Khúc Hạo
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Loạt bài Lịch sử Việt Nam |
||||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
|
Khúc Hạo (chữ Hán: 曲顥; trị vì: 907-917) hoặc Khúc Thừa Hạo (曲承顥) là con của Khúc Thừa Dụ. Ông được coi là người thực hiện cải cách hành chính đầu tiên ở Việt Nam.
Mục lục |
[sửa] Người thừa kế
Năm 905, Khúc Hạo giúp cha giành quyền tự chủ của người Việt ở An Nam, lúc đó gọi là Tĩnh Hải quân. Khi Khúc Thừa Dụ được nhà Đường phong làm Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân thì ông được cha phong làm “Tĩnh Hải hành quân tư mã quyền tri lưu hậu”, tức là chức vụ của người sẽ kế nghiệp cha làm Tiết độ sứ Tĩnh Hải sau này.
Sử sách ghi chép rất vắn tắt về những năm tháng thời kỳ này nhưng chắc chắn trong 2 năm trị vì ngắn ngủi của cha, Khúc Hạo đã có đóng góp đáng kể trong việc trị sự, bởi vậy khi lên nắm quyền, ông là nhà cai trị ôn hoà nhưng rất vững vàng.
[sửa] Nhà cải cách
Tháng 7 năm 907, Khúc Thừa Dụ mất, Khúc Hạo lên thay cha làm Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân. Nhà Hậu Lương lên thay nhà Đường công nhận ông làm “An Nam đô hộ, sung Tiết độ sứ”. Ông đã kế tiếp sự nghiệp của cha một cách tài tình để củng cố sự nghiệp độc lập của Việt Nam lúc đó từ tay Trung Quốc.
Khúc Hạo đã tiến hành cải cách quan trọng về các mặt. Đường lối chính trị của ông được sử sách tóm lược ngắn gọn song rất rõ ràng: “Chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị, nhân dân đều được yên vui”. Khoan dung tức là không bắt buộc, không quá khắt khe với dân, chống tham quan ô lại. Giản dị là không làm phiên hà, sách nhiễu bởi nhiều thủ tục quan liêu. Yên vui, “an cư lạc nghiệp” là lý tưởng của nếp sống mà người nông dân nơi thôn xóm mong đợi.
Khúc Hạo sửa lại chế độ điền tô, thuế mà lực dịch nặng nề của thời thuộc Đường. Ông ra lệnh “bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch, lập sổ hộ khẩu, kê rõ quê quán, giao cho giáp trưởng (quản giáp) trông coi”.
Từ mô hình của chính quyền đô hộ nhà Đường với An Nam, nhằm khắc phục tình trạng phân tán quyền lực vào tay các thủ lĩnh địa phương, Khúc Hạo đã có những cố gắng lớn đầu tiên nhằm xây dựng chính quyền độc lập, thống nhất từ trung ương đến xã. Ông chia cả nước thành những đơn vị hành chính các cấp: lộ, phủ, châu, giáp, xã. Mỗi xã đặt ra xã quan, một người chánh lệnh trưởng và một người tá lệnh trưởng. Một số xã ở gần nhau thời thuộc Đường gọi là hương nay đổi là giáp, mỗi giáp có một quản giáp và một phó tri giáp để trông nom việc kê hộ khẩu, nhân khẩu và việc thu thuế. Theo sách “An Nam chí nguyên”, Khúc Hạo đặt thêm 150 giáp, cộng với những giáp trước đây nhà Đường đặt, cả thảy toàn bộ Tĩnh Hải quân có 314 giáp.
[sửa] Nguy cơ từ phía bắc
Nhà Hậu Lương, trước đây vì mới cướp ngôi nhà Đường, phương Bắc nhiều biến cố nên thừa nhận Khúc Hạo làm Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân năm 907. Nhưng qua năm sau, vua Hậu Lương là Chu Ôn lại phong cho Tiết độ phó sứ ở Quảng Châu là Lưu Ẩn kiêm chức “Tĩnh Hải quân tiết độ, An Nam đô hộ”. Điều đó có nghĩa là người Trung Quốc vẫn muốn chiếm lại Việt Nam.
Sự cai trị vững vàng của Khúc Hạo khiến họ Lưu ở Quảng Châu không dám nhòm ngó tới phương nam.
Khi được tăng cường lực lượng từ các sĩ dân trung nguyên di cư xuống phía Nam[1], Quảng Châu mạnh lên, tháng 9 năm 917, em Lưu Ẩn là Lưu Nghiễm (lên thay từ năm 911) bèn xưng đế, lập ra nước Nam Hán, một trong Mười nước thời Ngũ Đại[2]
Nhận thấy nguy cơ từ phía họ Lưu, Khúc Hạo sai con là Khúc Thừa Mỹ làm “khuyến hiếu sứ” sang Quảng châu, bề ngoài là để ‘‘kết mối hoà hiếu’’, song bề trong cốt là xem xét tình hình hư thực của địch. Cuối năm 917 khi Khúc Thừa Mỹ trở về thì Khúc Hạo mất. Dù ông chưa từng xưng đế hay xưng vương nhưng đời sau nhớ công lao của ông và gọi ông là ‘‘Khúc Trung chủ’’.
Do hành động ngoại giao mềm dẻo của Khúc Hạo, Nam Hán không gây hấn với Tĩnh Hải quân. Sau này, do Khúc Thừa Mỹ thất sách cả trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại[3]nên Tĩnh Hải quân mới bị Nam Hán xâm chiếm.
[sửa] Nhận định
[sửa] Về nội trị
Khúc Hạo được đánh giá là nhà cải cách hành chính đầu tiên ở Việt Nam. So với thời Cao Biền, số đơn vị hành chính thời Khúc Hạo được tăng lên gấp đôi. Như vậy về chiều rộng, chính quyền trung ương đã vươn tới nhiều nơi hơn trên địa bàn cai trị. Việc đưa nhân khẩu vào quản lý chặt chẽ hơn tại các đơn vị hành chính tạo điều kiện tăng cường nhân lực cho các hoạt động kinh tế, quân sự của chính quyền.
Vào thế kỷ 10, trong khi các hào trưởng địa phương ít nhiều có xu hướng độc lập, cát cứ với chính quyền trung ương (ngay cả các triều đại Ngô, Đinh sau đó cũng vậy), Khúc Hạo đã khéo léo dựa vào họ để củng cố chính quyền cơ sở.
Cuộc cải cách của ông tạo cơ sở kinh tế, xã hội vững chắc cho nền độc lập, tự chủ của người Việt sau này.
[sửa] Về đối ngoại
Hoàn cảnh lịch sử khi Khúc Hạo cầm quyền có khó khăn hơn nhiều so với các triều đại sau này, vì Việt Nam vừa thoát ra khỏi sự ràng buộc với Trung Quốc và trên danh nghĩa chưa được là chư hầu của Trung Quốc (giống các triều đại sau), mà vẫn đang là một “quân” (đơn vị hành chính lúc đó), một bộ phận cấu thành Trung Quốc.
Hiểu rõ thời cuộc, tự biết thực lực của mình, Khúc Hạo đã sáng suốt không xưng đế hay xưng vương để gây sự chú ý của phương bắc, dù khi đó tại các vùng lãnh thổ liền kề trở lên trên phía bắc, những người cai quản các phiên trấn lũ lượt xưng đế hiệu hoặc vương hiệu. Tuy vậy, đời sau vẫn nhìn nhận hành động, công trạng của ông không kém gì một vị đế vương của Việt Nam. Ông là người có công lao nổi bật nhất trong 3 đời họ Khúc xây dựng nền tự chủ.
Chính việc “im hơi lặng tiếng” của ông, không hùa theo những tiếng trống đế vương gõ rộn ràng ở phương bắc lúc đó giúp ông có có thời gian củng cố chính quyền, nuôi dưỡng sức dân, tạo cơ sở cho những người đi tiếp đưa lịch sử Việt Nam thẳng tiến về thế và lực. Công cuộc cải cách hành chính của Khúc Hạo được các nhà sử học nhận định là đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của xã hội Việt Nam mà các triều đại sau đó sẽ hoàn thành.
Thành quả của ông tuy không được Khúc Thừa Mỹ kế tục xứng đáng để gìn giữ nhưng sau này có Dương Đình Nghệ lấy lại[4] và sau đó nữa, họ Ngô đã xưng vương rồi từ họ Đinh trở đi đã xưng đế, chính thức trở thành nước độc lập. Lúc họ Đinh xưng đế, dù Trung Quốc đã nhất thống trở lại dưới tay nhà Tống, biên giới đã liền kề nhưng không thể chiếm lại Việt Nam như nhà Đường được nữa. Hiển nhiên đó là nhờ tài năng, công trạng của những người cầm quyền về sau nhưng cơ sở ban đầu không thể không nói đến ông. Không phải ngẫu nhiên mà họ Khúc và Dương Đình Nghệ đương thời cùng làm Tiết độ sứ, nhưng đời sau tôn họ Khúc là Khúc vương còn Dương Đình Nghệ chỉ được gọi là Dương công.
[sửa] Chú thích
- ▲ Do trung nguyên có loạn lớn nên những quan lại, sĩ phu không cùng cánh với chính quyền mới phải di tản
- ▲ Nguyên ban đầu Lưu Nghiễm lấy quốc hiệu là Đại Việt, sang năm 918 mới đổi tên là Nam Hán và từ đó giữ quốc hiệu này. Quốc hiệu Đại Việt ban đầu càng chứng tỏ tham vọng của họ Lưu muốn đánh Việt Nam mà sau này họ hai lần thực hiện (923, 938)
- ▲ Sử ghi thời Khúc Thừa Mỹ bên trong lao dịch nặng nề; bên ngoài lại thân với nhà Hậu Lương mà nước Nam Hán đã ly khai, chống đối trong khi Hậu Lương ở quá xa tận trung nguyên; hơn nữa Khúc Thừa Mỹ còn công khai gọi Nam Hán là “nguỵ đình” (triều đình không chính thống) làm chọc giận họ Lưu
- ▲ Dương Đình Nghệ là tướng của Khúc Hạo, sau khởi binh đánh đuổi được Nam Hán
[sửa] Xem thêm
[sửa] Tham khảo
- Việt sử lược
- Đại Việt Sử ký Toàn thư
- Khâm định Việt sử Thông giám cương mục
- Lịch sử Việt Nam, tập 1 - Viện sử học, NXB Đại học và giáo dục chuyện nghiệp, 1991
Tiền nhiệm: Khúc Thừa Dụ |
Tĩnh Hải Tiết độ sứ 907-917 |
Kế nhiệm: Khúc Thừa Mỹ |