Bắc Giang
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
- Xin xem các mục từ khác có tên tương tự ở Bắc Giang (định hướng).
Tỉnh Việt Nam |
|
Chính trị và hành chính | |
---|---|
Bí thư tỉnh ủy | Đào Xuân Cần |
Chủ tịch HĐND | Đào Xuân Cần |
Chủ tịch UBND | Thân Văn Mưu |
Địa lý | |
Tỉnh lỵ | Thành phố Bắc Giang |
Miền | Đông Bắc |
Diện tích | 3.822,7 km² |
Các thị xã / huyện | 9 huyện |
Nhân khẩu | |
Số dân (2004) • Mật độ |
1.563.500 người 402,7 người/km² |
Dân tộc | Việt, Nùng, Sán Chay, Hoa, Tày |
Mã điện thoại | 240 |
Mã bưu chính: | {{{Mã bưu chính}}} |
ISO 3166-2 | VN-54 |
Địa chỉ Web | [1] |
Bảng số xe: | {{{Bảng số xe}}} |
Bắc Giang là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, giáp với nhiều tỉnh thành, phía Bắc giáp Lạng Sơn, phía đông giáp Quảng Ninh, phía Tây giáp Thái Nguyên, phía Nam giáp Bắc Ninh và Hải Dương. Tỉnh lỵ: thành phố Bắc Giang, cách Hà Nội 51 km.
Mục lục |
[sửa] Các đơn vị hành chính
Bắc Giang có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố và 9 huyện, với 227 xã, phường và thị trấn:
- Thành phố Bắc Giang
- Yên Thế
- Tân Yên
- Lục Ngạn
- Hiệp Hoà
- Lạng Giang
- Sơn Động
- Lục Nam
- Việt Yên
- Yên Dũng
[sửa] Địa lý
Bắc Giang có diện tích tự nhiên 3.823 km², chiếm 1,2% diện tích tự nhiên của Việt Nam. Theo tài liệu năm 2000, trong tổng diện tích tự nhiên của Bắc Giang, đất nông nghiệp chiếm 32,4%; đất lâm nghiệp có rừng chiếm 28,9%; còn lại là đồi núi, sông suối chưa sử dụng và các loại đất khác.
Bắc Giang có địa hình trung du và là vùng chuyển tiếp giữa vùng núi phía bắc với châu thổ sông Hồng ở phía nam. Tuy phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh là núi đồi nhưng nhìn chung địa hình không bị chia cắt nhiều. Khu vực phía bắc tỉnh là vùng rừng núi. Phía đông bắc có dãy Yên Tử, cao trung bình 300-900 m so với mặt biển, trong đó đỉnh cao nhất là 1.068 m; phía tây bắc là dãy Yên Thế, cao trung bình 300-500 m, chủ yếu là những đồi đất tròn trĩnh và thoải dần về phía đông nam. Tại vùng núi phía đông bắc tỉnh, giáp với Quảng Ninh có khu rừng nguyên sinh Khe Rỗ rộng 7153 ha với hệ động vật và thực vật phong phú, bao gồm 236 loài cây thân gỗ, 255 loài cây dược liệu, 37 loài thú, 73 loài chim và 18 loài bò sát.
Trên địa bàn Bắc Giang có 374 km sông suối, trong đó ba sông lớn là sông Lục Nam, sông Thương và sông Cầu. Sông Lục Nam chảy qua vùng núi đá vôi nên quanh năm nước trong xanh. Sông Thương bắt nguồn từ hai vùng có địa hình và địa chất khác nhau nên nước chảy đôi dòng: bên đục, bên trong.
Ngoài sông suối, Bắc Giang còn có nhiều hồ, đầm, trong đó có hồ Cấm Sơn và Khuôn Thần. Hồ Cấm Sơn năm ở khu vực giáp tỉnh Lạng Sơn, dài 30 km, nơi rộng nhất 7 km và chỗ hẹp nhất 200m. Hồ Cấm Sơn có diện tích mặt nước 2.600 ha, vào mùa mưa có thể lên tới 3.000 ha. Hồ Khuôn Thần có diện tích mặt nước 240 ha và lòng hồ có 5 đồi đảo được phủ kín bởi rừng thông 20 tuổi. Người ta có thể dạo chơi trên hồ Khuôn Thần bằng thuyền đạp chân hoặc thuyền gắn máy, vừa cùng người Sán Chỉ, Cao Lan, Nùng bản địa hát soong hao, vừa thưởng thức những sản phẩm độc đáo của địa phương như hạt dẻ, mật ong và rượu tắc kè.
[sửa] Dân số, dân tộc
Uớc tính năm 2004, dân số Bắc Giang có khoảng 1.56 triệu người, chiếm 1,9% dân số cả nước với mật độ dân số 398,2 người/km², gấp 1,7 lần mật độ dân số bình quân của cả nước. Trên địa bàn Bắc Giang có 26 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đông nhất là người Kinh, chiếm 88,1% dân số toàn tỉnh, tiếp đến là người Nùng chiếm 4,5%; người Tày 2,6%; người Sán Chay và người Sán Dìu, mỗi dân tộc 1,6%; người Hoa 1,2%; người Dao 0,5%.
[sửa] Lịch sử
Thời vua Hùng dựng nước Văn Lang liên bộ lạc, Bắc Giang thuộc bộ Võ Ninh.
Đời Lê, đây là phủ Bắc Hà, năm 1822 đổi là phủ Thiên Phúc, đến đời Tự Đức là phủ Đa Phúc.
Từ ngày 5 tháng 11 năm 1889 đến ngày 9 tháng 9 năm 1891 đã tồn tại tỉnh Lục Nam. Tỉnh Lục Nam gồm các huyện Bảo Lộc, Phượng Nhỡn, Lục Nam, Hữu Lũng (tách từ phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Ninh, ở bên tả ngạn sông Thương) và huyện Yên Bái (tách từ tỉnh Lạng Sơn). Năm 1891 sau khi trả hai huyện Bảo Lộc và Phượng Nhỡn cho tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Lục Nam bị xóa bỏ để nhập vào Đạo Quan binh I.
Tỉnh Bắc Giang được thành lập ngày 10 tháng 10 năm 1895, tách từ tỉnh Bắc Ninh, bao gồm phủ Lạng Giang, phủ Đa Phúc và các huyện Kim Anh, Yên Dũng, Phượng Nhỡn, Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Thế và một số tổng nằm ở phía nam sông Lục Nam. Tỉnh lỵ là Phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang). Năm 1896, phủ Đa Phúc và huyện Kim Anh được trả lại cho tỉnh Bắc Ninh.
Ngày 27 tháng 10 năm 1962, Bắc Giang nhập với Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc và đến ngày 01 tháng 1 năm 1997 lại tách ra như cũ.
Đơn vị hành chính cấp tỉnh thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam | ||||||||||||||||||||||
|