Sinh học thiên văn
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Sinh học thiên văn (tiếng Anh: Astrobiology; xuất phát từ tiếng Hy Lạp astron = sao, bios = sự sống, logos = khoa học hay lời nói), còn được diễn đạt bằng các thuật ngữ đồng nghĩa trong tiếng Anh như bioastronomy, exobiology, xenobiology, là một lĩnh vực đa ngành mang các phương diện của thiên văn học, sinh học, địa chất, nghiên cứu chủ yếu về nguồn gốc, sự mở rộng và sự tiến hóa của sự sống trên các thiên thể khác, nghiên cứu các điều kiện sinh học có thể tạo nên khả năng hình thành sự sống, các hình thức của sự sống có khả năng tồn tại và biểu hiện của nó trên các thiên thể ở các kiểu dạng (nhất là trên các hành tinh), nghiên cứu khả năng tồn tại vi sinh vật trên sao Hỏa, sao Kim, sao Thổ và các vệ tinh của chúng.
[sửa] Các vấn đề của ngành sinh học thiên văn
- Định nghĩa sự sống
- Nguyên nhân sự có mặt của sự sống trên Trái Đất
- Sự sống có thể tồn tại ở các điều kiện nào?
- Phương pháp xác định sự tồn tại sự sống trên các hành tinh khác.
- Khả năng phát hiện sự sống cấp cao là bao nhiêu?
- Cấu trúc sự sống ở các hành tinh khác (carbon, silicat).
[sửa] Sao Hỏa
Trước đây, sự thay đổi phản chiếu suất (albedo) trên sao Hỏa tương ứng sự luân phiên các mùa trong năm đã được giải thích bằng sự có mặt của thực vật trên bề mặt của nó. Vì thế lĩnh vực nghiên cứu này còn mang tên "thực vật học thiên văn" (astrobotanics), chính là nhờ công lao của G. A. Tichov và W. M. Sintona. Ngày nay các biến đổi trên bề mặt sao Hỏa được giải thích do các quá trình đóng băng, do tác động của gió và bụi.
[sửa] Sinh học ngoài Trái Đất
Việc tạo giả môi trường của sao Hỏa, của các thiên thể khác trong phòng thí nghiệm và các nghiên cứu có liên quan, cũng như các nghiên cứu sinh học trên các vệ tinh nhân tạo được gọi là "sinh học ngoài Trái Đất" (exobiology).
Việc nghiên cứu trên các "vệ tinh nhân tạo sinh học" (biosatellite) chủ tâm đến tác động của trạng thái không trọng lượng, tác động quá tải của trọng lượng, tác động của phóng xạ, của sự giảm hay không có tác động của từ trường lên các cơ thể sống.
Nghiên cứu về tác động của môi trường vũ trụ đối với con người là nhiệm vụ của "y học vũ trụ".