Tòa án Nürnberg
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tòa án Nürnberg là một loạt những phiên tòa họp ở Thành phố Nürnberg của Đức để xét xử cá nhân và tổ chức của chế độ Đức Quốc xã bị cáo buộc phạm tội ác trong chiến tranh. Địa điểm Thành phố Nürnberg có ý nghĩa đặc biệt vì đây là nơi khởi sinh phong trào Quốc xã, kế tiếp là nơi Quốc xã thưởng tổ chức những buổi đại hội đảng lớn lao.
Mục lục |
[sửa] Tội danh
Tòa án Nürnberg xét xử theo 4 tội danh:
- Tham gia âm mưu phạm Tội ác chống hòa bình. Ở đây có điểm tế nhị là nếu Đức bị kết tội âm mưu xâm lược chống Ba Lan thì đáng lẽ Nga cũng phải bị kết tội theo, vì có Hiệp ước Bất tương xâm Đức-Nga ký kết ngày 23 tháng 8, 1939, quy định hai nước phân chia lãnh thổ Ba Lan.
- Trù định, khởi động và thực hiện chiến tranh xâm lược và những tội ác khác chống hòa bình.
- Tội ác chiến tranh.
- Tội ác chống nhân loại.
[sửa] Nguyên tắc
Tòa án dựa trên những nguyên tắc chính sau:
- Chứng cớ: Tòa án Nürnberg không bị hạn chế trong những quy luật kỹ thuật về cách trình các chứng cứ để buộc tội. Ngược lại, Tòa án có thể áp dụng những cách thức riêng để xem xét các chứng cớ.
- Tính hồi tố: nói một cách dễ hiểu, bị cáo không thể viện dẫn rằng "lúc ấy chưa có luật quy định về tội danh này." Điển hình là tội danh "Tội ác chống nhân loại": lúc tội ác này xảy ra thì chưa có định nghĩa cụ thể về tội danh này, nhưng không vì thế mà Tòa án Nürnberg mất hiệu lực.
- Không cho phép lý lẽ "nguyên cáo cũng thế". Lấy một ví dụ cho dễ hiểu: các bị cáo Đức không thể viện dẫn người Nga cũng đã phạm tội ác tương tự trong cuộc chiến để mong được miễn tố.
- Không cho phép chất vấn tư cách của chánh án. Một số người người biện luận rằng vì các chánh án do các nước thắng trận đề cử, Tòa án không được công bằng. Lý do phản biện lý luận ấy là, ví dụ, điệp viên tình báo luôn bị đưa ra xét xử trước tòa án của quốc gia mà họ đã dò xét. Tuy nhiên, Tòa án Nürnberg cũng có tì vết vì chánh án Nikitchenko của Nga đã tham dự xét xử những phiên tòa thanh trừng nội bộ của Stalin.
Tóm lại, đây là những nguyên tắc của kẻ chiến thắng mà người Đức bại trận phải chấp nhận.
[sửa] Tòa án Quân sự Quốc tế
Những phiên tòa đầu tiên do Tòa án Quân sự Quốc tế (International Military Tribunal – IMT) triệu tập (1945-1946) để xét xử 24 nhân vật quan trọng cùng 6 tổ chức của Đức Quốc xã. Mỗi nước Đồng minh Anh quốc, Pháp, Nga và Hoa Kỳ được cử một chánh án chính, một chánh án dự khuyết và công tố.
Có 12 án tử hình, 3 án tù chung thân, 4 án tù 10-20 năm, 3 tha bổng, 1 người được miễn xử vì thiếu sức khỏe, 1 người tự tử trước khi xét xử. Án tử hình được thi hành bằng cách treo cổ thay vì xử bắn để tỏ rõ hành vi là tội ác, không phải là hành động theo nhiệm vụ trong cuộc chiến.
[sửa] Những cá nhân bị truy tố
- Martin Bormann (1900-1945?), Đại tướng SS, Bí thư Đảng Quốc xã, Chánh Văn phòng Phủ Thủ tướng và Thư ký riêng của Adolf Hitler: tử hình khiếm diện vì chi tiết của cái chết không được rõ ràng, thi thể được tìm ra năm 1972.
- Karl Dönitz (1891-1980), mang quân hàm Thủy sư Đô đốc tuy không phải là đảng viên Quốc xã, Tư lệnh binh chủng tàu ngầm rồi Tư lệnh Hải quân Đức (1943-1945), giữ chức vụ Tổng thống Đức trong 20 ngày sau khi Hitler tự sát: 10 năm tù – nhưng bản án gây nhiều tranh cãi.
- Hans Frank (1900-1946), luật sư cho Đảng Quốc xã, Đại tướng SS, Bộ trưởng không bộ nào (1934), Toàn quyền Đức Quốc xã ở Ba Lan (1939): tử hình. Ông thú nhận một phần tội ác sau khi cuối cùng tỏ ra ăn năn và, theo lời ông, sau khi đã tìm lại Thượng đế, xin được thứ lỗi.
- Wilhelm Frick (1877-1946): Bộ trưởng Nội vụ (1933-36), Bộ trưởng không bộ nào (1936-1943), Bảo quốc của Böhmen và Mähren (1943-): tử hình.
- Hans Fritzsche (1900-1953), Giám đốc Cục Báo chí Quốc nội (1938), Giám đốc Cục Truyền thanh (1942) thuộc Bộ Tuyên truyền: tha bổng. Ngay việc truy tố đã khiến nhiều người đặt dấu hỏi, vì ông chỉ là một nhân viên cấp thấp, bị "truy tố thay cho Göbbels." Ông được tha bổng.
- Walther Funk (1890-1960), Bộ trưởng Kinh tế (1937-1945), thay thế Schacht làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (1939-): tù chung thân, được trả tự do sớm vì lý do sức khỏe (1957).
- Hermann Göring (1893-1946), Lãnh tụ SA (1923), Chủ tịch Nghị viện (1932-1933), Chỉ huy trưởng Gestapo (1934-1936), Bộ trưởng Hàng không, Tư lệnh Không quân (1935-1945), Bộ trưởng Đặc mệnh Toàn quyền Cơ quan Kế hoạch Bốn năm (1936), được chỉ định là người kế vị Lãnh tụ khi Hitler chết (1941), người duy nhất mang quân hàm cao nhất là Thống chế Đế chế (1941): bị tuyên án tử hình nhưng tự tử trước khi bị thi hành án.
- Rudolf Heß (1894-1987), Phó lãnh tụ Đảng Quốc xã: tù chung thân, là tội phạm chiến tranh cuối cùng của Quốc xã bị giam trong nhà tù Spandau của Đồng minh ở Tây Berlin, qua đời vì tự tử trong tù.
- Alfred Jodl (1890-1946), Đại tướng Cấp cao, Tham mưu trưởng Hành quân của Bộ Tổng tham mưu Quân lực trong suốt Thế chiến II, thay mặt cho Dönitz ký bản đầu hàng vô điều kiện: tử hình, được Tòa án Bài trừ Quốc xã của Cộng hòa Liên bang Đức xóa tội (1953) vì thấy ông không vi phạm công pháp quốc tế.
- Ernst Kaltenbrunner (1903-1946), Đại tướng SS, chỉ huy lực lượng SS ở Áo (1935), Giám đốc Cơ quan RSHA (1942-1945), Thủ lĩnh SS và Cảnh sát Donau, viên chức SS cao cấp nhất sống sót sau chiến tranh: tử hình. Ông phủ nhận tất cả tội ác.
- Wilhelm Keitel (1882-1946), Thống chế, Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu Quân lực (1938-1945): tử hình.
- Gustav Krupp von Bohlen und Halbach: chủ nhân tập đoàn Krupp chế tạo vũ khí, bị truy tố nhưng không bị xét xử vì lý do sức khỏe.
- Robert Ley (1890-1945), Tiến sĩ Hóa học, Chủ tịch Mặt trận Lao động Đức (1933): bị Tòa án Nürnberg truy tố nhưng tự tử trong tù trước khi phiên xử diễn ra.
- Konstantin von Neurath (1873-1956), Bộ trưởng Ngoại giao (1932-1938), Toàn quyền Quốc xã Đức ở Böhmen và Mähren (1939-1943): 15 năm tù, được trả tự do sớm vì lý do sức khỏe (1953).
- Franz von Papen (1879-1969), Thủ tướng Cộng hòa Đức (1932-1932), Phó Thủ tướng trong nội các Hitler (1933-34), Công sứ Đức tại Áo (1934-1938), Đại sứ Đức tại Thổ Nhĩ Kỳ (1939-1944): tha bổng.
- Erich Raeder (1876-1960), người đầu tiên nhận quân hàm Thủy sư Đô đốc của Đức Quốc Xã, Tư lệnh Hải quân (1928-1943): chung thân nhưng bản án gây tranh cãi, được trả tự do vì lý do sức khỏe (1955).
- Joachim von Ribbentrop (1893-1946), Đại tướng SS, Đại sứ Đức tại Anh (1936-38), Bộ trưởng Ngoại giao (1938-1945), lập kế hoạch và thi hành mở rộng lãnh thổ Đức, dẫn đến việc sáp nhập Áo và Tiệp Khắc vào nước Đức: tử hình.
- Alfred Rosenberg (1893-1946), khởi xướng và thực hiện nhiều chủ trương của Quốc xã, Bộ trưởng Lãnh thổ miền Đông, chống việc thủ tiêu các dân tộc Slav nhưng có hành động mạnh bài Do Thái: tử hình.
- Fritz Sauckel (1894-1946), Xứ ủy Thüringen (1927), Bộ trưởng Đặc mệnh Toàn quyền Cơ quan Sử dụng Lao động (1942-1945), khai thác lao động nô lệ ở các lãnh thổ bị Đức chiếm đóng: tử hình.
- Hjalmar Schacht (1877-1970), Tiến sĩ Kinh tế (1899), tuy không phải là đảng viên Quốc xã nhưng ủng hộ Hitler nhiệt tình và lập nhiều chương trình nhằm giải quyết nạn thất nghiệp và ổn định tiền tệ (1922-1923), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đức (1923-1930, 1933-1939), Bộ trưởng Kinh tế Đức (1934-1937) kiêm Đặc mệnh Toàn quyền Cơ quan Kinh tế Chiến tranh (1935-1937), Bộ trưởng không bộ nào (1939-1943). Ông bị Quốc xã kết án dính líu đến vụ ám sát Hitler ngày 20/7/1944, bị đưa vào trại tập trung, rồi được Đồng minh giải thoát. Vì thế, ông tỏ ra căm phẫn vì thấy Đồng minh lại đem chính mình ra xét xử như là tội phạm chiến tranh. Ông được Tòa án Nürnberg tha bổng, nhưng bị Tòa án Bài trừ Quốc xã của Đức tuyên 8 năm khổ sai, rồi được trả tự do (1948). Schacht tự biện hộ rằng ông chỉ là một chuyên gia về ngân hàng và kinh tế. Hơn nữa, ông đã mất mọi chức vụ trước khi chiến tranh bủng nổ và còn bị chế độ Quốc xã đưa vào trại tập trung. Vì những yếu tố này, Schacht được Tòa án Nürnberg tha bổng vì xét ông không phạm tội ác chiến tranh. Còn tòa án bài trừ Quốc xã tuyên án tù cho ông là vì ông có tư tưởng bài Do Thái, giúp gây quỹ cho Đảng Quốc xã, trấn áp nghiệp đoàn...
- Baldur von Schirach (1907-1974), Lãnh đạo Đoàn Thanh niên Hitler (1931), Xứ ủy kiêm Thống đốc Thành phố Wien: 20 năm tù.
- Arthur Seyß-Inquart (1892-1946), Thủ tướng Áo (1938), Đại tướng SS, tiếp tục điều hành nước Áo sau khi Áo bị sáp nhập vào Đức (1938), Bộ trưởng không bộ nào của Đức (1939), Phó Toàn quyền Ba Lan, Cao ủy Hà Lan (1940), Ngoại trưởng Đức sau khi Hitler tự sát (1945): tử hình.
- Albert Speer (1905-1981), được xem là "kiến trúc sư đầu tiên của Đức Quốc xã," thiết kế nhiều công trình kiến trúc độc đáo như Phủ Thủ tướng mới (1939), Bộ trưởng Khí tài và Vũ trang (1942), góp công trong việc chấn chỉnh ngành công nghiệp sản xuất của Đức, ngay sau khi chiến tranh chấm dứt được tự do di chuyển, diễn thuyết..., nhưng vẫn bị Tòa án Nürnberg truy tố. Ông gây ấn tượng về tính thẳng thắn, suốt các phiên xử luôn ăn nói một cách thành thực, không hề muốn né tránh trách nhiệm và lỗi lầm của mình. Ông bị tuyên 20 năm tù vì việc sử dụng lao động nô lệ, mãn hạn tù năm 1966.
- Julius Streicher (1885-1946): chủ bút tờ báo của Quốc xã Der Stürmer bài Do Thái, Xứ ủy Franconia trong Bang Bayern, Đảng ủy Nürnberg (1933): tử hình, nhưng bản án bị tranh cãi vì liên quan đến sự xâm phạm quyền tự do ngôn luận và báo chí. Hô lớn “Heil Hitler!” khi bước lên giàn treo cổ.
[sửa] Những tổ chức bị truy tố
- Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (NSDAP, gọi tắt Nazi tức Đảng Quốc xã): bị buộc tội.
- Lực lượng Sturmabteilung (có nghĩa "Quân Bão tố", gọi tắt SA, còn gọi là "Quân Áo nâu"): được tha bổng.
- Lực lượng Schutzstaffel (có nghĩa "Đội Phòng vệ", gọi tắt SS, còn gọi là "Quân Áo đen"): bị buộc tội, ngoại trừ bộ phận SS Kỵ binh được miễn tố.
- Chính phủ Quốc xã: được tha bổng.
- Bộ Tổng tham mưu Quân lực Đức (Oberkommando der Wehrmacht, gọi tắt OKW): được tha bổng.
- Gestapo (Mật vụ) và Sicherheitsdienst (Cơ quan An ninh, gọi tắt SD): bị buộc tội.
[sửa] Tòa án Quân sự Nürnberg
Kế tiếp là 12 phiên tòa do Tòa án Quân sự Nürnberg (Nürnberg Military Tribunal – NMT) do Hoa Kỳ chủ trì (1946-1949) xét xử 185 nhân vật lãnh đạo quân sự, chính trị và kinh tế của Đức Quốc xã bị cáo buộc tội ác trong chiến tranh. Kết quả là 24 án tử hình (11 giảm còn tù chung thân), 20 án tù chung thân, 98 án tù có thời hạn, 35 tha bổng. Có 4 người không bị xét xử vì lý do sức khỏe, và 4 người tự tử trong khi đang bị xét xử.
[sửa] Các nhóm bị cáo
- Các bác sĩ y khoa của Quốc xã bị cáo buộc can dự vào những thí nghiệm trên người sống.
- Thống chế Erhard Milch.
- Các chánh án và quan chức Bộ Tư pháp Đức.
- Oswald Pohl và đồng bọn thuộc WVHA (Wirtschafts-Verwaltungshauptamt – Cục Kinh tế và Hành chính) là cơ quan đặt trong Tổng hành dinh SS, có nhiệm vụ điều hành những hoạt động sản xuất và cung ứng (như hàng hậu cần và lao động nô lệ) cho Lực lượng SS và Quân đội, cũng phụ trách khai thác nguồn lợi kinh tế ở các trại tập trung và trại thủ tiêu, đến năm 1945 quản lý hơn 500 cơ sở sản xuất trên nước Đức và một số cơ sở sản xuất, hầm mỏ ở vùng chiếm đóng như Liên Xô.
- Friedrich Flick và đồng bọn thuộc tập đoàn công ty Flick, can dự vào việc sử dụng công nhân nô lệ.
- Công ty IG Farben, liên quan đến những nhân viên của công ty hóa chất này bị cáo buộc cộng tác với Quốc xã sản xuất phục vụ chiến tranh.
- Wilhelm List và đồng bọn, liên quan đến những tướng lĩnh Đức bị cáo buộc phạm tội ác ở vùng Balkan, Hy Lạp, Albany, Nam Tư và Na Uy.
- Ulrich Greifelt và đồng bọn thuộc các tổ chức SS khác nhau, liên quan đến những cáo buộc về việc giết người và di dân vì lý do chủng tộc.
- Các Đội Đặc nhiệm (Einsatzgruppen), gồm bốn đội bán quân sự (A, B, C và D) gồm quy tụ Gestapo, binh sĩ SS... được tuyển chọn đặc biệt, cáo buộc việc sát hại người Do Thái và chính ủy Liên Xô, các dân tộc Slav... ở Đông Âu. Mười bốn người bị án tử hình. Chỉ có 4 người bị xử tử ngày 8/1/1951, khoảng ba năm rưỡi sau khi tuyên án. Những tử tội khác được giảm án.
- Tổ hợp Công ty chế tạo vũ khí Krupp. 11 quản trị viên của Krupp bị tuyên những án tù do tội ác chống hòa bình và tội ác chống nhân loại.
- Quan chức các bộ: Ernst von Weizsäcker và đồng bọn.
- Tướng lĩnh Bộ Tổng tham mưu Quân lực Đức.
[sửa] Một số bị cáo nổi tiếng
- Richard Darré (1895-1953), Đại tướng SS, Bộ trưởng Lương Nông (1933-1942): 7 năm tù.
- Hermann Hoth (1885-1971), Đại tướng Cấp cao, Tư lệnh Đại đoàn Thiết giáp thứ Ba đánh Liên Xô (1941), Tư lệnh Đại đoàn Thiết giáp thứ Tư bao vây Stalingrad (1942) và đánh Trận Kursk: 15 năm tù giam, được trả tự do năm 1954.
- Georg von Küchler (1881-1968), Thống chế, Tư lệnh Đại đoàn thứ Mười tám đánh Hà Lan và Pháp (1940), Tư lệnh Tập đoàn quân Bắc đánh Leningrad (1941-1944): 20 năm tù, nhưng chỉ ngồi tù 8 năm thì được trả tự do vì già yếu (1953).
- Hans Lammers, Tiến sĩ Luật, chuyên gia luật hiến pháp, Đại tướng SS Danh dự, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng: 20 năm tù, nhưng được giảm án và trả tự do năm 1951, chỉ ngồi tù 6 năm.
- Wilhelm Ritter von Leeb (1876-1956), Thống chế (1940), Tư lệnh Tập đoàn quân 2 chiếm Tiệp Khắc (1938), Tư lệnh Tập đoàn quân C đánh Pháp, Tư lệnh Tập đoàn quân Bắc bao vây Leningrad nhưng không chiếm được thành phố này, vì thế bị tước quyền chỉ huy (1941) và không được Hitler trọng dụng nữa: 3 năm tù, nhưng được trả tự do sau phiên xử vì đã bị giam quá thời gian này.
- Siegmund Wilhelm von List (1880-1971), Thống chế, Tư lệnh Đại đoàn thứ Mười bốn ở Ba Lan (1939), Tư lệnh Đại đoàn thứ Mười hai ở Pháp và Hy Lạp (1939-1941), Tổng Tư lệnh Mặt trận Đông-Nam (1941-1942), Tư lệnh Tập đoàn quân A ở Liên Xô (1942): chung thân (1948), được trả tự do sớm vì lý do sức khỏe (1952).
- Erhard Milch (1892-1972), Thống chế Không quân (1940), Thứ trưởng Bộ Hàng không phụ trách xây dựng lại Không quân Đức (1933), Phó Tư lệnh kiêm Tổng Thanh tra Không quân (1938-1945: chung thân, được trả tự do năm 1954.
- Otto Ohlendorf (1907-1951), Thượng tướng SS, Trưởng phòng III (Tình báo nội bộ) thuộc RSHA (1943-1945), chỉ huy Đội Đặc nhiệm D ở Ukraina và Crimea (1941): tử hình.
- Oswald Pohl (1892-1951), Đại tướng Waffen-SS, Cục trưởng Kinh tế và Hành chính của SS (WVHA), tham gia thủ tiêu người Do Thái trong các trại tập trung: tử hình.
- Fritz Sauckel (1894-1946), Xứ ủy Thüringen (1927), Bộ trưởng Đặc mệnh Toàn quyền Cơ quan Sử dụng Lao động (1942-1945), khai thác lao động nô lệ ở các lãnh thổ bị Đức chiếm đóng: tử hình.
- Walther Schellenberg (1910-1952), Thiếu tướng SS, Phó Giám đốc Cơ quan RSHA (1939-1942), thay thế Đô đốc Wilhelm Canaris làm Giám đốc Cục Quân báo (1944), sau Thế chiến II bị án 6 năm tù nhưng được trả tự do sớm (1951) vì lý do sức khỏe.
- Louis Schlegelberger (1876-1970), Bộ trưởng Tư pháp (1941-42): chung thân, nhưng được trả tự do năm 1950 vì già yếu.
- Otto Schniewind, Đô đốc, Tham mưu trưởng Hải quân (1938-1941): tha bổng.
- Franz Six (1909-1975), Trung tướng SS (1945), đứng đầu Phòng VII của RSHA: 20 năm tù, được giảm án còn 15 năm (1951).
- Hugo Sperrle (1885-1953), Thống chế không quân, Tư lệnh Đại đoàn Không quân 3 đóng trên đất Pháp để đánh phá Anh: tha bổng.
- Walter Warlimont (1894-1976), Thượng tướng, Tham mưu phó Hành quân tại Bộ Tổng tham mưu Quân lực (1939-1944): chung thân (1948), được ân xá năm 1954.
- Maximilian von Weichs (1881-1954), Thống chế, Tư lệnh Tập đoàn quân B trong đó có Đại đoàn thứ Sáu của Thống chế Friedrich Paulus đánh Stalingrad (1942), Tư lệnh Tập đoàn quân F ở vùng Balkan (1943), bị truy tố nhưng không bị xét xử và tuyên án vì lý do sức khỏe.
- Ernst von Weizsäcker (1882-1951), Nam tước, Thứ trưởng Ngoại giao Đức (1938-), Đại sứ Đức tại Tòa thánh Vatican (1943-1945): 7 năm tù, giảm còn 5 năm tù (1949), được trả tự do năm 1950. Ông được con trai là Richard von Weizsäcker làm luật sư biện hộ. Sau này Richard von Weizsäcker là Tổng thống Đức (1984-1994).
[sửa] Những Tòa án khác
Sau các phiên xử của Tòa án Quân sự Quốc tế truy tố 24 bị cáo, có dự định sẽ mở những phiên Tòa án Quân sự Quốc tế kế tiếp, nhưng vì có cuộc Chiến tranh lạnh, 4 nước Đồng minh Pháp, Anh, Hoa Kỳ và Nga không nhất trí với nhau, nên ý định không thành.
Một số tòa án khác được mở ra nhưng không thuộc hệ thống Tòa án Nürnberg, ví vụ: Tòa án Quân sự Dachau, Tòa án Nhân dân Romania, Tòa án Quân sự Liên Xô, một số phiên xử ở Phần Lan, Anh quốc...
Các Tòa án này xét xử những cáo buộc tội ác xảy ra trên lãnh thổ của họ. So với Tòa án Nürnberg, các tòa án này có thể du di một ít trong việc áp dụng những nguyên tắc xét xử. Lấy ví dụ trường hợp của Trung tá Waffen-SS Otto Skorzeny, chỉ huy đội quân giả dạng binh sĩ Mỹ xâm nhập vùng hành quân của Mỹ để gây rối loạn năm 1944). Trước Tòa án Quân sự Dachau, ông được tha bổng vì có nhân chứng phía Đồng minh khai nhận là chính quân Đồng minh cũng chiến đấu trong quân phục của địch. Nếu bị xét xử trong Tòa án Nürnberg, có thể ông không thoát khỏi hình phạt!
[sửa] Những nhân vật nổi tiếng thoát truy tố
- Wilhelm Burgdorf (1895-1945), Đại tướng Lục quân Đức, Trưởng Phòng Nhân viên Lục quân (1944), thi hành việc bức tử Rommel (1944), tự tử ở Berlin khi quân Nga tiến vào thành phố này. Nếu bị truy tố, ông chắc chắn chịu án tù nặng nếu không phải án tử hình.
- Paul Joseph Göbbels (1897-1945), Bộ trưởng Bộ Thông tin Quần chúng và Tuyên truyền của Quốc xã (1933). Sau khi Hitler tự sát, giữ chức Thủ tướng Đức trong một ngày, chấp thuận việc hạ sát sáu đứa con của mình rồi tự sát. Nếu bị truy tố, Göbbels khó thoát án tử hình.
- Heinrich Himmler (1900-1945), Thống chế SS, một trong những nhân vật có thế lực nhất của Đức Quốc xã, Lãnh tụ Lực lượng SS (1929), Chỉ huy trưởng Cảnh sát Đức (1936-), Bộ trưởng Nội vụ (1943-), Đặc mệnh Toàn quyền Hành chính (1943-), Tư lệnh Lực lượng Dân phòng (1944), sau chiến tranh tìm cách liên hệ với Đồng minh để đàm phán hòa bình nhưng bị từ chối, chạy trốn nhưng vẫn bị quân Anh bắt, tự tử trước khi bị xét xử. Nếu bị truy tố, Himmler chắc chắn không thể thoát án tử hình.
- Hans Kammler (1901-1945?), Đại tướng SS, giữ nhiều chức vụ quan trọng như thiết kế trại tập trung và lò thiêu người..., gần cuối Thế chiến II được cử chỉ huy chương trình tên lửa V-2, mất tung tích năm 1945. Nếu bị truy tố, ông khó thoát án tử hình.
- Heinrich Müller (1900-19??), Đại tướng SS (1939), Chỉ huy trưởng Gestapo thuộc Cơ quan RSHA (1939-1945), giữ vai trò quan trọng trong việc thủ tiêu người Do Thái, chỉ huy việc truy lùng nhóm âm mưu ám sát Hitler (1944), mất tung tích sau khi Hitler tự sát. Nếu bị truy tố, ông khó thoát án tử hình.
- Alfred Naujocks (1911-196?), sĩ quan SS chỉ huy đội quân giả dạng làm quân Ba Lan tấn công đài truyền thanh của Đức Gleiwitz để Đức lấy cớ tiến công Ba Lan, khơi mào cho Thế chiến II, sau chiến tranh đào thoát khỏi trại giam tội nhân chiến tranh và mất hẳn tung tích.