Thành Long
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thành Long, còn được biết với tên tiếng Anh là Jackie Chan, (sinh ngày 7 tháng 4 năm 1954 tại Hồng Kông) là một diễn viên, đạo diễn, người đóng thế và ca sĩ Trung Quốc. Jackie là con trai của Lee-Lee và Charles Chan.
[sửa] Tiểu sử
Tên thật của Thành Long là Trần Cảng Sinh (陳港生), nghệ danh Trần Nguyên Long (陳元龍), tên khác Phòng Sĩ Long (房仕龍). Là một người đam mê nghệ thuật diễn xuất, Cảng Sinh gia nhập học viện hí kịch Trung Quốc khi mới 7 tuổi. Thế nhưng suốt thời gian học tập cho đến khi tốt nghiệp, có vẻ như Cảng Sinh vẫn chưa bộc lộ chút năng khiếu nào.
Anh được Triệu Thị mời vào diễn các vai như đứng "chỉ chỏ", "ăn uống", "gây gổ", hay lớn nhất chỉ là diễn viên đóng thế. Nhưng dù sao đó cũng là "bước khởi đầu" dẫn dắt anh đến với điện ảnh, lúc đó anh 17 tuổi. Dần dần sự gan lì và dũng mãnh của anh cũng được phát hiện, ban đầu anh được giao chỉ đạo võ thuật cho một số "phim mì ăn liền", sau lên đến các phim có đầu tư như "Thiếu Lâm Môn" của đạo diễn tài ba sau này là Ngô Vũ Sâm.
Mãi đến khi Lý Tiểu Long qua đời, tức là năm 1973, cái tên Thành Long chính thức được đặt cho anh. Đạo diễn La Duy - người từng nâng đỡ "Con rồng nhỏ" - đã chọn anh làm người thay thế cho họ Lý. La Duy sửa đổi tất tần tật cho Thành Long: từ cách diễn đến cái mũi quá tẹt, dự định sẽ thả "con rồng" này tung hoành ngay sau khi đám tang của Lý Tiểu Long kết thúc.
Và phim "Tân Tinh Võ Môn" ra đời, thất bại ê chề.
Lúc bấy giờ điện ảnh võ thuật Hồng Kông có tới 7 "Long", ăn khách sau Lý Tiểu Long là Địch Long, và được biết đến ít nhất là Thành Long.
Năm 1976, La Duy không còn đủ kiên nhẫn, ông chịu thua trước khả năng của Thành Long và quên mất nhiệm vụ tạo ra con rồng dũng mãnh thứ hai của mình. Nhờ vậy Thành Long trở nên hoàn toàn tự do - bắt đầu có dịp bộc lộ tư chất thông minh hài hước hiếm có.
Ngay trong năm 1976, phim Thiếu Lâm Mộc Nhân do Thành Long thủ vai chính ra đời, được đánh giá cao - tuy nhiên lúc đó người ta nhường như đã ngán ngẩm phim võ thuật nên phim chỉ đạt được một nửa thành công - nhưng người ta biết đến Thành Long hơn một chút.
Và cuối cùng vận may đã đến, đạo diễn Viên Hòa Bình - bậc thầy phim võ thuật - đã để ý tới con rồng cô đơn này. Phim đầu tiên hai người hợp tác là Xà hình điêu thủ, thành công vang dội đến tận Đông Nam Á.
Đến phim "Túy Quyền", Thành Long đã khẳng định tên tuổi của mình với thế giới, cái hay của anh không phải ở sự dũng mãnh mà là sự hài hước. Đan xen với kungfu là tiếng cười, gương mặt, điệu bộ... Thành Long làm ngây ngất cả thế giới- Viên Hòa Bình đã thực sự thành công.
Anh bắt đầu sang Mỹ đóng phim, và nổi danh hơn hết trong những người Á châu, anh ghi tên mình trên Đại lộ Hollywood. Đóng những phim sặc mùi hành động kiểu Mỹ, và dù hiện giờ Thành Long đã không còn chất võ chính thống nhưng người ta vẫn xem anh là một tượng đài võ thuật.
Người châu Á thì yêu sự chân thật của anh: đóng phim không cần người đóng thế, dù đã chấn thương nhiều lần, tuổi tác đã cao nhưng Thành Long vẫn tự nguyện đóng các pha nguy hiểm, một điều chưa có diễn viên nào làm được lâu dài.
[sửa] Các phim tiêu biểu
- Túy Quyền (Drunken Master - 1978)
- Xà hình điêu thủ (Snake in the Eagle's Shadow - 1978)
- Giờ cao điểm (Rush hour - 1998)
- Trưa Thượng Hải (Shanghai Noon - 2000)
- Giờ cao điểm 2(Rush hour 2 - 2001)
- Bộ vét Tuxedo (The Tuxedo - 2002)
- Tấm mề đay (The Medallion - 2003)
- Hiệp sĩ Thượng Hải (Shanghai Knights - 2003)
- Vòng quanh thế giới trong 80 ngày (Around the World in 80 Days - 2004)
- Bộ "Câu Chuyện Cảnh Sát" rất nổi tiếng.
- Thần Thoại (The Myth 2005)