Thần thoại Bắc Âu
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thần thoại Bắc Âu bao gồm tôn giáo và tín ngưỡng thời kỳ tiền Ki-tô giáo, cùng với các truyền thuyết của cư dân vùng Scandinavia, kể cả những người định cư trên đảo Iceland - nơi tìm thấy nhiều tư liệu viết của thần thoại Bắc Âu. Dị bản nổi tiếng của thần thoại Bắc Âu là thần thoại các dân tộc gốc Đức vốn hình thành từ thần thoại các dân tộc Ấn-Âu tồn tại trước đó.
Tôn giáo các dân tộc Bắc Âu không dựa trên một "sự thật" được truyền trực tiếp từ thần thánh đến con người (tuy cũng có những câu chuyện người trần được thần thánh viếng thăm) và không có những văn bản chính quy như Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo hay kinh Qur'an của Hồi giáo. Thần thoại Bắc Âu được truyền miệng dưới dạng những bài thơ dài. Việc lưu truyền tôn giáo Bắc Âu diễn ra mạnh nhất vào thời Viking. Người ta tìm hiểu về thần thoại Bắc Âu chủ yếu qua các sử thi Edda và các văn bản ghi chép trong thời đạo Thiên chúa mở rộng về khu vực Scandinavia. Thần thoại Bắc Âu có ảnh hưởng lớn đến các tác phẩm văn học nghệ thuật.
Mục lục |
[sửa] Nguồn
Thần thoại Bắc Âu tồn tại chủ yếu bằng con đường truyền miệng, do đó nó bị thất truyền một phần lớn. Tuy nhiên, không phải tất cả đều bị mất đi nhờ vào các ghi chép của các học giả Ki-tô giáo, đặc biệt là các Edda và tác phẩm Heimskringla của Snorri Sturluson - người tin rằng các vị thần thời kỳ tiền Ki-tô giáo không phải là quỷ dữ. Một tác phẩm đáng chú ý khác là Gesta Danorum của Saxo Grammaticus. Tuy nhiên các vị thần Bắc Âu trong tác phẩm này bị sửa đổi nhiều để thích hợp với các sự kiện tự nhiên và lịch sử.
Edda bằng văn xuôi được viết vào đầu thế kỷ 13 bởi Snorri Sturluson, một nhà thơ, nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao ở Iceland. Nó chủ yếu được coi là sổ tay cho các nhà thơ mới vào nghề. Edda bằng văn xuôi bao gồm những chú giải về các hình tượng truyền thống thường được dùng trong thơ ca. Nhờ tác phẩm này, những mẫu chuyện rời rạc trong thần thoại Bắc Âu được kể lại một cách hệ thống và liên tục.
Edda bằng thơ được cho là xuất hiện 50 năm sau Edda bằng văn xuôi. Nó gồm 29 bài thơ dài, trong đó 11 bài nói về các vị thần, số còn lại là về các anh hùng trong thần thoại như Sigurd của dòng họ Volsung (Sigfield trong trường ca Nibelungenlied của Đức). Dù các học giả thường cho rằng nó được sáng tác sau Edda bằng văn xuôi, văn phong và thể thơ của tác phẩm chứng tỏ các bài thơ trong đó đã được sáng tác khá lâu trước khi bản viết tay của chúng ra đời.
Ngoài các tài liệu trên còn có các bản khắc chữ Rune như các bản khắc trên bảng đá ở Rök và tấm bùa Kvinneby cũng là nguồn khảo cứu quý giá. Ngoài ra còn có các bản khắc và hình vẽ thể hiện các cảnh trong thần thoại Bắc Âu như chuyến đi câu của Thor, các cảnh từ trường ca Volsunga, Odin và Sleipnir, Odin bị Fenrir nuốt chửng, Hyrrokkin đến dự đám tang của Baldr.
[sửa] Vũ trụ trong thần thoại Bắc Âu
Trong thần thoại Bắc Âu, Trái Đất là một dĩa dẹt đặt trên cành của cây thế giới Yggdrasil. Asgard, nơi các vị thần sinh sống, nằm ở trung tâm đĩa. Con đường duy nhất dẫn đến Asgard là cầu vồng (hay cầu Bifröst). Các người khổng lồ sống ở Jotunheimr (nghĩa là "vùng đất của người khổng lồ"). Người chết đến một nơi lạnh lẽo và tối tăm gọi là Niflheim do Hel, con gái của Loki, cai trị. Đâu đó ở phương nam là vùng Muspelheim rực lửa, nơi các người khổng lồ lửa sinh sống. Các vùng đất siêu nhiên khác là Álfheim - vương quốc của người elf trắng, Svartálfaheim - vương quốc của người elf đen, Nidavellir - vương quốc của người lùn. Giữa Asgard và Niflheim là Midgard (hay Middle-earth), nơi con người sinh sống.
Tính đối lập là một thành phần quan trọng trong quan điểm về vũ trụ của thần thoại Bắc Âu. Ví dụ thế giới được hình thành từ băng và lửa.
[sửa] Các thế lực siêu nhiên
Có ba "thị tộc" thần thánh trong thần thoại Bắc Âu là Aesir (Æsir), Vanir và Jotun (trong bài viết này gọi là người khổng lồ). Sự khác biệt giữa hai thị tộc Aesir và Vanir (được gọi chung là thần) chỉ là tương đối. Giữa hai thị tộc thần thánh này từng xảy ra chiến tranh mà phần thắng thuộc về phe Aesir. Nhưng họ đã chấp nhận dàn hòa để cùng nhau cai trị thế giới và để giữ hòa bình, hai bên trao đổi con tin và đã có những cuộc hôn nhân giữa các thành viên của hai thị tộc. Một số vị thần thuộc về cả hai nơi. Một số học giả suy đoán rằng câu chuyện này phản ánh quá trình các thần linh của người Ấn-Âu xâm lăng chiếm ưu thế so với các thần linh của người bản địa. Tuy nhiên đây chỉ là một giả thuyết. Có những người cho rằng sự phân biệt Aesir/Vanir chỉ là phiên bản Bắc Âu của hệ thống thần thánh của các dân tộc Ấn-Âu, giống như sự phân biệt giữa các vị thần trên đỉnh Olympus với các Titan trong thần thoại Hy Lạp.
Các Aesir và Vanir thường trong tình trạng thù địch với bộ tộc Iotnar (số ít là Iotunn hay Jotuns, trong tiếng Anh cổ là Eotenas hay Entas). Bộ tộc này giống như các Titan và Gigantos trong thần thoại Hy Lạp và thường được gọi là người khổng lồ tuy cũng có người gọi họ là quỷ. Tuy nhiên, các Aesir có tổ tiên là người của Iotnar và có thành viên của cả Aesir lẫn Vanir kết hôn với họ. Tên một số người khổng lồ được nhắc đến trong sử thi Edda. Người khổng lồ thường được coi như hiện thân của các sức mạnh tự nhiên. Có hai loại người khổng lồ là người khổng lồ băng và người khổng lồ lửa. Ngoài ra còn có người elf và người lùn. Vai trò của họ trong thần thoại Bắc Âu không rõ. Họ thường được cho là đồng minh của các vị thần Aesir-Vanir.
Những sinh vật siêu nhiên khác gồm có con chó sói khổng lồ Fenrir và con rắn biển Jörmungandr cuộn vòng quanh Trái Đất. Hai con quái vật này là con của vị thần lừa đảo Loki và một nữ khổng lồ. Ngoài ra còn có hai con quạ Hugin và Munin (nghĩa là "suy nghĩ" và "ký ức") chuyên giúp Odin - thủ lĩnh của các vị thần - nắm được tình hình thế giới và con sóc Ratatosk chạy trên các cành của cây thế giới Yggdrasil ở trung tâm vũ trụ.
Giống như các tôn giáo đa thần khác, trong thần thoại Bắc Âu không có sự đối đầu thiện-ác như trong tín ngưỡng vùng Trung Đông. Những người khổng lồ trong thần thoại Bắc Âu về bản chất không phải là độc ác. Họ thô lỗ, ồn ào và kém văn minh thì chính xác hơn. Chủ đề chính trong thần thoại Bắc Âu là sự đối lập giữa trật tự và hỗn loạn. Các vị thần đại diện cho trật tự còn người khổng lồ và quái vật tượng trưng cho sự hỗn độn.
[sửa] Voluspa: khởi nguyên và kết thúc của thế giới
Số phận của toàn vũ trụ được mô tả trong Völuspá ("Lời tiên tri") - một trong những bài thơ đáng chú ý nhất trong Edda bằng thơ. Trong Völuspá, Odin - thủ lĩnh của các vị thần gọi hồn của một Volva ("nữ tiên tri") để hỏi về quá khứ và tương lai của thế giới. Vị nữ tiên tri hỏi lại Odin liệu ông có thật sự muốn biết điều đó không. Odin nhấn mạnh rằng với vai trò vua của các vị thần, ông cần có những hiểu biết đó. Cuối cùng, vị nữ tiên tri cho Odin biết những bí mật của quá khứ và tương lai rồi chìm trở lại vào bóng tối.
[sửa] Quá trình hình thành thế giới
Ban đầu thế giới chỉ có gồm vùng đất băng giá Niflheim và vùng đất rực lửa Muspelheim. Giữa hai vùng đất này là Ginnungagap - khoảng trống nơi không có gì sinh sống. Ở Ginnungagap, lửa của Muspelheim đã làm băng của Niflheim thành người khổng lồ đầu tiên Ymir và con bò khổng lồ Auðumbla. Ymir sống nhờ sữa của con bò này. Con bò Audumbla liếm băng tạo thành vị thần đầu tiên Búri cha của Borr, và Borr là cha của ba Aesir đầu tiên: Odin, Vili và Ve. Ymir là người cả nam và cả nữ, từ Ymir tộc người khổng lồ được sinh ra. Sau đó các con của Borr là Odin, Vili và Ve giết Ymir và dùng xác Ymir xây dựng thế giới.
Các vị thần quy định sự tuần hoàn của ngày và đêm cũng như của các mùa. Sol, con gái của Mundilfari và vợ của Glen, là nữ thần Mặt Trời. Hằng ngày thần đi qua bầu trời trên cỗ xe do hai con ngựa Alsvid và Arvak kéo. Đường đi của Mặt Trời vẫn thường được biết tới dưới cái tên Alfrodull ("Vinh quang của người Elf"). Sol thường xuyên bị Skoll (tên khác của Fenrir) thường xuyên truy đuổi. Nhật thực là dấu hiệu Skoll gần bắt được Sol. Theo lời tiên tri, cuối cùng thần Mặt Trời Sol sẽ bị Skoll bắt kịp và ăn thịt. Tuy nhiên thần sẽ được thay thế bởi con gái của mình. Anh của Sol là thần Mặt Trăng Mani cũng bị đuổi bởi một con sói khác tên là Hati. Trái Đất được bảo vệ khỏi toàn bộ sức nóng của Mặt Trời nhờ Svalin đứng chắn giữa Sol và mặt đất. Trong tín ngưỡng Bắc Âu, ánh sáng không tỏa ra từ thần Mặt Trời mà từ bờm hai con ngựa kéo xe Alsvid và Arvak của thần.
Những con người đầu tiên là Ask và Embla được các vị thần Odin, Hoenir (Vili) và Lodurr (Ve) tạc ra từ gỗ và ban cho sự sống.
Vị nữ tiên tri còn miêu tả cây thế giới Yggdrasil và các nữ thần số mệnh (còn gọi là norn) tên là Urd, Verdandi và Skuld (chỉ quá khứ, hiện tại và tương lai) ngồi xe những sợi chỉ số phận dưới bóng của nó. Ngoài ra, Odin còn được kể về cuộc chiến giữa các Aesir và Vanir và cái chết của Baldr.
[sửa] Ngày tận thế
Tương lai trong tín ngưỡng Bắc Âu khá u tối. Lực lượng bóng tối và hỗn loạn sẽ vượt qua các vị thần đại diện cho trật tự. Loki và các con sẽ vượt ra khỏi xiềng xích. Người chết từ Niflheim trở lại dương thế tấn công người sống. Heimdall, vị thần đứng gác ở cổng Asgard sẽ triệu tập lực lượng nhà trời bằng một hồi tù và. Sau đó nổ ra cuộc chiến giữa hỗn độn và trật tự (vẫn được biết tới với cái tên Ragnarök). Định mệnh của các vị thần là thất bại trong trận chiến này. Họ biết rõ điều đó nên sẽ tập hợp những chiến binh giỏi nhất, các Einherjar, để chiến đấu bên cạnh mình. Nhưng cuối cùng họ cũng phải bất lực nhìn thế giới chìm trở lại vào bóng tối. Các vị thần và trật tự do họ tạo ra sẽ bị tiêu diệt. Bản thân Odin sẽ bị Fenrir nuốt chửng.
Tuy nhiên, sẽ còn một vài vị thần và con người sống sót để xây dựng một thế giới mới. Các học giả vẫn đang tranh cãi xem đây có phải là dấu hiệu của những ảnh hưởng từ Ki-tô giáo hay không. Nếu không, quan điểm ngày tận thế của Voluspa có thể phản ánh thế giới quan Ấn-Âu cổ.
[sửa] Vua chúa và các vị anh hùng
Bên cạnh những câu chuyện về các vị thần linh, thần thoại Bắc Âu cũng kể về các vị vua và anh hùng người trần thế. Những câu chuyện này phản ánh quá trình hình thành các bộ tộc và quốc gia Bắc Âu. Một số học giả cho rằng những câu chuyện này dựa trên những sự kiện có thật và có thể coi chúng như một nguồn nghiên cứu lịch sử vùng Scandinavia.