Nhân sư
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
- Xem các nghĩa khác tại nhân sư (định hướng)
Nhân sư (tiếng Anh: Sphinx) là tượng đầu người, mình sư tử nằm canh ở kim tự tháp (mộ của các pharaon) thời Ai Cập cổ đại. Sang thời Hy Lạp, nhân sư đầu đàn bà thân sư tử, cánh chim thường đựoc dùng trong trang trí gỗ ở thời Hi Lạp hóa và La Mã.
Tượng Sphinx nằm ở sa mạc Ai Cập cách thủ đô Cairo khoảng 8 dặm, được người xưa dùng để canh gác ba kim tự tháp lớn ở Giza. Đó là một quái vật tạc bằng đá, đầu người mình sư tử với những chân có vuốt trải ra phía trước.
Hình tượng chạm trổ sơ sài nhưng đầu lại được tạc một cách rất công phu. Đôi mắt đầy vẻ bí hiểm và có cái nhìn không ai có thể giải thích nổi. Mắt con Sphinx nhìn chằm chằm ra phía sa mạc với cái vẻ kênh kiệu khó hiểu.
Tượng cao hơn 18 mét và trải dài tới 57 mét, mặt có bề ngang 5 mét, tai 1,57 mét, mũi 1,7 mét. Người ta cho rằng tượng Sphinx đã tồn tại ít nhất 5.000 năm nay!
Tại sao lại xây dựng tượng này? Một bằng chứng mà ta có được xuất phát từ việc tìm thấy một am thờ nằm giữa những cái chân của quái vật này. Am thờ nhỏ này có bút tích của hai vị hoàng đế cổ Ai Cập. Hai vị giải thích rằng tượng Sphinx biểu thị một trong những hình dạng của thần Mặt trời Horus. Và hai vị còn nói rằng mục đích làm tượng Sphinx là để xua đuổi tất cả những điều bạo ác, tội lỗi khỏi khu nghĩa địa quanh kim tự tháp.
Ở Ai Cập có nhiều tượng Sphinx, ngoài tượng Sphinx lớn ở Gizah. Đầu tượng biểu thị các vị hoàng đế. Trong các sách thánh của người Ai Cập sphinx có nghĩa là "vua chúa".
Đối với các tôn giáo nguyên thủy ở Ai Cập cũng như ở các nơi khác, nhà vua được coi là sức mạnh và sự khôn ngoan của nhiều con thú bằng cách khoác cái lốt của chúng. Vì vậy người Ai Cập đã chạm các vị thần và các vị hoàng đế của họ nửa người, nửa thú.
Quan niệm về Sphinx đã từ Ai Cập truyền tới các nền văn minh khác, chẳng hạn như Assyria và Hy Lạp. Ở các vùng này, Sphinx thường có thêm cánh. Ở Assyria Sphinx thường là đàn ông, nhưng ở Hy Lạp Sphinx lại có đầu đàn bà.
[sửa] Sphinx trong thần thoại Hi Lạp
Trong thần thoại Hi Lạp, Sphinx là con sư tử có cánh với cái đầu của người phụ nữ là con của quái vật Chimenra và Orthus hay con của quái vật Typhon và Echidna. Nó ngồi trên bệ đá trước cổng thành Thebes, đưa ra một câu đố bí hiểm cho những ai muốn vào thành. Đó là câu hỏi về một sinh vật buổi sáng đi bằng 4 chân, buổi trưa đi bằng 2 chân còn đến chiều lại đi bằng 3 chân. Bất kì người nào không trả lời được đều bị nó xé xác ăn thịt. Cuối cùng người anh hùng Oedipus đã giải đáp được câu đố này - đó là con người vì còn nhỏ bò bằng 4 chân, lúc trưởng thành đi bằng 2 chân và về già phải chống gậy đi bằng 3 chân - khiến con nhân sư tức giận mà chết.
[sửa] Bí mật tượng Nhân sư
Qua nhiều thế kỷ, bí mật tượng Nhân sư tại cao nguyên Giza, Ai Cập, vẫn chưa được ai tìm thấy câu trả lời thỏa đáng. Đó là ai đã xây tượng, tại sao xây và tượng có ý nghĩa gì?
Mới đây nhà Ai Cập học Vassil Dobrev thuộc Viện khảo cổ Pháp tại Cairo cho biết đã vén màn bí mật cho bức tượng, sau 20 năm nghiên cứu của ông.
Từ lâu, người ta cho rằng chính vua Khafre thuộc Triều đại thứ 4 (ông đã xây một kim tự tháp nằm sau tượng Nhân sư) đã xây tượng có mặt giống hình ảnh ông. Tuy nhiên ông Dobrev tin rằng bức tượng, vốn được thực hiện cách đây hơn 4.500 năm, được xây dựng theo lệnh của vua Djedefre, anh em cùng cha khác mẹ của Khafre và là con của Khufu, vị vua đã xây Kim tự tháp lớn nhất ở Giza.
Sau khi vua Khufu qua đời, người dân Ai Cập cổ buồn sầu, nên đã xây nhiều kim tự tháp trong mấy thập niên. Dobrev lập luận rằng vua Djedefre, người kế vị Khufu, đã xây tượng nhân sư có mặt giống vua cha, đồng hóa vua cha với thần mặt trời Ra, nhằm cổ động thần dân luôn kính trọng triều đại vua. Dobrev nói đây là lần đầu tiên ông đưa ra kết luận rằng tượng Nhân sư được vua Djedefre xây dựng sau khi vua cha Khufu qua đời.