Mai Hắc Đế
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Loạt bài Lịch sử Việt Nam |
||||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
|
Mai Hắc Đế (chữ Hán: 梅黑帝; ?–722), tên thật là Mai Thúc Loan (梅叔鸞) hoặc Mai Huyền Thành (梅玄成) là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống sự chiếm đóng của nhà Đường ở Việt Nam vào đầu thế kỉ thứ 8. Ông quê ở Mai Phụ, Thạch Hà, Hà Tĩnh nhưng sinh ra ở Nam Đàn, Nghệ An.
[sửa] Khởi nghĩa
Năm Nhâm Tuất (722) tức năm Khai Nguyên thứ mười, đời Đường Huyền Tông ở Trung Hoa, Mai Thúc Loan đã khởi nghĩa tại quê nhà, chọn Rú Đụn, còn gọi là Hùng Sơn là căn cứ chính chống quân chiếm đóng nhà Đường. Tương truyền lúc đó ông cùng đoàn phu gánh vải nộp cho nhà Đường, đã kêu gọi các phu gánh vải nổi dậy chống quân Đường.
Từ căn cứ Hùng Sơn, Mai Thúc Loan mở rộng, xây thành Vạn An với quy mô của một kinh thành. Ông đã liên kết thủ lĩnh và nhân dân các châu miền núi, với Champa, Chân Lạp ở phía tây và cả nước Kim Lân (Malaysia hiện nay) để có thêm lực lượng chống quân Đường.
Trước khi đem quân tiến đánh Giao Châu, Mai Thúc Loan xưng đế và đóng đô ở thành Vạn An. Sử gọi ông là Mai Hắc Đế tức ông Vua đen họ Mai. Quân của Mai Hắc Đế đã chiếm được phủ Tống Bình, tức Hà Nội ngày nay, thái thú nhà Đường lúc đó là Quách Sở Khách bỏ thành chạy về nước. Lực lượng Mai Hắc Đế lúc đó lên tới chục vạn quân.
Nhà Đường bèn huy động 10 vạn quân do tướng Dương Thừa Húc và Quách Sở Khách sang đàn áp. Sau nhiều trận đánh khốc liệt, từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực sông Lam, cuối cùng Mai Hắc Đế thất trận, thành Vạn An thất thủ, nghĩa quân tan vỡ. Không đương nổi đội quân xâm lược, Mai Hắc Đế phải rút vào rừng, sau bị ốm rồi mất.
Có thuyết nói rằng sau khi ông mất, con ông là Mai Thiếu Đế tiếp tục chống quân Đường một thời gian nữa.
Gần đây có một số nhà nghiên cứu nêu ra ý kiến rằng một cuộc khởi nghĩa quy mô, có sự liên kết lớn với các nước xung quanh, dựng thành Vạn An độc lập, xưng đế hiệu... không thể chỉ bắt đầu từ mùa hè năm 722 và kết thúc trong năm đó. Theo ý kiến này, cuộc khởi nghĩa được chuẩn bị và bùng phát từ những năm trước, năm 722 chỉ là năm quân Đường sang đàn áp.
Tương truyền từ sau cuộc khởi nghĩa này, nhà Đường không bắt dân An Nam đô hộ phủ nộp cống vải quả hằng năm nữa.
[sửa] Tưởng nhớ
Đời sau nhớ ơn Mai Hắc Đế, lập đền thờ ông ở trên núi Vệ Sơn và trong thung lũng Hùng Sơn. Ngày nay tại địa phận xã Vân Diên, huyện Nam Đàn có khu di tích tưởng niệm ông. Một bài thơ chữ Hán còn ghi trong Tiên chân báo huấn tân kinh để ở đền thờ, ca tụng công đức ông như sau (bản dịch):
- Hùng cứ châu Hoan đất một vùng,
- Vạn An thành lũy khói hương xông,
- Bốn phương Mai Đế lừng uy đức,
- Trăm trận Lý Đường phục võ công.
- Lam Thủy trăng in, tăm ngạc lặn,
- Hùng Sơn gió lặng, khói lang không.
- Đường đi cống vải từ đây dứt,
- Dân nước đời đời hưởng phúc chung.