Cải cách Minh Trị
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Cải cách Minh Trị, hay Cách mạng Minh Trị, hay Minh Trị duy tân, (明治維新 Meiji-ishin) là một chuỗi các sự kiện dẫn đến các thay đổi to lớn trong cấu trúc xã hội và chính trị của Nhật Bản. Cuộc cách mạng Minh Trị diễn ra từ năm 1866 đến năm 1869, một thời kỳ 3 năm chuyển đổi thời kỳ hậu Edo (thường gọi là Hậu Shogun Tokugawa) và bắt đầu kỷ nguyên Minh Trị.
Mục lục |
[sửa] Bối cảnh
Việc bị buộc phải mở cửa các hải cảng và chấp nhận thuế suất nhập khẩu thấp cho các nước phương Tây đã khiến Nhật Bản bị chia rẽ. Một số daimyo vốn trước đây bề ngoài khuất phục Mạc phủ Tokugawa đã lấy cớ mạc phủ để cho đất nước rơi vào cảnh giống như nhà Thanh lúc đó trước sự bắt nạt của phương Tây, liền nổi dậy chống lại shogun. Shogun, phần vì không muốn, phần vì không thể chống lại sự nổi loạn đó, đã nhân nhượng và rốt cục giải thể mạc phủ. Một số võ sĩ cấp tiến có đầu óc cải cách (phần lớn không có nguồn gốc thế tập) và quý tộc ở triều đình đã nhân cơ hội nắm lấy quyền lãnh đạo đất nước. Họ nêu khẩu hiệu ủng hộ hoàng đế và chống lại phương Tây (尊王攘夷, sonno joui) để thành lập chính phủ của hoàng đế. Song thực chất đấy là chính phủ của chính họ, vì hoàng đế lúc ấy chỉ mới 14 tuổi. Với khẩu hiệu nói trên, và với đất đai rộng lớn của shogun mà họ tiếp quản, chính phủ mới đã có được sự ủng hộ của các daimyo nổi loạn và nguồn lực tài chính để thực hiện các cải cách.
Ngày 3 tháng 1 năm 1868, chính phủ mới do Nhật hoàng bổ nhiệm được thành lập. Giai cấp tư sản chưa được tham gia chính quyền, nhưng chế độ mới tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản phát triển, nên họ ủng hộ chính quyền mới. Thời kì Minh Trị (Minh Trị 明治, nghĩa là "sự cai trị sáng suốt") bắt đầu.
[sửa] Các cải cách
Để tận dụng ưu thế trung tâm chính trị của Edo, chính phủ mới đã đổi tên Edo thành Tokyo (東京, nghĩa là Kinh đô ở phía Đông) và đưa triều đình về đó.
Chính phủ mới đưa ra khẩu hiệu "Phú quốc cường binh" (富国強兵, fukoku kyohei) nhằm khai thác tâm lý lo sợ Nhật Bản sẽ trở thành thuộc địa của phương Tây nếu không chịu canh tân. Trên cơ sở đó, họ đã thuyết phục được Nhật hoàng tuyên bố từ bỏ những tập tục có hại và sẵn sàng học hỏi phương Tây. Người Nhật trở nên nhiệt tình với bunmei kaika (文明開化, văn minh khai hóa).
Để xóa quyền lực của các daimyo, chính phủ mới đã bãi bỏ hệ thống lãnh địa và danh hiệu của các daimyo. Đồng thời, họ tuyên bố "tứ dân bình đẳng", nghĩa là bốn tầng lớp gồm võ sĩ, nông dân, thợ thủ công và thương nhân giờ đây không còn bị phân biệt. Điều này gây bất bình ở tầng lớp võ sĩ, nên chính phủ phải vừa đàn áp vừa xoa dịu bằng cách bồi thường bằng tiền. Khoản tiền nhận được từ chính phủ cộng với tri thức mà tầng lớp võ sĩ được trang bị đã biến tầng lớp võ sĩ thành giai cấp tư sản.
Chính phủ còn ban bố quyền tự do buôn bán và đi lại, thiết lập chế độ tiền tệ thống nhất (đồng Yên).
Nhiều phái đoàn được của sang phương Tây học hỏi về cách thức quản lý hành chính và về kỹ thuật. Toà án mới (kiểu tư sản) được thành lập. Nhiều cải cách quan trọng về giáo dục được thi hành trong đó có việc thành lập các trường đại học để đào tạo tầng lớp lãnh đạo chính quyền và kinh doanh. Cơ sở hạ tầng bắt đầu được quan tâm phát triển. Nhiều chuyên gia phương Tây được mời tới Nhật Bản để phổ biến kiến thức và kỹ thuật.
[sửa] Các lãnh đạo
Có các nhà lãnh đạo trong thời Minh Trị duy tân khi hoàng đế Nhật Bản lấy lại quyền lực từ các shogun Tokugawa. Một vài người tiếp tục trở thành Thủ tướng Nhật Bản.
- Okubo Toshimichi (大久保 利通) (1830-1878)
- Kido Takayoshi (木戸 孝允) (1833-1877)
- Saigō Takamori (西郷 隆盛) (1827-1877)
- Iwakura Tomomi (岩倉 具視) (1825-1883)
- Ito Hirobumi (伊藤 博文) (1841-1909)
- Kuroda Kiyotaka (黒田 清隆) (1840-1900)
- Matsukata Masayoshi (松方 正義) (1835-1924)
- Oyama Iwao (大山 巌) (1842-1916)
- Saigō Tsugumichi (西郷 従道) (1843-1902)
- Yamagata Aritomo (山県 有朋) (1838-1922)
- Inoue Kaoru (井上馨) (1835-1915)
- Saionji Kinmochi (西園寺 公望) (1849-1940)
[sửa] Ý nghĩa
Những sự kiện xảy ra ở Nhật Bản vào những năm 1860-1870 là một cuộc cách mạng tư sản không triệt để và "thời kì Minh Trị" là thời kì quá độ từ chế độ phong kiến sang chủ nghĩa tư bản. Sau năm 1868, chính quyền không ở trong tay giai cấp tư sản mà là nền chuyên chế của Nhật hoàng, ra đời trên cơ sở liên minh quý tộc - tư sản để lật đổ Shogun. Các nhà lãnh đạo mới và tầng lớp ưu tú mới của đất nước đều có nguồn gốc võ sĩ, vì thế nước Nhật mới - Đại đế quốc Nhật Bản - vẫn mang nhiều tính chất quân phiệt. Điều này giải thích tại sao Nhật Bản có nhiều hoạt động quân sự quy mô cho đến tận Thế chiến thứ hai.
Nhưng, cuộc cách mạng 1868 cũng mở đường cho việc biến nước Nhật Bản phong kiến thành một nước tư bản chủ nghĩa, thoát khỏi số phận một nước thuộc địa hay nửa thuộc địa. Cuộc cách mạng Minh Trị đã dẫn đến sự công nghiệp hóa của Nhật Bản, khiến nước này trở thành một cường quốc quân sự năm 1905 sau khi đánh bại hải quân hoàng gia Nga.
Với mong muốn đuổi kịp phương Tây, giáo dục đã trở nên rất được coi trọng. Và chỉ trong vòng hai, đến ba thế hệ, nước Nhật đã từ chỗ coi trọng thân phận con người theo nguồn gốc dòng dõi sang theo lý lịch giáo dục. Điều này làm cho xã hội Nhật Bản trở nên bình đẳng một cách đáng kể, thậm chí hơn cả nước Anh cùng thời. Nhưng nó cũng làm cho tính giáo điều trở thành nếp trong suy nghĩ của người Nhật.[1]
[sửa] Ghi chú và Tham khảo
^ Edwin O.Reischauer (1998), Nhật Bản: Câu chuyện về một quốc gia, Nguyễn Bình Giang và đồng nghiệp biên dịch, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.