Bắc Kỳ
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bắc Kỳ là tên gọi trước kia của Bắc Bộ, vùng phía bắc nhất của Việt Nam, một trong ba kỳ tạo nên nước Việt Nam. Tên gọi này do vua Minh Mạng đặt ra năm 1834 để chỉ phần đất từ Ninh Bình trở ra, thay cho tên gọi Bắc Thành thời nhà Tây Sơn và Gia Long.
Mục lục |
[sửa] Tên gọi Tonkin
Tên Hán-Việt của Hà Nội, trung tâm Bắc Kỳ lúc đó, được người phương Tây biết đến khi tiếp xúc Việt Nam lần đầu vào thời nhà Lê là Đông Kinh (東京). Tên gọi này được người Pháp đọc thành Tonkin, Tonquin hoặc Tongkin, Tongking. Ban đầu người Pháp cũng dùng tên gọi này để chỉ cho toàn bộ khu vực Đàng Ngoài thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, sau này tương đương với Bắc Kỳ trong tiếng Việt.
Tính từ tonkinois trong tiếng Pháp được dùng trong soupe tonkinois để chỉ món phở. Vincent Scotto sáng tác một bài hát vào năm 1906 với nhan đề "La petite Tonkinoise". (Cô em Bắc Kỳ nho nhỏ).
[sửa] Từ tonkinensis trong phân loại học
Tính từ latinh hóa tonkinensis (Phân loại học), dùng để miêu tả các loài, chủ yếu là các giống cây có ở Bắc Bộ (Tonkin). Ví dụ Cornus hongkongensis tonkinensis [1] là một phân loài của cây lá bền hay cây bụi thuộc hệ cây sơn thù du (dogwood) thường thấy ở Hồng Kông. Một ví dụ khác: Croton tonkinensis là cây khổ sâm Bắc Bộ.
[sửa] Lịch sử
Năm 1883, Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ hai, buộc nhà Nguyễn ký Hiệp ước Harmand (25 tháng 8, 1883) đầu hàng thực dân Pháp và Hiệp ước Patenôtre (6 tháng 6, 1884), công nhận quyền bảo hộ của Pháp với vùng lãnh thổ còn lại của Đại Nam. Theo Hiệp ước Harmand, khu vực từ đèo Ngang trở ra bắc gọi là Tonkin (Bắc Kỳ). Hiệp ước Patenôtre quy định lại ranh giới Tonkin (Bắc Kỳ), theo đó Bắc Kỳ tính từ địa giới phía nam tỉnh Ninh Bình trở ra.
Năm 1885 Bắc Kỳ gồm có 13 tỉnh: Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Hóa, Hưng Yên, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Yên, Sơn Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang.
Vùng đất Bắc Kỳ tồn tại trên danh nghĩa vẫn thuộc lãnh thổ của Đại Nam, nhưng trên thực tế thuộc quyền cai trị của Thống sứ Bắc Kỳ (Résident supérieur du Tonkin) người Pháp. Các hiệp ước Pháp ký với triều đình nhà Nguyễn không được Trung Hoa công nhận. Phải đến sau Chiến tranh Pháp-Trung (1884–1885), Pháp mới nắm toàn bộ chủ quyền của An Nam (miền Trung Việt Nam) và Bắc Kỳ.
Năm 1887, Tonkin/Bắc Kỳ trở thành một xứ bảo hộ nằm trong Liên bang Đông Dương.
Sau khi đảo chính Pháp, ngày 20 tháng 3 năm 1945, Nhật đã cử Thống sứ Nishimura tạm thời cai quản xứ này và đổi tên là Bắc Bộ.