Chính quyền địa phương ở Việt Nam
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chính quyền địa phương ở Việt Nam bao gồm ba cấp chính quyền cấp xã, huyện, và tỉnh. Ủy ban Nhân dân là tổ chức đại diện cho chính quyền địa phương.
Mục lục |
[sửa] Ủy ban Nhân dân cấp xã
Đây là chính quyền của các đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn, phường. Ủy ban Nhân dân xã là cấp chính quyền địa phương gần dân nhất ở Việt Nam. Người đứng đầu Ủy ban Nhân dân cấp xã là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân. Về danh nghĩa, người này do Hội đồng Nhân dân của xã đó bầu ra bằng hình thức bỏ phiếu kín. Thông thường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã sẽ đồng thời là một Phó Bí thư Đảng ủy của xã đó.
Theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 1996[1], chính quyền địa phương xã, thị trấn có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ chi gồm:
- Chi thường xuyên: Công tác xã hội và hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục thể thao do xã, thị trấn quản lý; Hỗ trợ kinh phí bổ túc văn hoá, nhà trẻ mẫu giáo do xã, thị trấn quản lý; Hoạt động y tế xã, thị trấn; Quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công trình kiến trúc, tài sản, công trình phúc lợi, đường giao thông do xã, thị trấn quản lý; Hoạt động của các cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội xã, thị trấn; Công tác dân quân tự vệ; trật tự an toàn xã hội ở xã, thị trấn; Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
- Chi đầu tư phát triển: Chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo phân cấp của cấp tỉnh.
Nguồn thu của ngân sách xã, thị trấn gồm:
- Các khoản thu chính thức: Thuế môn bài thu từ các hộ kinh doanh nhỏ; Thuế sát sinh; Các khoản phí, lệ phí và các khoản đóng góp thu cho ngân sách xã, thị trấn theo quy định của pháp luật; Thu từ sử dụng quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản khác; Tiền thu từ hoạt động sự nghiệp do xã, thị trấn quản lý; Các khoản đóng góp tự nguyện cho xã, thị trấn; Viện trợ không hoàn lại của các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho xã, thị trấn theo quy định của pháp luật; Thu kết dư ngân sách xã, thị trấn; Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
- Các khoản hỗ trợ tài chính của chính quyền cấp trên, gồm: Bổ sung từ ngân sách cấp trên; Các khoản thu của chính quyền địa phương cấp trên nhường lại cho chính quyền cấp xã theo tỷ lệ phần trăm (Thuế sử dụng đất nông nghiệp; Thuế chuyển quyền sử dụng đất; Thuế nhà, đất; Thuế sử dụng đất).
Chính quyền phường có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ
- Chi công tác xã hội và hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục thể thao do phường quản lý;
- Chi về công tác dân quân tự vệ, trật tự an toàn xã hội ở phường;
- Chi về hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng công sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phường;
- Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
Chính quyền địa phương cấp phường có các nguồn thu sau:
- Các khoản phí, lệ phí và các khoản đóng góp cho ngân sách phường theo quy định của pháp luật; Thuế sát sinh, trừ thuế sát sinh thu từ các doanh nghiệp giết mổ gia súc; Các khoản đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân cho phường; Viện trợ không hoàn lại của các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho phường theo quy định của pháp luật; Thu kết dư ngân sách phường;
- Hỗ trợ tài chính từ ngân sách cấp trên;
- Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Luật Ngân sách Nhà nước 2002[2] không còn quy định cụ thể về nhiệm vụ chi và quyền thu của chính quyền địa phương cấp cơ sở này nữa. Nhiệm vụ chi và quyền thu của chính quyền địa phương cấp cơ sở sẽ do chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định.
[sửa] Ủy ban Nhân dân cấp huyên
Đây là chính quyền của các địa phương cấp huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã. Người đứng đầu Ủy ban Nhân dân cấp huyện là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, trên danh nghĩa là do Hội đồng Nhân dân huyện sở tại lựa chọn. Thông thường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện sẽ đồng thời là một Phó Bí thư Huyện ủy.
Các cơ quan của chính quyền địa phương cấp huyện gồm các phòng như Phòng Tài chính, Phòng Kế hoạch Đầu tư, Phòng Giáo dục, Phòng Y tế, v.v... Lưu ý, một số cơ quan nhà nước ở cấp huyện như Chi cục Thuế, Chi cục Thống kê, Huyện đội, Công an Huyện, v.v... không phải là cơ quan của chính quyền địa phương cấp huyện mà là cơ quan của chính quyền trung ương đặt tại huyện.
Luật Ngân sách Nhà nước 1996 quy định khá rõ nguồn thu và nhiệm vụ chi của chính quyền địa phương cấp huyện.
Chính quyền địa phương cấp huyện có các nhiệm vụ chi sau:
- Chi thường xuyên: Các hoạt động sự nghiệp kinh tế, văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, xã hội và các hoạt động sự nghiệp khác do cơ quan cấp huyện quản lý; Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, phần giao cho cấp huyện; Hoạt dộng của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện; Tài trợ cho các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp cấp huyện theo quy định của pháp luật; Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật; Đối với thị xã, thành phố thuộc tỉnh còn đảm nhận thêm các nhiệm vụ chi về quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công trình công cộng, sự nghiệp thị chính.
- Chi đầu tư phát triển: Chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo phân cấp của tỉnh. Thị xã, thành phố thuộc tỉnh còn có nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng các trường phổ thông quốc lập các cấp và các công trình phúc lợi công cộng, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, giao thông nội thị, an toàn giao thông, vệ sinh đô thị.
- Chi hỗ trợ tài chính cho chính quyền xã.
Chính quyền địa phương cấp huyện có quyền thu các loại thuế và nguồn thu sau:
- Thuế: Thuế môn bài, trừ thuế môn bài thu từ các hộ kinh doanh nhỏ ở xã, thị trấn; Thuế sát sinh thu từ các doanh nghiệp giết mổ gia súc trên địa bàn phường; Các khoản phí, lệ phí từ các hoạt động do các cơ quan thuộc cấp huyện quản lý;
- Tiền thu từ hoạt động sự nghiệp của các đơn vị do cấp huyện quản lý; Viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho cấp huyện theo quy định của Pháp luật; Đóng góp của các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo quy định của Chính phủ; Đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cho ngân sách cấp huyện;
- Thu kết dư ngân sách cấp huyện;
- Hỗ trợ tài chính từ chính quyền địa phương cấp tỉnh., trong đó bao gồm cả các khoản thu từ thuế của chính quyền địa phương cấp tỉnh nhượng lại cho cấp huyện theo tỷ lệ phần trăm như thuế sử dụng đất nông nghiệp; Thuế chuyển quyền sử dụng đất; Thuế nhà, đất; Tiền sử dụng đất. (Đối với các thị xã, thành phố thuộc tỉnh còn được chính quyền địa phương cấp tỉnh nhượng thêm một phần theo tỷ lệ phần trăm thuế doanh thu, thuế lợi tức, lệ phí trước bạ thu trên địa bàn và được lập quỹ đầu tư theo quy định của Chính phủ.)
- Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Luật Ngân sách Nhà nước 2002 không còn quy định rõ các nhiệm vụ chi và nguồn thu của địa phương cấp huyện nữa. Thay vào đó, để cho chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định cho cấp huyện.
[sửa] Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh
Đây là chính quyền của các địa phương cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Người đứng đầu chính quyền địa phương cấp tỉnh là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân. Trên danh nghĩa, vị trí này do Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định bằng bầu cử theo hình thức bỏ phiếu. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh thường đồng thời là một Phó Bí thư Tỉnh ủy. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân của hai thành phố trực thuộc trung ương lớn nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các cơ quan của chính quyền địa phương cấp tỉnh là các sở, như Sở Tài chính, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Giáo dục, v.v...
Chính quyền địa phương cấp tỉnh có những trách nhiệm sau thể hiện bằng các nhiệm vụ chi ngân sách[3]:
- Chi thường xuyên: Các hoạt động sự nghiệp kinh tế, giáo dục, đào tạo, y tế, xã hội, văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, sự nghiệp khoa học, công nghệ và môi trường, các hoạt động sự nghiệp khác do các cơ quan cấp tỉnh quản lý; Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, phần giao cho cấp tỉnh; Hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; Tài trợ cho các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp cấp tỉnh theo quy định của pháp luật; Thực hiện các chính sách xã hội do cấp tỉnh quản lý; Thực hiện các chương trình quốc gia do Chính phủ giao cho cấp tỉnh quản lý; Trợ giá theo chính sách của Nhà nước; Trả lãi tiền vay và nợ gốc cho đầu tư theo quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước; Các khoản chi phí khác theo quy định của Luật pháp.
- Chi đầu tư phát triển: Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội do cấp tỉnh quản lý; Đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhà nước.
- Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính.
- Chi hỗ trợ tài chính cho chính quyền cấp dưới.
Chính quyền địa phương cấp tỉnh dựa vào các nguồn thu sau để thực hiện những trách nhiệm nói trên:
- Thuế: Tiền cho thuế đất; Tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Lệ phí trước bạ; Các khoản phí, lệ phí và các khoản thu khác nộp vào ngân sách cấp tỉnh theo quy định của Chính phủ.
- Các nguồn thu khác: Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết; Viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho cấp tỉnh theo quy định của pháp luật; Huy động của các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo quy định của Chính phủ; Đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cho ngân sách cấp tỉnh; Thu kết dư ngân sách cấp tỉnh; Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
- Hỗ trợ tài chính của chính quyền trung ương trong đó bao gồm thu từ các sắc thuế quốc gia mà chính quyền trung ương nhường cho chính quyền địa phương cấp tỉnh theo tỷ lệ phần trăm như thuế doanh thu; thuế lợi tức, không kể thuế lợi tức của các đơn vị hoạch toán toàn ngành; Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao; Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; Thuế tài nguyên; Thu sử dụng vốn ngân sách.
Tuy nhiên, Luật Ngân sách Nhà nước 2002 không còn quy định cụ thể như trên nữa, mà chỉ quy định chung các nhiệm vụ chi và nguồn thu của ba cấp chính quyền địa phương. Còn cụ thể, cấp nào có trách nhiệm gì, quyền hạn gì thì giao cho chính quyền cấp tỉnh tự quyết.
[sửa] Sáp nhập và chia tách địa phương
Từ thập niên 1960 đến thập niên 1980, ở Việt Nam có xu hướng sáp nhập nhiều địa phương nhỏ thành địa phương lớn. Tuy nhiên, từ thập niên 1990 đến nay lại có xu hướng ngược lại- nghĩa là chia tách các địa phương thành những địa phương nhỏ hơn. Trong nhiều trường hợp, xu thế chia tách này mang hình thức tái lập tỉnh hay tái lập huyện. Các xu thế này xảy ra ở cả ba cấp tỉnh, huyện và xã. Nếu như vào năm 1986, ở Việt Nam có 40 địa phương cấp tỉnh, 522 địa phương cấp huyện và 9901 địa phương cấp xã, thì vào năm 2005 có tới 64 tỉnh/thành, 671 huyện, và 10876 xã.[4]
Lý do được công bố chính thức khi tiến hành chia tách địa phương là địa phương lớn khiến công tác quản lý của chính quyền gặp khó khăn, nhiều chính sách của chính quyền trung ương không về được tới chính quyền địa phương cấp cơ sở vì tỉnh và huyện rộng quá. Tuy nhiên, nhiều quan lý do thực tế có thể là tính cục bộ địa phương giữa các địa phương và sự yếu kém về năng lực quản lý của chính quyền tỉnh.[5][6]
[sửa] Chú thích và Tham khảo
^ Tổng cục Thống kê (2006), Việt Nam 20 năm đổi mới và phát triển 1986-2005, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.
[sửa] Xem thêm
- Phân cấp hành chính Việt Nam
- Luật Ngân sách Nhà nước
- Phân quyền tài chính
- Tỉnh Việt Nam