tương tự ở Hà Nội (định hướng).
Hà Nội (chữ Hán: 河內) là thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời cũng là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại và du lịch quan trọng của Việt Nam. Sông Hồng chảy qua lòng Hà Nội. Hà Nội thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ (châu thổ Sông Hồng), giáp với năm tỉnh: Thái Nguyên ở phía bắc, Bắc Ninh và Hưng Yên ở phía đông và đông nam, Hà Tây và Vĩnh Phúc ở phía nam và phía tây.
Giữa 1010 và 1802 (với một số gián đoạn ngắn), Hà Nội là kinh đô của nhà nước Việt Nam độc lập, vì thế hiện nay Hà Nội là thủ đô lâu đời nhất tại Đông Nam Á. Đến đời nhà Nguyễn, kinh đô được dời đến Huế (Hà Nội chỉ giữ vị trí trung tâm Bắc Kỳ).
Hà Nội đang tiến tới việc kỉ niệm 1000 năm Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội vào tháng 10 năm 2010.
[sửa] Lịch sử và tên gọi
Hà Nội đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau trong lịch sử. Trong thời kỳ cai trị của người Trung Quốc nó từng có tên là huyện Tống Bình, xuất hiện trong sử sách từ những năm 454-456 thời Nam Bắc triều của Trung Quốc. Huyện Tống Bình được nâng cấp lên quận Tống Bình, gồm 3 huyện: Nghĩa Hoài, Tuy Ninh ở bờ nam sông Hồng (đoạn Từ Liêm, Hoài Đức ngày nay), còn Xương Quốc ở bờ bắc (Đông Anh, Gia Lâm ngày nay). Quận trị là vùng nội thành hiện nay.
Về sau nó được đổi tên gọi là Đại La (nguyên là tên của vòng thành ngoài cùng bao bọc lấy vòng thành nhỏ hơn ở trong): sách Khâm định Việt sử thông giám Cương mục có viết:
- Thành này do Trương Bá Nghi đắp từ năm Đại Lịch thứ 2 (767) đời Đường; năm Trinh Nguyên thứ 7 (791), Triệu Xương đắp thêm; năm Nguyên Hòa thứ 3 (808), Trương Chu lại sửa đắp lại; năm Trường Khánh thứ 4 (824), Lý Nguyên Gia dời phủ trị tới bên sông Tô Lịch, đắp một cái thành nhỏ, gọi là La Thành; năm Hàm Thông thứ 7 (866), Cao Biền đắp ngoại thành bao quanh "kim thành", cũng gọi tên là La Thành.
Long Đỗ cũng là một tên gọi của Hà Nội, nhưng không phải tên gọi chính thức, tên gọi này xuất hiện từ thời Cao Biền. Truyền thuyết kể rằng, vào năm 866, khi Cao Biền mới đắp thành Đại La, thấy thần nhân hiện lên tự xưng là thần Long Đỗ. Do đó trong sử sách thường gọi Thăng Long là đất Long Đỗ.
Thời kỳ đô hộ Phương Bắc nhà Tuỳ (581-618), Đường (618-907), trị sở ở vùng Long Biên (Bắc Ninh ngày nay), tới đời Tuỳ chúng mới chuyển đến Tống Bình, tức Hà Nội.
Thành cũng còn có tên là Đại La. Đại La hay Đại La thành nguyên là tên vòng thành ngoài cùng bao bọc lấy Kinh Đô. Theo kiến trúc xưa, Kinh Đô thường có "Tam trùng thành quách": trong cùng là Tử Cấm thành (tức bức thành màu đỏ tía) nơi vua và hoàng tộc ở, giữa là Kinh thành và ngoài cùng là Đại La thành. Năm 866 Cao Biền bồi đắp thêm Đại La thành rộng hơn và vững chãi hơn trước. Từ đó, thành này được gọi là thành Đại La. Thí dụ trong Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ viết năm 1010 có viết: "... Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương (tức Cao Biền) ở giữa khu vực trời đất..." (Toàn thư, Tập I, H, 1993, tr 241).
Khi Việt Nam giành được độc lập, Hà Nội lúc đó trở thành thủ đô của Đại Việt từ thế kỷ thứ 11, với tên gọi Thăng Long (昇龍, có nghĩa là rồng bay lên), sau khi Lý Công Uẩn ra chiếu dời đô năm 1010. Thăng Long là thủ đô cho đến năm 1397, khi thủ đô được di chuyển về Thanh Hóa, (tức Tây Đô). Thăng Long khi đó có tên gọi là Đông Đô. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: "Mùa hạ tháng 4 năm Đinh Sửu (1397) lấy Phó tướng Lê Hán Thương (tức Hồ Hán Thương - TM) coi phủ đô hộ là Đông Đô" (Toàn thư Sđd - tr 192). Trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sử thần nhà Nguyễn chú thích: "Đông Đô tức Thăng Long, lúc ấy gọi Thanh Hoá là Tây Đô, Thăng Long là Đông Đô" (Cương mục - Tập 2, H 1998, tr 700).
Năm 1408, nước Đại Ngu của cha con họ Hồ bị quân đội của nhà Minh xâm chiếm và Đông Đô bị người Minh đổi tên thành Đông Quan.
Năm 1428, sau khi quân đội của Lê Lợi giải phóng đất nước thì Đông Quan được đổi tên thành Đông Kinh - tên gọi này người châu Âu phiên âm thành Tonkin. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết sự ra đời của cái tên này như sau: "Mùa hạ, tháng 4 năm Đinh Mùi (1427), Vua (tức Lê Lợi - TM) từ điện tranh ở Bồ Đề, vào đóng ở thành Đông Kinh, đại xá đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu là Đại Việt đóng đô ở Đông Kinh. Ngày 15 vua lên ngôi ở Đông Kinh, tức là thành Thăng Long. Vì Thanh Hoá có Tây Đô, cho nên gọi thành Thăng Long là Đông Kinh" (Toàn thư - Sđd. Tập 2, tr 293).
Thời Tây Sơn, vì kinh đô đóng ở Phú Xuân thành còn có tên là Bắc Thành.
Năm 1802, khi nhà Nguyễn chuyển kinh đô về Huế, nó lại được đổi tên thành Thăng Long, nhưng lần này chữ "Long" (隆) biểu hiện cho sự thịnh vượng, chứ không phải là rồng, với lý do rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ "Long" là "rồng". (Trần Huy Liệu (chủ biên), Lịch sử thủ đô Hà Nội, H. 1960, tr 81).
Sau đó vua Gia Long còn hạ lệnh phá bỏ hoàng thành cũ, vì vua không đóng đô ở Thăng Long, mà hoàng thành Thăng Long lại rộng quá.
Năm 1831 vua Minh Mạng đổi tên nó thành Hà Nội: tỉnh nằm trong (nội) hai con sông (hà) là sông Hồng và sông Đáy. Tỉnh Hà Nội lúc đó bao gồm thành Thăng Long, huyện Từ Liêm của trấn Tây Sơn và ba phủ Ứng Hoà, Thường Tín, Lý Nhân của trấn Sơn Nam[2].
Khi Việt Nam tiếp xúc với phương Tây, tên Hán-Việt của Hà Nội Đông Kinh, được viết thành Tonkin và được người châu Âu dùng phổ biến. Năm 1873, người Pháp bắt đầu tiến đánh Hà Nội và 10 năm sau thì chiếm toàn bộ. Từ năm 1887, Hà Nội trở thành thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp.
Năm 1940, thành phố bị phát xít Nhật xâm chiếm và đến năm 1945 Hà Nội được giải phóng và là nơi đặt các cơ quan của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ 1946 đến 1954, Hà Nội là chiến địa ác liệt giữa Việt Minh và quân đội Pháp. Sau khi được giải phóng vào ngày 10 tháng 10 năm 1954, Hà Nội trở thành thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong Chiến tranh Việt Nam, các công trình giao thông của Hà Nội như cầu và đường tàu bị bom đạn phá hủy, tuy nhiên ngay lập tức được sửa chữa. Trong thời gian này Hà Nội được xưng tụng là "Thủ đô của phẩm giá con người". Hà Nội trở thành thủ đô của toàn Việt Nam sau ngày Bắc Nam thống nhất 2 tháng 7 năm 1976.
Hà Nội còn có nhiều các tên gọi không chính thức khác, chủ yếu xuất hiện trong văn thơ và dân gian: Trường An hay Tràng An (lấy theo tên gọi của kinh đô của Trung Quốc thời kỳ nhà Hán và nhà Đường); Phượng Thành hay Phụng Thành (trong bài phú của Nguyễn Giản Thanh); Long Thành, Long Biên, Kẻ Chợ (trong dân gian); Thượng Kinh, Kinh Kỳ, Hà Thành, Hoàng Diệu, ngay sau Cách mạng tháng Tám - 1945, đôi khi trong các báo chí của Việt Nam sử dụng tên này để chỉ Hà Nội.
[sửa] Truyền thuyết
Thần Chính Khí Long Đỗ
Đời Đường, Cao Biền sang đóng ở An Nam, chiếm phủ, xưng vương, đắp thêm La Thành. Vừa đắp xong, một buổi sáng sớm, Biền dạo xem phía ngoài cửa đông thành, bỗng nhiên trời nổi mưa to gió lớn, thấy mây ngũ sắc từ dưới đất dâng lên, ánh sáng lóe mắt. Một dị nhân mặc áo màu sặc sỡ, trang sức trông kỳ vĩ, cưỡi con rồng đỏ, tay cầm giản vàng, lơ lửng trong mây khói, khí thế ngùn ngụt, bay lên lượn xuống hồi lâu mới tan. Biền kinh ngạc, cho là ma quỷ, muốn thiết đàn để cúng. Đêm ấy, mộng thấy có thần nhân đến nói rằng: "Xin ông đừng có bụng nghi ngờ, ta không phải là yêu khí đâu. Ta chính là Long Đỗ Vương chính khí thần, vì muốn xem kỹ thành mới mà hiện ra đó thôi!" Biền tỉnh dậy. Sáng hôm sau họp quần thần, than rằng: "Ta không khuất phục được người phương xa chăng? Đến nỗi để cho loài ngoại quỷ dòm ngó điều không hay của mình ru!". Có người khuyên lập đàn, và dùng nghìn cân sắt đúc tượng theo hình dạng thần nhân để làm bùa yểm. Biền y theo kế đó. Vừa đọc thần chú bỗng trời đất mù mịt ngày đêm, mưa gió giật đùng đùng, tượng sắt nát vụn ra mà bay lên không. Biền sợ hãi, có ý muốn về phương Bắc. Người đời lấy làm lạ, bèn lập chùa ở mạn phía đông kinh thành.
Về sau, Lý Thái Tổ dời đô ra đây, xây dựng phủ thành, lại mộng thấy thần nhân tới chúc mừng. Vua nói: "Người chắc được hương lửa trăm năm chăng?" Đáp: "Mong thánh thượng được trường thọ ức vạn năm, thần đâu há chỉ được hưởng trăm năm hương lửa!". Vua tỉnh dậy, sai giết súc vật để tế, lại phong làm Thăng Long thành hoàng đại vương. Thời ấy, ở cửa đông có mở chợ buôn bán, đền thần kéo liền một dãy phố dài. Phố thường bị hỏa hoạn, gió dữ thổi cháy rất nhiều, duá có đền là vẫn y nguyên không bị lửa bén tới. Vua lại gia phong cho hưởng lộc, các buổi lễ nghênh xuân đều cử hành tại đây. Ba lần hỏa tai mà vẫn không bị cháy. Đời Trần phong làm Thuận Dụ tự ứng đại vương. Chùa ở phường Hà Khẩu huyện Thọ Xương nay gọi là đền Bạch Mã.
[sửa] Các đơn vị hành chính
Hà Nội có 9 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành:
- Quận Ba Đình
- Quận Cầu Giấy
- Quận Đống Đa
- Quận Hai Bà Trưng
- Quận Hoàn Kiếm
- Quận Hoàng Mai
- Quận Long Biên
- Quận Tây Hồ
- Quận Thanh Xuân
- Huyện Đông Anh
- Huyện Gia Lâm
- Huyện Sóc Sơn
- Huyện Thanh Trì
- Huyện Từ Liêm
[sửa] Đặc điểm địa hình
Địa hình cơ bản của Hà Nội là đồng bằng. Riêng huyện Sóc Sơn và một phần huyện Đông Anh có địa hình gò đồi. Ở Hà Nội có nhiều điểm trũng. Việc đắp đê ngăn lũ sông Hồng từ cách đây hàng trăm năm dẫn tới việc các điểm trũng do sông Hồng không tiếp tục được phù sa bồi lấp và như vậy nền đất vẫn trũng cho đến tận ngày nay. còn ở Sóc Sơn vẫn còn những điểm trũng xen kẽ với gò đồi.
Hà Nội còn có nhiều ao, hồ, đầm là vết tích của con sông Hồng trước đây đã đi qua. Ở huyện Thanh Trì và Hoàng Mai có nhiều hồ lớn và nông, trong đó có hồ Linh Đàm và hồ Yên Sở. Do có nhiều ao hồ, nên có tên Thanh Trì (青池 - ao xanh). Trước khi đắp đê, sông Hồng hay đổi dòng chảy, khiến cho một số đoạn sông bị cắt riêng ra thành hồ lớn và sâu. Tiêu biểu cho loại hồ này là Hồ Tây. Hồ Hoàn Kiếm từng là một hồ rất rộng, nhưng thời thuộc Pháp đã bị lấp tới hơn một nửa. Các hồ Giảng Võ, Ngọc Khánh, Thủ Lệ trước kia thông nhau, nay bị lấp nhiều chỗ và bị chia cắt thành các hồ riêng biệt.
Ngoài sông Hồng (đoạn đi qua Hà Nội gọi là Nhĩ Hà), còn có các sông nhỏ như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, v.v... Các sông này bị tình trạng lấn chiếm, đổ phế thải hai bên bờ, cũng như bùn đất theo nước thải chảy xuống làm cho hẹp lại và nông. Hiện Hà Nội đang thực hiện các dự án "xanh hóa" các con sông của mình với các biện pháp như kè bờ, nạo vét, xây dựng hệ thống lọc nước thải trước khi đổ xuống sông. Có con sông đã mất hẳn, như sông Ngọc Hà từng chảy qua Hoàng thành.
[sửa] Thời tiết, khí hậu
Khí hậu Hà Nội tiêu biểu cho khí hậu Bắc bộ với đặc điểm là khí hậu nhiệt đới gió mùa: mùa hè nóng ẩm và mưa nhiều, mùa đông lạnh khô và mưa ít. Từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa nóng và mưa (lượng mưa 1.682 mm/năm). Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau là mùa đông, thời tiết khô ráo. Giữa 2 mùa đó lại có hai thời kỳ chuyển tiếp (tháng 4, tháng 10). Hà Nội có đủ 4 mùa: Xuân, Hè, Thu, Đông.
Thời gian dễ chịu nhất trong năm ở Thành phố này là mùa thu, từ đầu tháng 09 đến cuối tháng 11. Tiết trời thời gian này chuyển khô, mát. Bên cạnh những cơn mưa ngắn đầu mùa thu mang lại sự sạch sẽ của phố phường, bầu trời trong và nắng nhẹ nhưng không chói chang. Đã có rất nhiều bài hát về Hà Nội và đặc biệt về mùa thu Hà Nội.
[sửa] Giáo dục và văn hoá
Hà Nội có thời gian dài là trung tâm giáo dục ở miền Bắc Việt Nam. Từ năm 1442 đến cuối thế kỷ 19, Hà Nội là một địa điểm chính hàng năm tổ chức kỳ thi của Việt Nam như kiểm tra kiến thức về học thuyết Khổng Tử (đạo Khổng), nền tảng của hệ thống chính trị. Ngày nay thì Hà Nội tập trung rất nhiều trường đại học, rất nhiều người ở các tỉnh và thành phố lân cận đều về đây thi cử và học tập.
[sửa] Các trường đại học, cao đẳng
Hiện nay Hà Nội có ít nhất 30 trường đại học và trường cao đẳng.
[sửa] Trường cấp ba
[sửa] Thư viện, bảo tàng
Những thư viện và những nhà bảo tàng của Hà Nội bao gồm:
- Thư viện Quốc gia Việt Nam (1919)
- Thư viện Khoa học Kỹ thuật
- Thư viện Hà Nội
- Thư viện Tạ Quang Bửu (2006)
- Bảo tàng Dân tộc học
- Bảo tàng Sinh học (Đại học Y)
- Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam
- Bảo tàng Quân đội (1959, nay là Bảo tàng Quân sự Việt Nam)
- Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
- Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (1966)
[sửa] Đền, Chùa
Hà Nội có nhiều đền, chùa như:
- Đền Quán Thánh
- Phủ Tây Hồ
- Chùa Hàm Long
- Chùa Một Cột
- Chùa Trấn Quốc
- Chùa Láng
- Chùa Quán Sứ
[sửa] Nhà thờ
- Nhà thờ Lớn Hà Nội
- Nhà thờ Cửa Bắc
- Nhà thờ Hàm Long
- Nhà thờ Giáp Bát
- Nhà thờ Tin lành (Ngõ Trạm)
[sửa] Công viên
- Công viên Thống Nhất (đây là tên đầu tiên của công viên, sau khi được cải tạo từ hồ Bảy Mẫu; sau đó có thời gian mang tên Công viên Lê Nin)
- Công viên Thủ Lệ (đồng thời là vườn bách thú của thành phố)
- Vườn Bách Thảo (nằm tại quận Ba Đình)
- Công viên Tuổi Trẻ
- Công viên Hồ Tây (nằm ở quận Tây Hồ)
[sửa] Kinh tế
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được coi như là đầu tàu kinh tế của Việt Nam.
Trong giai đoạn 2000-2005, kinh tế đối ngoại của Hà Nội liên tục phát triển. Xuất khẩu tăng bình quân 15,3%/năm so với 11-12% trong 10 năm trước đó. Tổng kim ngạch đạt 10 tỷ USD, riêng năm 2005 tăng 23% lên 2,8 tỷ USD. Hà Nội đã mở quan hệ giao thương với trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 73%/năm và đạt 2,58 tỷ USD. Hà Nội có gần 70 dự án ODA với tổng giá trị trên 630 triệu USD.
Thành phố đã dặt ra mục đích tăng trưởng xuất khẩu 15-17%/năm cho giai đoạn 2006-2010.
Các ngành dịch vụ, du lịch và bảo hiểm giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của thành phố.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Hà Nội đã xây hoàn chỉnh 9 khu công nghiệp và 11 cụm công nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều sản phẩm công nghiệp trong đó có một số sản phẩm mới như công nghiệp điện tử, công nghiệp phần mềm, chế tạo khuôn mẫu..., đã đứng vững trên thị trường.
Trong khi tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nông nghiệp phải chuyển dịch cơ cấu để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản tăng, ước tính đạt 56,2 triệu đồng/ha, thúc đẩy phát triển nông thôn và đời sống của nông dân.
Tổng thu ngân sách hàng năm luôn tăng. Mặc dù chỉ chiếm 3,8% về dân số và khoảng 0,3% diện tích lãnh thổ, Hà Nội đóng góp 8,4% vào GDP cả nước, 8,3% giá trị kim ngạch xuất khẩu, 8,2% giá trị sản xuất công nghiệp, 9,6% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, 10,2% vốn đầu tư xã hội, 14,1% vốn đầu tư nước ngoài đăng ký và 14,9% thu ngân sách nhà nước. Xem thêm Dự toán thu ngân sách năm 2006 của các tỉnh thành Việt Nam.
Diện mạo của Hà Nội đang thay đổi. Các công trình xây dựng làm Hà Nội trở nên khang trang tuy nhất thời cũng gây ô nhiễm không khí. Đầu tư tăng cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, mở rộng các tuyến đường, nút giao thông quan trọng, triển khai xây mới các cầu qua sông Hồng và chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị.
Mức sống của người dân được cải thiện, GDP bình quân đầu người Hà Nội khoảng 18,2 triệu đồng/năm (2004). Những năm qua, Hà Nội dẫn đầu cả nước về chỉ số phát triển con người, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất (hiện còn dưới 1%) và cũng hoàn thành xóa hộ nghèo diện chính sách, thực hiện xóa phòng học cấp 4, phổ cập trung học cơ sở, chính sách khuyến học, khuyến tài được coi trọng.
Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục chuyển mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp, phát triển các ngành, các lĩnh vực và sản phẩm công nghệ cao. Đồng thời, phát triển công nghiệp có chọn lọc, ưu tiên phát triển các ngành: tự động hoá, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, tập trung phát triển các ngành và nhóm sản phẩm có lợi thế, thương hiệu.
Bên cạnh đó, thành phố cũng phát triển thêm và cải tạo chất lượng các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ chất lượng cao như: công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng và y tế.
Phát triển con người, đào tạo và thu hút nhân tài, phát triển cộng đồng cũng được đề cập đến trong mục tiêu phát triển chung của thành phố.
[sửa] Giao thông
Hệ thông giao thông Hà Nội bao gồm:
- Giao thông cộng cộng như xe buýt, taxi
- Giao thông cá nhân như xe máy (đa số), ô tô
- Đặc biệt là loại hinh xích lô để phục vụ du lịch
- Đường sắt: Ga Hà Nội
- Hàng không: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Sân bay Gia Lâm
[sửa] Sông
- Sông Hồng
- Sông Đuống
- Sông Tô Lịch
- Sông Sét
- Sông Lừ
- Sông Nhuệ
- Sông Kim Ngưu
- Sông Cà Lồ
[sửa] Cầu
- Cầu Chương Dương
- Cầu Thăng Long
- Cầu Long Biên
- Cầu Thanh Trì
- Cầu Vĩnh Tuy
- Cầu Tứ Liên
- Cầu Nhật Tân
- Cầu Đuống
- Cầu Đông Trù
- Cầu Giấy
- Cầu Tô Lịch
- Cầu Hòa Mục
- Cầu Mai Động
- Cầu Trung Tự
[sửa] Danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử
- Hồ Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm thành phố
- Đền Ngọc Sơn và Tháp Rùa nằm ở giữa Hồ Hoàn Kiếm
- Nhà hát Lớn Hà Nội
- Đại học Tổng hợp Hà Nội
- Lăng Hồ Chí Minh
- Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam
- Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam
- Hồ Tây
- Hồ Trúc Bạch
- Hồ Thiền Quang
- Khu phố cổ Hà Nội
- Đại học Y Hà Nội
- Hỏa Lò
- Nhà 48 Hàng Ngang (nơi Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam)
- Nhà 5D Hàm Long (nơi thành lập chi bộ đảng Cộng sản đầu tiên)
- Tượng đài chiến thắng B52
- Thăng Long tứ trấn
- Văn Miếu-Quốc Tử Giám
- Chùa Một Cột
- Thành cổ Hà Nội
- Đền Quán Thánh
- Đền Bạch Mã
- Đền Voi Phục
- Đình Kim Liên
- Ô Quan Chưởng
[sửa] Ẩm thực Hà Nội
Người Tràng An có truyền thống ẩm thực lâu đời, tổng hợp những tinh túy từ quê hương những người lên Hà Nội lập nghiệp mà mang theo cái hồn quê trong món ăn, đồ uống. Sống qua nhiều thế hệ ở Hà Nội, họ góp phần hình thành một nền ẩm thực Hà Nội phong phú.
Một số món ăn đặc trưng:
- Bánh cốm
- Bánh cuốn Thanh Trì
- Bánh tôm Hồ Tây
- Bia hơi Hà Nội
- Bún chả
- Bún ốc
- Bún thang
- Chả cá Lã Vọng
- Chè bà cốt
- Cốm làng Vòng
- Mứt Tết
- Ốc hấp
- Phở Hà Nội
- Bún riêu
[sửa] Làng nghề truyền thống
- Phố Hàng Bạc với nghề kim hoàn
- Làng hoa Hà Nội
- Làng Ngũ Xá với nghề đúc đồng
- Làng Bát Tràng (hay Làng gốm sứ Bát Tràng) với nghề gốm sứ
- Làng Yên Phụ với nghề làm hương
- Làng Vòng quận Cầu Giấy với nghề làm cốm
- Làng Cót quận Cầu Giấy với nghề làm giấy
[sửa] Thành phố kết nghĩa
[sửa] Hình ảnh
[sửa] Một số bài hát về Hà Nội
- Bài ca Hà Nội - Nhạc và lời: Vũ Thanh
- Em ơi, Hà Nội phố - Nhạc: Phú Quang, Lời: thơ Phan Vũ
- Giấc mơ hồi hương của Vũ Thành
- Hà Nội đêm trở gió - Nhạc: Trọng Đài, Lời: Chu Lai - Trọng Đài
- Hà Nội mùa thu - Nhạc và lời: Vũ Thanh
- Hà Nội mùa vắng những con mưa - Nhạc: Trương Quí Hải, Lời: dựa thơ Bùi Thanh Tuấn
- Hà Nội ngày trở về - Nhạc: Phú Quang, Lời: Doãn Thanh Tùng
- Hà Nội niềm tin và hy vọng - Nhạc và lời: Phan Nhân
- Hà Nội và tôi - Nhạc và lời: Lê Vinh
- Khúc hát người Hà Nội - Nhạc và lời: Trần Hoàn
- Người Hà Nội - Nhạc và lời: Nguyễn Đình Thi
- Nhớ mùa thu Hà Nội - Nhạc và lời: Trịnh Công Sơn
- Nhớ về Hà Nội - Nhạc và lời: Hoàng Hiệp
- Nỗi lòng người đi của Anh Bằng
[sửa] Xem thêm
[sửa] Liên kết ngoài
- Bản đồ Hà nội 1936
- Hà Nội - 1000 năm "Thành phố nằm giữa các con sông"
- Truyền hình về Hà Nội trên mạng máy tính toàn cầu
- Trang chủ của thành phố Hà Nội
- Trang Thông tin Điện tử thành phố Hà Nội
- Quy hoạch mở rộng Hà Nội về phía Bắc
- Bản đồ và đất nước
- Bản đồ chi tiết Hà Nội trên trang mạng du lịch Việt Nam
- Bản đồ tổng thể Hà Nội trên trang mạng du lịch Việt Nam
- Gallery tranh ảnh về Hà Nội
- Bản đồ tại Nhà Xuất bản Bản đồ
- Hà Nội lịch sử và văn hóa truyền thống
- Di tích lịch sử Hà Nội
- Một số hình ảnh Hà Nội, blog của Politikerin
- Tour thăm quan thủ đô HÀ NỘI
- Ảnh chụp chi tiết Hà Nội từ trên không dạng bản đồ
- Hà Nội đã có bao nhiêu tên gọi?
- Giao lưu trực tuyến với Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc
- Bản đồ Hà Nội online trên WikiMapia
- Hà Nội có bao nhiêu tên gọi
- Quy hoạch tổng thể Hà Nội đến năm 2020
Đơn vị hành chính cấp tỉnh thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam | ||||||||||||||||||||||
|