Miền Trung Việt Nam
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Miền Trung Việt Nam hay Trung Bộ (trước kia còn được gọi bằng các tên khác nhau trong lịch sử là Trung Kỳ, An Nam) là một trong ba vùng chính của Việt Nam (Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ) và là vùng ở giữa. Tây Nguyên thường được gộp vào Trung Bộ. Đôi khi có tài liệu gọi vùng này bằng tên ghép Miền Trung-Tây Nguyên. Tên gọi Trung Bộ được dùng từ sau khi vua Bảo Đại thành lập cơ quan hành chính cấp vùng cao hơn tỉnh vào năm 1945, thay cho tên gọi Trung Kỳ gợi nhớ thời kỳ bị Pháp đô hộ. Tên gọi này được các tài liệu chính thức của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng. Tên gọi này cũng được nhiều người sử dụng cho đến ngày nay. Ngoài ra còn có một danh xưng khác là Trung phần, phát xuất từ việc vào năm 1949, Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam Bảo Đại cho thành lập cơ quan hành chính cấp Phần, với chức năng tương đương cấp Bộ năm 1945. Về sau, chính phủ Việt Nam Cộng hòa cũng thường dùng danh xưng này cho đến tận khi sụp đổ vào năm 1975. Tây Nguyên được Việt Nam Cộng hòa gọi là Cao nguyên Trung phần.
Mục lục |
[sửa] Vị trí
Theo cách phân chia địa lý kinh tế hiện nay của nhà nước Việt Nam thì Trung Bộ phía bắc giáp các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Sơn La của vùng Bắc Bộ, phía nam giáp các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu của vùng Nam Bộ. Phía Đông là Biển Đông, trải dài hàng ngàn kílô mét; phía Tây giáp Campuchia và Lào.
[sửa] Các tiểu vùng
Miền Trung được chia làm 2 tiểu vùng:
- Vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, có 6 tỉnh theo thứ tự bắc-nam: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
- Vùng Nam Trung Bộ Việt Nam. Nam Trung Bộ Việt Nam được chia thành:
- Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, gồm 8 tỉnh thành theo thứ tự bắc-nam: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận.
- Tây Nguyên, gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng.
Hai vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ được gọi chung là Duyên hải miền Trung. Khối núi Bạch Mã, nơi có đèo Hải Vân được coi là ranh giới giữa Bắc và Nam Trung Bộ.
Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có khi được gọi tắt là Nam Trung Bộ, khiến cho nhiều người hiểu là Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tách riêng, từ đó một số tài liệu cũng gọi tách ra như vậy.
Một cách chia khác ít phổ biến là Trung Bộ được chia thành bốn tiểu vùng:
- Bắc Trung Bộ, gồm 3 tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh
- (Duyên hải) Trung Trung Bộ gồm 7 tỉnh thành: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định.
- Duyên hải Nam Trung Bộ gồm 4 tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
- Tây Nguyên
[sửa] Các đơn vị hành chính
[sửa] Thời nhà Nguyễn
Vua Gia Long đã chia cả nước Việt Nam thành 23 trấn và 4 doanh thì miền Trung có 7 trấn (1808) và 4 doanh:
- 7 trấn: Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nghĩa, Bình Định, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận. Sau này Quảng Nghĩa do kỵ húy Nguyễn Phúc Toản nên đổi thành Quảng Ngãi.
- Đất kinh kỳ đặt 4 doanh (dinh): Quảng Đức doanh, Quảng Trị doanh, Quảng Bình doanh, Quảng Nam doanh. Dinh Quảng Nam năm 1808 đổi thành trấn Quảng Nam, dinh Quảng Đức năm 1821 đổi thành phủ Thừa Thiên, dinh Quảng Trị đổi thành đạo thuộc phủ Thừa Thiên.
Năm 1831 và 1832 vua Minh Mạng bỏ các trấn, đặt ra tỉnh. Miền Trung bao gồm 10 tỉnh trong tổng số 29 tỉnh của cả nước: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình (4 tỉnh này lập ra năm 1831, các tỉnh còn lại lập ra năm 1832), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận. Ngoài ra vẫn tồn tại phủ Thừa Thiên, gồm đạo Quảng Trị. Từ ngày 6 tháng 6 năm 1884, miền Trung có 12 tỉnh, trong đó hai tỉnh mới là Thừa Thiên và Quảng Trị.
[sửa] Thời kỳ 1945-1975
Năm 1946, Trung Bộ có 21 tỉnh thành (trong đó có 3 thành phố) trong tổng số 72 tỉnh thành của cả nước. Đó là 18 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Phan Rang, Bình Thuận, Kon Tum, Plây Cu, Lâm Viên (Lang Bian/Biang), Đắc Lắc, Đồng Nai Thượng và 3 thành phố: Vinh-Bến Thủy, Huế, Đà Nẵng.
Thời kỳ 1954-1975 Trung Bộ bị chia cắt tại sông Bến Hải (khu phi quân sự theo Hiệp định Genève). Phía bắc thuộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có 4 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh (vốn thuộc tỉnh Quảng Trị). Phía nam thuộc Việt Nam Cộng hòa gồm 17 tỉnh theo cách chia của Việt Nam Cộng hòa: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Pleiku, Phú Bổn, Darlac, Quảng Đức, Tuyên Đức, Lâm Đồng.
[sửa] Từ khi đất nước thống nhất
Từ năm 1976 cho tới năm 1989, Trung Bộ có 10 tỉnh trong tổng số 38 (từ năm 1979 là 40) tỉnh thành của cả nước: Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Quảng Nam-Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Thuận Hải, Gia Lai-Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng.
Năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên tách ra làm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, tỉnh Nghĩa Bình tách ra thành 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, tỉnh Phú Khánh tách ra thành 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, nên Trung Bộ có 14 trong tổng số 44 tỉnh thành của cả nước.
Năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh tách ra thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, tỉnh Gia Lai-Kon Tum tách ra thành 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, tỉnh Thuận Hải tách ra thành 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận nên Trung Bộ có 17 tỉnh trong tổng số 53 tỉnh thành của cả nước.
Năm 1996, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng tách ra thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, đưa số tỉnh của Trung Bộ lên 18 tỉnh trong tổng số 61 tỉnh thành của cả nước.
Năm 2004, tỉnh Đắc Lắc tách ra thành 2 tỉnh Đắc Lắc mới và Đắc Nông, nên Trung Bộ có 19 tỉnh thành.
Hiện nay Trung Bộ có 19 tỉnh thành trong tổng số 64 tỉnh thành của cả nước: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đắc Nông.
Riêng tài liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam (và một số ít tài liệu khác dựa theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê) lại xếp 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vào miền Đông Nam Bộ. Sự sắp xếp này là thiếu thuyết phục cả về mặt địa lý cũng như lịch sử.