Gia Định
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Gia Định là một địa danh cũ ở Nam Bộ, Việt Nam. Ngày nay, Gia Định dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Ðại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, vào năm Mậu Dần (1698) chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập phủ Gia Định, thời kỳ 1790-1802 còn là kinh Gia Định. Năm Nhâm Tuất (1802) vua Gia Long đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định; đến năm Mậu Thìn (1808) đổi tên trấn Gia Định ra thành Gia Định gồm năm trấn là Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên.
Năm 1832 vua Minh Mạng đổi tên thành Gia Định là thành Phiên An, năm trấn chia thành sáu tỉnh Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Năm 1835, tỉnh Phiên An đổi tên là tỉnh Gia Định.
[sửa] Phủ Gia Định và kinh Gia Định (1698-1802)
Phủ Gia Định được Nguyễn Hữu Cảnh lập ra năm 1698 theo lệnh của Chúa Nguyễn Phúc Chu có diện tích khoảng 30.000 km² và gồm hai huyện đầu tiên là Phước Long (xứ Đồng Nai) và Tân Bình (xứ Sài Gòn). Chúa Nguyễn cũng đặt hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn.
Sau khi xây thành Bát quái (thành Gia Định) ở thôn Tân Khai, huyện Bình Dương năm 1790, Nguyễn Ánh lập kinh Gia Định, tức là nơi đóng đô của mình. Đến khi đánh bại hoàn toàn triều Tây Sơn và đặt kinh đô ở Huế thì mới thôi gọi là kinh Gia Định.