Thang sức gió Beaufort
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thang sức gió Beaufort hay đơn giản là cấp gió là thang đo kinh nghiệm về sức gió, chủ yếu dựa trên trạng thái của mặt biển hay các trạng thái sóng. Cũng cần lưu ý rằng độ cao của sóng tính trong điều kiện tìm thấy ở các biển vắng.
Mục lục |
[sửa] Thang độ và miêu tả
Cấp Beaufort | Vận tốc gió ở 10 m trên mực nước biển (hải lý / km/h / mph) | Mô tả | Độ cao sóng (m) | Tình trạng mặt biển | Tình trạng đất liền |
---|---|---|---|---|---|
0 | nhỏ hơn 1 / 2 / 1 | Êm đềm | 0 | Phẳng lặng | Êm đềm |
1 | 2 / 4 / 2 | Gió rất nhẹ | 0,1 | Sóng lăn tăn, không có ngọn. | Chuyển động của gió thấy được trong khói. |
2 | 5 / 9 / 6 | Gió thổi nhẹ vừa phải | 0,2 | Sóng lăn tăn. | Cảm thấy gió trên da trần. Tiếng lá xào xạc. |
3 | 9 / 17 / 11 | Gió nhẹ nhàng | 0,6 | Sóng lăn tăn lớn. | Lá và cọng nhỏ chuyển động theo gió. |
4 | 13 / 24 / 15 | Gió vừa phải | 1 | Sóng nhỏ. | Bụi và giấy rời bay lên. Những cành cây nhỏ chuyển động. |
5 | 19 / 35 / 22 | Gió mạnh vừa phải | 2 | Sóng dài vừa phải (1,2 m). Có một chút bọt và bụi nước. | Cây nhỏ đu đưa. |
6 | 24 / 44 / 27 | Gió mạnh | 3 | Sóng lớn với chỏm bọt và bụi nước. | Cành lớn chuyển động. Sử dụng ô khó khăn. |
7 | 30 / 56 / 35 | Gió mạnh | 4 | Biển cuộn sóng và bọt bắt đầu có vệt. | Cây to chuyển động. Phải có sự gắng sức khi đi ngược gió. |
8 | 37 / 68 / 42 | Gió mạnh hơn | 5,5 | Sóng cao vừa phải với ngọn sóng gẫy tạo ra nhiều bụi. Các vệt bọt nước. | Cành nhỏ gẫy khỏi cây. |
9 | 44 / 81 / 50 | Gió rất mạnh | 7 | Sóng cao (2,75 m) với nhiều bọt hơn. Ngọn sóng bắt đầu cuộn lại. Nhiều bụi nước. | Một số công trình xây dựng bị hư hại nhỏ. |
10 | 52 / 96 / 60 | Gió bão | 9 | Sóng rất cao. Mặt biển trắng xóa và xô mạnh vào bờ. Tầm nhìn bị giảm. | Cây bật gốc. Một số công trình xây dựng hư hại vừa phải. |
11 | 60 / 111 / 69 | Gió bão dữ dội | 11,5 | Sóng cực cao. | Nhiều công trình xây dựng hư hỏng. |
12 | 64 / 118 / 73 và cao hơn | Gió bão cực mạnh | 14+ | Các con sóng khổng lồ. Không gian bị bao phủ bởi bọt và bụi nước. Biển hoàn toàn trắng với các bụi nước. Nhìn gần cũng không rõ. | Nhiều công trình hư hỏng nặng. |
[sửa] Lịch sử
Thang đo này được tạo ra bởi sĩ quan hải quân người Ailen Sir Francis Beaufort khoảng 1805.
Thang ban đầu không có vận tốc gió, nhưng được lập như một tập hợp các tình trạng định tính từ 0 đến 12 mà các tàu thuyền hải quân có thể hoạt động dưới những điều kiện đó - từ 'vừa đủ để lái' tới 'không có buồm nào chịu được'.
Thang đo này đã là một phần tiêu chuẩn của các ghi chép cho tàu thuyền hải quân hoàng gia Anh trong những năm cuối thập niên 1830.
Thang này được chấp thuận sử dụng cho các hoạt động phi-hải quân từ những năm thập niên 1850, với các số Beaufort được ràng buộc với sự quay của máy đo gió. Việc chuyển sự quay thành các số chỉ được chuẩn hóa vào năm 1923 và phép đo đã thay đổi một chút sau đó vài chục năm để hoàn thiện nó, phục vụ cho các nhà khí tượng học.
[sửa] Ứng dụng
Thang đo sức gió Beaufort được sử dụng để phục vụ cho công tác dự báo thời tiết.
Ngày nay, đôi khi các cơn bão mạnh được đánh số từ 12 đến 16 sử dụng thang bão Saffir-Simpson có 5 loại, với bão loại 1 có số Beaufort là 12, bão loại 2 có số Beaufort là 13,v.v.
Tại Việt Nam, do hầu như không có bão mạnh đến mức cần sử dụng thang bão Saffir-Simpson (lý do là các cơn bão mạnh trên cấp 12 hầu như đều xuất phát từ ngoài đại dương, sau khi vượt qua Philipin để đổ bộ vào Việt Nam thì sức gió đã suy giảm rất nhiều), nên người ta chỉ cần sử dụng thang sức gió Beaufort để mô tả sức mạnh của chúng là đủ. Gió xoáy có cấp Beaufort từ 6 đến 7 trên một diện rộng gọi là áp thấp nhiệt đới. Gió xoáy từ cấp 8 trở lên trên một diện rộng, có thể kèm theo mưa lớn gọi chung là bão. Tuy nhiên, điều này đã không còn đúng trong thời gian gần đây, điển hình là các cơn bão Chanchu và bão Xangsane trong năm 2006. Mặc dù bão Chanchu không đi vào vùng bờ biển Việt Nam, nhưng với cấp 4 theo thang bão Saffir-Simpson nó đã làm nhiều tàu thuyền bị đánh chìm và nhiều ngư dân Việt Nam bị chết trên biển Đông. Trong dự báo bão cho cơn bão Xangsane, lần đầu tiên người ta đã sử dụng cấp 13 và trên cấp 13.
Tại Mỹ, gió có cấp Beaufort 6 - 7 tạo ra các bản thông báo là small craft advisory, với sức gió cấp 8 - 9 là gale warning, cấp 10 hay 11 - storm warning (hay "tropical storm warning"), và tất cả những cái mạnh hơn gọi là hurricane warning.
[sửa] Liên kết ngoài
- UK Meteorological Office: The Beaufort Scale
- Investigating Clouds : A lesson plan from the National Science Digital Library that uses the Beaufort Scale.
- US National Weather Service description of Beaufort Scale : Includes photos of accompanying sea appearance.