Điện ảnh Việt Nam
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Điện ảnh Việt Nam có lịch sử bắt đầu từ những năm 1920 và lớn mạnh trong những năm thời chiến từ 1940 đến 1970. Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp điện ảnh của Việt Nam đã có những nỗ lực để hiện đại hóa và thương mại hóa với mục đích hướng ngoại, những phim Việt Nam đương đại đã thu hút được một lượng khán giả lớn là Mùa len trâu và Gái nhảy. Gần đây, ngành điện ảnh Việt Nam đã gây được nhiều chú ý của quốc tế, chủ yếu là những phim tiếng Việt của các đạo diễn Việt kiều. Những phim bằng tiếng Việt được biết nhiều bao gồm Xích lô, Mùi đu đủ xanh và Mùa hè chiều thẳng đứng, tất cả đều bởi Trần Anh Hùng - một Việt Kiều Pháp - làm đạo diễn. Phim Mùi đu đủ xanh đã được đề cử cho giải Oscar phim ngoại ngữ xuất sắc nhất trong năm 1993.
Mục lục |
[sửa] Lịch sử
[sửa] Những phim đầu tiên
Vào những năm 1920, để vượt ra bên ngoài những phim tuyên truyền được chính phủ chỉ đạo, một nhóm người trí thức Việt Nam đã thành lập công ty phim Huong Ky tại Hà Nội. Công ty này sản xuất những phim tư liệu về tang lễ của vua Khải Định và lễ đăng quang của Bảo Đại - vua cuối cùng của Nhà Nguyễn.
Hai phim khác là Cánh đồng ma và Trận phong ba được làm vào năm 1937 với những diễn viên và lời thoại Việt Nam, nhưng cả hai đều thất bại tài chính.
Khoảng năm 1945, Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam đã hình thành một ban phim và lấy tài liệu từ những trận đánh trong Chiến tranh Đông Dương như Trận Mộc Hóa, 1948, Trận Đông Khê, 1950, Chiến thắng Tây Bắc 1952, Việt Nam trên đường thắng lợi, 1953 và Trận Điện Biên Phủ, 1954.
[sửa] Những năm chiến tranh
Sự kết thúc Chiến tranh Đông Dương và sự phân chia Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam đã hình thành hai công nghiệp phim Việt Nam: Miền Bắc tập trung vào những phim tư liệu tuyên truyền còn Miền Nam sản xuất những phim hành động chịu ảnh hưởng Hồng Kông và phim tình cảm.
[sửa] Ở miền Bắc
Phim trường ở Hà nội được thiết lập năm 1956 và Trường Điện ảnh Hà nội được mở vào năm 1959. Phim đầu tiên được sản xuất ở Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Nguyễn Hồng Nghị - một người theo chủ nghĩa dân tộc đạo diễn đó là Chung một Dòng sông và phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam là Đáng đời thằng cáo sản xuất năm 1960.
Những phim tư liệu và phim truyện từ Hà nội thu hút sự chú ý tại những liên hoan phim ở Đông Âu lúc đó. Phim tư liệu Nước về Bắc Hưng nhận Giải vàng tại Liên hoan phim Moscow 1959, và Chị Tư Hậu nhận giải bạc 1963. Nó gắn liền với tên tuổi nữ diễn viên Trà Giang.
Nhưng phần lớn phim của Hà Nội chỉ tập trung đề tài Chiến tranh Việt Nam. Trong khoảng năm 1965 và 1973, 307 phim tư liệu và 141 phim khoa học được sản xuất, trái ngược với con số 27 phim hoạt hình. Thời kì này cũng bao gồm những phim tài liệu Du kích Củ Chi, Lũy thép Vĩnh Linh (1970) kể về những trận đánh. Những phim khác như Đường ra phía trước và Những người săn thú trên núi Dak-sao (1971) là những phim cũng mang tính tài liệu. Những phim truyện từ thời gian này bao gồm Nguyễn Văn Trỗi (1966), Đường về quê mẹ, Truyện vợ chồng Anh Lực (1971), Em bé Hà Nội (1974).
[sửa] Ở miền Nam
Ở miền Nam Việt Nam, lúc bấy giờ là nước tư bản, thị trường tự do nên các hãng phim chủ yếu sản xuất phim thương mại phục vụ quần chúng với nhiều thể loại như hành động, tình cảm, tâm lý xã hội...
Các diễn viên như Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng, v.v. đã thành công trong những phim như Người đẹp Bình Dương, Người tình không chân dung.
Các hãng phim miền Nam cũng sản xuất phim tư liệu và nhiều phim thông tin công cộng, cũng như phim truyện. Tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng của Graham Greene cũng đã lên phim bởi Joseph Mankiewicz. Phim tuyên truyền như Chúng tôi muốn sống hay A Yank in Vietnam (1964) do diễn viên Mỹ Marshall Thompson thủ vai.
[sửa] Thống nhất
Sau khi thống nhất hai miền nam bắc, những phim trường ở Miền Nam quay về làm phim Chủ nghĩa Xã hội. Đầu ra phim truyện Việt Nam đã tăng lên và năm 1978, số lượng phim truyện được làm đẩy từ con số khoảng 3 phim/năm trong những năm chiến tranh, nay lên đến con số 20.
Những phim sau chiến tranh tập trung vào đề tài anh hùng trong cách mạng, những người sinh ra trong chiến tranh và các vấn đề xã hội sau chiến tranh. Những phim từ thời gian này gồm Mùa gió chướng (1978) và Cánh đồng hoang (1979).
[sửa] Phim đương đại
Từ 1986, cùng với sự chuyển hướng của đất nước theo nền kinh tế thị trường, phim điện ảnh Việt Nam đang đua tranh với video và phim truyền hình. Số lượng những phim được sản xuất ở Việt Nam đã khởi sắc từ năm 1987 và nhận được nhiều giải thưởng quốc tế.
Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai của Trần Văn Thủy nhận giải thưởng Phim ngắn tốt nhất tại Liên hoan phim Châu Á-Thái Bình Dương năm 1999. Đời Cát của Nguyễn Thanh cũng nhận giải tại liên hoan năm sau đó.
Cuốc xe đêm của Bùi Thạc Chuyên nhận giải thưởng thứ ba thể loại phim ngắn tại Liên hoan phim Cannes vào năm 2000. Người tình của Nguyễn Anh Hùng cũng được biết đến nhiều tuy nhiên nó là phim Châu Âu sản xuất ở Việt Nam. Tuy nhiên phần lớn phim truyện đều được nhà nước bao cấp giao chỉ tiêu sản xuất nên chất lượng không được đảm bảo, những phim hay được giải cao thì ít được phân phối đến công chúng.
[sửa] Làn sóng thương mại hóa lần thứ nhất
Trước năm 1985, hầu hết phim ảnh do các hãng phim nhà nước làm, nhà nước cấp kinh phí và lên kế hoạch tài trợ sản xuất. Dù phim hay, dở thế nào cũng được các cơ quan phát hành phim mua cùng một giá. Sau đó, các hãng phim lâm vào tình thế không còn tiền để làm phim vì cơ quan phát hành phim không thể thu hồi vốn.
Vì vậy, những bộ phim theo kịp thị hiếu khán giả ra đời bắt đúng tâm lý người xem đã đem lại doanh thu cao. Vào thời điểm đó, những bộ phim võ dài kỳ của Hồng Kông đang ăn khách nên các nhà làm phim lập tức bắt tay vào sản xuất phim võ hiệp dã sử với 2 bộ phim nhựa Thăng Long Đệ Nhất Kiếm và Lửa Cháy Thành Đại La đạt doanh thu kỷ lục là 400 triệu đồng.
Thế là các hãng phim nhà nước nhận thức ra được lối thoát, hàng loạt tư nhân nhảy vào thị trường sản xuất phim. Bộ phim video dài hai tập Phạm Công, Cúc Hoa đưa Lý Hùng và Diễm Hương lên hàng ngôi sao của điện ảnh Việt Nam. Doanh thu phim này trên toàn quốc là 800 triệu đồng.
Kéo theo sau đó, hàng loạt phim đề tài võ hiệp như Kỳ tích Bà đen, Bà chúa cuối cùng, Ân oán nợ đời... Thế nhưng đề tài đã nhàm chán, phần khác trình độ làm phim Việt Nam so với phim Hồng Kông còn thua kém nhiều nên sau một thời gian ăn nên làm ra, các hãng phim lại cụt vốn vì thua lỗ.
Đến tháng 5 năm 1991, một bộ phim tình cảm ra đời làm thay đổi xu hướng làm phim lúc bấy giờ là Vị Đắng Tình Yêu, đem đến cho Lê Mộng Hoàng - đạo diễn, một tên tuổi nhất định. Không thể không nhắc tới hai ngôi sao của bộ phim là Lê Công Tuấn Anh và Thủy Tiên.
Các nhà làm phim nhận ra rằng làm những phim đề tài tình cảm thanh thiếu niên, sinh viên và cuộc sống đương đại chính là lối thoát. Bộ phim Ngọc trong đá là câu chuyện về những thanh niên xung phong đem lại thành công không ngờ với 800 triệu đồng doanh thu, lăng-xê một trong những gương mặt diễn viên sáng giá là Việt Trinh. Kỷ lục doanh thu lên đến đỉnh điểm với một bộ phim hình sự Lệnh truy nã với diễn viên Lê Tuấn Anh - nổi bật trong vai Thái Salem.
Sau thời kỳ này lại là những phim kiểu "mì ăn liền" kém chất lượng nhưng lại bán chạy: Tình người kiếp rắn, Ngã ba lòng. Vì vậy càng ngày có nhiểu chỉ trích và điện ảnh Việt Nam lại đi xuống.
[sửa] Những năm gần đây
Trong những năm gần đây, phim Việt Nam đã được thương mại hóa nhiều hơn với sự thành lập các hãng phim tư nhân và hệ thống các rạp được mở rộng, nâng cấp. Một phim đáng quan tâm là Gái nhảy của Lê Hoàng (2002), miêu tả những vấn nạn xã hội hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh, lời cảnh báo về HIV/AIDS. Tiếp theo là Lọ lem hè phố (2004) và Nữ tướng cướp. Ngày nay, phim hài hước-lãng mạn là sự lựa chọn của nhiều hãng phim tư nhân ở Việt Nam. Khi đàn ông có bầu (2004), Hồn Trương Ba da Hàng Thịt (2006) là ví dụ.