Mận
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Từ Mận trong tiếng Việt dùng để gọi 2 nhóm loại cây/trái khác nhau, tùy theo các phương ngữ.
[sửa] Chi Prunus
Theo Từ điển tiếng Việt của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1977, mận được định nghĩa như sau:
- Mận: d. Loài cây thuộc loại hoa hồng, quả thịt, da tía hoặc lục nhạt, vị ngọt hơi chua.
Theo Trung tâm từ điển học, từ điển trực tuyến cũng có định nghĩa tương tự:
- Mận: dt (thực) Loài cây thuộc loại hoa hồng, mép lá có răng nhỏ, hoa trắng, quả có vỏ màu đỏ tía hoặc lục nhạt, vị ngọt, hơi chua: Mua mận Lào-cai về làm quà.
"Mận" được liệt kê trong danh sách cây trái của Tổ chức Lương nông Quốc tế (FAO) phần từ ngữ Việt với tên Latinh Prunus salicina (Lindley). Loài cây này tương ứng với định nghĩa trong 2 từ điển đã nêu, và trong nhiều từ điển Việt-Pháp đã dịch ra thành prunier, prune. Như thế từ "mận" ở đây hiểu theo cách dùng của người miền Bắc.
Loại mận này được định nghĩa như sau:
- Mận: d. Loài cây thuộc họ Rosaceae, hoa trắng 4 cánh, quả thịt, một hạt, hạt rắn, vị ngọt-chua-chát, màu đỏ tía hoặc lục nhạt. Những loại mận nhập khẩu có màu tím, vàng và đỏ. Mận này thuộc phân chi phân chi Mận mơ (Prunus), một phân chi với quả ăn được trong số 6 phân chi của chi Mận mơ (Prunus). Mận ở miền Bắc Việt Nam có tên khoa học Prunus salicina Lindley (đồng nghĩa: Prunus triflora Roxb.) và Prunus domestica L.
- Tiếng Việt: mận (miền Bắc), táo (miền Nam). Lưu ý là táo của người miền Bắc là các nhóm cây/quả khác.
- Tiếng Hoa: nhật bản lý, lý, lý tử, lý nhân;
- Tiếng Anh: Japanese plum, Chinese plum;
- Tiếng Pháp: Prune du Japon, Prunier du Japon, Prunier japonais;
- Tiếng Đức: Japanischer Pflaumenbaum, Chinesischer Pflaumenbaum, Dreibluetige Pflaume;
[sửa] Chi Syzygium
Ở miền Nam Việt Nam còn có một số loài cây được gọi là mận, như mận trắng, mận xanh, mận đỏ, mận đỏ đậm, mận hồng đào, mận tím lợt, mận tím đậm v.v., được người miền bắc Việt Nam gọi chung là doi hay gioi hoặc roi.
- Mận: d. Loài cây thuộc họ Myrtaceae, hoa trắng hoặc đỏ, đài 4 cánh, nhụy dài, đài hoa không rụng sau khi kết trái, quả thịt và nhiều nước, một số loại không hạt, một số nhiều hạt, hạt không rắn, vị ngọt-chua-chát, trái có nhiều màu (ở Việt Nam độ 8 màu). Mận ở miền nam Việt Nam thuộc 2 loài Syzygium samarangense (Blume) Merr. & L. M. Perry và Syzygium aqueum (Burm. f.) Alston (chẳng những người miền Nam Việt Nam gọi cả 2 loài cây này là mận mà thôi, ngay cả trong danh sách đa ngữ trực tuyến MULTILINGUAL MULTISCRIPT PLANT NAME DATABASE cũng có ghi chú: "một số tác giả nghiên cứu đã gộp chung hai loại").
- Tiếng Việt: mận (miền Nam), doi/gioi/roi (miền Bắc).
- Tiếng Hoa: Kim Sơn bồ đào, Nam Dương bồ đào, Dương bồ đào, liên vụ, thủy liên vụ;
- Tiếng Anh: Java apple, Java rose apple, Samarang rose apple, water apple, wax jambu, wax apple, Malacca apple, Malay apple, Malay rose apple, mountain apple, Otaheite cashew, Otaheite apple, rose apple;
- Tiếng Pháp: Pomme d'eau de Formose, pomme de Java, Jambosier rouge, poire de Malacca, poire Malaque, pomme de Malaisie, pomme de Tahiti, pomme d'eau, pomme Malacca;
- Tiếng Đức: Java-Apfel, Malacca-Apfel, Malakka-Apfel;
Một loại cây/trái khác được gọi là "mận đỏ" hay "điều đỏ" hay "mận hồng đào", loại này được gọi ở cực nam của Việt Nam là "điều" (Syzygium malaccense), tên khoa học cho thấy điều cùng chi với mận của người miền Nam. Điều có trái dài trên 10 cm, trái và hoa màu đỏ đậm - vì vậy người Hoa gọi loại cây/trái này là "hồng hoa bồ đào" - có thịt trắng, nhiều nước, vị ngọt/chua, không phảng phất vị chát như mận. Người miền Bắc cũng gọi loại cây/trái này là "doi", người Đồng Nai gọi là "điều đỏ" để phân biệt với từ "điều" mà họ dùng để gọi cây/trái đào lộn hột (Anacardium occidentale L.).
Loại cây/trái mà người miền Nam gọi là "lý" (Syzygium jambos) cũng được người miền Bắc gọi là "doi". Tóm lại, ba loại cây/trái mận, điều, lý của người miền Nam đều được người miền Bắc gọi chung là "doi".