William III của Anh
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Mục lục |
[sửa] Lai lịch
William (1652-1702) là một trong những gương mặt chính trị đáng kể nhất ở châu Âu vào thế kỷ 17. Ông là Hoàng thân William của dòng họ Oranje-Nassau, kiêm nhiệm Tổng đốc (tương đương vua) Hà Lan (1672-1702), cũng là Vua William III của Anh, Scotland và Ireland (1689-1702), với vợ là Nữ hoàng Mary II của Anh đồng trị vì cho đến năm 1694, sau đó trị vì một mình. Ông là con của William II, (cũng có tước hiệu Hoàng thân của Oranje-Nassau và Tổng đốc Hà Lan), và Mary, (con gái lớn của vua Charles I của Anh); và là con rể của vua James II của Anh. William trị vì dòng họ Oranje-Nassau lúc mới chào đời; cha ông qua đời một tuần trước đó vì bệnh đậu mùa. Ông thực hiện cuộc cách mạng không đổ máu mà về sau các sử gia gọi là "Cách mạng Huy hoàng" (Anh ngữ: Glorious Revolution) để lật đổ vua James II.
[sửa] Lên làm Vua Hà Lan: Chiến thắng quân Pháp
Lúc lên 21 tuổi, đội quân Pháp có vẻ như bách chiến bách thắng đã nuốt chửng phân nửa đất nước Hà Lan, ông nhậm chức Tổng đốc (Vua) Hà Lan kiêm Tổng Tư lệnh Tối cao quân đội và được giao nhiệm vụ đánh đuổi quân xâm lược. Ông đã thành công. Mười lăm năm sau, ở tuổi 36, ông đánh bại cuộc tiến công của Anh.
Năm 1672, đội quân Pháp do Hoàng đế Louis XIV cầm đầu gồm 120.000 người tiến đến biên giới Hà Lan. Trông thấy quân Pháp tiến như vũ bão, dân Hà Lan kinh hãi. Chính trong giai đoạn khủng hoảng ấy mà người Hà Lan thình lình quay mặt đi như những đứa trẻ kinh hoàng, hướng về William. Ông phát biểu chương trình hành động của mình một cách thẳng thắn và ảm đạm: "Chúng ta có thể chết trong chiến hào cuối cùng."
Trong vòng một tuần sau khi nắm quyền tư lệnh, dù qua bao nỗ lực, đội quân của ông không thể ngăn chặn bước tiến của Pháp, lúc ấy đã cách Amsterdam gần 35 kílômét. Khi mà quân Pháp chỉ cần mất một ngày là có thể tiến đến thành phố cảng lớn này, William ra lệnh phá hệ thống đê biển. Nước biển tràn vào, làm ngập lụt hoa mầu và đồng cỏ, nhấn chìm nhà cửa và hoa viên, dìm chết bò và heo, và khiến cho công lao khổ nhọc hàng thế kỷ phút chốc phải tiêu tán. Amsterdam trước ở vào vị trí không thể bảo vệ được, giờ trở thành một hòn đảo. Quân Pháp không có tàu thuyền, chỉ đành đứng từ xa mà ngắm nhìn thành phố họ định chiếm đóng.
Trong nỗi phiền muộn của tổng hành dinh Pháp, mặc dù quân Hà Lan đã bị thiệt hại và phân nửa đất nước Hà Lan đã bị chiếm, William không muốn đầu hàng. Tuy không thể thắng được quân Pháp đông hơn, các tiểu đoàn Hà Lan vẫn bám trận địa mà chờ đợi. Quân Pháp hy vọng khi mùa đông đến, họ có thể tiến trên băng mà tấn công Amsterdam. Nhưng mùa đông năm ấy không lạnh lắm, và Louis XIV trở nên bồn chồn, vì ông không bao giờ thích đưa quân Pháp đi hành quân xa xôi. Trong lúc ấy, William mở mặt trận ngoại giao. Với các xứ Habsburg, Brandenburg, Hannover, Đan Mạch và Tây Ban Nha, ông vạch ra rằng sức mạnh và tham vọng của Louis XIV không chỉ là mối đe dọa cho Hà Lan, mà còn cho những nước khác. Các nước đều có ấn tượng với lý luận của ông, càng thêm ấn tượng với cuộc kháng chiến dai dẳng của Hà Lan.
Vào mùa xuân, cuộc chiến mở rộng. Đội quân nhỏ bé của William bắt đầu tấn công đường liên lạc và hậu cần của Pháp, khiến cho Louis XIV lo lắng thêm. Cuối cùng, sau khi tàn phá một cách có hệ thống những thị trấn họ đang chiếm đóng, quân Pháp rút lui. Chiến công này gần như là thành tựu của một người duy nhất, một chính khách 21 tuổi mà trong vài tháng đã nổi lên là nhà lãnh đạo quốc gia quan trọng hàng thứ hai ở Tây Âu.
[sửa] Tạo dựng liên minh chống Pháp
Hòa bình cuối cùng đến vào năm 1678, nhưng William không bao giờ bớt nghi kỵ đối với tham vọng của Louis XIV. Ưu tư hàng đầu của ông là làm thế nào chống lại Pháp. Ông hiểu rằng không một quốc gia đơn lẻ nào có thể chống chọi quyền lực của Pháp; vì thế cả cuộc đời của ông hướng đến tạo dựng mối liên minh với các nước châu Âu đủ mạnh để đánh lui tham vọng của Hoàng đế Pháp.
Người anh hùng trẻ tuổi nhanh chóng lớn lên thành một chính khách đầy kinh nghiệm. Ông không phải là nhà chỉ huy quân sự tài ba. Tài năng của William không phải là chiến thắng ở trận tiền – ông thường bị đánh bại – mà ở chỗ sống sót sau mỗi thất bại, ở chỗ bám lấy trận địa, ở chỗ rút lui, chịu đựng gian khổ rồi chuẩn bị cho chiến dịch kế tiếp. Thiên tài của ông nằm ở ngoại giao. Nghiêm khắc, khó thương, sôi sục, bướng bỉnh, nồng nàn – tố chất đích thực của ông là không đầu hàng trở ngại nào, xông qua mọi thứ để đạt đến mục đích của mình. Nhưng chỉ vì Hà Lan không có đủ sức mạnh để cho phép ông lộ rõ tính cách của mình, ông phải đành trấn áp cảm xúc của mình, để dung hòa với các đồng minh, để chịu nhượng bộ, để nán lòng mà chờ đợi.
William chấp nhận mọi tôn giáo: đức Giáo hoàng là đồng minh của ông, Hoàng để theo Thiên chúa giáo cũng thế; có sĩ quan Thiên chúa giáo trong đội quân của ông. Mọi định kiến và đối kháng đều được dẹp qua một bên; ông chỉ lo đối đầu với Louis XIV. Ông tin rằng Thượng đế đã giao cho ông một sứ mệnh cá nhân: ông và Louis sẽ chiến đấu mất còn vì tương lai của châu Âu. Bằng niềm tin sắt đá, William không nao núng khi các đạo quân của ông thất bại trên chiến trường: mọi việc đều do Thượng đế sắp đặt trước; thất bại chỉ là cơ hội cho ông tự chứng tỏ, là sự thách đố cho ông tiếp tục sứ mệnh.
Mặc dù William có đôi lần hồ nghi và ngay cả chán nản, ông không bao giờ muốn buông xuôi, mà tin rằng qua cách nào đó, Thượng đế sẽ cứu vớt ông. Vì thế, dù cho lực lượng của ông nhỏ hơn quân Pháp rất nhiều, ông sẵn sàng chấp nhận rủi ro, không giống như Louis XIV. Chính qua một rủi ro ở tầm mức như thế – hầu như là phép lạ thứ hai – vào năm 1688 đã thình lình đưa ông lên ngai vàng nước Anh.
Trong nhiều năm, sau khi đã bảo vệ được Hà Lan, mục tiêu ngoại giao của William là kéo người cậu tính hay nghi ngờ, vua Charles II của Anh, đứng về phía Hà Lan để chống lại Pháp. Ông không bao giờ thành công trọn vẹn, nhưng vào năm 1672 nước Anh trở nên trung lập. Năm 1677, để củng cố chính sách của mình, William cưới cô em họ, Công chúa Mary của Anh quốc, cháu kêu Charles II bằng cậu, con của Quận công James xứ York. Đây không phải do tình yêu, và họ không có con với nhau. Nhưng Mary sống trọn vẹn với ông và được dân Hà Lan yêu mến. Cô không bao giờ mong sẽ lên ngai vàng nước Anh vì theo thứ tự: trước cô là người cậu Charles II hiện đang làm vua, rồi đến con trai của cậu nếu có, rồi đến cha của cô, rồi đến anh em trai.
Tuy nhiên, thứ tự trên không được trọn vẹn. Sau khi Charles II qua đời năm 1685, người em trai, Quận công James xứ York, lên ngôi trở thành vua James II. Ông là người chân chất, trực tính, kiêu hãnh, và không được tế nhị. Sinh ra theo đạo Tin lành nhưng sau này chuyển qua Công giáo, James nhanh chóng thay đổi cán cân quyền lực nghiêng về Công giáo: bổ nhiệm các tổng trấn người Công giáo, Đô đốc Tư lệnh Hạm đội người Công giáo... Người Tin lành chống đối, nhưng nhẫn nhục: James không có con trai, và hai cô con gái, Mary và Anne, đều theo Tin lành. Vì thế, người Anh theo Tin lành chờ đợi cái chết của James và sự kế vị của Mary. Ngoài tư cách là chồng của Mary, William của Oranje-Nassau cũng còn là cháu duy nhất của vua Charles I và James II, vì thế ông cũng đứng sau Mary và Anne theo thứ tự thừa kế ngai vàng.
William không ghét bỏ người cậu, nhưng rất e sợ sự hiện diện của một quân vương theo Công giáo trên ngai vàng nước Anh, có nghĩa là thân thiện với nước Pháp theo Công giáo để chống người theo Tin lành ở Anh. Thế nên, ông cũng chờ đợi cái chết của James II. Nhưng ngày 20 tháng 6 năm 1688, vợ của James II sinh hạ một con trai, thế là vị vua theo Công giáo có một người thừa kế theo Công giáo. Diễn biến kế tiếp không phải là vì William tham lam ngai vàng của Anh, mà chỉ vì muốn Anh theo về phía Tin lành.
[sửa] Cách mạng Huy hoàng: Lên làm Vua Anh
Bảy nhà lãnh đạo Tin lành được trọng vọng nhất mời William thay thế cậu của ông để lên ngôi vua nước Anh. Được Hạ viện Hà Lan cho phép, William dẫn một đội quân 12.000 người đi trên hạm đội gồm 200 thuyền buồm và 49 tàu chiến – hầu như toàn bộ hải quân Hà Lan – đi đến Anh. Vua James II điều vị chỉ huy quân sự tài ba nhất mà cũng là người bạn thân của ông, John Churchill, lúc này là Bá tước, cầm quân nghênh chiến. Nhưng Churchill, vốn cũng là người theo đạo Tin lành, lập tức ngả về phe William. Công chúa Anne, em gái của Mary, cùng với chồng là Hoàng tử George của Đan Mạch cũng ủng hộ William. Mất tinh thần, James chạy thoát qua Pháp, sống trong lâu đài St Germain-en-Laye như là người lãnh lương hưu của Louis XVI trong 13 năm, rồi cuối cùng được mai táng ở đây.
Mary ở vào hoàn cảnh đau khổ trong cuộc tranh chấp giữa cha và chồng cô, nhưng vì là người theo Tin lành và vợ của William, cô ủng hộ William. Cô từ chối một mình kế vị ngai vàng. Nghị viện Anh tấn phong cả hai vợ chồng William và Mary cùng ngự trị trên ngai vàng, trở thành William III và Mary II. Đáp lại, hai vị quân vương chuẩn y Đạo luật Nhân quyền cùng những đặc lợi khác, trở thành cốt lõi của hiến pháp Anh hiện giờ.
Điều oái oăm là, dù những biến cố năm 1688 đánh dấu sự thay đổi sâu xa về chính trị và hiến pháp trong lịch sử của Anh, William III không quan tâm lắm. Ông chuẩn y bất kỳ điều gì Nghị viện yêu cầu để tranh thủ sự ủng hộ của họ trong cuộc đấu tranh ở châu Âu. Ông trao chính sách quốc nội vào tay những người khác trong khi cố kiểm soát chính sách ngoại giao của Anh, phối hợp với chính sách của Hà Lan, ngay cả hợp nhất làm một các hoạt động ngoại giao của Hà Lan và Anh. Chính sách ngoại giao duy nhất của ông đơn giản chỉ là chiến tranh với Pháp; khi chấp nhận William, Anh cũng chấp nhận cuộc chiến của ông.
William không cảm thấy thoải mái ở Anh: ông ghét khí hậu Anh vốn làm cho chứng hen suyễn của ông nặng thêm, và ông ghét người Anh. Và người Anh cũng ghét ngược lại ông: thiếu hòa đồng với thần dân Anh, khinh rẻ tập tục và truyền thống Anh. Nhưng Mary luôn hết lòng với ông dù cho ông có nhân tình; bà vẫn thay mặt ông cai trị nước Anh khi ông vắng mặt. Khi bà qua đời ở tuổi 32 vì bệnh đậu mùa, William thương tiếc bà thật lòng. Ông tiếp tục là quân vương duy nhất, không có con cái, cô độc, với người kế thừa ngai vàng là Công chúa Anne, em gái của Mary.
Điều khiến cho William ghét nước Anh nhất là thái độ ngây thơ, không màng gì đến quyền lợi trong dài hạn, không quan tâm đến những gì xảy ra ở lục địa châu Âu – tóm lại, họ không nhiệt tình ủng hộ ông. Với tư cách là vua nước Anh, ông gắn kết quyền lợi nước Anh với Hà Lan, nhưng không để bên nào chịu thiệt. Ông bắt đầu nói đến "quyền lợi chung của châu Âu."
Như có thể dự đoán, trong vòng hai năm sau khi William lên ngôi, Anh gây chiến tranh với Pháp. Cuộc chiến chín năm không ngã ngũ, và Hòa ước Ryswick, được soạn thảo ở Den Haag năm 1697 là thời điểm Pyotr I của Nga thăm viếng Hà Lan, không thay đổi đường biên giới, nhưng Louis XIV công nhận William là vua của nước Anh. Nền hòa bình ngắn ngủi bị xáo trộn khi Vua Carlos II của Tây Ban Nha, không có người kế thừa ngai vàng, để lại đất nước cho cháu nội của Louis XIV, và Hoàng đế Pháp xé bỏ hòa ước với William. Lẽ đương nhiên là William không chấp nhận sự hợp nhất về lãnh thổ và quyền lực của Pháp và Tây Ban Nha. Một lần nữa, ông lại nỗ lực một cách không mệt mỏi để tập hợp một liên minh chống Pháp.
Cuộc chiến kế tiếp – mà sau này các sử gia gọi là Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha – kéo dài 11 năm và đánh dấu mốc chuyển tiếp giữa hai thế kỷ 17 và 18. Trong giai đoạn trung hạn, mục tiêu của William đã đạt được: đẩy Pháp lui về biên giới của họ, giữ vững nền độc lập của Hà Lan, và duy trì đạo Tin lành ở châu Âu.
Nhưng William không được sống để chứng kiến những thành quả này. Mùa xuân 1702, trước ngày ông định tuyên chiến, con ngựa ông cưỡi bị vấp, ném ông xuống đất. Ông qua đời ngày 19 tháng 3 năm 1702, hưởng thọ 50 tuổi.