Người Mỹ gốc Việt
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Người Mỹ gốc Việt là công dân Hoa Kỳ có nguồn gốc dân tộc Việt. Họ chiếm phần đông trong số Việt kiều ở các nước trên thế giới.
Theo Điều tra Dân số Hoa Kỳ 2000, có 1.122.528 người tự nhận là thuần gốc Việt và 1.223.736 khi tính thêm các người Việt lai với các chủng tộc khác. Trong số đó, 447.032 người (39,8%) sống ở California và 134.961 (12,0%) sống ở Texas. Nơi người gốc Việt sống đông nhất bên ngoài nước Việt Nam là Quận Cam tại California, có 135.548 người Việt. Những công ty người Việt có ở khắp nơi tại Westminster và Garden Grove, còn được gọi là khu Sài Gòn Nhỏ (Little Saigon): tại Westminster họ chiếm 30,7% dân số và tại Garden Grove họ chiếm 21,4% dân số.
Đến năm 2006, số người Mỹ gốc Việt qua thống kê là 1.521.353 người [1].
Mục lục |
[sửa] Lịch sử
Năm | Số người |
---|---|
1980 |
245.025 |
1990 |
614.547 |
2000 |
1.122.528 |
2006 (ước tính) |
1.521.353 |
Lịch sử của người Mỹ gốc Việt chỉ mới diễn ra gần đây trong khoảng hai ba chục năm đổ lại. Trước 1975, những người Việt tại Mỹ là vợ hoặc con của những người lính Mỹ tại Việt Nam hoặc là học sinh, thương gia đến định cư ở Mỹ. Sau khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa (còn được gọi là "chế độ cũ" hoặc "chính quyền Sài Gòn") sụp đổ sau sự kiện 30 tháng 4, 1975, kết thúc Chiến tranh Việt Nam, làn sóng tị nạn đầu tiên bắt đầu. Nhiều người có mối quan hệ với Mỹ sợ sự trả đũa của chính quyền mới là làn sóng người đầu tiên rời Việt Nam vào mùa xuân năm 1975, gồm khoảng 125.000 người mà đa số là gia đình những người trí thức. Họ được chính phủ Hoa Kỳ vận chuyển bằng máy bay đến những căn cứ tại Philippines và Guam, và sau đó được di chuyển đến những trung tâm tị nạn khắp nước Mỹ. Những người tị nạn này, lúc đầu không nhận được sự hoan nghênh của dân chúng Hoa Kỳ; một cuộc thăm dò ý kiến vào năm 1975 cho thấy chỉ có 36% người dân Hoa Kỳ chấp nhận việc nhập cư của người Việt. Tuy vậy, Tổng thống Gerald Ford và những viên chức khác ủng hộ họ một cách mạnh mẽ bằng việc thông qua Đạo luật Di trú và Người Tị nạn Đông Dương (Indochina Migration and Refugee Act) trong năm 1975, cho phép họ nhập cư đến Hoa Kỳ bằng một vị thế đặc biệt. Những người Việt tị nạn được định cư rải rác khắp nước để tối thiểu hóa ảnh hưởng của họ đối với những cộng đồng địa phương và hạn chế họ tạo ra những khu vực dân tộc thiểu số. Tuy thế, trong vài ba năm thì hầu hết người Việt tị nạn đã tái định cư tại California và Texas, làm cho hai tiểu bang này có dân số người Mỹ gốc Việt cao nhất.
Năm 1976 bắt đầu làn sóng người Việt tị nạn thứ hai cho đến giữa thập niên 1980. Nỗi lo của những người tị nạn đi trước đã biến thành sự thật. Ngay sau khi thống nhất Việt Nam, chính quyền mới dồn lại những người có liên quan đến chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và đưa họ đến những "trại cải tạo". Bên ngoài, các trại cải tạo này là để dạy những người trong trại chủ nghĩa Marx-Lenin trong vài ba tháng. Nhưng sự thật những trại này là những trại lao động khổ sai ở những nơi hẻo lánh, và sự giam giữ học tập có thể kéo dài đến mười năm. Nhiều người khác phải đương đầu với nỗi lo phải di cư đến những vùng "kinh tế mới". Khoảng hai triệu người trở thành thuyền nhân, vượt biên trong những chiếc ghe nhỏ chật chội, cực kỳ nguy hiểm trước những cơn sóng khó đoán trước của biển Đông. Nếu thoát được hải tặc Thái Lan, Campuchia, hay những cơn sóng lật úp thuyền, họ thường được đến những trại tị nạn ở Thái Lan, Singapore, Indonesia, Hồng Kông, hoặc Philippines, những nơi mà họ có thể được vào những nước chấp nhận họ. Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Người Tị nạn năm 1980 (Refugee Act of 1980), giảm bớt những giới hạn việc nhập cư, trong khi nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thiết lập Chương trình Ra đi có trật tự (Orderly Departure Program hay ODP) dưới sự điều khiển của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (United Nations High Commissioner for Refugees) do áp lực của quốc tế và nhu cầu đoàn tụ của nhiều người dân có thân nhân đã sinh sống tại hải ngoại. Chương trình này cho phép một số người dân rời khỏi Việt Nam một cách hợp pháp để đoàn tụ gia đình và những lý do nhân đạo khác. Một vài đạo luật của Hoa Kỳ được thông qua cho phép con cái của những quân nhân Hoa Kỳ và những cựu tù nhân chính trị và gia đình họ cũng như gia đình những người có con lai Mỹ được định cư ở Hoa Kỳ. Giữa những năm 1981 và 2000, Hoa Kỳ tiếp nhận 531.310 người tị nạn từ Việt Nam.
Trong những năm gần đây, số lượng người đi du học hoặc có thân nhân ở Mỹ rồi định cư tại đây vẫn không hề giảm.
[sửa] Đặc điểm
Người Mỹ gốc Việt là một trong những nhóm người nhập cư mới nhất tại Hoa Kỳ, cho nên họ là nhóm có tỷ lệ người lai chủng tộc khác thấp nhất trong các nhóm người Mỹ gốc Á châu chính. Có đến 1.009.627 người 5 tuổi trở lên tự khai rằng họ nói tiếng Việt tại nhà, làm cho tiếng Việt đứng thứ 7 trong những ngôn ngữ phổ thông nhất tại Hoa Kỳ. Là người tị nạn, người Mỹ gốc Việt có một tỷ lệ nhập tịch khá cao. Đến từ một nước có chế độ chính trị mà họ từng xung đột, một phần lớn là con em của những tù nhân chính trị trong các trại cải tạo nói trên, một số lớn trong những người này chống chủ nghĩa cộng sản mãnh liệt, đôi khi trở thành quá khích. Họ thường xuyên biểu tình phản đối chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tình trạng nhân quyền cũng như bất cứ cá nhân và tổ chức nào mà họ cho rằng có ủng hộ chính quyền Việt Nam. Một thí dụ cụ thể là vào năm 1999, một cuộc biểu tình rầm rộ nhằm chống một người làm nghề cho thuê mướn băng video tại Westminster tên là Trần Trường khi ông này treo cờ của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và một bức hình của ông Hồ Chí Minh. Số người biểu tình lên đến 15.000 người trong một đêm, làm cho một phần giao thông bị tắc nghẽn. Những đảng viên người Việt trong Đảng Dân chủ Hoa Kỳ trước kia thường không được ủng hộ vì họ cho rằng đảng này thân thiện với cộng sản. Nhưng trong vài ba năm gần đây sự ủng hộ cho Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ đã bị xói mòn, trong khi Đảng Dân chủ được nhìn bằng ánh mắt thiện chí hơn. Gần đây, nhiều nhóm người Mỹ gốc Việt đang vận động thành công ở một vài thành phố và tiểu bang với mục đích dùng lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa cũ làm biểu tượng đại diện cho cộng đồng người Việt tại địa phương. Tháng 8 năm 2006, chính phủ California và Ohio đã thông qua đạo luận để công nhận lá cờ này. Chính phủ Việt Nam phản đối việc này và đây là một trong những điểm gây ra bất đồng trong quan hệ Việt-Mỹ.
Sau ba mươi năm tị nạn, người Mỹ gốc Việt đã trở thành một cộng đồng đáng chú ý trong xã hội Hoa Kỳ. Trong lĩnh vực chính trị, Giáo sư Đinh Đồng Phụng Việt, từng là Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tư pháp từ 2001 đến 2003, thời Tổng thống George W. Bush, là tác giả đạo luật chống khủng bố PATRIOT Act sau sự kiện 11/9; bà Mina Nguyễn (Nguyễn Trang) được bổ nhiệm Trợ lý Bộ trưởng Tài chính, phụ trách mảng kinh doanh quốc tế và quốc nội với hàm thứ trưởng từ ngày 07/02/2007; ông Dương Việt Quốc là Giám đốc điều hành của Tòa Bạch Ốc pháp chế về người Mỹ gốc Á và các Đảo quốc Thái Bình Dương; trong khi Luật sư Trần Thái Văn đắc cử một ghế dân biểu hạ nghị viện California vào cuối năm 2004 bằng cách gợi lên quan điểm chống cộng của các cử tri. Trong lĩnh vực khoa học, nổi tiếng có bà Dương Nguyệt Ánh, người sáng chế ra bom áp nhiệt và ông Eugene Trinh (Trịnh Hữu Châu), nhà vật lý và trưởng nhóm kỹ thuật trên tàu con thoi Columbia nghiên cứu không gian. Tại một số địa phương, người Mỹ gốc Việt được bầu vào các chức như phó thị trưởng (thành phố Westminster), hội viên hội đồng thành phố (Westminster và Garden Grove), và nhà điều hành học khu. Tại trường trung học Westminster, nơi 40% trong số 2.000 học sinh là người Việt, có một chương trình dạy tiếng Việt được tiểu bang chấp thuận làm ngoại ngữ cho đại học. Nhiều diễn viên, vận động viên, nhà báo, nhà thiên văn, phi hành gia... người Mỹ gốc Việt đã nổi tiếng trong các ngành khác nhau. Tại Quận Cam có hàng chục nhật báo Việt ngữ (lớn nhất là báo Người Việt), ít nhất 2 đài truyền thanh tiếng Việt phát thanh 24 giờ mỗi ngày, 1 đài truyền hình cáp chiếu 24/24 và hai chương trình truyền hình trên các đài khác mỗi ngày. Ở các nơi khác cũng có nhiều khu vực đông người Việt như San Jose, California, Houston, Texas và Arlington, Virginia. Đặc biệt, cộng đồng các sinh viên, học sinh gốc Việt sống ở Mỹ được xếp vào một trong những cộng đồng sinh viên học sinh người thiểu số có tỉ lệ học sinh giỏi cao nhất của Hoa Kỳ[cần dẫn chứng]. Rất nhiều sinh viên, học sinh gốc Việt là thủ khoa các trường và được nhận nhiều phần thưởng cao quí hàng năm.
[sửa] Văn hoá và tôn giáo
[sửa] Chính trị
Nhiều người tham gia vào các hoạt động chính trị tại địa phương và được bầu vào các chức vụ công. Như các ông bà Đinh Đồng Phụng Việt, Minna Nguyễn, Trần Thái Văn đã nói ở trên.
Năm 2003, Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ (Vietnam War Memorial) đã được xây dựng tại Westminster để vinh danh các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đã hy sinh trong cuộc Chiến tranh Việt Nam hồi thế kỷ trước.
[sửa] Sinh hoạt cộng đồng
Tại Garden Grove, trường Bolsa Grande High School là địa điểm tổ chức Hội Tết Việt Nam hằng năm, với hàng trăm ngàn người tham dự, và do Tổng hội sinh viên Việt Nam Nam Cali (UVSA) tổ chức. Hàng năm, vào ngày Tết Nguyên Đán, đều có các cuộc diễn hành tết của cộng đổng người Việt tại khắp nơi, lớn nhất là tại San Jose do Hội Diễn Hành Xuân (Vietnamese Spring Festival VSF) tổ chức, với sự kết hợp của nhiều hội đòan, tổ chức.
[sửa] Xem thêm
[sửa] Liên kết ngoài
- Người Việt tại Hoa Kỳ: từ báo Người Việt, phát hành tại Quận Cam
- Văn Thư Lưu Trữ về Đông Nam Á
- Vietnamese American Heritage Project - Triễn lãm về người Mỹ gốc Việt tại Viện bảo tàng Smithsonian
- Nhật báo Người Việt: phát hành tại Quận Cam
- Trang Cộng Đồng & Địa Phương báo Người Việt
- Tin Việt Online
- Người Viễn Xứ - Chuyên trang của báo VietNamNet, phát hành từ Việt Nam
- Viết về nước Mỹ: cuộc thi viết về kinh nghiệm người Việt hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ
- 30 năm và người Việt ở hải ngoại: từ BBC Việt ngữ
- Vinh danh người Việt tại Hoa Kỳ , Giải đuốc vàng
- Những người Việt thành đạt ở NASA
- Successful Vietnamese in foreign countries
- National Congress of Vietnamese Americans
- Tổng Hội Sinh Viện Việt Nam Nam Cali
- Vietnamese Alliance to Combat Trafficking
- Videos : Diễn hành Xuân 2007 lần thứ 10 tại San Jose 18/02/2007 (hình ảnh) và Hội Chợ Tết Sinh Viên 2007 lần thứ 25 tại Little Saigon, California