Nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer là một nhóm ngôn ngữ bao gồm khoảng 150 ngôn ngữ của hệ ngôn ngữ Nam Á đa số tập trung tại Đông Nam Á.
Nhóm này được chia ra làm các nhánh sau đây:
- Nhánh Khasi: bao gồm vài ngôn ngữ của Ấn Độ.
- Nhánh Khmu: bao gồm khoảng 15 ngôn ngữ tại Lào, Thái Lan và Việt Nam.
- Nhánh Palaung: bao gồm khoảng 20 ngôn ngữ tại khu vực biên giới Miến Điện và Trung Quốc.
- Tiếng Mảng tại Việt Nam.
- Nhánh Bhanar: bao gồm vào khoảng 40 ngôn ngữ tại miền Nam của Lào và Việt Nam.
- Nhánh Katu: bao gồm vào khoảng 20 ngôn ngữ tại Lào.
- Nhánh Pear: bao gồm vài ngôn ngữ tại miền Nam của Campuchia.
- Tiếng Khmer của Campuchia.
- Nhánh Aslian: bao gồm vào khoảng 20 ngôn ngữ tại bán đảo Malaysia.
- Nhánh Môn: bao gồm 2 ngôn ngữ, một tại Thái Lan và một, tiếng Môn, tại Miến Điện.
- Nhánh Nicobar: bao gồm các ngôn ngữ của quần đảo Nicobar nằm trong vịnh Bengal của Ấn Độ.
- Nhánh Việt-Mường: bao gồm khoảng 10 ngôn ngữ tại Lào và Việt Nam, trong đó tiếng Việt là tiếng quan trọng nhất trong hệ Nam Á vì số người dùng.
- Tiếng Palyu tại miền Nam của Trung Quốc,
- và 4 ngôn ngữ tại miền Nam của Trung Quốc chưa được xếp loại.
Nhiều nhà ngôn ngữ học còn cho các nhánh 1 – 4 vào Nhánh phía Bắc của nhóm Môn-Khmer, các nhánh 5 – 8 vào Nhánh phía Đông của nhóm Môn-Khmer và các nhánh 9 – 11 vào Nhánh phía Nam của nhóm Môn-Khmer. Nhánh Việt-Mường nhiều khi được cho vào Nhánh phía Bắc nhưng thường được xếp riêng; nhiều nhà ngôn ngữ học lại cho Nhánh Việt-Mường vào Nhánh phía Đông và xếp Nhánh Pear ra một mình; nhiều người lại không công nhận sự hiện diện của Nhánh phía Nam.... Nói tóm lại là sự phân loại của nhóm ngôn ngữ này vẫn còn là đề tài cho các nhà ngôn ngữ học bàn cãi.