New Immissions/Updates:
boundless - educate - edutalab - empatico - es-ebooks - es16 - fr16 - fsfiles - hesperian - solidaria - wikipediaforschools
- wikipediaforschoolses - wikipediaforschoolsfr - wikipediaforschoolspt - worldmap -

See also: Liber Liber - Libro Parlato - Liber Musica  - Manuzio -  Liber Liber ISO Files - Alphabetical Order - Multivolume ZIP Complete Archive - PDF Files - OGG Music Files -

PROJECT GUTENBERG HTML: Volume I - Volume II - Volume III - Volume IV - Volume V - Volume VI - Volume VII - Volume VIII - Volume IX

Ascolta ""Volevo solo fare un audiolibro"" su Spreaker.
CLASSICISTRANIERI HOME PAGE - YOUTUBE CHANNEL
Privacy Policy Cookie Policy Terms and Conditions
Đức Quốc xã – Wikipedia tiếng Việt

Đức Quốc xã

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Großdeutsches Reich

Quốc kỳ 1933-1945

Quốc huy
Đức Quốc xã năm 1939
Diện tích rộng nhất của Đức Quốc xã trước Đệ nhị thế chiến.
Ngôn ngữ chính thức tiếng Đức
Thủ đô Berlin
Diện tích 633.786 km² (khoảng. 1939)[1]
Dân số 69.314.000 (1939)[2]
Chính thể Độc tài chuyên chính
Quốc trưởng và Lãnh đạo chính phủ Thủ tướng (Adolf Hitler)
Chính thể trước Cộng hoà Weimar
Tạo ra Tháng 3 1933
Sụp đổ 8 tháng 5 1945
Chính thể sau Đông/Tây Đức[3]
Đơn vị tiền tệ Reichsmark
Quốc ca Das Lied der Deutschen/Horst-Wessel-Lied
Quốc thú Đại bàng và hổ
sửa

Đức Quốc Xã, còn được gọi là Đế chế Thứ Ba, là nước Đức trong giai đoạn 1933-1945 dưới chế độ của Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (tiếng Đức: Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei, gọi tắt Nazi), tiếng Việt gọi tắt theo cách tương tự là Đảng Quốc xã, với Lãnh tụ (Führer) là Adolf Hitler.

Đế chế Thứ Ba là từ tiếng Đức Drittes Reich và thường được dùng để chỉ chính quyền và chính sách điều hành chứ không phải đất nước và con người. Cụm từ này được dùng đầu tiên vào năm 1922 trong tên một quyển sách của tác giả Arthur Moeller van den Bruck. Các nhà tuyên truyền Đức Quốc xã sau này dùng thuật ngữ này vì họ tính Thánh chế La Mã là đế chế thứ nhất, Đế chế Đức (1871-1918) thứ nhì, và chế độ của Quốc xã thứ ba. Ý niệm này được dùng để gợi ý sự trở lại của một thời huy hoàng sau sự thất bại của Cộng hòa Weimar. Sự hỗn loạn và nghèo nàn gây ra do sự sụp đổ của thị trường Wall Street đã cho phép Đảng Quốc xã chiếm quyền một cách dễ dàng và lợi dụng tâm lý của những kẻ thù cũ không còn muốn đổ máu nữa.

Đế chế Thứ Ba có khi còn được gọi là "Đế chế ngàn năm" vì những nhà thành lập có nguyện vọng là nó được đứng vững trong 1000 năm như Thánh chế La Mã. Đảng Quốc xã đã cố gắng kết hợp những biểu tượng Đức truyền thống với những biểu tượng của đảng này để làm người ta tin rằng cả hai là một. Như thế, Đức Quốc xã đã dùng cụm từ "Đế chế Thứ Ba" và "Đế chế ngàn năm" để nối quá khứ huy hoàng của Đức với một tương lai mà họ hứa hẹn cũng sẽ huy hoàng. Lúc đầu kế hoạch của Hitler đang đà trở thành sự thật. Trong lúc tột đỉnh, Đức quốc xã kiểm soát phần lớn lãnh thổ châu Âu. Tuy nhiên, sau khi thua lực lượng Đồng Minh trong Đệ nhị thế chiến, "Đế chế ngàn năm" chỉ tồn tại được có 12 năm (từ 1933 đến 1945).

Trong 12 năm cầm quyền, Đức Quốc xã đã đem hàng loạt quân lính chiếm đóng khắp lục địa châu Âu (trừ Thụy Sĩ, Liechtenstein, Thụy Điển, Bồ Đào Nha và vùng đất gần dãy núi Ural). Trong việc này, Đức quốc xã tính sẽ tạo ra một nước Đức Vĩ Đại với Berlin (đổi tên thành Germania) làm thủ đô, và hợp nhất tất cả những người có gốc Đức chính cống. Chính sách này đã dẫn đến cái chết của 11 triệu người trong các dân tộc thiểu số và các nhóm bị xã hội ruồng bỏ, cũng như làm chết hàng chục triệu người trực tiếp hay gián tiếp vì các trận đánh.

Mục lục

[sửa] Bước khởi đầu: 1919-1933

Bước khởi đầu của Đức Quốc Xã gắn liền với bước đi lên của Hitler, và qua đó là sự hình thành của Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa tức Đảng Quốc xã.

[sửa] Bước khởi đầu của Đảng Quốc xã

Sau khi trở về từ Thế chiến I, do tình cờ một ngày tháng 9 năm 1919, Hitler được mời gia nhập Đảng Lao động Đức. Lúc ấy, đảng này có không đến 100 đảng viên. Hitler trở thành Ủy viên Trung ương thứ bảy của Đảng Lao động Đức.

Đầu năm 1920, Hitler nắm nhiệm vụ tuyên truyền cho đảng. Trong đại hội đảng ngày 24 tháng 2 năm 1920, lần đầu tiên Hitler công bố Cương lĩnh Đảng Quốc xã gồm 25 điểm. Những điểm quan trọng nhất sẽ được Đức Quốc xã mang ra thi hành khi đang nắm chính quyền 13 năm sau. Bốn điểm quan trọng là: xóa bỏ các Hòa ước Versailles và Hòa ước Saint-Germain, thiết lập một quyền lực trung ương mạnh cho Nhà nước, hợp nhất mọi người Đức trong một nước Đức mở rộng, và chủ trương bài Do Thái.

Đây đúng là những việc mà Hitler thực hiện một cách nghiêm túc khi lên nắm chính quyền sau này cho đến cuối đời ông. Một trong những điều bất hạnh cho thế giới là có quá nhiều người trong giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến đã bỏ qua hoặc chế giễu mục đích này của Quốc xã mà Hitler đã cất công ghi trên giấy trắng mực đen.

Vào mùa hè 1920, Hitler thêm cụm từ "Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa" vào cái tên "Đảng Công nhân Đức" để trở thành đảng có tên viết tắt là NSDAP.

Đến mùa hè 1921, Hitler nắm quyền lãnh đạo độc tôn của đảng. Tháng 7 năm 1921, "nguyên tắc lãnh đạo" được thiết lập, trở thành điều luật trước nhất cho Đảng Quốc xã và sau đấy cho Đế chế Thứ Ba.

[sửa] Kim chỉ nam của Đức Quốc xã: Mein Kampf

Xem chi tiết: Mein Kampf

Sau vụ Đảo chính Nhà hàng Bia ngày 8 tháng 11 năm 1923, Hitler phải vào tù. Nhờ cơ hội này mà ông viết quyển Mein Kampf trình bày tư tưởng và cương lĩnh hoạt động của ông. Tóm tắt, Đức Quốc xã sẽ là một quốc gia thuộc loại mới, dựa trên sự thuần khiết chủng tộc và quy tụ mọi người Đức lúc này còn đang sống bên ngoài biên giới Đức. Trong quốc gia đó sẽ thiết lập chế độ độc tài tuyệt đối dưới quyền một Lãnh tụ – chính là Hitler – để ban hành mệnh lệnh cho một tầng lớp lãnh đạo nhỏ hơn, rồi những người này sẽ truyền lệnh xuống bên dưới. Dần dà, Đức sẽ trở nên chủ nhân ông của thế giới. Đức sẽ bành trướng về miền Đông, nếu cần phải chiếm lấy đất của Nga.

Từ đó, dẫn đến tư tưởng chủ chốt thứ hai: chủng tộc. Người Đức, thuộc chủng tộc Aryan, là chủng người ưu việt. Nếu muốn vượt lên trên thì người Đức phải đàn áp những chủng tộc khác, đó là Do Thái và các dân tộc Slav. Phải ngăn cấm hôn nhân giữ người Đức với người của các chủng tộc đó. Sự ám ảnh về chủng tộc khiến cho Hitler cổ vũ một quốc gia thuần chủng nhằm bảo tồn những thành phần chủng tộc nguyên thủy. Chỉ người khỏe mạnh mới được có con. Yêu cầu tạo nên quốc gia thuần chủng không cho phép dân chủ, mà phải có chế độ độc tài.

Kế hoạch của Hitler ghi trong quyển sách đã quá rõ ràng và chính xác. Pháp sẽ bị tiêu diệt, nhưng tiến về Đông mới là mục tiêu chính yếu. Trước nhất, phải chiếm lấy những miền đất ở phía Đông có nhiều người Đức sinh sống: nước Áo, miền Sudetenland ở Tiệp Khắc và miền tây Ba Lan kể cả Danzig. Sau đấy là chính nước Nga. Khi lên nắm quyền, Hitler đã thực hiện đúng như thế.

Khi Hitler thi hành những chính sách diệt chủng ở Đông Âu trong chiến tranh, mọi người phải công nhận rằng việc làm của ông ta đi đôi với lời nói: mọi hành động đều đã được ghi trong quyển sách.

William L. Shirer, tác giả lịch sử Đức Quốc xã nhận xét rằng

Nếu có nhiều người Đức không theo Quốc xã đọc quyển Mein Kampf trước năm 1933 và nếu các chính khách trên thế giới đọc cẩn thận quyển sách, thì cả nước Đức và thế giới hẳn đã có thể tránh khỏi thảm họa. Bởi vì, tuy người ta có thể kết tội Adolf Hitler về việc gì khác, không ai có thể lên án ông đã không viết ra trên giấy trắng mực đen chính xác mô hình của Đức Quốc xã mà ông định tạo dựng.

[sửa] Hitler xây dựng Đảng Quốc xã

Sau khi ra khỏi tù, nhờ tài tổ chức, Hitler lao vào công việc tái lập Đảng Quốc xã và biến nó thành một tổ chức mà Đức chưa hề thấy từ trước đến giờ. Ông có ý đồ tổ chức đảng như là một quân đội – một nhà nước trong một nhà nước. Vào cuối năm 1925, Quốc xã chỉ có 27.000 đảng viên. Đảng phát triển một cách chậm chạp, nhưng mỗi năm đều có tiến bộ: 49.000 đảng viên năm 1926; 72.000 năm 1927; 108.000 năm 1928; 178.000 năm 1929. Binh sĩ SA được tổ chức lại thành một lực lượng vũ trang gồm vài trăm nghìn người để bảo vệ buổi họp của Quốc xã, giải tán buổi họp của đối thủ và nói chung khủng bố người chống lại Quốc xã.

Để được sự hỗ trợ đáng tin cậy hơn, Hitler thành lập lực lượng SS – Schutzstaffel còn gọi là "Quân Áo đen" – và buộc họ phải cất lời thề trung thành với chính cá nhân ông. Lúc đầu, lực lượng SS chỉ là những cận vệ cho Hitler. Đến năm 1929, Hitler tìm ra được người lãnh đạo lý tưởng của SS: Heinrich Himmler. Dần dà, Himmler nắm quyền sinh sát trên toàn nước Đức và phần lớn Châu Âu.

[sửa] Đức chuyển qua chế độ Quốc xã: 1933-1934

Sau khi tướng Kurt von Schleicher thất bại trong việc lập chính phủ cộng với áp lực của cựu thủ tướng Franz von Papen, ngày 30 tháng 1 năm 1933, Tổng thống Paul von Hindenburg bổ nhiệm Hitler làm thủ tướng. Tuy đảng Đức quốc xã được số phiếu cao nhất trong cuộc bầu cử Reichstag (Nghị viện) năm 1932, họ vẫn không đủ phiếu để thành phe đa số trong nghị viện. Nội các Hitler chỉ có hai đảng Quốc xã và Quốc gia, cả hai chỉ chiếm 247 ghế trong tổng số 583 ghế Nghị viện, vì thế thiếu đa số. Để đạt đa số cần thiết, họ cần sự hậu thuẫn của Đảng Trung dung Đức với 70 ghế. Vì thế, Hitler đề xuất Tổng thống giải tán Nghị viện và quy định kỳ tổng tuyển cử mới, được ấn định vào ngày 5/3/1933.

[sửa] Chế độ độc tài

Kết quả cuộc tổng tuyển cử thứ 9
của Cộng hòa Weimar, ngày 5 tháng 3, 1933
Đảng % số phiếu Số ghế % số ghế
Nazi (NSDAP) 43,9% 288 44,5%
Dân chủ Xã hội (SPD) 18,3% 120 18,5%
Cộng sản (KPD) 12,3% 81 12,5%
Trung tâm (Công giáo) 11,2% 74 11,4%
DNVP (Bảo thủ) 8,0% 52 8,0%
Nhân dân Bavaria (BVP) 2,7% 18 2,8%
Dân chủ (DDP) 0,9% 5 0,8%
Các đảng khác 2,7% 9 1,5%
Tổng cộng 100,0% 647 100,0%

Chính quyền mới trở thành một chế độ độc tài sau khi Nghị viện liên tục đưa ra một số luật mới. Ngày 27 tháng 2 năm 1933, Hermann Göring dàn cảnh trận hoả hoạn tại Toà nhà Nghị viện (Reichstag).

Một ngày sau vụ cháy, 28/2, Hitler yêu cầu Tổng thống ký nghị định “Cho việc Bảo vệ Nhân dân và Nhà nước” đình chỉ bảy đoạn trong Hiến pháp đảm bảo quyền tự do cá nhân. Được mô tả là "biện pháp phòng vệ chống lại những hành động bạo lực của Cộng sản phương hại đến đất nước," Nghị định này mang nội dung:

Hạn chế tự do cá nhân, quyền tự do phát biểu ý kiến, kể cả quyền tự do báo chí; quyền tụ tập và lập hiệp hội; và những sự vi phạm tính riêng tư của thư tín, điện tín và điện thoại; và giấy phép lục soát nhà, lệnh tịch thu cũng như hạn chế về tài sản, cũng được cho phép vượt quá những quy định khác.

Thêm nữa, Nghị định còn cho phép chính phủ Đế quốc hành xử mọi quyền hạn của các bang khi cần thiết, và áp dụng hình phạt tử hình cho một số tội danh, kể cả tội “làm mất trật tự trị an một cách nghiêm trọng” do người có vũ trang.

Thế là Quốc xã đã có thể bịt miệng đối thủ một cách hợp pháp và bắt giữ họ tùy ý, bằng cách mang hiểm họa của Cộng sản ra hù dọa, để gây sợ hãi cho hàng triệu người giới trung lưu và nông dân là nếu họ không bầu cho Quốc xã vào tuần sau, người Bôn-sê-vích sẽ chiếm quyền lực.

Trong cuộc bầu cử Reichstag kế tiếp vào ngày 5 tháng 3 năm 1933, đảng Đức quốc xã giành được 43,9% số phiếu. Tuy thế, 52 ghế của Đảng Nhân dân Quốc gia Đức cộng với 288 ghế của Quốc xã đủ để vượt đa số 16 ghế cho chính phủ.

Ngày 23 tháng 3 năm 1933, Reichstag kết thúc Cộng hoà Weimar khi nghị viện này thông qua Luật Trao quyền (Ermächtigungsgesetz), có tên chính thức là "Luật Phòng chống Tai họa của Nhân dân và Đế chế." Luật tước đoạt quyền lập pháp của Nghị viện kể cả quyền kiểm soát ngân sách Đế chế, phê chuẩn hiệp ước với nước ngoài và tu chính hiến pháp, và trao các quyền này cho nội các trong thời hạn bốn năm. Thêm nữa, Luật Trao quyền quy định Thủ tướng sẽ soạn thảo và ban hành luật mới "có thể dị biệt với hiến pháp." Thế là, nền dân chủ nghị viện rốt cuộc đã bị chôn vùi. Hiến pháp Weimar không còn nghĩa lý gì nữa, vì Hitler có quyền ban hành luật "dị biệt."

[sửa] Chế độ độc đảng

Đảng Cộng sản bị dẹp bỏ ngay sau vụ cháy Tòa nhà Nghị viện mà họ bị quy kết. Các đảng thuộc giới trung dung: Trung dung Đức, Nhân dân Quốc gia Đức, Dân chủ đều giải tán trong tuần lễ đầu tháng 7/1933. Riêng Đảng Nhân dân Quốc gia Đức, dù đã hỗ trợ Hitler lên nắm quyền một cách hợp lệ và dù có quan hệ mật thiết với Hindenburg, người Junker và doanh nghiệp lớn, vẫn tiếp nối các đảng khác mà “tự nguyện” giải tán.

Chỉ còn lại Đảng Quốc xã. Ngày 14/7/1933, một luật mới quy định:

Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa là đảng chính trị duy nhất ở Đức.
Bất kỳ người nào duy trì cơ cấu tổ chức của một đảng chính trị khác hoặc thành lập một đảng chính trị mới sẽ bị phạt với mức án đến ba năm khổ sai hoặc với án tù giam từ sáu tháng đến ba năm, nếu hành động không chịu hình phạt cao hơn chiếu theo quy định khác.

Nhà nước chuyên chế độc đảng đã được hoàn thiện mà không có mấy hành động chống đối hoặc phản kháng, và chỉ trong vòng 4 tháng sau khi Nghị viện từ bỏ mọi trách nhiệm dân chủ.

[sửa] Chế độ trung ương tập quyền

Ngày 7/4/1933, Hitler cử Thống đốc Quốc xã ở mọi bang, giao quyền cho họ chỉ định và dẹp bỏ cơ cấu chính quyền bang, giải tán nghị viện cấp bang, bổ nhiệm và cách chức công nhân viên và thẩm phán của bang. Trong vòng nửa tháng từ khi nhận quyền hành từ Nghị viện, Hitler đã hoàn tất những việc mà nước Đức chưa bao giờ làm được: xóa bỏ mọi quyền hạn của bang vốn đã tồn tại lâu đời, đưa vào chế độ trung ương tập quyền. Cũng không còn cảnh sát bang, quân đội bang – tất cả các lực lượng vũ trang đều thuộc trung ương.

Ngày 30 tháng 1 năm 1934, chính quyền củng cố quyền bằng đạo luật xây dựng lại đế chế (Gesetz über den Neuaufbau des Reichs). Đạo luật này biến chính phủ liên bang phân quyền của Đức thời Weimar thành một nhà nước trung ương tập quyền. Nó giải tán nghị viện quốc gia, chuyển đổi quyền lực tối cao thành chính phủ đế chế trung ương tập quyền và đặt bộ máy hành chính quốc gia dưới sự kiểm soát của bộ máy hành chính Đế chế Đức.

[sửa] Quốc xã nắm lấy Quân đội

Tham mưu trưởng Röhm của lực lượng SA, hiện đã lên đến nửa triệu người, đề xuất với nội các là lực lượng SA phải là nền tảng cho Quân đội Nhân dân mới, và toàn bộ Quân đội, SA và SS được đặt dưới Bộ Quốc phòng mà ông ngụ ý sẽ do mình đứng đầu. Giới lãnh đạo Quân đội đồng lòng phản đối và kêu gọi Hitler ủng hộ họ.

Vào lúc này, Hitler rất cần Quân đội, thế nên ông không chấp nhận đề xuất của Röhm. Đến mùa hè 1934, quan hệ giữa Röhm và Quân đội càng tồi tệ hơn. Hitler nhận thức rõ ràng ông chỉ nắm được quyền lực nếu có sự ủng hộ của tướng lĩnh. Ngày 11/4/1934. Hitler thông báo cho hai chỉ huy Lục quân và Hải quân về tình trạng sức khỏe ngày càng tồi tệ của Tổng thống, và thẳng thừng đề nghị là mình sẽ lên thay thế. Để đáp lại sự ủng hộ của Quân đội, Hitler hứa sẽ trấn áp đội quân SA và đảm bảo rằng Quân đội vẫn là lực lượng vũ trang duy nhất.

Trong nội bộ Đảng Quốc xã nổi lên một cuộc tranh giành quyền lực mới không khoan nhượng. Göring và Himmler cùng liên kết với nhau để chống lại Röhm. Hai người có ý định thanh trừng đám SA, quét sạch các đối thủ ở cánh Tả lẫn Hữu, kể cả những người lúc trước chống đối Hitler nhưng bây giờ không còn hoạt động.

Hitler kết tội Röhm bắt đầu “các bước chuẩn bị để đích thân triệt hạ tôi.” Điều này hầu như không có thực. Mặc dù có lẽ ta không bao giờ biết được toàn bộ vụ việc, các chứng cứ có sẵn đều cho thấy Röhm không bao giờ âm mưu lật đổ Hitler.

Muốn giữ những mối quan hệ tốt với quân đội, đêm ngày 30 tháng 6 năm 1934, Hitler đã bật đèn xanh cho cái mà về sau được gọi là Đêm của những con dao dài, nghĩa là một cuộc thanh trừng đẫm máu trong hàng ngũ lãnh đạo SA cũng như cũng như các cá nhân đối lập khác, thay thế nó bằng một tổ chức trung kiên hơn là cơ quan SS của Đức quốc xã. Ngay sau đó, các lãnh đạo quân đội đã tuyên thệ trung thành với Hitler.

Xem chi tiết: Đêm của những con dao dài

Sau khi cuộc thanh trừng kết thúc, Hitler tuyên bố rằng ông chính là pháp luật, như phát biểu trước Nghị viện ngày 13/7/1934:

Nếu có ai trách tôi và hỏi tại sao tôi không vận dụng tòa án tư pháp, thì tôi chỉ có thể trả lời: “Trong thời khắc này tôi có trách nhiệm đối với vận mệnh của dân tộc Đức, và qua đó tôi trở thành chánh án tối cao của dân tộc Đức.”

Và Hitler thêm, với đầy ẩn ý:

Trong tương lai mọi người nên biết rằng nếu họ ra tay chống lại Nhà nước, chắc chắn họ sẽ bị xử tử.

Đấy là lời cảnh cáo sẽ được áp dụng xuyên suốt chế độ Đức Quốc xã cho tất cả những ai dám chống đối Lãnh tụ Hitler.

[sửa] Hitler làm Lãnh tụ Đức Quốc xã

Ngày 2 tháng 8 năm 1934, Tổng thống Hindenburg qua đời, hưởng thọ 87 tuổi. Vào giữa trưa, có thông báo là theo một luật mới do nội các ban hành ngày hôm trước, hai chức vụ Thủ tướng (Reichskanzler) và Tổng thống (Reichspräsident) được nhập lại làm một, và Adolf Hitler đã nhậm chức lãnh đạo đất nước kiêm Tư lệnh Tối cao Quân lực. Chức vụ Tổng thống bị bãi bỏ; Hitler chính thức là Lãnh tụ và Thủ tướng Đế chế (Führer und Reichskanzler).

Hitler tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc Hitler đảm nhận chức Tổng thống ngày 19/8/1934. khoảng 95% cử tri Đức đi bỏ phiếu; 90% tức hơn 38 triệu người chấp thuận cho Hitler chiếm mọi quyền lực. Chỉ có 4 triệu rưỡi người Đức có can đảm – hoặc có ước nguyện – nói “Không.”

Trong Đại hội Đảng Quốc xã nhóm họp ở Nürnberg ngày 5/9, Thị trưởng Bayern đọc lời tuyên cáo của Lãnh tụ:

Vận mệnh mới của dân tộc Đức được xác định chắc chắn trong 1.000 năm tới... Sẽ không cần có cuộc cách mạng nào khác ở Đức trong 1.000 năm nữa!

[sửa] Cuộc sống trong Đức Quốc xã: 1933-1937

Nói chung, đại đa số người Đức dường như không cảm thấy phiền hà khi bị tước mất quyền tự do, khi nhiều nét văn hóa bị hủy hoại và được chế độ tàn bạo thay thế, hoặc khi cuộc đời và công việc của họ bị uốn nắn vào nề nếp đến mức chặt chẽ chưa từng có. Sự khủng bố Quốc xã trong những năm đầu chỉ ảnh hưởng đến một số tương đối ít người. Người nước ngoài mới đến có phần ngạc nhiên thấy là người dân Đức dường như không cảm thấy rằng họ đang bị thị uy và đàn áp. Ngược lại, họ còn ủng hộ chế độ Đức Quốc xã này với lòng sốt sắng chân thực. Bằng cách nào đấy, chế độ đã đem lại cho họ niềm hy vọng mới, sự tự tin mới, lòng tin vào tương lai của đất nước họ.

Hitler đã xóa tan một quá khứ với bao chán chường và thất vọng. Từng bước, rồi nhanh chóng, ông giải phóng Đức khỏi xiềng xích của Hòa ước Versailles, làm rối loạn phe Đồng Minh chiến thắng, và làm cho Đức hùng mạnh về quân sự trở lại. Đây là những gì đại đa số người Đức mong mỏi. Rồi họ sẵn lòng hy sinh cho những gì mà Lãnh tụ đòi hỏi: tự do cá nhân, ăn uống đạm bạc và lao động cực nhọc. Đến mùa thu 1936, nạn thất nghiệp về cơ bản đã được giải quyết, hầu như mọi người đều có công ăn việc làm trở lại. Rõ ràng là quần chúng bị mê hoặc với chế độ “quốc gia xã hội chủ nghĩa” qua lời kêu gọi đặt lợi ích của cộng đồng trên lợi lộc cá nhân.

Đối với một quan sát viên nước ngoài, các luật chủng tộc nhằm gạt người Do Thái ra khỏi cộng đồng Đức dường như là bước gây sốc lùi về thuở sơ khai. Riêng người Đức thì không phản đối vì họ đã được ca tụng là chủng người ưu việt.

Qua báo chí và truyền thanh bị kiểm duyệt, người Đức nghe loáng thoáng về nỗi kinh sợ ở nước ngoài, nhưng họ thấy người nước ngoài vẫn đổ xô đến Đức và có vẻ như vui thích tính mến khách trong nước này. So với Liên Xô, Đức vẫn còn mở rộng cho cả thế giới nhìn vào. Cũng trái ngược với Liên Xô, Đức Quốc xã cho phép công dân của họ được đi ra nước ngoài. Điểm cần ghi nhận là Quốc xã có vẻ như không lo người Đức trung bình bị tiêm nhiễm tư tưởng chống Quốc xã khi đi đến các nước dân chủ.

Ngành du lịch phát triển mạnh, mang về một khối lượng lớn ngoại tệ mà Đức rất cần. Hiển nhiên là các nhà lãnh đạo Quốc xã không thấy có gì phải giấu diếm. Người nước ngoài, cho dù có tư tưởng chống chủ nghĩa Quốc xã đến đâu, đều có thể đến Đức quan sát và nghiên cứu bất cứ điều gì tùy thích – ngoại trừ trại tập trung và, giống như mọi nước khác, cơ sở quân sự. Và nhiều người đã đến. Và nhiều người trở về nếu không thay đổi chính kiến thì ít nhất trở nên khoan dung hơn về “nước Đức mới” và tin rằng những gì họ đã trông thấy là “thành tựu tích cực.”

Thế vận hội được tổ chức ở Berlin năm 1936 đã cho Quốc xã một cơ hội bằng vàng để tạo ấn tượng cho thế giới về những thành tựu của Đế chế Thứ Ba. Chưa từng có Thế vận hội nào được tổ chức ngoạn mục như thế với chương trình giải trí phong phú như thế. Du khách, nhất là người Anh và người Mỹ, có ấn tượng mạnh đối với những gì họ nhìn thấy: hiển nhiên là một dân tộc hạnh phúc, khỏe mạnh, thân thiện, đoàn kết dưới Hitler. Họ cho biết đấy là cả sự khác biệt so với những gì họ đọc qua những bài báo gửi đi từ Berlin.

[sửa] Chính sách bài Do Thái

Trong năm đầu của Đế chế Thứ Ba, 1933, người Do Thái bị gạt ra ngoài hành chính công, báo chí, truyền thanh, nông nghiệp, giáo dục, kịch nghệ, phim ảnh; năm 1934 thêm thị trường chứng khoán; năm 1938 thêm các ngành luật, y khoa và thương mại. Luật Nürnberg ban hành ngày 15/9/1935 không cấp quốc tịch Đức cho người Do Thái, cấm hôn nhân và quan hệ ngoài hôn nhân giữa hai chủng tộc Do Thái và Aryan, cấm người Do Thái thuê người làm Aryan dưới 35 tuổi. Trong vài năm kế tiếp, khoảng 13 nghị định bổ sung cho Luật Nürnberg đặt người Do Thái hoàn toàn ngoài vòng pháp luật.

[sửa] Sự ngược đãi các giáo hội Cơ đốc

Đức Quốc xã tiến hành cuộc chiến chống các giáo hội Cơ đốc một cách ôn hòa hơn, nhưng cuối cùng vẫn đi đến chỗ quyết liệt. Trong vài năm sau khi lên cầm quyền, Đức Quốc xã bắt giữ hàng nghìn linh mục, nữ tu và cấp lãnh đạo thế tục, vu cáo nhiều người tội “kém đạo đức” hoặc “buôn lậu ngoại tệ.”

Trên thực tế, tính chất của cuộc đấu tranh giữa chính phủ Quốc xã và các giáo hội đã tồn tại từ ngàn xưa, theo nội dung giống như tranh cãi những gì thuộc về Caesar và những gì thuộc quyền Thượng đế. Hitler luôn khinh rẻ người Tin lành, tuy chỉ là thiểu số nhỏ nhoi ở nước Áo sinh quán của ông, nhưng chiếm hai phần ba dân số Đức.

Sẽ là sai lạc nếu cho rằng việc Quốc xã đàn áp những người Công giáo và Tin lành khiến cho dân Đức bị phân hóa. Không đúng thế. Một dân tộc vốn đã từ bỏ một cách dễ dãi các quyền tự do về chính trị, văn hóa và kinh tế thì không muốn chết, ngay cả vào tù, để tranh đấu cho quyền tự do tín ngưỡng. Những gì thật sự khuấy động người Đức trong thập kỷ 1930s là thành tựu của Hitler trong việc cung cấp công ăn việc làm, mang đến nền kinh tế phồn thịnh, tái lập sức mạnh quân sự của Đức, và đạt thắng lợi này qua thắng lợi khác trong chính sách ngoại giao. Không có nhiều người Đức bị mất ngủ khi hàng nghìn giáo sĩ vào tù sau khi các nhóm Tin lành cãi cọ với nhau.

Tháng 7/1933, đại biểu của các giáo hội Tin lành soạn thảo một hiến chuơng cho một “Giáo hội Đế chế” mới, được Nghị viện chính thức công nhận ngày 14/7. Những gì mà chính phủ Hitler trù định cho nước Đức được ghi rõ ràng trong cương lĩnh của “Giáo hội Đế chế Quốc gia” gồm 31 điểm, với vài điểm chính như sau.

1. Giáo hội Đế chế Quốc gia của Đức duy nhất có quyền hạn và chức năng kiểm soát tất cả giáo phái trong ranh giới Đế chế.
7. Giáo hội Quốc gia không có học giả, giáo sĩ, mục sư hoặc linh mục, nhưng các nhà diễn giảng Giáo hội Quốc gia phát biểu thay cho họ.
13. Giáo hội Quốc gia đòi hỏi ngưng lập tức việc in ấn và phát hành Kinh thánh trên nước Đức...
14. Giáo hội Quốc gia tuyên cáo... rằng Mein Kampf của Lãnh tụ là tài liệu vĩ đại nhất trong tất cả các tài liệu...
18. Giáo hội Quốc gia sẽ dẹp bỏ khỏi bàn thờ mọi thánh giá, Kinh thánh và hình ảnh của các thánh.
19. Trên bàn thờ không có gì khác ngoại trừ Mein Kampf (có tính cách linh thiêng nhất đối với dân tộc Đức và do đó đối với Thượng đế) và bên trái của bàn thờ là một thanh gươm.
39. Thánh giá Cơ đốc phải được dỡ bỏ khỏi tất cả nhà thờ, thánh đường và nhà nguyện... và thay vào đấy là biểu tượng duy nhất không gì chế ngự được: chữ thập ngược.

[sửa] Chính sách xã hội

Chế độ Đức quốc xã có đặc trưng là kiểm soát mọi mặt đời sống xã hội nhằm có được đặc trưng chủng tộc (Aryan, Nordic), sự thuần khiết về xã hội và văn hoá. Các tác phẩm nghệ thuật trừu tượng hiện đại và nghệ thuật tiên tiến bị tống khỏi các bảo tàng và đưa ra trưng bày ở những cuộc triển lãm mà họ cho là nghệ thuật suy đồi để nhạo báng chúng. Tuy nhiên, những đám đông tham dự vào những cuộc triển lãm thứ "nghệ thuật suy đồi" này thường đông hơn rất nhiều so với những cuộc triển lãm chính thức của nhà nước. Một ví dụ nổi tiếng là vào ngày 31 tháng 3 năm 1937, rất đông người đã xếp hàng để xem một cuộc triển lãm đặc biệt về "nghệ thuật suy đồi" ở München khi một cuộc triển lãm khác trưng bày 900 tác phẩm do chính Adolf Hitler đích thân lựa chọn thì chỉ thu hút được một lượng nhỏ khách hờ hững tham quan.

[sửa] Chính sách chủng tộc

Đảng Đức quốc xã theo đuổi các mục tiêu của họ thông qua hành động khủng bố những ai bị coi là không chính thống, đặc biệt là chống lại các nhóm dân tộc thiểu số như Do Thái, gypsie, chứng nhân Jehovah và những người đồng tính.

Theo Điều luật Nürnberg được thông qua năm 1935, người Do Thái bị tước quyền công dân Đức và bị cấm làm việc cho chính phủ. Đa số người Do Thái làm việc cho người Đức bị mất việc vào lúc đó, công việc của họ được dành cho những người Đức thất nghiệp. Ngày 9 tháng 10 năm 1938, đảng quốc xã xúi giục một cuộc tàn sát các thương gia Do Thái được gọi là Kristallnacht ("Đêm thủy tinh" = Đêm của thủy tinh vỡ); cách nói trại này đã được sử dụng bởi vì rất nhiều cửa kính đã bị đập vỡ làm cho đường phố trông giống như được phủ bằng thủy tinh. Tới tháng 9 năm 1939, hơn 200.000 người Do Thái đã rời khỏi nước Đức, chính phủ quốc xã bắt buộc họ phải để lại toàn bộ tài sản ở trong nước.

Đức quốc xã cũng thực hiện các chương trình nhắm tới những thành viên "yếu ớt" hay "kém năng lực" bên trong chính dân tộc của họ, như Chương trình cái chết êm ái T-4 đã giết hại hàng chục nghìn người Đức tàn tật và ốm yếu nhằm "giữ gìn sự thanh khiết của chủng tộc Đức cao quý" (tiếng Đức: Herrenvolk) như được viết trong những văn bản tuyên truyền của Đức quốc xã. Các kỹ thuật giết người hàng loạt được phát triển lúc đó sau này lại được sử dụng trong các trại tàn sát người Do Thái (Holocaust). Theo một điều luật được thông qua năm 1939, chế độ Đức quốc xã thực hiện triệt sản bắt buộc đối với hơn 400.000 cá nhân có bệnh tật di truyền, từ bệnh về tâm thần tới bệnh nghiện rượu.

Xem Chính sách chủng tộc của Đức Quốc xã (lịch sử các chính sách phân biệt đối xử)

[sửa] Chính sách kinh tế

Hình:20 Deutschmark note 3rd Reich.jpg
Đồng Reichsmark gia tăng giá trị một cách đáng kể trong thời Đức quốx xã

Việc quản lý kinh tế nhà nước đầu tiên được trao cho ông chủ ngân hàng được kính trọng Hjalmar Schacht. Dưới sự quản lý của ông, được xem là một phù thủy về kinh tế, một chính sách kinh tế mới nhằm nâng cao vị thế quốc gia được vạch ra, hạn chế nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng và nhắm vào sản xuất xuất khẩu. Các khoản cho vay tín dụng lớn được Reichsbank phê chuẩn dành cho các ngành công nghiệp và các cá nhân.

Những thành tựu của Đức Quốc xã trong giai đoạn đầu là chiến thắng về ngoại giao mà không phải đổ máu, thêm sự hồi phục kinh tế, mà trong đảng cũng như các nhà kinh tế nước ngoài ca ngợi là phép lạ. Số người thất nghiệp từ 6 triệu năm 1932 giảm còn không đến 1 triệu bốn năm sau. Sản lượng và thu nhập quốc nội tăng gấp đôi trong thời gian 1932-37. Dưới con mắt của người nước ngoài, nước Đức như là một tổ ong. Guồng máy công nghiệp đang chạy hối hả, và mọi người đều bận rộn như là ong thợ. Trong năm đầu, những chính sách kinh tế của Quốc xã do TS. Schacht đề ra chủ yếu nhằm tạo công ăn việc làm cho người thất nghiệp qua chương trình xây dựng công ích và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân.

Nhưng cơ bản đúng nghĩa cho sự hồi phục kinh tế của Đức là do tái vũ trang, theo đấy chế độ Quốc xã dồn mọi nỗ lực, khởi đầu từ năm 1934. Cả nền kinh tế Đức được nói đến trong ngôn ngữ Quốc xã là kinh tế chiến tranh, và được thiết kế để vận hành không những trong thời gian chiến tranh mà còn trong thời bình dẫn đến chiến tranh.

Ngày 12/5/1935, Hitler bổ nhiệm Schacht làm Bộ trưởng Đặc mệnh Toàn quyền về Kinh tế Chiến tranh, trao cho ông này quyền hạn để “chỉ đạo sự chuẩn bị kinh tế cho chiến tranh.”

Xem Hjalmar Schacht về những thủ thuật kinh tế của ông này

Dù trong Tòa án Nürnberg, Schacht phản bác kịch liệt cáo buộc cho rằng ông đã tham gia trong âm mưu của Quốc xã để gây chiến, sự thật là không một người nào khác có trách nhiệm như Schacht trong việc chuẩn bị sức mạnh kinh tế cho Đức để tiến đến chiến tranh.

Tháng 9/1936, Đức bắt đầu Kế hoạch Bốn năm và chuyển qua nền kinh tế toàn diện cho chiến tranh. Dù dốt nát về kinh tế ngang bằng với Hitler, Göring thay thế Schacht để nắm quyền độc tài về kinh tế. Mục đích của kế hoạch là làm cho Đức được tự túc trong vòng 4 năm, để không phải khốn đốn vì phong tỏa. Nhập khẩu được giảm đến mức tối thiểu, vật giá và tiền lương được kiểm soát nghiêm nhặt, cổ tức được giới hạn, những nhà máy lớn được giao nhiệm vụ sản xuất cao su nhân tạo, hàng dệt may, nhiên liệu và những sản phẩm khác từ nguyên vật liệu sẵn có trong nước, và nhà máy thép khổng lồ Hermann Göring sản xuất thép từ quặng sắt cấp thấp. Nói tóm lại, cả nền kinh tế Đức được huy động cho chiến tranh.

Người làm chủ doanh nghiệp nhỏ, là một trong những tầng lớp ủng hộ đảng quan trọng nhất và trông mong nhiều điều nơi Adolf Hitler, chẳng bao lâu bị hủy diệt hoặc bị hạ xuống giai cấp làm công ăn lương. Các luật ban hành tháng 10/1937 giải tán mọi doanh nghiệp có số vốn dưới 40.000 USD và cấm mở doanh nghiệp mới có số vốn dưới 2 triệu USD. Việc này quét sạch một phần năm các doanh nghiệp nhỏ. Mặt khác, những tập đoàn công ty, vốn đã được nền Cộng hòa ưu ái, bây giờ lại được Quốc xã củng cố thêm. Theo một luật ban hành ngày 15/7/1933, việc này là bắt buộc. Bộ Kinh tế có chức năng tổ chức những tập đoàn mới hoặc ra lệnh công ty nhỏ gia nhập tập đoàn hiện hữu.

Những hội đoàn doanh nghiệp từ thời Cộng hòa được phép tồn tại, nhưng họ phải tổ chức lại dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Mọi doanh nghiệp đều phải là thành viên. Đứng đầu cơ cấu cực kỳ phức tạp này là Phòng Kinh tế Đế chế, có chủ tịch do Nhà nước bổ nhiệm, kiểm soát 7 nhóm kinh tế quốc gia, 23 phòng kinh tế, 100 phòng công nghiệp và thương mại, và 70 phòng tiểu thủ công nghiệp.

Tuy nhiên, dù cho việc làm ăn bị phiền hà, doanh nhân vẫn có lợi nhuận khá. Các ngành công nghiệp nặng được hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình tái vũ trang. Dù cho cổ tức bị hạn chế ở mức 6%, các công ty không bị khó khăn. Trái lại là đàng khác. Trên lý thuyết, luật quy định là phải tái đầu tư khoản lợi nhuận vượt quá hạn chế vào trái phiếu chính phủ – không có ý nghĩa tịch thu. Thật ra, các công ty tái đầu tư khoản lợi nhuận vượt quá hạn chế vào việc sản xuất của họ. Vào năm 1938, khoản này lên đến 5 tỉ Mác, so với 2 tỉ Mác tổng số tiền tiết kiệm gửi trong các ngân hàng tiết kiệm. Ngoài lợi nhuận thoải mái, giới công nghiệp còn được vui vì công nhân không thể đòi hỏi đồng lương quá đáng. Thật ra, lương của công nhân có phần sụt giảm so với 25 phần trăm gia tăng về giá cả. Nhất là không có đình công, vì đình công bị Đế chế Thứ Ba nghiêm cấm.

Sau này kinh tế Đức được chuyển sang dưới quyền quản lý của Hermann Göring khi, vào ngày 18 tháng 10 năm 1936, Reichstag của Đức thông báo sự thành lập một Kế hoạch bốn năm nhằm đưa kinh tế Đức chuyển sang nền kinh tế sản xuất chiến tranh. Kế hoạch bốn năm đã chính thức kết thúc năm 1940, nhưng tới lúc đó Hermann Göring đã xây dựng được một nền tảng quyền lực bên trong "Văn phòng kế hoạch bốn năm" kiểm soát một cách hiệu quả toàn bộ kinh tế Đức và các sản phẩm được sản xuất ra.

Dưới sự lãnh đạo của Fritz Todt hàng loạt các dự án công cộng được khởi động, đối nghịch với chương trình đối thủ là Chính sách kinh tế xã hội mới (chương trình New Deal do Franklin D. Roosevelt đưa ra năm 1932) cả về mức độ và phạm vi; thành quả lớn nhất của nó là hệ thống đường cao tốc Autobahn. Khi chiến tranh nổ ra, tổ chức to lớn do Todt đã lập ra được dùng vào việc xây dựng các hầm ngầm quân sự bunker, các cơ sở ngầm và các hào lũy ở khắp nơi tại châu Âu. Một phần khác của kinh tế mới Đức là tái vũ trang với mục tiêu mở rộng đội quân vốn đã mạnh mẽ với 100.000 người lên con số hàng triệu.

[sửa] Văn hóa của Đức Quốc xã

Xem Paul Joseph Göbbels để biết thêm chi tiết về các lĩnh vực tuyên truyền, Quốc xã hóa nền văn hóa và sự kiểm soát báo chí, truyền thanh và phim ảnh.

Chính Bộ trưởng Bộ Thông tin Quần chúng và Tuyên truyền Göbbels, cánh tay mặt của Hitler về tuyên truyền và văn hóa, đặt dấu ấn rõ nét cho nền văn hóa của Đức Quốc xã.

Tôm tắt, Göbbels quyết định:

Người Đức được và không được đọc sách gì. Khoảng 4 tháng rưỡi sau khi Hitler trở thành thủ tướng, Đức Quốc xã phát động chiến dịch đốt sách – kể cả tác phẩm của hơn 20 tác giả Đức và nước ngoài nổi tiếng – được cho là không thích hợp với chế độ mới.
Người Đức nào được tham gia vào các hoạt động mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, văn học, báo chí, truyền thanh và phim ảnh. Mọi người hoạt động trong những lĩnh vực này đều bị buộc phải gia nhập một phòng tương ứng của Đế chế, trong đấy các quyết định và chỉ đạo có hiệu lực theo luật định. Trong số các chức năng khác, các phòng có thể trục xuất – hoặc từ chối đơn xin gia nhập – người “thiếu tin cậy về chính trị.” Có nghĩa là người không sốt sắng lắm với Quốc xã thường bị cấm hành nghề và thế là mất kế sinh nhai.
Người Đức nào được làm biên tập viên. Họ phải có quốc tịch Đức, thuộc chủng tộc Aryan và không kết hôn với người Do Thái. Điều 14 của Luật Báo chí quy định biên tập phải “loại ra khỏi báo chí bất kỳ bài viết nào... có xu hướng làm suy yếu sức mạnh của Đức Quốc xã, ý chí nội tại hoặc bên ngoài của dân tộc Đức, nền quốc phòng của Đức... hoặc xúc phạm danh dự và phẩm giá của nước Đức.”
Người Đức được và không được nghe gì và xem gì. Ngành truyền thanh và phim ảnh bị uốn nắn để phục vụ cho mục đích truyên truyền của Nhà nước Quốc xã. Qua Cục Truyền thanh trong Bộ Tuyên truyền, Göbbels kiểm soát hoàn toàn và lèo lái các chương trình truyền thanh cho mục đích của mình. Công việc càng thêm dễ dàng vì ở Đức, giống như những quốc gia Châu Âu khác, Nhà nước nắm độc quyền lĩnh vực truyền thanh.

Điều đáng ngạc nhiên là chế độ tuyên truyền dai dẳng gồm những điều bịa đặt và bóp méo sự thật cuối cùng gây ấn tượng trên tâm tư con người và thường khiến họ dễ lầm lạc. Sống nhiều năm dưới chế độ tuyên truyền liên tục có tính toán thì khó mà thoát khỏi tầm ảnh hưởng. Người dân Đức thường lặp lại như con vẹt những điều vô lý mà họ đã nghe qua đài truyền thanh hoặc đọc qua báo chí. Đôi lúc người nước ngoài có thể thử nói ra sự thật, nhưng được đáp lại với cái nhìn kinh ngạc, với sự im lặng, như thể ta đã phạm thánh. Từ đấy, có thể nhận ra chỉ là vô ích nếu cố tiếp cận với một tư tưởng đã bị bẻ cong, đã thấm nhuần theo cách mà Hitler và Göbbels muốn uốn nắn.

[sửa] Chính sách khủng bố

Quy chế của Gestapo, cảnh sát hoạt động bên ngoài bất kỳ một tổ chức dân sự nào, làm nổi bật ý định của Đức quốc xã nhằm chiếm đoạt các phương tiện để giám sát trực tiếp xã hội Đức. Ngay sau đó, giống hệt như kiểu khủng bố của StalinLiên Xô, một đội quân khoảng 100.000 điệp viên và đặc tình hoạt động trên khắp nước Đức để thông báo tới các quan chức của Đức quốc xã mọi hoạt động chỉ trích hay bất tuân phục. Đa số người dân Đức, hài lòng với nền kinh tế đang được cải thiện và tiêu chuẩn sống cao hơn tỏ ra tuân phục và im lặng, nhưng nhiều đối thủ chính trị, đặc biệt là những người cộng sản và những người xã hội, bị các điệp viên có mặt ở mọi nơi theo dõi và bị tống vào các trại tù nơi họ bị ngược đãi khủng khiếp, và nhiều người đã bị tra tấn và giết hại. Ước tính số nạn nhân chính trị là khoảng vài chục nghìn người chết và mất tích trong những năm đầu thời cầm quyền của Đức quốc xã.

[sửa] Công lý của Đức Quốc xã

Nước Đức dưới chế độ Quốc xã không còn là xã hội dựa trên luật pháp. Ánh sáng công lý đã nêu rõ: “Hitler chính là luật!” Göring nhấn mạnh điều này khi ông nói với các công tố viên Phổ ngày 12/7/1934 rằng “luật và ý muốn của Lãnh tụ là một.” Sau Đêm của những con dao dài, Hitler tuyên bố trước Nghị viện rằng ông là “chánh án tối cao” của dân tộc Đức, với quyền hạn bắt ai chết là phải chết.

Luật Hành chính công ngày 7/4/1933 loại ra khỏi ngành tư pháp người Do Thái và cả những người mà Quốc xã thấy không phù hợp. Những thẩm phán còn lại được chỉ rõ nhiệm vụ của họ nằm ở đâu. Để đảm bảo mọi người thấu hiểu, TS. Hans Frank, Ủy viên Tư pháp và Lãnh đạo Luật Đế chế, năm 1936 nói với các bồi thẩm:

Chủ thuyết Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa là nền tảng cho mọi luật cơ bản, đặc biệt như chỉ rõ trong cương lĩnh Đảng và trong các bài diễn văn của Lãnh tụ.

Luật mới về Hành chính Công ngày 26/1/1937 cho phép bãi nhiệm mọi công chức, kể cả thẩm phán, vì lý do “không đáng tin cậy về chính trị.”

Ngày 24/4/1934, quyền xét xử tội phản quốc được giao cho Tòa án Nhân dân, là loại tòa án gây kinh hoàng nhất trên đất nước. Hội đồng xét xử của Tòa án Nhân dân gồm có 2 thẩm phán chuyên nghiệp và 5 người khác được chọn từ đảng viên Quốc xã, lực lượng SS và Quân đội, vì thế thẩm phán chuyên nghiệp thuộc phía thiểu số. Phán quyết của tòa án này không được quyền kháng cáo, và các phiên xử thường là kín. Quá trình xét xử thường kéo dài chỉ trong một ngày; không có cơ hội để đưa ra người chứng phía bị cáo (nếu có người dám làm chứng biện hộ cho bị cáo “phản quốc”). Còn lý lẽ của luật sư biện hộ, là đảng viên Quốc xã, thì yếu ớt đến độ khó tin. Qua báo chí vốn chỉ đăng tải phán quyết, người ta có cảm tưởng phần lớn bị cáo nhận bản án tử hình, tuy không có con số chính thức nào được đưa ra.

Trước khi có Tòa án Nhân dân là Tòa án Đặc biệt, nhận trách nhiệm xét xử tội phạm chính trị. Hội đồng xét xử của Tòa án Đặc biệt gồm có 3 thẩm phán, đều là người thân tín của đảng, và không có bồi thẩm đoàn. Công tố viên Quốc xã có quyền đưa vụ việc ra xét xử trước tòa thông thường hoặc Tòa án Đặc biệt, nhưng thường là họ chọn Tòa án Đặc biệt, vì lý do hiển nhiên. Cũng giống như ở Tòa án Nhân dân, luật sư biện hộ trong Tòa án Đặc biệt phải được Quốc xã chấp thuận. Đôi lúc, cho dù được chấp thuận, họ vẫn không làm cho Quốc xã hài lòng. Vì thế, khi bà quả phụ của TS. Klausener, bị sát hại trong Đêm của những con dao dài, khởi kiện Nhà nước, các luật sư chuẩn bị làm đại diện cho bà bị nhốt vào trại tập trung cho đến khi họ chính thức xin rút lui khỏi vụ án.

Hitler, và đôi khi Göring, có quyền hủy bỏ phiên xử. Trong số hồ sơ đưa ra ở Nürnberg, có trường hợp Bộ trưởng Tư pháp đề xuất mạnh mẽ khởi tố một nhân viên Mật vụ cấp cao và một nhóm binh sĩ SA vì có chứng cứ rõ ràng là họ phạm tội tra tấn người bị giam trong trại tập trung. Lãnh tụ ra lệnh hủy bỏ việc khởi tố. Lúc đầu, Göring cũng có quyền hành như thế. Một lần, vào tháng 4/1934, Göring cho dừng phiên tòa xử một doanh nhân nổi tiếng. Chẳng bao lâu, người ta được biết rằng bị cáo đã chi cho Göring 4 triệu Mác Đức. Gerhard F. Kramer, một luật sư có tiếng tăm vào lúc ấy ở Berlin, nhận xét: “Không thể nào xác định Göring tống tiền nhà công nghiệp hay nhà công nghiệp đút lót Thủ tướng Phổ.” Điều xác định được là Göring ra lệnh bãi bỏ phiên tòa.

Phải nói rằng đôi lúc thẩm phán thể hiện tinh thần độc lập và gắn bó với pháp luật. Trong những trường hợp như thế, hoặc Heß hoặc Mật vụ can thiệp vào. Vì thế, như ta đã thấy, khi Mục sư Niemöller nhận bản án nhẹ của Tòa án Đặc biệt, Mật vụ bắt giữ ông ngay khi ông bước ra khỏi tòa án và đưa ông vào trại tập trung.

Gestapo (tức Mật vụ), giống như Hitler, cũng là luật. Dưới sức ép của Quốc xã, Tòa án Hành chính Tối cao của Phổ ra phán quyết là những mệnh lệnh và hành động của Gestapo không thuộc thẩm quyền xét xử của ngành tư pháp. Như TS. Werner Best, cánh tay phải của Himmler ở Gestapo, giải thích: “Khi cảnh sát thi hành ý muốn của giới lãnh đạo, tức là họ hành động theo luật.”

Tấm màn “hành động theo luật” được phủ lên những vụ bắt bớ và giam cầm nạn nhân trong trại tập trung. Thuật ngữ thường được sử dụng là “canh giữ bảo vệ,” và biện pháp này được thi hành thay cho những điều khoản của hiến pháp bảo đảm quyền tự do con người. Nhưng canh giữ bảo vệ ở Đức không nhằm bảo vệ con người khỏi hiểm nguy như ở các nước văn minh hơn, mà là một hình thức trừng phạt bằng cách giữ nạn nhân trong vòng rào kẽm gai.

Những trại tập trung mọc lên như nấm trong vòng năm đầu sau khi Hitler lên nắm quyền. Đến cuối năm 1933, có khoảng 50 trại, chủ yếu do lực lượng SA lập nên để đánh đập nạn nhân một trận rồi tống tiền gia đình hoặc bạn bè của họ. Đấy chỉ là hình thức bắt cóc rồi đòi tiền chuộc. Tuy nhiên, đôi lúc nạn nhân bị sát hại, thường do tính bạo dâm hoặc do hung ác.

Sau khi Röhm bị thanh trừng, các trại tập trung được giao cho lực lượng SS, và được họ nhanh chóng tổ chức lại với hiệu năng và tính tàn bạo cố hữu của SS. Nhân viên canh gác được giao cho các đơn vị gọi là Đầu Tử thần, được chọn ra từ những thành phần Quốc xã cứng cỏi nhất, mang huy hiệu đầu lâu và xương chéo trên bộ đồng phục đen. Trại linh tinh được dẹp bỏ, trại lớn hơn được xây lên.

Vào lúc đầu, thập kỷ 1930s, số nạn nhân trong trại tập trung có lẽ không khi nào quá 30 ngàn, và những hành động tàn bạo chưa được biết đến. Nhưng các trại này vẫn không có tính nhân văn. Tôi có được một bản điều lệ của trại Dachau do chỉ huy trại Theodor Eicke soạn ra ngày 1/11/1933.

Điều 11. Người phạm những tội sau đây... sẽ bị treo cổ: phát biểu và tụ tập chống đối, tạo bè đảng, rình rập chung quanh với người khác, tuyên truyền cho đối lập, cung cấp thông tin đúng hoặc sai về trại tập trung, nhận, chôn giấu hoặc nói với người khác về thông tin như thế, đưa thông tin như thế ra khỏi trại vào tay người nước ngoài, v.v...
Điều 12. Người phạm những tội sau đây... sẽ bị bắn ngay lập tức hoặc bị treo cổ sau: tấn công một nhân viên bảo vệ hoặc SS, không tuân lệnh... hoặc xô xát, lớn tiếng, phát biểu trong khi diễu hành hoặc làm việc.

Đồng Minh với Mật vụ là Sở An ninh (Sicherheitsdienst hoặc SD), tạo thêm một cái tên gọi tắt gây kinh hoàng cho mọi người Đức – và sau đấy là cho dân cư các vùng bị chiếm đóng. Năm 1938, một luật mới giao nhiệm vụ cho SD bao trùm cả Đế chế.

Ngày 16/6/1936, lần đầu tiên trong lịch sử nước Đức, lực lượng cảnh sát được hợp nhất trên toàn Đế chế – trước đây cảnh sát nằm trong chính quyền mỗi bang. Himmler được cử làm Chỉ huy trưởng Cảnh sát Đức. Việc này gần giống như đặt cảnh sát vào tay của SS vốn tăng thanh thế mạnh mẽ sau vụ thanh trừng đẫm máu năm 1934. Lực lượng SS không còn là nhóm cận vệ, hoặc đội vũ trang của đảng Quốc xã, mà bây giờ có quyền hạn của cảnh sát quốc gia. Vì thế, Đế chế Thứ Ba đã trở thành một chế độ cảnh sát trị.

[sửa] Giáo dục của Đức Quốc xã

Trường học Đức, từ cấp một đến đại học, đều được Quốc xã hóa. Sách giáo khoa được gấp rút viết lại, chương trình học được thay đổi, Mein Kampf được chọn là tiếng nói chính thức của nhà giáo. Ai không nhận ra tư tưởng mới bị loại ra ngoài. Phần lớn nhà giáo phải ít nhiều là cảm tình viên của Quốc xã nếu chưa phải là đảng viên thực thụ. Để tăng cường ý thức hệ, họ được tập huấn trong trường lớp đặc biệt để học về những nguyên tắc Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa, nhấn mạnh vào chủ thuyết về chủng tộc của Hitler.

Tất cả nhà giáo từ cấp mẫu giáo đến đại học phải gia nhập Liên đoàn Giáo chức Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa mà theo luật “có trách nhiệm điều phối về chính trị và ý thức hệ tất cả nhà giáo theo chủ thuyết của Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa.” Luật Công chức 1937 đòi hỏi nhà giáo “phải sẵn sàng bất kỳ lúc nào để kiên quyết bảo vệ Nhà nước Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa.” Một nghị định trước đấy xếp nhà giáo vào diện công nhân viên chức, vì thế người Do Thái bị loại ra. Tất cả nhà giáo đều phải tuyên thệ “trung thành và phục tùng Adolf Hitler.” Ứng viên giảng dạy đại học phải tham gia 6 tuần trong trại quan sát để chuyên gia Quốc xã khảo sát quan điểm và tính chất của họ rồi báo cáo với Bộ Giáo dục. Bộ này sẽ cấp giấy phép giảng dạy nếu ứng viên tỏ ra “đáng tin cậy" về mặt chính trị.

Trước năm 1933, trường công lập ở Đức là do chính quyền địa phương quản lý, còn đại học do bang quản lý. Bây giờ tất cả đều nằm dưới bàn tay sắt của Bộ trưởng Giáo dục. Chính ông này bổ nhiệm hiệu trưởng đại học và các trưởng khoa, trong khi lúc trước các chức vụ này do giáo sư thực thụ của các phân khoa bầu lên. Bộ trưởng Giáo dục cũng bổ nhiệm lãnh đạo các ban đại diện sinh viên quy tụ tất cả sinh viên, và ban đại diện giảng viên gồm tất cả giảng viên. Hiệp hội Giảng viên Quốc xã, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Quốc xã, có quyền quyết định ai được giảng bài và đảm bảo họ giảng theo chủ thuyết của Quốc xã.

Hậu quả của Quốc xã hóa là thảm họa cho nền giáo dục Đức và cho việc trau dồi kiến thức ở Đức. Lịch sử bị bóp méo trong sách giáo khoa và bài giảng đến nỗi trở nên lố bịch. Việc giảng dạy những môn “khoa học chủng tộc” càng tệ hại hơn: tán dương người Đức là chủng tộc ưu việt và người Do Thái là nguồn gốc của mọi vấn nạn trên thế giới.

Baldur Schirach được cử làm “Lãnh đạo Thanh niên của Đế chế Đức” tháng 6/1933. Áp dụng đúng chiến thuật của đàn anh trong đảng, hành động đầu tiên của anh ta là phái một toán Thanh niên Hitler có vũ trang đi chiếm lấy văn phòng trung ương của Ủy ban Đế chế của các Đoàn Thanh niên Đức. Chủ tịch Ủy ban này, một tướng lĩnh già của Quân đội Phổ có tên Vogt, phải bỏ chạy. Kế tiếp, Schirach tiến công một trong những anh hùng hải quân nổi tiếng nhất, Đô đốc von Trotha, Tham mưu trưởng Hạm đội trong Thế chiến I và hiện giờ là chủ tịch các Đoàn Thanh niên. Vị đô đốc được tôn kính cũng bỏ chạy, chức vụ và tổ chức của ông bị dẹp bỏ. Tài sản trị giá hàng triệu đô, chủ yếu là hàng trăm quán trọ thanh niên khắp nước Đức, bị tịch thu.

Ngoài việc nuôi dưỡng trong gia đình và trường học, qua Đoàn Thanh niên Hitler thanh niên Đức còn được giáo dục về thể chất, trí tuệ và tinh thần theo lý tưởng của Quốc xã.

Cơ quan của Schirach lúc trước nằm trong Bộ Giáo dục, bây giờ được đặt trực tiếp dưới quyền của Hitler. Con người trẻ 29 tuổi này – người đã viết những dòng thơ lãng mạn ca ngợi Hitler – đã trở thành nhà độc tài của giới thanh niên trong Đế chế Thứ Ba.

Từ năm 6 tuổi đến năm nghĩa vụ lao động và quân sự 18 tuổi, tất cả trai và gái đều được tổ chức trong các cấp độ khác nhau của Đoàn Thanh niên Hitler. Cha mẹ nào cố ngăn cản con cái gia nhập sẽ bị án tù nặng, dù là khi họ phản đối cho con gái họ gia nhập một cơ sở đã xảy ra nhiều vụ mang thai.

Trẻ em từ 6 đến 10 tuổi gia nhập nhóm nhi đồng. Họ được phát một quyển sổ để ghi thành tích, kể cả sự tiến bộ về ý thức hệ. Lúc lên 10 tuổi, trẻ phải trải qua những cuộc thi thể dục, cắm trại và lịch sử Quốc xã, trước khi được nhận vào nhóm thiếu niên và cất lời tuyên thệ trung thành với Adolf Hitler.

Khi lên 14 tuổi, trẻ được nhận vào Đoàn Thanh niên Hitler thực thụ cho đến năm 18 tuổi, rồi được gọi làm nghĩa vụ lao động hoặc quân sự. Đoàn Thanh niên Hitler là một tổ chức lớn lao theo cách thức bán quân sự tương tự như lực lượng SA, trong đó đoàn viên được huấn luyện về cắm trại, thể thao, ý thức hệ Quốc xã và quân sự. Nhiều dịp píc-níc cuối tuần ở ngoại ô Berlin của tác giả này bị gián đoạn vì Thanh niên Hitler di chuyển qua các khu rừng hoặc trên đồng cỏ, tay cầm súng trường, lưng mang ba lô nặng nề.

Đôi lúc trẻ gái cũng đi tập trận quân sự. Từ 10 đến 14 tuổi, trẻ gái được cấp đồng phục, được huấn luyện tương tự như trẻ trai, nhưng nhấn mạnh về vai trò của phụ nữ trong Đế chế Thứ Ba: làm bà mẹ khỏe mạnh của những đứa con khỏe mạnh. Điều này càng được chú trọng hơn khi trẻ gái lên 14 tuổi và được nhận vào đoàn thanh nữ.

Lúc lên 18 tuổi, vài nghìn nữ thanh niên (họ phục vụ cho đến năm 21 tuổi) tham gia một năm lao động trên nông trường, tương tự như nghĩa vụ lao động của nam giới. Các thiếu nữ sống trên nông trại, hoặc trong lều ở vùng nông thôn và mỗi sáng được xe đưa đến nông trại. Nhiều vấn nạn đạo đức nảy sinh. Sự hiện diện của một cô gái trẻ đôi lúc làm xáo trộn gia đình nông dân, và tiếng than phiền giận dữ của các bậc cha mẹ có con gái mang thai bắt đầu cất lên. Vấn nạn càng tệ hại hơn khi bên nữ cắm trại gần một trại nghĩa vụ lao động của nam giới.

Đến cuối năm 1938, Đoàn Thanh niên Hitler có gần 8 triệu đoàn viên. Tuy con số này là lớn, rõ ràng là có khoảng 4 triệu vẫn còn ở ngoài. Tháng 3/1939, chính phủ ban hành luật động viên mọi thiếu niên vào Đoàn Thanh niên Hitler tương tự như cách động viên thanh niên vào Quân đội. Nếu cha mẹ cưỡng lại, con cái sẽ bị bắt đi, đưa vào cô nhi viện hoặc gửi vào gia đình khác cho đến ngày gia nhập đoàn.

Chương trình cải tổ giáo dục của Đế chế Thứ Ba lên đến đỉnh điểm với sự thành lập ba loại trường để đào tạo giới ưu tú: Trường Adolf Hitler, Học viện Giáo dục Chính trị Quốc gia và Thành trì Phẩm cấp. Trường Adolf Hitler ở dưới quyền chỉ đạo của Đoàn Thanh niên Hitler, nhận trẻ 12 tuổi có hứa hẹn nhất và giáo dục trẻ trong 6 năm về lãnh đạo đảng và dịch vụ công. Trẻ sống dưới chế độ kỷ luật khắt khe, và khi tốt nghiệp được nhận vào đại học. Có 10 trường như thế được thành lập vào năm 1937.

Học viện Giáo dục Chính trị Quốc gia nhằm phục hồi loại hình giáo dục trước đây được thực hiện trong các trường võ bị của Phổ. Thanh niên được giáo dục về “tinh thần chiến binh với các đức tính là lòng can đảm, ý thức nghĩa vụ và lối sống giản đơn.” Ngoài ra, thanh niên còn được học về những chủ thuyết Quốc xã. Lực lượng SS phụ trách giám sát, bổ nhiệm hiệu trưởng và giảng viên cho các Học viện này. Có 3 Học viện như thế được thành lập vào năm 1933, tăng lên 31 Học viện khi Thế chiến II bùng nổ, trong đó 3 Học viện dành riêng cho nữ.

Ở cấp cao nhất là cái gọi là “Thành trì Phẩm cấp,” được tổ chức theo phong cách trong các thành trì của Phẩm cấp Hiệp sĩ người Teuton trong thế kỷ 14-15, dựa trên nguyên tắc tuân phục tuyệt đối nhà lãnh đạo. Chỉ có thanh niên Quốc xã cuồng tín nhất từ các Trường Adolf Hitler và Học viện Giáo dục Chính trị Quốc gia mới được chọn vào học chương trình trong 6 năm gồm có 4 Thành trì mà họ phải tuần tự vượt qua.

Theo cách ấy, giới trẻ của Đế chế Thứ Ba được huấn luyện để chuẩn bị cho cuộc đời, cho công việc và cho cái chết. Dù đầu óc của họ bị đầu độc, chương trình giáo dục thông thường bị xáo trộn, bị tách xa khỏi mái ấm, giới trẻ trông dường vô cùng hạnh phúc, tràn đầy hăng hái cho cuộc sống của một Thanh niên Hitler. Và chắc chắn rằng việc mang trẻ từ mọi giai cấp xã hội, nghèo hoặc giàu, con nhà công nhân và con nhà doanh nghiệp, đến sống chung và làm việc với nhau, là điều tốt. Trong phần lớn trường hợp, không có hại gì cho trẻ trai và gái cùng nhau thi hành nghĩa vụ lao động, sống ngoài trời, hiểu được giá trị của công việc chân tay và hòa thuận với những người từ mọi giai cấp. Trong thời gian này, ai đã từng hỏi chuyện giới trẻ, quan sát họ làm việc, chơi đùa và ca hát đều thấy rằng đây là một phong trào thanh niên vô cùng năng động – dù cho việc giáo dục có mưu đồ đen tối.

Giới trẻ trong Đế chế Thứ Ba đang lớn lên để có cơ thể mạnh khỏe, niềm tin vào tương lai của đất nước họ và của chính họ, và ý thức về tình bạn và tình đồng chí qua đó phá tan mọi ngăn cách về giai cấp, kinh tế và xã hội. Trong những ngày chiến tranh đã bùng phát ở Tây Âu vào tháng 5/1940, người ta có thể thấy sự tương phản giữa binh sĩ Đức với nước da sạm nắng, cường tráng so với tù binh Anh với má lõm, vai tròn, nước da xanh xao, hàm răng xấu xí. Đấy là những biểu hiện bi thảm của giới trẻ mà nước Anh đã quên lãng một cách vô trách nhiệm trong những năm giữa hai cuộc thế chiến.

[sửa] Công nhân của Đức Quốc xã

Các nghiệp đoàn, vốn có lúc đã dẹp tan một cuộc đảo chính chỉ bằng cách tuyên bố tổng đình công, bây giờ cũng bị dẹp bỏ một cách dễ dàng như đảng phái chính trị – mặc dù phải cần một trò lừa gạt. Chính phủ Quốc xã tuyên bố Lễ Lao động 1 tháng 5 1933 là ngày lễ toàn quốc, được chính thức gọi là “Ngày Lao động Quốc gia,” và chuẩn bị chương trình kỷ niệm trọng thể. Các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn khắp địa phương được đưa về Berlin.

Ngày 2/5/1933, các trụ sở nghiệp đoàn trên khắp cả nước bị chiếm đóng, ngân quỹ nghiệp đoàn bị tịch thu, các nghiệp đoàn bị giải tán, và các nhà lãnh đạo bị bắt giữ. Nhiều người bị đánh đập và đưa vào trại tập trung. Hai lãnh đạo nghiệp đoàn Theodor Leipart và Peter Grassmann đã công khai cam kết cộng tác với chế độ Quốc xã nhưng vẫn bị bắt giam. TS. Robert Ley, Xứ ủy Cologne được Hitler chỉ định giải tán các nghiệp đoàn và thành lập Mặt trận Lao động Đức.

Không được tổ chức nghiệp đoàn, không được thương thảo tập thể và không có quyền đình công, công nhân trong Đế chế Thứ Ba trở thành một thứ nô lệ công nghiệp, bị trói buộc vào người chủ giống như nông nô thời trung cổ bị trói buộc vào địa chủ. Cái gọi là Mặt trận Lao động Đức, trên lý thuyết thay thế những nghiệp đoàn cũ, không phải là đại diện cho công nhân. Mặt trận này quy tụ người làm công ăn lương lẫn chủ nhân và thành viên của các ngành nghề. Trên thực tế, đấy là một cơ quan tuyên truyền rộng lớn và, như vài công nhân nói, là trò lường gạt khổng lồ. Như luật quy định, mục đích của Mặt trận không phải là bảo vệ công nhân, mà để “thành lập một cộng đồng có tính cách xã hội thật sự và có năng suất cao của mọi người Đức... để thực hiện công việc tối đa.” Cũng như mọi nhóm khác ngoại trừ Quân đội, Mặt trận Lao động Đức là một phần của Đảng Quốc xã, hoặc đúng hơn, là một công cụ của đảng. Thật vậy: luật quy định là nhà lãnh đạo của Mặt trận phải là người của Đảng Quốc xã, nghiệp đoàn cũ của Quốc xã, lực lượng SA hoặc SS.

Trước đấy, Luật Điều hành Công nhân Quốc gia ngày 20/1/1934, được biết đến như là “Hiến chương Lao động,” quy định chủ nhân là “lãnh đạo của doanh nghiệp” và công nhân là người “chấp hành.” Chủ nhân có quyền quyết định mọi việc liên quan đến doanh nghiệp. Trong thời xa xưa, lãnh chúa chịu trách nhiệm về đời sống của nông nô trong lãnh địa của họ. Bây giờ, dưới thời Quốc xã cũng thế: chủ nhân “chịu trách nhiệm về đời sống của nhân viên và công nhân.” Đổi lại, luật quy định là “nhân viên và công nhân có nhiệm vụ trung thành” – tức là họ phải làm việc nặng nhọc, không được than phiền ngay cả về tiền lương.

Mặt trận Lao động Đức ấn định tiền lương của công nhân theo ý kiến của giới chủ – luật không cho công nhân quyền được tham khảo. Chỉ đến năm 1936, khi công nghiệp tái vũ trang thiếu công nhân và vài người chủ tăng mức lương để thu hút thêm người, Nhà nước phải ra lệnh giữ đồng lương ở mức thấp. Hitler tỏ ra thẳng thắn trong việc giữ cho đồng lương thấp: Một nguyên tắc sắt đá của lãnh đạo Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa là không cho phép tăng lương, nhưng cho phép có thêm thu nhập qua việc tăng năng suất. Trong một nền kinh tế mà phần lớn đồng lương được dựa trên công việc đơn lẻ, điều này có nghĩa là công nhân chỉ có thể mong có thêm thu nhập bằng cách làm việc nhanh hơn hoặc làm thêm giờ.

Dù hàng triệu người có việc làm, phần đóng góp của công nhân Đức vào tổng thu nhập quốc dân giảm từ 56,9% trong năm suy thoái kinh tế 1932 xuống còn 53,6% trong năm phồn thịnh 1938. Trong cùng thời gian, thu nhập từ giới tài chính và doanh nghiệp tăng từ 17,4% của tổng thu nhập quốc dân lên 26,6%. Đúng là nhờ ít thất nghiệp, tổng thu nhập của giới làm công ăn lương có tăng 66%, nhưng thu nhập từ giới tài chính và doanh nghiệp còn tăng nhanh hơn: 146%. Cả hệ thống tuyên truyền của Đế chế Thứ Ba từ Hitler trở xuống đều huênh hoang với công chúng là họ chống lại giới tiểu tư sản và tư bản, tuyên bố đoàn kết với công nhân. Nhưng nếu tỉnh táo nghiên cứu số liệu thống kê chính thức, mà có lẽ ít người Đức màng đến, người ta sẽ thấy rằng giới tư bản thường bị Quốc xã lên án lại hưởng lợi nhiều nhất từ những chính sách của Quốc xã.

Ngoài các khoản thuế, bảo hiểm y tế, thất nghiệp và tật nguyền, tiền hội viên của Mặt trận Lao động Đức, cũng giống như mọi người khác dưới chế độc Quốc xã, công nhân còn chịu áp lực phải đóng càng ngày càng nhiều cho các loại quỹ từ thiện, chủ yếu là quỹ Winterhilfe (Từ thiện Mùa đông). Nhiều công nhân bị sa thải vì không chịu đóng tiền cho Từ thiện Mùa đông hoặc đóng quá ít. Tòa án lao động ủng hộ việc sa thải mà không báo trước, phán quyết tội này là “có thái độ thù địch với cộng đồng nhân dân... cần phải lên án mạnh mẽ nhất.” Vào giữa thập kỷ 1930s, ước tính các khoản thuế và đóng góp chiếm 15-35 phần trăm tiền lương của công nhân. Số tiền còn lại là không nhiều cho các nhu cầu nhà ở, thực phẩm, quần áo và giải trí.

Cũng giống như nông nô thời trung cổ, công nhân dưới chế độ Đức Quốc xã bị trói chặt vào nơi làm việc, tuy ở đây không phải chủ nhân trói họ, mà là Nhà nước. Nhưng đối với công nhân nhà máy thì luật được áp dụng chặt chẽ hơn. Nhiều nghị định hạn chế một cách ngặt nghèo việc công nhân thay đổi chỗ làm. Sau tháng 6/1935, Nhà nước có toàn quyền chỉ định thu dụng ai cho công việc gì và ở nơi nào.

Sau cùng, một nghị định đặc biệt ban hành ngày 22/6/1938 đòi hỏi mọi công dân Đức phải làm việc nơi mà Nhà nước điều động họ đến. Công nhân vắng mặt không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền và tù. Dĩ nhiên là cũng có mặt kia của đồng tiền. Chủ nhân không thể sa thải công nhân được điều động như thế nếu không xin phép của nhà nước. Vì thế, công nhân được an tâm về công ăn việc làm – là điều hiếm hoi dưới chế độ Cộng hòa.

Phải công bằng mà nói, công nhân không tỏ vẻ bất mãn về vị trí thấp kém của họ trong Đế chế Thứ Ba. Cuộc sống của họ bị đưa vào khuôn phép, đôi lúc bị khủng bố, nhưng người dân Đức khác cũng thế – bao thế kỷ đã được đưa vào khuôn phép, được bảo làm gì phải làm nấy, giống như mọi người Đức khác. Lý do chính yếu mà họ chấp nhận vị thế yếu kém trong Đế chế Thứ Ba là họ có công ăn việc làm trở lại và được đảm bảo không bị thất nghiệp nữa.

[sửa] Đệ nhị thế chiến

Xem: Lịch sử quân sự Đức trong Thế chiến thứ hai

Năm 1939 các hành động của Đức dẫn tới sự bùng phát Thế chiến thứ hai ở châu Âu. Ba Lan, Pháp, Đan Mạch, Na Uy, BỉHà Lan bị xâm chiếm. Ban đầu, Anh chỉ dùng một ít tiềm lực nhằm giúp đỡ các đồng minh của họ ở châu Âu, nhưng Đức lại định chinh phục Anh bằng cách ném bom dữ dội vào Anh trong Trận chiến nước Anh. Sau khi xâm chiếm Hy Lạp và Bắc Phi, Đức tấn công Liên xô năm 1941. Họ tuyên chiến với Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 1941 sau khi Nhật Bản ném bom vào Trân Châu Cảng.

[sửa] Tiếp tục chế độ khủng bố

Sự khủng bố các nhóm thiểu số vẫn tiếp tục cả bên trong nước Đức và những vùng họ chiếm đóng, từ năm 1941 người Do Thái bị buộc phải đeo một ngôi sao vàng khi ra ngoài đường và đa số họ bị tống tới các ghetto, nơi họ bị cách ly khỏi xã hội. Tháng 1 năm 1942, tại hội nghị Wannsee dưới sự giám sát của Reinhard Heydrich, một kế hoạch để tìm ra "giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái" (tiếng Đức: Endlösung der Judenfrage) ở châu Âu được âm mưu. Trong giai đoạn này khoảng 6 triệu người Do Thái và nhiều nhóm người khác, gồm cả những người đồng tính, người Slav và tù chính trị đã bị giết hại một cách có hệ thống và hơn 10 triệu người bị buộc phải lao động nô lệ. Cuộc diệt chủng này được gọi là Holocaust trong tiếng Anh, Shoah trong tiếng Hebrew. (Đức quốc xã sử dụng cách nói trại trong tiếng Đức với từ Endlösung - "Giải pháp cuối cùng.") Hàng nghìn người bị đưa hàng ngày tới các nhà máy giết chóc, các trại tập trung (tiếng Đức: Konzentrationslager, KZ); các trung tâm ban đầu được lập ra để giam giữ, sau đó thành các nhà máy giết người hàng loạt; được thiết kế để giết hại những tù nhân ở đó.

Xem hoạt động khủng bố của các tổ chức và chỉ huy:
Sicherheitsdienst ("Sở An ninh", viết tắt SD)
Gestapo (Geheime Staatspolizei hoặc Mật vụ)
Schutzstaffel (Schutzstaffel, viết tắt SS)
Heinrich Himmler

Song song với những trại tập trung, Đức quốc xã tiến hành một chương trình man rợ nhằm chinh phục, thực dân hóa và khai thác những vùng đất Sô viết và Ba Lan cùng sắc dân Slav mà họ gọi là Kế hoạch tổng thể Ost. Ước tính 20 triệu thường dân Sô viết, 3 triệu người Ba Lan không thuộc chủng Do Thái, 7 triệu binh sỹ Hồng quân Liên xô đã chết trong cuộc chiến với Nazi mà người Nga gọi là Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Kế hoạch của Đức quốc xã nhằm mở rộng Lebensraum ("không gian sinh sống") của chủng tộc Đức về phía Đông, nhưng lý do để họ khai chiến ở Đông Âu là để "tự vệ trước Chủ nghĩa Bolshevic".

Sau khi thua trận Stalingrad năm 1943 và trận Normandy năm 1944, chế độ này bắt đầu tan rã nhanh chóng, mất các vùng đất vào tay các lực lượng Đồng Minh ở phía tây và phía nam và vào tay Hồng quân Liên Xô và quân Ba Lan ở phía đông. Tới mùa xuân năm 1945 Đồng Minh đã tiến vào lãnh thổ Đức.

[sửa] Cuộc tự hủy hoại không thành

Khi quân Đồng Minh đang ép sát đến Berlin, Hitler đưa ra một trong những quyết định quan trọng cuối cùng trong đời. Ngày 19/3/1945, ông ra lệnh phá hủy tất cả các cơ sở quân sự, công nghiệp, giao thông và viễn thông cũng như mọi cửa hàng trên đất Đức để tránh rơi vào tay quân địch.

Bộ trưởng Khí tài và Vũ trang Albert Speer đã tiên liệu chỉ thị tàn bạo như thế từ những cuộc họp trước đây với Hitler. Ông soạn một bản ghi nhớ mạnh mẽ chống lại hành động tàn ác như thế và lặp lại biện luận của ông là Đức đã thua cuộc chiến, rồi chính ông trình bản ghi nhớ này cho Hitler ngày 18/3. Speer viết:

Có thể chắc chắn là trong vòng 4 đến 8 tuần, rốt cuộc nền kinh tế sẽ sụp đổ... Sau sự sụp đổ này, không thể tiếp tục cuộc chiến dù qua cách thức quân sự... Chúng ta phải làm mọi cách để duy trì sự hiện hữu của đất nước cho đến người cuối cùng, dù qua biện pháp sơ khai nhất... Vào giai đoạn này của cuộc chiến, chúng ta không có quyền tiến hành sự phá hủy vốn có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nếu kẻ thù của ta muốn hủy diệt đất nước này, vốn đã chiến đấu một cách anh dũng, một mình họ sẽ phải chịu ô nhục với lịch sử. Chúng ta có bổn phận phải để lại cho đất nước tất cả khả năng để tái thiết trong tương lai xa...

Nhưng với số phận cá nhân đã bị khép lại, Hitler không quan tâm đến sự hiện hữu của dân tộc Đức mà ông đã luôn bày tỏ tình yêu thương bất tận. Ông nói với Speer:

Nếu ta thất trận, đất nước cũng sẽ tàn lụi. Số phận như thế là không tránh khỏi. Không cần xem xét điều kiện cơ bản mà người dân sẽ cần đến để tiếp tục cuộc sống sơ khai. Ngược lại, tốt hơn là tự ta nên tiêu hủy những thứ ấy bởi vì đất nước này đã biểu hiện là phía yếu hơn và tương lại sẽ tùy thuộc vào đất nước miền đông mạnh hơn [Liên Xô]. Hơn nữa, những người sống sót sau trận chiến chỉ là những người hạ đẳng, vì những người tốt đã chết.

Ngày kế, Hitler ra chỉ thị nổi tiếng về “vườn không nhà trống.” Kế tiếp là lệnh được phát hành ngày 23/3 của Martin Bormann, bí thư cho Hitler. Speer mô tả việc này trước Tòa án Nürnberg:

Lệnh của Bormann nhắm đến việc mang người dân cùng công nhân và tù binh người nước ngoài từ hai miền Đông và Tây vào vùng trung tâm của Đế chế. Hàng triệu người này sẽ phải đi bộ. Xét qua tình hình hiện tại, không thể cung cấp thứ gì cho họ sống tồn... Việc này có thể dẫn đến thảm họa đói kém không tể tưởng tượng nổi.

Nếu tất cả mệnh lệnh khác của Hitler và Bormann được mang ra thi hành, hàng triệu người Đức có thể chết. Speer cố tóm tắt trước Tòa án Nürnberg các lệnh “vườn không nhà trống” khác nhau. Ông nói, phải phá hủy

tất cả nhà máy công nghiệp, tất cả cơ sở điện quan trọng, nhà máy nước, nhà máy khí đốt, cửa hàng thực phẩm và cửa hàng quần áo; tất cả các cây cầul tất cả cơ sở đường sắt và thông tin, tất cả kênh đào, tất cả tàu thuyền, tất cả toa chở hàng hóa và tất cả đầu máy xe lửa.

Người dân Đức tránh khỏi thảm họa cuối cùng là do những nỗ lực siêu nhân của Speer và một số sĩ quan Quân đội đã (cuối cùng!) cãi lệnh của Hitler. Họ đã chạy cùng khắp nước Đức để đảm bảo sĩ quan Quân đội và đảng viên phục tòng một cách cuồng tín không phá hủy những cơ sở ấy. Một phần cũng nhờ sự tiến quân thần tốc của Đồng Minh khiến cho công tác phá hủy trên diện rộng như thế là bất khả thi.

[sửa] Những ngày cuối cùng của Đức Quốc xã

Hitler đã định rời Berlin ngày 20 tháng 4, 1945, sinh nhật thứ 56 của ông, để đi Obersalzberg và chỉ đạo cuộc chiến từ nơi này. Phần lớn nhân viên các bộ đã di tản về phía nam trên những xe tải chất đầy tài liệu, nhiều quan chức khác cũng hối hả tìm cách rời Berlin.

Tuy nhiên, hồi kết đang đến nhanh hơn là Hitler dự tính. Quân Mỹ và Liên Xô đang tiến nhanh đến một giao lộ bên bờ Sông Elbe. Quân Anh-Canada đang đến sát Hamburg và Bremen, chuẩn bị cắt rời nước Đức khỏi Đan Mạch. Ở Ý, Đồng Minh đã chiếm Đức Bologna và đang tiến đến thung lũng Po. Sau khi chiếm được Wien ngày 13/4, quân Liên Xô tiến lên Sông Danube, còn Đại đoàn thứ Ba của Mỹ đang tiến xuống dọc con sông này để bắt tay với họ tại sinh quán Linz của Hitler.

Trong "Tuyên cáo Chính trị" trước khi tự sát, Hitler tuyên bố

Trước khi tôi chết, tôi trục xuất cựu Thống chế Đế chế Hermann Göring ra khỏi đảng và rút lại mọi quyền hành đã trao cho ông ấy qua nghị định ngày 20 tháng 6, 1941... Thay vào chức vụ ông ta, tôi bổ nhiệm Thủy sư Đô đốc Dönitz làm Tổng thống Đế chế và Tư lệnh Tối cao của Quân lực.
Trước khi tôi chết, tôi trục xuất cựu Lãnh tụ SS và Bộ trưởng Nội vụ Heinrich Himmler ra khỏi đảng và ra khỏi tất cả chức vụ nhà nước.

Hitler cũng chỉ thị cho Dönitz bổ nhiệm Göbbels làm Thủ tướng, Bormann là “Bộ trưởng Đảng” (chức vụ mới), Seyß-Inquart làm Bộ trưởng Ngoại giao, Bá tước Schwerin von Krosigk, là Bộ trưởng Tài chính liên tục từ khi được Papen bổ nhiệm năm 1932, tiếp tục giữ chức vụ này.

Chiều ngày 30 tháng 4, sau khi nói xong những lời vĩnh biệt, Hitler và bà vợ Eva Braun mới làm lễ cưới trở về phòng riêng. Ở hành lang bên ngoài, TS. Göbbels, Bormann cùng vài người khác chờ đợi. Ít lâu sau, họ nghe một tiếng súng lục. Họ chờ nghe tiếng súng thứ hai, như tất cả đều im lặng. Sau một lúc, họ nhè nhẹ bước vào phòng. Họ thấy thi thể của Adolf Hitler ngã dài trên băng ghế dài, đang rỉ máu. Ông đã tự bắn vào miệng. Eva Braun nằm kế bên ông. Hai khẩu súng lúc nằm trên sàn, nhưng bà vợ không dùng súng. Bà đã nuốt thuốc độc.

Bây giờ là 3 giờ rưỡi chiều ngày Thứ Hai, 30 tháng 4, 1945, mười ngày sau sinh nhật thứ 56 của Hitler, mười hai năm ba tháng sau ngày ông trở thành Thủ tướng của Đức Quốc xã và thiết lập Đế chế thứ Ba. Đế chế này chỉ kéo dài hơn ông có một tuần.

[sửa] Kết cuộc

Ngày 4 tháng 5 - 8 tháng 5 năm 1945, các lực lượng quân đội Đức đầu hàng vô điều kiện chấm dứt cuộc chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu và với sự thành lập của Hội đồng quản lý Đồng Minh ngày 5 tháng 6 năm 1945, bốn cường quốc đã "nắm quyền tối cao đối với nước Đức".

Đồng Minh chiến thắng ban đầu chia nước Đức thành những vùng chiếm đóng, tại Hội nghị Potsdam các biên giới của Đức bên trong vùng chiếm đóng của Sô viết bị dời về phía tây, đa số được trao cho Ba Lan trong khi một nửa vùng Đông Phổ bị sáp nhập vào Liên xô. Cuộc di cư của người Đức từ Đông Âu, được khởi động do hậu quả của Hiệp ước Molotov-Ribbentrop, đã được hoàn thành vào cuối cuộc chiến khi hầu như toàn bộ người Đức ở Trung Âu đã sơ tán sang phía tây đường biên giới Oder-Neisse, gây ảnh hưởng tới khoảng 10 triệu người Đức. Các vùng của Pháp, Hoa Kỳ và Anh sẽ trở thành nước Tây Đức sau này, trong khi vùng của Sô viết trở thành nước Đông Đức cộng sản. Tây Đức được khôi phục trong thập kỷ 1960, còn Đông Đức thì theo chế độ cộng sản tới tận năm 1990 mới thống nhất với Tây Đức.

Sau chiến tranh, các lãnh đạo Đức quốc xã còn sống sót bị đem ra xử tại Tòa án Nürnberg về các Tội ác chống hòa bình, Tội ác chiến tranh và Tội ác chống nhân loại. Chỉ một số nhỏ bị xử tử hình, đa số họ được thả vào giữa thập kỷ 1950 vì lý do sức khỏe và tuổi tác. Nhiều người vẫn tiếp tục sống tới tận thập kỷ 1970 và thập kỷ 1980. Tại tất cả các nước châu Âu không phát xít đều có các cuộc thanh trừng hợp pháp nhằm trừng phạt các thành viên Đức quốc xã cũ và các đảng Phát xít. Một sự trừng phạt không được kiểm soát đã làm tổn thương đến những con em gia đình thành viên Đảng Quốc xã trẻ em Nazi và những trẻ em có bố là các binh sỹ Đức tại các vùng bị chiếm đóng, gồm cả các trẻ em được gọi là lebensborn.

Xem Tòa án Nürnberg

[sửa] Cơ cấu của Đức Quốc xã

(Dấu * chỉ người được nêu tên trong Tuyên cáo Chính trị của Hitler để giữ chức vụ sau khi Hitler qua đời)

Nguyên thủ quốc gia

  • Lãnh tụ và Thủ tướng Đế chế: Adolf Hitler, tiếp nhiệm là Tổng thống Karl Dönitz* và Thủ tướng Joseph Göbbels*
  • Văn phòng Lãnh tụ: Philip Bouhler
  • Văn phòng Đảng: Martin Bormann
  • Bộ trưởng Đảng: Martin Bormann*
  • Văn phòng Tổng thống: Otto Meissner (bãi bỏ năm 1934)
  • Văn phòng Thủ tướng Đế chế: Hans Lammers
  • Hội đồng Nội các Cơ mật: Konstantin von Neurath

Các cơ quan chủ chốt

  • Cơ quan Kế hoạch Bốn năm: Bộ trưởng Đặc mệnh Toàn quyền Hermann Göring
  • Cơ quan Kinh tế Chiến tranh: Bộ trưởng Đặc mệnh Toàn quyền Hjalmar Schacht
  • Cơ quan Sử dụng Lao động: Bộ trưởng Đặc mệnh Toàn quyền Fritz Sauckel
  • Đặc mệnh Toàn quyền Hành chính: Heinrich Himmler
  • Ngân hàng Nhà nước: Thống đốc Hjalmar Schacht, Walther Funk
  • Cơ quan Thanh niên Đế chế
  • Cơ quan Kho bạc Đế chế
  • Tổng Thanh tra Đế chế
  • Lãnh đạo Đế chế đặc trách Phụ nữ: Gertrud Scholtz-Klink
  • Lãnh đạo Đế chế đặc trách Thể thao: Hans von Tschammer und Osten
  • Mặt trận Lao động Đức: TS. Robert Ley, Robert Ley*

Các bộ quan trọng

  • Ngoại giao: Konstantin von Neurath, Joachim von Ribbentrop, Lutz Graf Schwerin von Krosigk, Seyß-Inquart*
  • Nội vụ: Wilhelm Frick, Heinrich Himmler, Paul Giesler*
  • Quốc phòng: Karl Dönitz *
  • Thông tin và Tuyên truyền: Joseph Goebbels, Werner Naumann*
  • Hàng không: Hermann Göring
  • Kinh tế: Karl Schmitt, Hjalmar Schacht, Walther Funk, Walther Funk*
  • Tài chính: Schwerin von Krosigk, Schwerin von Krosigk*
  • Khí tài và Vũ trang: Fritz Todt, Albert Speer, Karl-Otto Saur*
  • Tư pháp: Otto Thierack, Otto Thierack*
  • Lương Nông: Walther Darré, Herbert Ernst Backe*
  • Công nghiệp: Walter Funk
  • Bộ trưởng không bộ nào: Konstantin von Neurath, Hans Frank, Hjalmar Schacht, Arthur Seyß-Inquart

Các lãnh thổ chiếm đóng

  • Thống đốc Tỉnh Ostmark (Áo): Arthur Seyß-Inquart
  • Bảo quốc Böhmen và Mähren: Konstantin von Neurath
  • Chủ tịch Hội đồng Hành chính Tiệp Khắc: Konrad Henlein
  • Toàn quyền Ba Lan: Hans Frank
  • Văn phòng Quân quản Pháp: Carl-Heinrich von Stülpnagel
  • Văn phòng Quân quản Bỉ & bắc Pháp: Alexander von Falkenhausen
  • Cao ủy Hà Lan: Arthur Seyß-Inquart
  • Cao ủy Na Uy: Josef Terboven
  • Bộ trưởng Lãnh thổ miền Đông: Alfred Rosenberg

Cơ quan lập pháp

  • Nghị viện (Reichstag), Chủ tịch: Hermann Göring
  • Hội đồng Bang (Reichsrat, tương tự Thượng viện, bị giải tán 1934)

[sửa] Chú thích

  1. Germany — Country Study
  2. Statistisches Bundesamt (Cục thống kê trung ương), Statistisches Jahrbook 2005 für die Bundesrepublik Deutschland, tr. 8
  3. Đức bị quân Đồng Minh chia ra thành 4 vùng. Liên Xô quản lý Đông Đức vùng phía đông còn ba vùng còn lại ở phía Tây do Anh, Pháp, và Hoa Kỳ quản lý. Một số lãnh thổ Đức trước năm 1937 được đưa vào lãnh thổ Ba LanLiên Xô.

Static Wikipedia (no images)

aa - ab - af - ak - als - am - an - ang - ar - arc - as - ast - av - ay - az - ba - bar - bat_smg - bcl - be - be_x_old - bg - bh - bi - bm - bn - bo - bpy - br - bs - bug - bxr - ca - cbk_zam - cdo - ce - ceb - ch - cho - chr - chy - co - cr - crh - cs - csb - cu - cv - cy - da - de - diq - dsb - dv - dz - ee - el - eml - en - eo - es - et - eu - ext - fa - ff - fi - fiu_vro - fj - fo - fr - frp - fur - fy - ga - gan - gd - gl - glk - gn - got - gu - gv - ha - hak - haw - he - hi - hif - ho - hr - hsb - ht - hu - hy - hz - ia - id - ie - ig - ii - ik - ilo - io - is - it - iu - ja - jbo - jv - ka - kaa - kab - kg - ki - kj - kk - kl - km - kn - ko - kr - ks - ksh - ku - kv - kw - ky - la - lad - lb - lbe - lg - li - lij - lmo - ln - lo - lt - lv - map_bms - mdf - mg - mh - mi - mk - ml - mn - mo - mr - mt - mus - my - myv - mzn - na - nah - nap - nds - nds_nl - ne - new - ng - nl - nn - no - nov - nrm - nv - ny - oc - om - or - os - pa - pag - pam - pap - pdc - pi - pih - pl - pms - ps - pt - qu - quality - rm - rmy - rn - ro - roa_rup - roa_tara - ru - rw - sa - sah - sc - scn - sco - sd - se - sg - sh - si - simple - sk - sl - sm - sn - so - sr - srn - ss - st - stq - su - sv - sw - szl - ta - te - tet - tg - th - ti - tk - tl - tlh - tn - to - tpi - tr - ts - tt - tum - tw - ty - udm - ug - uk - ur - uz - ve - vec - vi - vls - vo - wa - war - wo - wuu - xal - xh - yi - yo - za - zea - zh - zh_classical - zh_min_nan - zh_yue - zu -

Static Wikipedia 2007 (no images)

aa - ab - af - ak - als - am - an - ang - ar - arc - as - ast - av - ay - az - ba - bar - bat_smg - bcl - be - be_x_old - bg - bh - bi - bm - bn - bo - bpy - br - bs - bug - bxr - ca - cbk_zam - cdo - ce - ceb - ch - cho - chr - chy - co - cr - crh - cs - csb - cu - cv - cy - da - de - diq - dsb - dv - dz - ee - el - eml - en - eo - es - et - eu - ext - fa - ff - fi - fiu_vro - fj - fo - fr - frp - fur - fy - ga - gan - gd - gl - glk - gn - got - gu - gv - ha - hak - haw - he - hi - hif - ho - hr - hsb - ht - hu - hy - hz - ia - id - ie - ig - ii - ik - ilo - io - is - it - iu - ja - jbo - jv - ka - kaa - kab - kg - ki - kj - kk - kl - km - kn - ko - kr - ks - ksh - ku - kv - kw - ky - la - lad - lb - lbe - lg - li - lij - lmo - ln - lo - lt - lv - map_bms - mdf - mg - mh - mi - mk - ml - mn - mo - mr - mt - mus - my - myv - mzn - na - nah - nap - nds - nds_nl - ne - new - ng - nl - nn - no - nov - nrm - nv - ny - oc - om - or - os - pa - pag - pam - pap - pdc - pi - pih - pl - pms - ps - pt - qu - quality - rm - rmy - rn - ro - roa_rup - roa_tara - ru - rw - sa - sah - sc - scn - sco - sd - se - sg - sh - si - simple - sk - sl - sm - sn - so - sr - srn - ss - st - stq - su - sv - sw - szl - ta - te - tet - tg - th - ti - tk - tl - tlh - tn - to - tpi - tr - ts - tt - tum - tw - ty - udm - ug - uk - ur - uz - ve - vec - vi - vls - vo - wa - war - wo - wuu - xal - xh - yi - yo - za - zea - zh - zh_classical - zh_min_nan - zh_yue - zu -

Static Wikipedia 2006 (no images)

aa - ab - af - ak - als - am - an - ang - ar - arc - as - ast - av - ay - az - ba - bar - bat_smg - bcl - be - be_x_old - bg - bh - bi - bm - bn - bo - bpy - br - bs - bug - bxr - ca - cbk_zam - cdo - ce - ceb - ch - cho - chr - chy - co - cr - crh - cs - csb - cu - cv - cy - da - de - diq - dsb - dv - dz - ee - el - eml - eo - es - et - eu - ext - fa - ff - fi - fiu_vro - fj - fo - fr - frp - fur - fy - ga - gan - gd - gl - glk - gn - got - gu - gv - ha - hak - haw - he - hi - hif - ho - hr - hsb - ht - hu - hy - hz - ia - id - ie - ig - ii - ik - ilo - io - is - it - iu - ja - jbo - jv - ka - kaa - kab - kg - ki - kj - kk - kl - km - kn - ko - kr - ks - ksh - ku - kv - kw - ky - la - lad - lb - lbe - lg - li - lij - lmo - ln - lo - lt - lv - map_bms - mdf - mg - mh - mi - mk - ml - mn - mo - mr - mt - mus - my - myv - mzn - na - nah - nap - nds - nds_nl - ne - new - ng - nl - nn - no - nov - nrm - nv - ny - oc - om - or - os - pa - pag - pam - pap - pdc - pi - pih - pl - pms - ps - pt - qu - quality - rm - rmy - rn - ro - roa_rup - roa_tara - ru - rw - sa - sah - sc - scn - sco - sd - se - sg - sh - si - simple - sk - sl - sm - sn - so - sr - srn - ss - st - stq - su - sv - sw - szl - ta - te - tet - tg - th - ti - tk - tl - tlh - tn - to - tpi - tr - ts - tt - tum - tw - ty - udm - ug - uk - ur - uz - ve - vec - vi - vls - vo - wa - war - wo - wuu - xal - xh - yi - yo - za - zea - zh - zh_classical - zh_min_nan - zh_yue - zu

Static Wikipedia February 2008 (no images)

aa - ab - af - ak - als - am - an - ang - ar - arc - as - ast - av - ay - az - ba - bar - bat_smg - bcl - be - be_x_old - bg - bh - bi - bm - bn - bo - bpy - br - bs - bug - bxr - ca - cbk_zam - cdo - ce - ceb - ch - cho - chr - chy - co - cr - crh - cs - csb - cu - cv - cy - da - de - diq - dsb - dv - dz - ee - el - eml - en - eo - es - et - eu - ext - fa - ff - fi - fiu_vro - fj - fo - fr - frp - fur - fy - ga - gan - gd - gl - glk - gn - got - gu - gv - ha - hak - haw - he - hi - hif - ho - hr - hsb - ht - hu - hy - hz - ia - id - ie - ig - ii - ik - ilo - io - is - it - iu - ja - jbo - jv - ka - kaa - kab - kg - ki - kj - kk - kl - km - kn - ko - kr - ks - ksh - ku - kv - kw - ky - la - lad - lb - lbe - lg - li - lij - lmo - ln - lo - lt - lv - map_bms - mdf - mg - mh - mi - mk - ml - mn - mo - mr - mt - mus - my - myv - mzn - na - nah - nap - nds - nds_nl - ne - new - ng - nl - nn - no - nov - nrm - nv - ny - oc - om - or - os - pa - pag - pam - pap - pdc - pi - pih - pl - pms - ps - pt - qu - quality - rm - rmy - rn - ro - roa_rup - roa_tara - ru - rw - sa - sah - sc - scn - sco - sd - se - sg - sh - si - simple - sk - sl - sm - sn - so - sr - srn - ss - st - stq - su - sv - sw - szl - ta - te - tet - tg - th - ti - tk - tl - tlh - tn - to - tpi - tr - ts - tt - tum - tw - ty - udm - ug - uk - ur - uz - ve - vec - vi - vls - vo - wa - war - wo - wuu - xal - xh - yi - yo - za - zea - zh - zh_classical - zh_min_nan - zh_yue - zu