Hệ tọa độ hoàng đạo
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hệ tọa độ hoàng đạo là một hệ tọa độ thiên văn sử dụng mặt phẳng hoàng đạo làm mặt phẳng tham chiếu.
Mặt phẳng hoàng đạo là mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất khi quay quanh Mặt Trời. Hình chiếu của mặt phẳng quỹ đạo Trái Đất lên thiên cầu vẽ thành đường hoàng đạo. Đó chính là đường biểu kiến mà Mặt Trời sẽ đi trên thiên cầu trong suốt một năm.
Với hệ này, vĩ độ được gọi là hoàng vĩ, kinh độ gọi là hoàng kinh. Điểm mốc được chọn là điểm xuân phân, điểm này có hoàng kinh và hoàng vĩ đều bằng 0. Góc theo chiều vĩ độ, tức là khoảng cách góc từ thiên thể đến hoàng đạo gọi là hoàng vĩ, hoàng vĩ độ hay vĩ độ hoàng đạo. Góc này nằm trong mặt phẳng vuông góc với hoàng đạo, có đỉnh tại vị trí người quan sát hoặc tâm Trái Đất, một cạnh nối với vị trí của thiên thể trên thiên cầu, cạnh kia nằm trong mặt phẳng hoàng đạo. Góc theo chiều kinh độ, nằm trong mặt phẳng hoàng đạo, tính từ điểm xuân phân ngược chiều nhật động tới khi gặp cạnh góc vĩ độ nói trên, gọi là hoàng kinh, hoàng kinh độ hay kinh độ hoàng đạo.
Hệ tọa độ này thuận tiện khi xác định vị trí của các hành tinh và các thiên thể trong Hệ Mặt Trời. Các hành tinh đều có có mặt phẳng quỹ đạo gần với mặt phẳng hoàng đạo nên có hoàng vĩ không lớn (trường hợp Diêm Vương Tinh lớn nhất cũng không quá 17,2°).