Nguyễn Thiện Thuật
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nguyễn Thiện Thuật (1844-1926), còn gọi là Tán Thuật (do giữ chức Tán tương), lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chống Thực dân Pháp xâm lược, cuối thế kỷ XIX.
[sửa] Thâ thế và sự nghiệp
Nguyễn Thiện Thuật tự Mạnh Hiếu, người làng Xuân Dục huyện Đường Hào (nay thuộc làng Xuân Đào xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên). Sinh trưởng trong một gia đình nho học nghèo, có tài văn võ nổi tiếng khắp trong làng ngoài huyện.
Theo gia phả của dòng họ Nguyễn thì Nguyễn Thiện Thuật, vốn dòng họ Nguyễn Trãi, tổ tiên ông dời đến làng Xuân Dục. Bố ông là Nguyễn Tuy, hiệu Quảng Phường, đỗ tú tài năm 1842, làm nghề dạy học. Mẹ ông họ Phạm người làng Dị Sử (nay thuộc xã Dị Sử cùng huyện). Gia đình ông có 6 người con, 2 gái, 4 trai. Nguyễn Thiện Thuật là anh cả, trừ người em bị mất sớm còn 3 anh em ông đều tham gia khởi nghĩa Bãi Sậy do ông lãnh đạo.
Năm 1870, Nguyễn Thiện Thuật đậu tú tài. Năm 1874 vì có công dẹp giặc ở phủ Kinh Môn (Hải Dương) nên được cử làm Bang biện phủ ấy. Năm 1876 ông đậu cử nhân, giữ chức tri phủ phủ Từ Sơn. Ông làm quan thanh liêm, công minh, có tài cai trị.
Năm Kỷ Mão (1879) ông giữ chức Tán tương quân thứ, đến năm 1881, giữ chức Hương Hóa sơn phòng chánh sứ kiên Tán tương quân thứ tỉnh Sơn Tây. Vì vậy đương thời gọi ông là Tán Thuật hoặc Tán Đông (vì ông ở tỉnh Đông).
Khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, triều đình nhà Nguyễn đớn hèn dâng nước ta cho giặc. Nguyễn Thiện Thuật hai lần kháng lệnh triều đình, quyết tâm đánh Pháp. Lần thứ nhất, ông lui về Đông Triều, chiêu mộ nghĩa quân cùng với Lưu Vĩnh Phúc chống Pháp. Trong thời gian này, ông thường liên lạc với Đinh Gia Quế, lãnh tụ của nghĩa quân Bãi Sậy, phát triển lực lượng nghĩa quân ở vùng đồng bằng. Ngày 12/11/1883, nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật tấn công tỉnh lỵ Hải Dương bao vây địch, nhưng lực lượng còn non yếu, ông phải cho lui quân.
Lần thứ hai vào cuối năm 1883, sau khi ký hiệp ước Hác Măng (Harmand), triều đình tiếp tục nhượng bộ thực dân Pháp. Tự Đức ra lệnh bãi binh ở Bắc Kỳ và đòi các quan lại phải về kinh đợi chỉ, Nguyễn Thiện Thuật bèn mang quân lên Hưng Hóa (Tuyên Quang) cùng với Nguyễn Quang Bích giữ thành. Tháng 3/1884 thành Hưng Hóa thất thủ, một số tướng lĩnh về kinh, ông cùng với các tướng lĩnh khác vẫn cương quyết ở lại chống Pháp. Sau khi thành Lạng Sơn thất thủ (tháng 3/1885) Nguyễn Thiện Thuật trốn sang Long Châu (Trung Quốc) chuẩn bị lực lượng tiếp tục chiến đấu.
Tháng 7/1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, Nguyễn Thiện Thuật trở về nước thành lập căn cứ địa Bãi Sậy, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp, tiếp tục sự nghiệp của họ Đinh (lúc này Đinh Gia Quế đã mất). Vua Hàm Nghi phong cho ông là “Bắc kỳ hiệp thống quân vụ đại thần gia chấn trung tướng quân”, nên nhân dân còn gọi ông là quan Hiệp thống. Các tướng lĩnh tài giỏi theo về rất đông. Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo nghĩa quân dùng chiến thuật đánh du kích, lấy ít địch nhiều, lúc ẩn lúc hiện chống lại các cuộc càn quét của địch hoặc vây đánh đồn bốt, đánh phục kích tiêu diệt nhiều sinh lực địch.
Dưới sự lãnh đạo của ông, cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy lan rộng ra khắp tỉnh Hưng Yên và một số tỉnh lân cận, thanh thế nghĩa quân lừng lẫy khiến cho bọn Pháp lúng túng lo sợ. Đi đôi với việc chiêu mộ nghĩa quân, Nguyễn Thiện Thuật còn đẩy mạnh việc tuyên truyền khích lệ tinh thần yêu nước của nhân dân. Nhờ có sự che chở giúp đỡ của nhân dân mà cuộc khởi nghĩa kéo dài được 5 năm (1885-1889). Một người Pháp đã nhận xét về ông như sau: Những lãnh tụ của các cuộc khởi nghĩa chống Pháp đương thời thường ít quan tâm đến những hoạt động chính trị trong quần chúng nông dân. Chỉ có Tán Thuật là người đã cố gắng tập hợp quần chúng nông dân Bắc Kỳ vào cuộc đấu tranh dân tộc.
Trong thời gian này thực dân Pháp đã mở rộng được địa bàn cai trị, chúng tập trung lực lượng khủng bố gắt gao, lực lượng nghĩa quân dần suy yếu. Tên việt gian Hoàng Cao Khải mượn danh Đồng Khánh dụ dỗ mua chuộc khuyên Nguyễn Thiện Thuật ra hàng và hứa khôi phục chức tước. Nguyễn Thiện Thuật đã viết vào tờ sớ dụ này 4 chữ “Bất khẳng thụ chỉ” (Không chịu nhận chỉ). Sau ông giao quyền cho em là Nguyễn Thiện Kế tiếp tục duy trì cuộc khởi nghĩa, sang Trung Quốc với chủ trương cầu viện để tăng cường lực lượng chống Pháp.
Suốt quãng đời còn lại ở Trung Quốc, Nguyễn Thiện Thuật thường liên lạc với Tôn Thất Thuyết và một số chiến hữu, trong đó có Nguyễn Chí Thường con trai thứ hai của ông. Sau Thường bị bắt đầy đi Côn Đảo. Ông lại cùng Kỳ ngoại hầu Cường Để và Phan Bội Châu sang Đông Kinh thành lập “Việt Nam duy tân phục quốc hội” với mục đích tìm cách giải phóng dân tộc, mở mang dân trí, tạo điều kiện đưa học sinh Việt Nam ra hải ngoại du học… Ông còn cử nhiều người thân tín khác liên lạc về nước thu nạp các chiến hữu, tổ chức “Việt Nam cách mạng quang phục quân” để giải phóng đất nước.
Nguyễn Thiện Thuật mất ngày 25/5/1926. Phần mộ của ông được đặt trên quả đồi thuộc hương Quan Kiều, ngoại vi thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Bia mộ khắc dòng chữ “Việt Nam cách mạng. Cố tướng quân Nguyễn Công Thiện Thuật - Chi mộ”.
Năm 1990, việt kiều ở Trung Quốc đã di chuyển phần mộ Nguyễn Thiện Thuật từ đồi hương Quan Kiều về đồi hương Đại Lĩnh, phía nam thành phố Nam Ninh, cùng khu vực nghĩa trang của bộ đội, thương binh Việt Nam sang Trung Quốc điều trị và mất tại đây.