Loạn 12 sứ quân
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Loạt bài Lịch sử Việt Nam |
||||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
|
Loạn 12 sứ quân là một giai đoạn loạn lạc của lịch sử Việt Nam, xen giữa nhà Ngô và nhà Đinh.
Mục lục |
[sửa] Bối cảnh
Năm 944, Ngô Quyền mất, uỷ thác con trưởng là Ngô Xương Ngập cho Dương Tam Kha - em của Dương hậu, vợ của Ngô Quyền. Dương Tam Kha cướp ngôi, tự lập mình làm vua, xưng Dương Bình Vương. Ngô Xương Ngập chạy về nhà một hào trưởng - Phạm Lệnh Công ở làng Trà Hương - Nam Sách (Hải Dương). Phạm Lệnh Công che chở cho Ngô Xương Ngập, đã ba lần đưa Ngô Xương Ngập vào rừng núi Hun Sơn đào mà trú ẩn, Dương Tam Kha ba lần sai quân đi bắt Ngô Xương Ngập mà không được. Dương Tam Kha lấy Ngô Xương Văn, con thứ hai của Ngô Quyền và Dương Như Ngọc, làm con nuôi. Từ khi Dương Tam Kha lấy ngôi của nhà Ngô, nhiều nơi không chịu thuần phục, các thủ lĩnh nổi lên cát cứ một vùng thường đem quân đánh chiếm lẫn nhau.
Năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn đi đánh Thái Bình. Ngô Xương Văn dẫn quân quay lại lật đổ Dương Tam Kha. Xương Văn không giết Tam Kha, chỉ giáng xuống làm Chương Dương công.
Năm 950, Ngô Xương Văn tự xưng làm Nam Tấn Vương, đóng đô ở Cổ Loa. Ngô Xương Văn cho người đón anh trai Ngô Xương Ngập về. Được Dương thái hậu chuẩn tấu, Ngô Xương Ngập cũng làm vua, là Thiên Sách Vương. Lúc đó cùng tồn tại hai vua Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương. Sử sánh gọi là Hậu Ngô Vương.
Nhưng năm 954, Ngô Xương Ngập bị thượng mã phong mà chết, chỉ còn một vua là Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn. Năm 965, Ngô Xương Văn đi đánh thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình bị phục binh bắn nỏ chết. Con của Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Xí nối nghiệp, nhưng thế lực ngày càng yếu kém phải lui về giữ đất Bình Kiều.
[sửa] 12 sứ quân
Từ 966 hình thành đầy đủ 12 sứ quân chiếm giữ các địa phương:
- Ngô Xương Xí giữ Bình Kiều - Khoái Châu, Hưng Yên
- Đỗ Cảnh Thạc tự xưng là Đỗ Cảnh Công, giữ Đỗ Động Giang - Thanh Oai, Hà Tây
- Trần Lãm tự xưng là Trần Minh Công, giữ Bố Hải Khẩu - Kỳ Bố, Thái Bình
- Kiều Công Hãn tự xưng Kiều Tam Chế, giữ Phong Châu - Bạch Hạc, Phú Thọ
- Nguyễn Khoan tự xưng Nguyễn Thái Bình, giữ Tam Đái - Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc
- Ngô Nhật Khánh tự xưng là Ngô Lãm Công, giữ Đường Lâm - Hà Tây
- Lý Khuê tự xưng là Lý Lãng, giữ Siêu Loại - Thuận Thành, Bắc Ninh
- Nguyễn Thủ Tiệp tự xưng là Nguyễn Lệnh Công, giữ Tiên Du - Bắc Ninh
- Lã Đường tự xưng là Lã Tá Công, giữ Tế Giang - Văn Giang, Hưng Yên
- Nguyễn Siêu tự xưng là Nguyễn Hữu Công, giữ Tây Phù Liệt - Thanh Trì, Hà Nội
- Kiều Thuận tự xưng là Kiều Lệnh Công, giữ Hồi Hồ - Cẩm Khê, Sơn Tây
- Phạm Bạch Hổ tự xưng là Phạm Phòng Át, giữ Đằng Châu - Hưng Yên
Trong các sứ quân trên, Ngô Xương Xí và Ngô Nhật Khánh là quý tộc nhà Ngô; Phạm Bạch Hổ, Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Công Hãn là tướng nhà Ngô; các sứ quân còn lại được xác định là các thủ lĩnh địa phương, trong đó có một số người xuất thân từ phương Bắc [1].
[sửa] Đinh Bộ Lĩnh và Trần Minh Công
Khi đó, Đinh Bộ Lĩnh cũng tập hợp dân chúng ở vùng Hoa Lư. Nhưng do bất hòa với người chú, Đinh Bộ Lĩnh cùng con trai là Đinh Liễn bỏ sang đầu quân trong đạo binh của sứ quân Trần Minh Công, tức Trần Lãm, ở Bố Hải Khẩu. Sau đó ông được Trần Minh Công trao binh quyền, đưa quân về Hoa Lư, chiêu mộ binh lính, chống nhà Ngô và các sứ quân khác.
Chỉ trong vài năm, Đinh Bộ Lĩnh lần lượt đánh thắng 11 sứ quân khác, được xưng tụng là Vạn Thắng vương. Căn cứ vào chính sử và các nguồn tài liệu của các nhà nghiên cứu, điển hình là Nguyễn Danh Phiệt (sách "Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước"), Đinh Bộ Lĩnh không đánh dẹp tất cả các sứ quân:
- Sứ quân Phạm Bạch Hổ tự nguyện về quy phục
- Các sứ quân Ngô Xương Xí và Ngô Nhật Khánh đầu hàng
- Các sứ quân Nguyễn Siêu, Nguyễn Thủ Tiệp, Kiều Công Hãn, Lã Đường, Kiều Thuận, Đỗ Cảnh Thạc chống cự và bị giết
- Các sứ quân Nguyễn Khoan, Lý Khuê được xác định là lực lượng tự tan rã, không rõ kết cục của chủ tướng.
Chiến tranh kết thúc năm 968. Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, tức là Đinh Tiên Hoàng, lập ra nhà Đinh.
[sửa] Chú thích
- ▲ Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước - Nguyễn Danh Phiệt
[sửa] Xem thêm
[sửa] Tham khảo
- Đại Việt Sử ký Toàn thư
- Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước- Nguyễn Danh Phiệt, NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp, 1990